TT - Việc phạt xe không chuyển quyền sở hữu liệu có nằm trong thẩm quyền
của cảnh sát giao thông, và quy định xử phạt này có cơ sở hay không là
hai câu hỏi được đặt ra sau khi nghị định 71 quy định về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực, gây nên “làn
sóng” phản đối trong dư luận.
 |
Cảnh sát giao thông kiểm tra trường hợp vi phạm rẽ trái lấn phần
đường quy định tại ngã tư Nguyễn Tri Phương - Ba Tháng Hai (Q.10,
TP.HCM) ngày 15-11. Theo một cảnh sát giao thông trong tổ tuần tra này,
sau khi xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông, cảnh sát giao thông
sẽ kiểm tra để xem xe có vi phạm quy định chuyển quyền sở hữu hay không
- Ảnh: T.T.D. |
Trang Pháp luật xin giới thiệu ý kiến đáng chú ý của luật sư Trần Thị Miền:
Đang có nhiều người phản đối quy định “phạt người chủ
phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” nêu
trong nghị định 71/2012 của Chính phủ. Không hẳn do mức tiền phạt tăng
cao mà là do quy định này có thể làm đảo lộn sinh hoạt của hàng triệu
người.
Bạn tôi quê ở một tỉnh phía Bắc vào TP.HCM đã lâu, khi
đi chị có để lại cho cha chiếc xe máy cũ do chị đứng tên. Chuyện con
cái, cha mẹ, anh chị em, vợ chồng có thể sử dụng xe của nhau như bạn tôi
là rất bình thường trong xã hội, miễn sao xe có giấy đăng ký, giấy
chứng nhận bảo hiểm, người lái có giấy phép lái xe và chấp hành các quy
định về luật giao thông.
Không bắt buộc đăng ký lại đòi xử phạt
Đáng nói là hiện nay không có điều luật nào bắt buộc
người chuyển nhượng xe phải đi sang tên, nay cơ quan công an lại đòi xử
phạt chủ xe về lỗi không sang tên?
Về việc đăng ký xe, điều 54 Luật giao thông đường bộ
(GTĐB) quy định: “Xe cơ giới có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm tiêu chuẩn
chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của luật
này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký và biển số”. Vậy
thôi! Luật này không đi sâu vào các quan hệ mua bán, tặng cho xe và vì
thế không có quy định việc chuyển nhượng xe giữa các cá nhân với nhau
phải đi sang tên, đổi chủ.
Đến khi thông tư của Bộ Công an (cụ thể là thông tư
36/2010 và 75/2011) ra đời, trong đó có những điều khoản hướng dẫn người
mua bán xe mới lẫn xe cũ làm thủ tục đăng ký, cấp biển số xe. Căn cứ
vào thông tư này và nghị định thu lệ phí trước bạ, các cơ quan liên quan
đã lần lượt có hướng dẫn về thủ tục chứng thực, công chứng giấy mua bán
xe và mức thu lệ phí trước bạ cho những lần chuyển nhượng xe...
Xin được nói thêm là với bất động sản, mọi người phải
đăng ký thì mới được công nhận quyền sở hữu, sử dụng và điều này được
minh định trong Luật đất đai, Luật nhà ở. Cũng hai luật này yêu cầu
người nhận chuyển nhượng phải tiếp tục đi đăng ký. Thế nhưng với động
sản là xe máy, ôtô thì quy định của điều 54 Luật GTĐB không có ý bắt
buộc mọi người phải đăng ký khi chuyển nhượng.
Vậy nên mới có nhiều ý kiến cho rằng nếu có đủ các điều
kiện quy định thì người dân có thể đi đăng ký xe để được các cơ quan
chức năng công nhận quyền sở hữu, từ đó dễ dàng thực hiện các quyền về
tài sản. Trường hợp thấy không cần thiết sang tên do chiếc xe của mình
đã được đăng ký rồi, tức đã đủ điều kiện để lưu thông thì người sử dụng
xe có thể không đăng ký.
Việc này không vi phạm đến các quy định khác của Luật
GTĐB, nhất là khi khoản 2 điều 58 luật này cũng chỉ yêu cầu: người lái
xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy đăng ký xe, giấy phép
lái xe, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường
đối với xe cơ giới, giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ
xe cơ giới. Trong đó, giấy đăng ký xe không hề bị ràng buộc điều kiện
phải mang tên của chính người điều khiển phương tiện.
Khi bán xe, phải gửi thông báo
Có một nội dung trong thông tư 36/2010 của Bộ Công an
mà lâu nay ít người thực hiện. Đó là khi bán xe thì người chủ xe phải
gửi thông báo theo mẫu đến cơ quan công an quản lý xe để theo dõi. Nếu
cố gắng làm tốt quy định này, các cơ quan công an cũng đã có đủ dữ liệu
quản lý hữu hiệu, thay vì cứ yêu cầu người mua mệt nhoài với những thủ
tục công chứng, trước bạ, sang tên và khi người mua không làm vì thấy
không cần thiết thì lại đòi phạt nặng.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên xem xét, sửa đổi nghị
định 71/2012 ở chỗ “phạt người chủ phương tiện không thực hiện thủ tục
chuyển quyền sở hữu theo quy định”. Trên báo chí, ông Đinh Xuân Thảo -
viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, đại biểu Quốc hội - cũng đã có ý
kiến: “Cơ quan tham mưu trình nghị định 71 cần đề nghị Chính phủ xem
xét, loại nội dung này ra khỏi nghị định”.
Theo tôi, để việc xử phạt đảm bảo tính pháp lý cần có
những quy định rõ ràng về việc đăng ký các loại xe, kèm theo đó là những
điều khoản về giao dịch, hợp đồng, về việc giao cho người khác chiếm
hữu, sử dụng vốn rất phổ biến. Khi đó, quy định xử phạt hành vi không
sang tên không nên “nhốt” chung với các hành vi vi phạm luật giao thông.
Trước mắt, thay vì chăm chăm xử phạt, các cơ quan công
an nên cải tiến thủ tục đăng ký xe, đồng thời làm cho người dân ý thức
được những lợi ích hoặc những bất lợi của việc không sang tên xe để mọi
người cùng thực hiện.
Luật sư TRẦN THỊ MIỀN