Mỗi tháng, Thắng có thể thu lãi hàng chục triệu đồng từ khu trại rộng hơn 2.000m2 nuôi chim trĩ đỏ.
Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1990 ở Lý Nhân, Hà Nam. Tốt nghiệp cấp 3
năm 2009, anh đến giúp việc cho trại nuôi chim của người chú. Một năm
sau, anh về nhà cùng gia đình xây dựng trại nuôi chim trĩ đỏ với diện
tích khoảng 30m2, vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng.
"Trang trại của chú mình nuôi rất nhiều loại chim, cả bán thịt và làm
cảnh. Tuy nhiên, mình thấy loại chim trĩ đỏ giá vừa phải, chuyên bán lấy
thịt sẽ dễ tìm đầu ra hơn nên chọn nuôi", anh kể lý do khởi nghiệp.
Ban đầu, anh nuôi chim nhân giống, rồi mới phát triển dần lên
nuôi thịt, cung cấp giống và chim non. Hiện anh có trại nuôi rộng khoảng
2.000m2, lúc cao điểm nuôi trên 1.000 con.
|
Trang trại của anh Thắng hiện rộng khoảng 2.000m2 với 1.000 con chim trĩ đỏ.
|
Trước năm 2013, chim trĩ nằm trong sách đỏ nên người chăn nuôi phải làm
một số thủ tục, giấy tờ. Mỗi lần xuất bán và vận chuyển Thắng đều phải
lên chính quyền xã và kiểm lâm tỉnh xin xác nhận. Từ 2013, chim trĩ đỏ
được xếp vào diện động vật được phép chăn nuôi buôn bán bình thường nên
việc chăn nuôi cũng như kinh doanh đơn giản hơn.
Thắng cho biết, loài này nếu nuôi thương phẩm thì khoảng 5 tháng có thể
xuất bán. Mỗi con trống đến khi bán nặng khoảng 1,4 đến 1,7kg, con mái
khoảng một đến 1,2kg. Mỗi tháng, trung bình Thắng xuất bán khoảng 70 đến
100 con chim thịt. Anh cho biết, mỗi con chim thịt nuôi từ nhỏ đến khi
xuất chuồng, người nuôi mất chi phí khoảng 110.000 đồng. Với giá bán mặt
hàng này khoảng 200.000 đến 220.000 đồng một kg, mỗi tháng riêng loại
để thịt, anh Thắng có thể thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, ở miền Bắc, mùa sinh sản của chim chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm nên theo anh, loại chim thịt chỉ đủ để bán từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Những tháng còn lại, Thắng chủ yếu bán chim giống (khoảng một tuần tuổi) và chim hậu bị (chuyên để sinh sản). Mỗi năm anh
xuất bán khoảng 400 con chim hậu bị với giá 350.000 đồng một con và
khoảng 1.000 con chim non với giá 50.000 đồng . Với chim hậu bị phải
trên 7 tháng mới có thể xuất chuồng với cân nặng nhỉnh hơn một chút so
với loại thịt, trang trại của anh có thể thu lãi 200.000 đồng mỗi con.
Còn chim non mới nuôi khoảng một tuần tuổi nên theo anh Thắng chi phí
tốn kém không đáng kể.
Hiện tại Thắng cung cấp thịt chim cho các nhà hàng tại Hà Nội,
Quảng Ninh, Nam Định... Còn chim giống và hậu bị, khách chủ yếu là các
trại nuôi ở nhiều tỉnh lân cận.
Thực phẩm chính của loài chim trĩ đỏ là ngô, rau
xanh và một phần cám công nghiệp. "Mặt hàng này hiện nay đầu ra khá ổn
định, nhiều thời điểm khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên, người nuôi vẫn
cần chú ý điểm quan trọng là vắc xin phòng bệnh lúc chim non, khoảng 20
ngày tuổi đầu tiên", anh lưu ý.
Theo anh, đầu tư cơ sở ban đầu cũng không quá lớn, quan trọng là có
diện tích làm chuồng. “Mình đầu tư mỗi chuồng 100m2 thì xây dựng hết
khoảng 30 triệu đồng. Ban đầu làm chuồng nhỏ, sau đó mới mở rộng quy mô
dần”, Thắng nói.
Ông chủ trẻ cho rằng nuôi chim thương phẩm, bán thịt thì nhanh
thu hồi vốn hơn, còn phát triển nuôi giống thì hơi khó, đầu tư lâu dài
và phải có kỹ thuật chăm sóc tốt.
Anh Thắng cũng chia sẻ, mặt hàng này trước mắt tuy có lãi nhưng
người nuôi cũng không nên phát triển đàn một cách ồ ạt mà phải làm dần
dần. "Hơn nữa, người nuôi cũng phải nghiên cứu để nắm bắt tình hình thực
tế từng thời điểm mà phát triển số lượng đàn cho phù hợp. Tránh tình
trạng nguồn cung quá lớn, giá giảm thì khó tránh khỏi thiệt hại", anh
cho hay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét