Tình cờ xem mô hình trồng nấm bào ngư
trên tivi, Nguyễn Sĩ Luận (sinh năm 1982) mày mò tìm hiểu, vay 15 triệu
đồng từ Ngân hàng chính sách huyện Châu Thành (An Giang) để mua phôi và
thành công ngay sau 3 tháng thử nghiệm.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, không có ruộng đất, trình độ
học vấn lại hạn chế nên từ nhỏ Luận phải chật vật làm thuê để mưu sinh.
Anh luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo.
Một lần, anh tình cờ xem được mô hình trồng nấm bào ngư được giới thiệu
trên tivi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, phù hợp với điều
kiện gia đình. Như tìm được lối thoát, anh đi xe máy hàng trăm cây số
đến Vĩnh Long trực tiếp tham quan các mô hình trồng nấm bào ngư ở đây để
học hỏi kinh nghiệm.
Không lâu sau đó (12/2009), anh mạnh dạn dựng trại, lập kệ, trồng thí
điểm 1.000 bịch phôi bằng số vốn 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính
sách huyện. May mắn, lứa phôi đầu tiên cho năng suất cao, trừ các chi
phí anh lời được 3,2 triệu đồng. Từ thành công đó, anh mua thêm meo
giống, mở thêm hai nhà trại và trồng trên 4.300 bịch phôi.
|
Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Luận. Ảnh: Tiền Phong
|
Sau hơn 3 tháng chăm sóc, mỗi bịch phôi cho năng suất từ 280 - 300gr
nấm, bán cho thương lái với giá từ 35.000 - 42.000 đồng/kg, trừ đi chi
phí, anh còn lãi trên 30 triệu đồng. Mô hình trồng nấm bào ngư của anh
ngày càng thu hút nhiều cá nhân và các cơ quan đến tham quan, học hỏi
kinh nghiệm.
Để mở rộng quy mô sản xuất, anh vận động thanh niên trong ấp cùng tham
gia mô hình của mình thành lập Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư xã An Hòa,
đồng thời mở các lớp tập huấn mời các chuyên gia về giảng dạy kỹ thuật
trồng nấm cho năng suất cao. Bên cạnh đó anh hướng dẫn một số thanh niên
trong ấp cách xây dựng trại, kệ và kỹ thuật trồng nấm để cùng phát
triển mô hình.
Từ chỗ trồng và chăm sóc nấm bằng phương pháp thủ công, qua các lớp tập
huấn anh đã cải tạo trồng nấm trong nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự
động nên năng suất và chất lượng nấm ngày càng tăng cao.
Luận chia sẻ kinh nghiệm, trồng nấm bào ngư có hai cách chủ yếu là chất
phôi lên kệ và treo bằng dây, anh chọn cách chất phôi lên kệ. Kệ được
làm tre hoặc xi-măng cao từ 1,6 – 1,8m, bề ngang khoảng 30cm, đủ để vừa
bịch phôi và không được chất quá ba lớp. Khoảng hơn 40 ngày sau, khi tơ
chạy trắng bịt phôi thì sẽ giật nút chai và mới bắt đầu tưới nước cho
đến khi thu hoạch dứt điểm. Khoảng một tuần sau, phôi bắt đầu xuất hiện
những tai nấm tơ.
|
Anh Nguyễn Sĩ Luận trong một lần ra thăm lăng Bác. Ảnh: Tiền Phong
|
Trước đây, sản phẩm nấm bào ngư chủ yếu do bạn hàng đến tận nhà thu
gom, nên nhiều lúc không ổn định, có khi hàng bị tồn đọng. Với mong muốn
tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và mang nấm tươi sạch đến tận tay người
tiêu dùng anh Luận kết hợp cùng với xã Đoàn và Hội Nông dân xã An Hòa
liên hệ với siêu thị Co.opmart Long Xuyên.
“Qua quá trình kiểm nghiệm gắt gao, phía siêu thị đưa ra kết luận “nấm
sạch, không phun thuốc, không chất bảo quản, an toàn cho người sử dụng”.
Họ đồng ý ký kết hợp đồng tiêu bao sản phẩm lâu dài với chúng tôi,
trung bình mỗi tháng 900 kg, với giá 40.000 đồng/kg”, anh Luận chia sẻ.
Từ điều kiện thuận lợi trên anh đã chủ động trong việc thu gom nấm bào
ngư từ bạn bè và các hộ trồng nấm trên địa bàn xã đảm bảo đầu ra ổn định
cho các hộ trồng nấm tạo sự yên tâm trong khâu trồng và dần tạo chuỗi
nhóm liên kết sản xuất ổn định hơn.
Đặc biệt, anh Luận còn có sáng kiến tận dụng xác phôi sau khi thu hoạch
để trồng nấm rơm và cải mầm nhằm kiếm thêm thu nhập và giải quyết được
vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nhờ sự năng động, sáng tạo đó, tổng doanh
thu của Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư hằng năm đạt trên 450 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Sĩ Luận vừa được Trung Ương
Đoàn tuyên dương là một trong 10 mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp
tác xã tiêu biểu năm 2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tặng Bằng khen
cho anh Luận vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế tập thể.
Năm 2013, anh Luận vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét