Thứ Tư, 10 tháng 10, 2012

Dịch vụ ăn theo xổ số sắp 'hết cửa'

Nghị định mới của Chính phủ bổ sung 2 nhóm hành vi bị cấm, bao gồm cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số và lợi dụng khuyến mại may rủi để kinh doanh xổ số trái phép.



Các dịch vụ ăn theo kết quả xổ số tạo nhiều hệ lụy phức tạp cho xã hội (Ảnh minh họa).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký ban hành Nghị định số 78 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30 ngày 1/3/2007 của Chính phủ về kinh doanh xổ số.
Theo đó, kể từ này 1/12/2012, khi Nghị định mới này có hiệu lực, kinh doanh xổ số và các hoạt động ăn theo đều sẽ được quy chiếu dưới những quy định siết chặt hơn.
Về nguyên tắc, đây sẽ là loại hình kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giải trí của một bộ phận người dân có thu nhập chính đáng và đảm bảo an toàn an ninh trật tự xã hội. Chỉ có doanh nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xổ số mới được phép tổ chức hoạt động kinh doanh xổ số.
Trước đó, Nghị định 30 chỉ yêu cầu doanh nghiệp muốn kinh doanh phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; và phải đảm bảo minh bạch, khách quan, trung thực, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia.
Đặc biệt, Nghị định mới bổ sung 2 nhóm hành vi bị cấm, bao gồm cung cấp thông tin dự đoán trước kết quả xổ số và lợi dụng khuyến mại may rủi để kinh doanh xổ số trái phép với mục tiêu kiếm lợi nhuận thông qua việc thu tiền của khách hàng.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc những dịch vụ ăn theo như cung cấp dự báo kết quả xổ số, soi cầu lôtô qua tin nhắn điện thoại và website dự đoán sẽ không còn được chấp nhận về tính hợp lệ, hợp pháp.
Về điều kiện được mở đại lý xổ số, quy định mới bổ sung thêm chi tiết những đối tượng không được phép tham gia làm đại lý, bao gồm cán bộ, nhân viên làm việc tại doanh nghiệp kinh doanh xổ số; vợ hoặc chồng, cha, cha nuôi, mẹ, mẹ nuôi, con, con nuôi, anh, chị, em ruột, anh, chị, em nuôi của Chủ tịch, Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và cấp trưởng, cấp phó các phòng, ban nghiệp vụ của doanh nghiệp kinh doanh xổ số.
Trong khi đó, Nghị định 30 hiện hành "cởi mở" hơn về những điều kiện này, chỉ yêu cầu đại lý vé số là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; nếu là tổ chức phải là tổ chức kinh tế được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
Ngoài ra, đại lý phải có hình thức bảo đảm thanh toán theo quy định để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số.
Ngoài ra, thay vì quy định chung như trước đây doanh nghiệp kinh doanh xổ số là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Nhà nước sở hữu 100% vốn, Nghị định mới nêu rõ, mô hình hoạt động và cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp kinh doanh xổ số được áp dụng theo mô hình Chủ tịch Công ty, Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các Kiểm soát viên hoặc Chủ tịch Công ty kiêm Tổng Giám đốc (Giám đốc) và các Kiểm soát viên.

Làng có 100 người cùng trúng số ở An Giang

Nhiều gia đình ở xã Tân Phú sau những ngày lam lũ đã đổi đời, riêng ông già bán vé số, người được gọi là "thần tài" thì vẫn nghèo khổ.

Nhiều người dân nghèo ở xã Tân Phú, huyện Châu Thành, An Giang, chỉ sau một đêm đã trở thành "tỷ phú". Cũng từ ngày đó, bộ mặt của xã ngày càng khởi sắc hơn. Nhưng riêng ông già bán vé số, người được gọi là "thần tài" đem may mắn đến cho mọi nhà thì vẫn nghèo khổ. Hàng ngày ông vẫn nuôi hy vọng một lúc nào đó, sẽ có một tờ vé số trúng độc đắc và xây được căn nhà đẹp hơn cho vợ con mình.
Người chủ quán nước ven đường thuộc xã Tân Phú xác nhận câu chuyện có thực về chuyện cả làng bỗng nhiên giàu lên nhờ vé số: "Trước đây, xã này có nhiều người nghèo lắm, nhưng sau một đêm bỗng nhiên giàu có hẳn lên". Người đàn ông này cho biết, người dân trong xã giờ đây ai cũng thuộc lòng con số đã giúp mình trở nên giàu có. Con số may mắn đó là 606093.
Ngày 10/8, ông Nguyễn Văn Thiềm đạp xe đi khắp xã mời mọi người mua vé số. Thật buồn, cả ngày ông bán chẳng được bao nhiêu tờ. Đến chiều, vì vé số còn quá nhiều nên ông phải cố gắng đạp xe đi khắp hang cùng ngõ hẻm của xã để nhờ mọi người mua hộ. Chính ông Thiềm cũng không thể ngờ được, chỉ khoảng hơn ba tiếng mà xấp vé số gần 100 vé ông bán sạch trơn.
Đến chiều tối hôm đó, đài Vĩnh Long thông báo kết quả xổ số trúng độc đắc là số 606093. Trong khi đó, xấp vé số của ông Thiềm bán cho người dân có đến bảy vé là con số trên (tức trúng số độc đắc) và 63 vé trúng giải may mắn. Đối với những vé trúng số độc đắc được 1,5 tỷ đồng, còn vé may mắn được 100 triệu đồng. Như vậy, trong xã những người dân mua vé số đã trúng được 13,8 tỷ đồng.
Ngay sáng hôm sau, cả xã nghèo Tân Phú bỗng nhiên trở nên chộn rộn khi ông Thiềm vui mừng thông báo hầu hết những người mua vé số hôm trước đều trúng với số tiền lớn. Tất cả những người đã mua đều lấy vé số của mình ra so với con số may mắn mà ông Thiềm đưa ra. Nhiều người cầm chiếc vé trên tay, dò đi dò lại, thấy đúng rồi mà vẫn không tin mình đã trúng số.
Mang hàng chục tỷ đồng về cho bà con thôn xóm nhưng ông Thiềm vẫn sống trong một căn chòi làm bằng lá dừa, đổ nát, thấp lè tè ven bờ kênh.
Mang hàng chục tỷ đồng về cho bà con thôn xóm nhưng ông Thiềm vẫn sống trong một căn chòi làm bằng lá dừa, đổ nát, thấp lè tè ven bờ kênh.
Đến xã Tân Phú, khi hỏi người dân về những người đã trúng số độc đắc, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều có thể kể vanh vách đó là ông Thum, "Bảy" Nghề, Cọp "Mập", Cọp "Cao"...
Anh Cọp "Cao" là một người dân ở huyện Chợ Mới theo người thân đến xã Tân Phú để làm thuê. Hôm đó, anh Cọp "Cao" đang ngồi ăn trong một quán ven đường, ông Thiềm đến mời người đàn ông bên cạnh mua vé số. Người đàn ông đó rất muốn mua số nhưng trong túi chỉ còn sáu nghìn nên không thể mua mà trả lại cho ông Thiềm.
Ông Thiềm lại lấy tờ vé số đó mời anh Cọp "Cao". Thôi thì mua để ủng hộ ông già nên anh Cao cũng không chú tâm đến kết quả của nó. Đến hôm sau, khi nghe ông Thiềm bán số đến bảo ngày hôm qua trúng số, anh nghĩ ông đùa. Đến khi lấy tờ vé số ra, anh mừng hét lên vì sung sướng.
Từ trước đến nay, Cọp "Cao" không bao giờ tin vào sự may rủi của món vé số, thế mà giờ, nhờ nó mà từ hai bàn tay trắng, anh trở thành một "tỉ phú". Sau khi có được 1,5 tỷ đồng, số tiền mà cả đời anh cũng không dám mơ tới, anh trở lại quê nhà, sửa chữa nhà cửa và lên kế hoạch lấy vợ. Tuy nhiên, số tiền còn lại vẫn đủ để anh mua thêm tám công đất để trồng lúa và gửi ngân hàng lấy lãi.
Còn Cọp "Mập" là một người gốc Tiền Giang về xã Tân Phú để làm nghề sửa máy sấy lúa. Gia đình quá nghèo, anh không có tiền để thuê nhà nên dựng tạm một căn chòi nhỏ bên cạnh mé sông để sống qua ngày.
Ngày 10/8, anh được ông Thiềm mời mua vé số, ban đầu cũng không định mua nhưng anh chợt nghĩ "mua số có khi đổi đời". Không thể ngờ, anh chàng nghèo rớt mồng tơi ấy chỉ sau một đêm đã trở thành một người giàu có.
Số tiền trúng được, Cọp "Mập" dùng để trả nợ ngân hàng, số còn lại cất trong ngân hàng lấy lãi. "Từ trước đến nay chỉ toàn bị nợ ngân hàng, nay có tiền gửi vào đó để có cảm giác mình cũng là người giàu có", anh cười tươi chia sẻ. Mặc dù đã trở thành “tỷ phú”, nhưng Cọp "Mập" vẫn bám trụ với công việc sửa máy sấy lúa của mình bởi "tiền chừng đó tiêu thì cũng hết, nhưng nếu vẫn lao động, sống được thì tiền đó sẽ còn mãi".
Người dân trong xã Tân Phú gọi ông Nguyễn Văn Thiềm là "thần tài", người đã đem sự may mắn đến cho nhiều người. Mang hàng chục tỷ đồng về cho bà con thôn xóm nhưng ông vẫn sống trong một căn chòi làm bằng lá dừa, đổ nát, thấp lè tè ven bờ kênh.
Sau khi người dân trong xã trúng số, người ta cũng đồn ông trúng được mấy tờ an ủi. Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, ông Thiềm cho biết, đó chỉ là lời đồn, còn sự thực thì ông không trúng bất kỳ tờ vé số nào. "Xấp số trúng có bảy mươi vé, người dân trong xã trúng hết bảy mươi vé thì tôi còn vé nào đâu để mà trúng", ông Thiềm cho biết.
Hầu hết, tất cả những người bán vé số đều hy vọng người mình bán cho sẽ trúng số rồi người mua sẽ nhớ đến và cho họ một ít tiền. Tuy nhiên, từ ngày ông Thiềm trở thành "thần tài" của người dân trong xã Tân Phú thì ông chỉ mới nhận được 5,8 triệu đồng từ những người trúng độc đắc, còn những người trúng vé an ủi thì quên bẵng mất ông.
Ông Thiềm không hề buồn vì những người trúng số đã không nhớ đến người đã đem đến cho họ sự may mắn. Bởi theo ông "làm nghề này là vậy, họ trúng, nếu cho thì hoan hỷ, không thì cũng vui mừng vì đã mang lại niềm vui cho người khác".
Từ ngày người dân trúng số đến nay, ngày nào ông Thiềm cũng đi bán vé số như trước. "Lời đồn của mọi người không đúng, tôi vẫn phải kiếm miếng cơm manh áo mà mấy chú", ông Thiềm chia sẻ. Ông cũng cho biết, là người bán vé số, ông luôn mong muốn và hy vọng sẽ mang lại niềm vui cho mọi người.
Trước đây, xã Tân Phú khá nghèo, nhưng sau khi nhiều người trúng số, bộ mặt của xã cũng như mức sống người dân khởi sắc hơn hẳn. Kể chuyện nhiều người trúng số, ông Thiềm bảo rất vui với niềm vui của bà con, nhưng ông thoáng chạnh lòng, sao "thần tài" chẳng chịu viếng thăm gia đình mình lấy một lần!".
Ông Thiềm vốn là người rất hăng say lao động. Trước đây, ông làm rất nhiều nghề. Nhưng cứ hễ "động đâu là lỗ đó" nên ông bị phá sản, cuối cùng phải bán cả mảnh đất cạnh tỉnh lộ để trả nợ. Sau đó ông bắt đầu hành nghề vé số. Nhìn căn nhà dột nát của mình, mắt người đàn ông như sầm lại song ông vẫn hy vọng, "mong một ngày nào đó, tôi sẽ giữ lại một tờ vé số trúng độc đắc và xây được căn nhà đẹp hơn cho vợ con", ông Thiềm chia sẻ.
Theo Đời Sống và Pháp Luật

Làng nghèo đổi đời vì trúng số tiền tỷ

23 giải đặc biệt đã khiến xóm nghèo đổi đời. Người thì chia cho con cháu, người gửi tiết kiệm, lại có người mang tiền đi làm từ thiện.

Một cán bộ ở Công ty Xổ số kiến thiết Phú Yên cho biết có nhiều người ở Phú Yên trúng số giá trị lớn hôm 7/10. Đã có 23 người nhận tiền trúng giải đặc biệt với số 06868. Đây là đợt vé số do Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa phát hành, mở ngày 7/10, mệnh giá 5.000 đồng một vé, 125 triệu đồng một giải đặc biệt.
Đến thôn Đông Phước (xã Hòa An, huyện Phú Hòa), khi nghe hỏi nhà những người trúng độc đắc, bà con chỉ đường… tá lả, bởi rất nhiều người trúng. Ai cũng trầm trồ xuýt xoa vì lượng tiền quá lớn bỗng “rơi” vào xóm nghèo.
Nhà trúng số đầu tiên chúng tôi đến là bà Lê Thị Đào (70 tuổi) với 2 vé đặc biệt. Anh con trai bà, tên Sang, nói ngay mấy con số “lung linh”: 06868. Cô con dâu bà kể: “Khi biết được kết quả độc đắc, má tôi cứ ôm khư khư cái giỏ đựng 2 tấm vé số, tay run run, như không tin vào tai, mắt mình nữa. Má tôi ít mua vé số nhưng may sao bữa đó bị bà hàng xóm rủ rê…”
Bà Lưu Thị B (phải) đang chia sẻ niềm vui “độc đắc” với hàng xóm.
Một người trúng số (phải) đang chia sẻ niềm vui “độc đắc” với hàng xóm.
Ông Nguyễn Xuân Minh (80 tuổi, chồng bà Đào) thì tỏ ý ngần ngại nhưng rồi bộc bạch: “May phước, cuối đời rồi mới cầm được số tiền lớn đến trên 200 triệu đồng. Bữa nghe kết quả, vợ chồng tui ngợp tim muốn chết”. Rồi ông cho hay: “Sẽ cho 5 đứa con, mỗi đứa 20 triệu đồng. Tặng cho các nhà nghèo khó trong vùng. Rồi sửa nhà, rồi gửi ngân hàng để dưỡng già…”.
Hàng xóm bà Đào, bà Lưu Thị Bích (71 tuổi, cũng trúng 2 vé đặc biệt) thì như đang “lên đồng”: “Bữa đó, tui đi chợ, mua 2 vé và rủ bà hàng xóm mua “trúng độc đắc, chị em mình đi du lịch”, tôi nói đùa vậy, ai dè …”. Rồi bà cho biết đã đến hiệu vàng để đổi “vé lấy tiền” với phí 500.000 đồng một vé, cùng với 10% thuế thu nhập cá nhân.

“Bởi đây là chỗ quen, chứ các tiệm vàng khác họ thu từ 1 đến 1,5 triệu đồng một vé. Tui mừng hết lớn, chú ơi. Phải chia cho mấy chục đứa vừa con, vừa cháu, rồi làm từ thiện…”, bà nói rồi chỉ dẫn đến nhà mấy người cùng trúng độc đắc ở quanh xóm; nào là ông Hai, bà Chín, anh Năm, chị Ba,…
Ông Đặng Văn Sia - Chủ tịch UBND xã Hòa An cũng lây với niềm vui của nhiều người dân trong xã khi trúng xổ số, có được lượng tiền lớn. Theo ông biết, thì vùng Đông Phước có đến gần chục người trúng độc đắc, mỗi người từ 1 đến 2 vé. Xóm dưới làng trên rộn rã vì niềm vui nhiều tiền, hàng xóm có tiền thì mình chia vui…
“Hoành tráng” nhất phải nói là vợ chồng bà Đỗ Thị Dung (45 tuổi) - ông Phan Kiên (49 tuổi): Trúng tới 8 tờ độc đắc. Chồng phụ hồ, vợ buôn bán nhỏ, gia đình đông con, lại nuôi cha mẹ già yếu nên cuộc sống luôn bấp bênh. Việc đầu tiên là vợ chồng bà chuộc lại một nửa căn nhà đã bán, sau đó lo cho “đại gia đình”. Ông cho biết vừa đem 8 tờ vé độc đắc đến tiệm vàng để đổi lấy gần 1 tỷ đồng, sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân và phí 1,5 triệu đồng một vé.
Ông Võ Ngọc Tâm, Giám đốc Công ty Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, cho biết: Đến lúc này đã có 23 người đến nhận tiền trúng giải đặc biệt với số 06868 trong cặp 30 vé của sêri cùng dãy số này. Việc thanh toán tiền cho người trúng giải sẽ được giải quyết “nhẹ nhàng, dứt điểm” vào ngày 10/10. Có thể còn một số người trúng độc đắc nữa nhưng chưa muốn “ra mặt” sớm…
Theo Dân Việt