Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

5 cách chăm sóc 'núi đôi' mùa hè

Mọi phụ nữ đều muốn sở hữu gò bồng đảo nóng bỏng nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc tốt cho nó.
1. Mặc đúng kích cỡ áo ngực
Cứ 10 phụ nữ thì có đến 7 người mặc không đúng cỡ áo ngực. Mặc áo lót lỏng quá sẽ khiến bầu ngực bị sệ xuống. Áo chật quá sẽ gây những vết hằn và làm ngực bị biến dạng. Bạn nên chọn một chiếc áo ngực có thể giữ và nâng ngực. Điều này không chỉ tạo vẻ ngoài đẹp mà còn giúp giảm nguy cơ đau lưng cho phái đẹp.
Mẹo: Một chiếc áo ngực vừa vặn với cơ thể khi đáp ứng những điều dưới đây:
- Khi đưa tay lên cao quá đầu, chiếc áo ngực không bị tuột lên mà vẫn ôm trọn bầu ngực.
- Trong quá trình sinh hoạt hàng ngày, vòng dây phía sau lưng của áo ngực không bị trượt lên cao hơn so với phần ngực phía trước.
- Phần giữa của áo ngực, chỗ nối liền hai quả áo - ngay xương ức của bạn nằm áp sát vào phần chân ngực và không tạo ra một khoảng hở.
- Hai bầu ngực phải nằm vừa vặn trong phần quả áo.
- Hai sợi dây áo trên vai chỉ nên chịu khoảng 10% sức nặng của bầu ngực. Nếu hai sợi dây này phải gánh vác hầu hết sức nặng của phần bầu ngực thì bạn nên chọn một chiếc áo nhỏ hơn.
2. Dưỡng ẩm hàng ngày
Vùng da phần ngực thường mềm, mỏng, rất nhạy cảm và khô. Do đó, việc bạn cần làm là cung cấp độ ẩm cần thiết cho nó bằng cách sử dụng kem dưỡng thể và thoa lên ngực hàng ngày. Chỉ mất vài phút nhưng đem lại hiệu quả không ngờ.
3. Sử dụng kem chống nắng
Đừng bao giờ nghĩ rằng do có các lớp áo nên ngực không bị tác hại của ánh nắng mặt trời. Thực tế đã cho kết quả ngược lại. Do là phần nhạy cảm nhất trên cơ thể nên đây là nơi bạn cần thoa kem chống nắng nhiều hơn. Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa da liễu, chỉ số SPF cho ngực nên từ 60 trở lên.
4. Tự kiểm tra ngực
Để phát hiện ung thư vú sớm, hàng tháng bạn nên tự kiểm tra ngực. Nơi tốt nhất để làm việc này là trong phòng tắm khi đang thoa xà phòng hoặc khi đang bôi kem dưỡng ngực.
Cách kiểm tra bầu ngực như sau:
- Đứng trước gương, chạm tay lên ngực để kiểm tra độ cân xứng. Chú ý những thay đổi về hình dạng, màu sắc... Như là: Núm vú lõm, núm vú lồi, màu sắc thay đổi, những nếp nhăn nheo...
- Đưa hai tay vòng ra sau đầu và kiểm tra hình dạng phía trước và bên cạnh. Chú ý về: Có đối xứng hay không, có chỗ nhăn hay không, có chỗ lõm hay không.
- Đặt tay lên hông, ghìm chặt và cúi xuống hướng về phía trước. Kiểm tra: Độ cân xứng, hình dạng tổng thể, hướng núm vú.
- Cảm nhận sự thay đổi trên ngực: Nằm dài với chiếc khăn tắm lót dưới vai phải, giơ tay phải lên qua đầu và dùng tay trái kiểm tra các vùng từ: phía dưới tay đến đường vú phía dưới, tiếp đến xương vú, lên trên xương cổ giáp vai, quay trở về nách, dùng 3 ngón tay giữa của tay trái, giữ ở vị trí khum khum. Di chuyển theo những đường vòng tròn nhỏ, hẹp. Ấn ở 3 mức: nhẹ, vừa và sâu. Kiểm tra toàn bộ khu vực.
Sau đó, kiểm tra bên ngực phải, giơ tay trái lên, rồi dùng tay phải như thứ tự trên. Nếu phát hiện bất kỳ cục lỏn nhỏn hay sự thay đổi nào, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
5. Ăn uống lành mạnh
Bạn nên duy trì chế độ ăn uống một cách cân bằng. Các loại rau quả như đào, mận, cá hồi, bông cải xanh, dầu ô liu, tỏi, quả óc chó... sẽ giúp bổ sung chất chống oxy hóa và giảm sự hấp thụ oestrogen (chất gây ung thư). Tăng cường protein trong mỗi bữa ăn để cung cấp lượng collagen cần thiết.

Những sai lầm khi dùng vitamin C

Nhiều người thấy vitamin C được bán như thực phẩm chức năng cứ nghĩ có thể dùng tuỳ tiện. Thực tế, viên sủi bọt C thông dụng hiện nay chứa 1.000mg vitamin C, cao hơn 16 lần nhu cầu khuyến cáo hàng ngày.

Không như hầu hết các loài động vật khác, cơ thể con người không thể tự sản xuất vitamin C. Thiếu hụt chất này đưa đến bệnh scorbut với triệu chứng kinh điển: chảy máu nướu răng, chậm lành vết thương, có các vết thâm tím rộng trên da, dễ bị nhiễm trùng.

Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh như bông cải xanh, cà chua, trong các loại nước quả tươi như cam, chanh, quýt, bưởi… Chức năng chủ yếu của vitamin C là giúp sản xuất collagen, một protein chính của cơ thể (vì vậy có ảnh hưởng đến làn da), tham gia sản xuất một số chất dẫn truyền thần kinh và hoóc môn, giúp hấp thụ và sử dụng các yếu tố dinh dưỡng khác. Vitamin C cũng là chất chống oxy hoá rất quan trọng (bên cạnh vitamin E, bêta-caroten và chất khoáng selen).

Các loại C sủi hiện nay chưa tới 1.000 mg vitamin C, cao gấp 16 lần liều lượng được khuyến cáo hàng ngày. Ảnh có tính minh họa: Health.

Theo Phó giáo sư, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức, hiện nay, vitamin C được bày bán dưới dạng thuốc và thực phẩm chức năng. Nhiều người thấy vitamin C được bán như thực phẩm chức năng cứ nghĩ đây là loại dùng tuỳ tiện mà không có hại. Cần lưu ý, không được lạm dụng vitamin này quá nhiều vì nhu cầu khuyến cáo cung cấp vitamin C hàng ngày cho cơ thể chỉ là 60mg (viên vitamin C 1g là quá nhiều). Dùng vitamin C liều cao (quá 1g/ngày) có nguy cơ bị tiêu chảy, loét đường tiêu hoá (nếu uống vào lúc bụng trống), sỏi thận oxalat, tiêu chảy, rối loạn tiêu hoá, giảm độ bền hồng cầu.

Lưu ý về vitamin C dạng sủi

Một dạng thuốc đang được dùng khá nhiều hiện nay là viên thuốc sủi bọt, còn gọi tắt là viên sủi bởi khi được thả vào nước sẽ sủi bọt mạnh, khí thoát ra làm cho viên tan vỡ, tan trong nước hoàn toàn tạo thành dung dịch dễ uống. Viên sủi bọt C thông dụng hiện nay chứa 1g (tức 1.000mg) vitamin C, cao hơn 16 lần nhu cầu khuyến cáo hàng ngày. Chỉ một số trường hợp thiếu vitamin đến độ bệnh lý mới cần dùng vitamin liều cao (gọi là liều điều trị). Vitamin C cũng thế. Việc dùng vitamin C liều cao để trị cảm cúm hiện vẫn còn gây tranh cãi, trong khi dùng quá 1g mỗi ngày rất dễ bị các tác dụng phụ như đã nói.

Cũng theo Phó giáo sư Đức, những người bị tăng huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc dạng sủi bọt nói chung, trong đó có viên C sủi. Bởi có một số người phải kiêng muối, tức không được ăn mặn, như người bị bệnh tăng huyết áp chẳng hạn. Thực chất của kiêng muối chính là kiêng natri (muối ăn là natri clorid), trong khi bất cứ thuốc sủi bọt nào cũng chứa natri (nhằm phản ứng với axít citric có trong viên thuốc để gặp nước sẽ sủi bọt). Nếu người bị tăng huyết áp đang điều trị mà ăn nhiều muối hoặc dùng chất có nhiều natri thì huyết áp sẽ tăng vọt.

Không nên tiêm vitamin C cho đẹp da

Phụ nữ muốn có làn da tươi tắn mịn màng, vóc dáng khoẻ khoắn chắc chắn phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và cân bằng dưỡng chất, bên cạnh chế độ nghỉ ngơi và vận động thích hợp. Riêng vitamin với vai trò xúc tác các hệ thống enzyme, thúc đẩy quá trình chuyển hoá các dưỡng chất khác, đặc biệt chống oxy hoá ngăn ngừa lão hoá, được xem có vai trò sinh học chủ yếu giúp làn da tươi tắn mịn màng.

Tuy nhiên, không ít người không xem nguồn thực phẩm, đặc biệt các loại rau quả trái cây, là nguồn thiên nhiên dồi dào và an toàn giúp bổ sung vitamin mà chỉ chuộng dùng thuốc. Có người, kể cả một số nhà điều trị, không dùng vitamin dạng thuốc uống mà lại dùng dạng tiêm chích. Như có nhiều người tự ý dùng Laroscorbine (vitamin C dạng tiêm) hoặc dùng các chế phẩm tiêm chích chứa vitamin C kết hợp với các chất khác như glutathione, axít alpha lipoic (ALA), collagen (như chế phẩm có tên Biome G Alpha, Aqua skin EGF-Whitening…) với lý do duy nhất là làm “trắng da, đẹp da”.

Phó giáo sư Đức cho biết hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học kiểm chứng sự kết hợp dùng tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp các chế phẩm vừa kể có hay không tác dụng trắng da, đẹp da. Nếu phân tích kỹ việc dùng vitamin hay dùng các chế phẩm kết hợp tiêm tĩnh mạch, ta thấy chỉ chuốc lấy sự nguy hiểm hơn là đạt một lợi ích nào đó về mặt sức khoẻ. Nên lưu ý, nếu tiêm chích không vô trùng thì có nguy cơ bị nhiễm trùng rất nguy hiểm, như bị ápxe, nhiễm HIV, nhiễm viêm gan siêu vi B, C… Đặc biệt, dùng thuốc tiêm dễ gây phản ứng toàn thân (sốc phản vệ) ngay tại chỗ khi cơ thể không dung nạp thuốc. Các loại vitamin C, ALA, glutathione, collagen khi tiêm, đặc biệt là tiêm tĩnh mạch đều có nguy cơ gây sốc phản vệ dẫn đến chết người.