Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Thuốc tránh thai gây tử vong có ở Việt Nam

Hiện nay, trên các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc hàng chục phụ nữ Canada tử vong do sử dụng thuốc ngừa thai Yaz và Yasmin của công ty dược phẩm Bayer.
thuốc tránh thai, tử vong, Việt Nam, ngừa thaithuốc tránh thai, tử vong, Việt Nam, ngừa thai
Trước những thông tin nêu trên, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, thuốc Yaz và Yasmin là thuốc tránh thai thế hệ mới có chứa hoạt chất Drospirenone và Ethinyl estradiol.
Hai loại thuốc trên đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam. Thuốc Yaz số đăng ký VN-15729 - 12 ngày cấp 10/10/2012; thuốc Yasmin số đăng ký VN-10761-10 ngày cấp 17/12/2010.
Bà Trương Thị Nguyệt – Phụ trách phòng quản lý thông tin quảng cáo thuốc khẳng định Cục Quản lý dược vẫn đang theo dõi chặt chẽ các thông tin liên quan đến thuốc tránh thai có chứa Drospirenone từ cơ quan quản lý dược các nước để có quyết định xử lý kịp thời.
Đến nay, theo thông tin Cục Quản lý dược có được, Cục vẫn chưa có quyết định chính thức nào khác của cơ quan quản lý dược các nước ngoài về các thông tin nêu trên.
Tại Việt Nam, ngày 24 tháng 9 năm 2012, Cục Quản lý dược đã có công văn số 14542/QLD – TT gửi Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế thông báo thông tin liên quan đến tính an toàn của các thuốc tránh thai chứa Drospirenone.
Công văn nêu trên cũng yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường theo dõi, phát hiện và xử trí các trường hợp xảy ra phản ứng có hại của thuốc có chứa Drospirenone; gửi báo cáo về Cục Quản lý dược và Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc.
Trước đó, mẫu nhãn thuốc Yaz và Yasmin đang lưu hành tại Việt Nam đã được cập nhật thông tin về nguy cơ huyết khối tĩnh mạch.
Để người dân nắm đầy đủ hơn thông tin về dụng thuốc ngừa thai Yaz và Yasmin, theo thông tin từ Cục Quản lý dược, ngày 10 tháng 4 năm 2012, Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã thông báo về việc thay đổi thông tin trên nhãn của các thuốc tránh thai đường uống có chứa hoạt chất Drospirenone sau khi cơ quan này hoàn thành việc xem xét lại các nghiên cứu dịch tễ học liên quan đến nguy cơ huyết khối ở những bệnh nhân sử dụng thuốc tránh thai đường uống chứa Drospirenone.
FDA kết luận các thuốc này có thể liên quan đến nguy cơ huyết khối cao hơn so với các thuốc tránh thai đường uống có chứa dẫn xuất của Progestin khác.
Ngày 6 tháng 7 năm 2012, trong một báo cáo đánh giá đề nghị mở rộng điều trị của Yaz và Yasmin sang điều trị mụn trứng cá, Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) đã từ chối đề nghị mở rộng chỉ định này và cho rằng lợi ích điều trị mụn trứng cá của Yaz và Yasmin không vượt trội so với nguy cơ của thuốc.
Đánh giá của Cơ quan quản lý dược châu Âu cho rằng, kết quả một số nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy, các thuốc tránh thai đường uống có chứa Drospirenone có nguy cơ huyết khối cao hơn so với các thuốc tránh thai chứa levonorgestrel.
Theo thông tin từ Cục quản lý Dược, tại Canada, từ ngày 7/6/2011 Cơ quan quản lý dược Canada thông báo bắt đầu đánh giá tính an toàn của thuốc có chứa Drospirenone (Yaz; Yasmin) và nguy cơ huyết khối. Đến ngày 5/12/2012 Cơ quan quản lý dược Canada hoàn tất đánh giá và cho biết các thuốc tránh thai có chứa Drospirenone có nguy cơ huyết khối cao hơn từ 1,5 đến 3 lần so với các thuốc tránh thai khác.
Ngày 6/6/2013, trong một báo cáo tóm tắt phản ứng có hại của thuốc liên quan đến Yaz và Yasmin tại Canada thu thập thông tin trong vòng 48 năm từ 1/1/1965 đến 28/2/2013 cho thấy: 9 trường hợp tử vong xảy ra trên bệnh nhân dùng Yaz và 18 trường hợp tử vong trên bệnh nhân dùng Yasmin. Tuy nhiên, báo cáo nói trên chỉ nêu hiện tượng mà chưa đưa ra kết luận mối liên hệ giữa tử vong và việc dùng thuốc.
Vì vậy, Cục Quản lý dược cung cấp thêm thông tin để người dân có thêm những hiểu biết sâu hơn về hai loại thuốc trên.

Cách cổ truyền trị viêm mũi

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, cộng với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi dễ khiến chúng ta bị viêm mũi.

Dưới đây là một số cách cổ truyền, dân gian theo hướng dẫn của lương y Như Tá dùng trị viêm mũi do thời tiết.
- Nếu bị tình trạng nghẹt mũi, viêm mũi, thì có thể dùng các nguyên liệu gồm: củ hành ta 50 gr, gừng tươi 50 gr. Đem cả hai giã nhuyễn cho vào hai muỗng giấm ăn, trộn đều lên, rồi cho vào một tô, hoặc nồi nước thật nóng để xông mũi, họng. Hít thật sâu hơi nước bốc lên từ nước chế biến trên, để hơi đi vào mũi, miệng.

Hành ta / Thảo quyết minh / Bạch chỉ - Ảnh: H.Mai 
- Dùng một ít sáp ong rừng để lên trên vật dụng có chứa than cho sáp ong bốc hơi, rồi dùng bìa giấy cứng cuốn lại thành hình cái phễu để xông hơi lên mũi.
- Lấy 30 gr hạt của cây rau hẹ, 30 gr vị thuốc thiên niên kiện, đem giã nhỏ rồi trộn chung lại với nhau và cho vào một cái tô nước nóng để xông. Cách xông cũng giống như trên.
- Dùng các nguyên liệu gồm: 5 gr bạc hà, 5 gr bạch chỉ, 10 gr thương nhĩ tử, 10 gr tân di hoa, 3 củ hành tươi và 5 gr trà diệp. Đem các nguyên liệu cho vào nồi, nấu sôi với nửa lít nước, để uống trong ngày.
- Lấy một ít cỏ cứt lợn tươi (có người gọi là cỏ hôi) rửa sạch, giã nhuyễn rồi vắt lấy nước cốt để nhỏ mũi, ngày 3 lần.
- Một số trường hợp viêm mũi dị ứng do thời tiết, có chảy nước mũi nhiều, có thể dùng vỏ bí đao tươi, dây mướp (lấy đoạn gần ở gốc), và vị thuốc ý dĩ (mỗi loại 50 gr), đem nấu với 2 lít nước để uống trong ngày.
- Khi bị viêm mũi do thời tiết mưa nắng thất thường, có thể dùng một ít gừng tươi cắt lát, cùng 20 gr tô diệp rửa sạch, đem cả hai nấu với nửa lít nước (hoặc có thể dùng nước sôi để hãm), lấy nước dùng trong ngày.
- Dùng nửa lít dầu dừa nấu cho sôi rồi cho vào 100 gr hạt thảo quyết minh (một vị thuốc) vào nấu tiếp đến khi hạt bốc khói lên, thì vớt hạt thảo quyết minh ra để cho ráo dầu, rồi cho vào lọ đậy kín để dành xông dần. Mỗi khi xông lấy vài hạt nói trên cho vào vật dụng đựng lửa than đến khi hạt lên khói, thì dùng nửa tờ giấy cứng quấn lại hình cái phễu, một đầu phễu đặt lên vật chứa hạt thảo quyết minh, đầu còn lại đặt áp lên mũi để xông hơi vào mũi, hít nhẹ từ từ. Mỗi ngày làm 2 lần như vậy.