Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

Thu cả trăm triệu đồng nhờ nuôi cá bông lau

Với quy mô nuôi lớn bậc nhất Đồng bằng Sông Cửu Long, con cá bông lau đang mang lại cho anh nông dân Nguyễn Tâm Đăng (Tiền Giang) hiệu quả kinh tế gấp 4-5 lần so với cá tra.
Đầu năm 2007, nhân dịp muốn thết đãi mấy người bạn từ xa đến chơi mấy chú cá bông lau, đặc sản địa phương mà khó tìm mua, anh Nguyễn Tâm Đăng ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) nảy ra ý tưởng nuôi cá.
Suy nghĩ đó thôi thúc khiến anh bỏ học ngành cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về quê tìm tài liệu đọc nghiên cứu con giống, xây dựng mô hình nuôi cá bông lau. Từ một học viên cơ khí, anh chuyển hẳn sang nuôi thủy sản quả là điều quá khó. Nhưng với quyết tâm, cộng với tính chịu học hỏi qua sách báo nên trong thời gian ngắn anh có được vốn kiến thức về nuôi các loài cá da trơn như cá bông lau, cá dứa, cá tra bần…
ca-bong-lau-0-JPG-6742-1399019675.jpg
Anh Đăng đã thành công sau nhiều lần thả nuôi thất bại.
Năm 2009, anh Đăng thuê 5 ha mặt nước của những hộ nuôi tôm bị thất bại ở xã Phú Tân để mua cá giống bông lau về nuôi. Anh mượn vốn từ người thân trong gia đình 400 triệu đồng mua 25.000 con giống của một doanh nghiệp ở huyện Cần Giờ (TP.HCM) về thả nuôi. Kết quả cá hao hụt quá cao, anh thất bại. Nhiều người trong xóm cho rằng, anh “điên” vì hồi nào tới giờ loài cá bông lau chưa có ai nuôi sống được mà dám thả nuôi.
Anh Đăng tâm sự: "Vì hiểu biết còn hạn chế nên lần đầu mua giống, tôi bị lừa mua nhầm giống cá, nên nuôi không đạt. Thất bại nhưng không nản, tới mùa sau tôi dò hỏi theo ghe đánh bắt cá ngoài cửa sông với mong muốn tìm nguồn cá giống bông lau tự nhiên. Dù đã làm mọi cách nhưng cá đưa lên khỏi sông chưa bao lâu thì chết hàng loạt. Số còn lại tôi đem về, chăm sóc với chế độ “đặc biệt” trong ao đất. Vậy mà vẫn không sống được".
Sau hai lần thất bại, anh Đăng không chịu thua cuộc, vẫn kiên trì tìm tòi học hỏi. Anh xin tham dự các cuộc hội thảo chuyên đề về cách nuôi loài cá da trơn ở trong và ngoài tỉnh để nắm bắt thêm kiến thức. “Bí quyết” anh đã hiểu ra, vì loại cá da trơn có nhớt, khi thay đổi môi trường đột ngột chúng sẽ chết, nên cần xử lý nước và cho cá thích nghi dần.
Anh Đăng chia sẻ, mùa sinh sản cá giống bông lau xuất hiện nhiều vào tháng 11 năm trước đến sang tháng 3 năm sau. Vào mùa này, những loài cá da trơn được ngư dân đánh bắt rất nhiều, loại bằng ngón tay cái hoặc con lớn hơn bán với giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đ/kg. Cái khó là làm sao con giống ngoài tự nhiên bắt được, giữ cho nó sống và nuôi dưỡng thành cá thương phẩm bằng những nguồn thức ăn hiện có trên thị trường.
Có hiểu biết để nhận diện chính xác cá bông lau và tích lũy vốn kinh nghiệm nuôi cá sau bao phen thất bại, anh quyết tâm thử một lần nữa, bỏ ra số tiền khá lớn thu mua cá con của các ngư dân đánh bắt trong thiên nhiên.
Trong lần nuôi này, anh thành công, tỷ lệ cá chết giảm đáng kể. Và từ đó anh bắt đầu tìm thị trường bán cá bông lau giống, cá tra bần cho các doanh nghiệp ở An Giang và Đồng Tháp. Lấy ngắn nuôi dài, nhiều năm anh xoay vòng vốn bán cá giống và đầu tư cho vùng chuyên nuôi cá bông lau.
Năm 2010, anh Đăng thuê gần 10 ha đất ở huyện Tân Phú Đông thả nuôi thử nghiệm khoảng 23.000 con. Sau nhiều lần thay đổi thức ăn viên cho cá, anh đã thành công trong việc thuần dưỡng, nhân nuôi trong ao đất có nguồn nước tĩnh theo hình thức bán hoang dã. Sau 12 tháng nuôi anh thu hoạch được khoảng 20 tấn cá thương phẩm.
Trên đà thắng lợi, anh Đăng tiếp tục thả nuôi hơn 31.000 con giống cũng từ nguồn cá giống khai thác tự nhiên. Hiện nay cá nuôi đạt trọng lượng bình quân từ 900 gr đến 1 kg/con. Ao nuôi có thể đem về doanh thu cả trăm triệu đồng cho anh. Ngoài ra anh cũng chuẩn bị khoảng 500.000 con giống để đủ cung ứng theo các đơn đặt hàng trong năm nay.
Với kinh nghiệm tích lũy được, anh Đăng cho biết: "Cá bông lau và cá dứa khó có thể phân biệt được nhau ở giai đoạn cá giống, tuy nhiên cách nhận dạng chung là hai loài cá này có sống lưng ánh lên màu xanh nhạt, đuôi vàng, viền đuôi hơi tím; trong khi đó cá tra bần có lưng, vây, đuôi đều màu vàng".
Từ các đặc điểm trên, anh phân tích: "Cá tra bần chiếm khoảng 10% nguồn cá giống đánh bắt từ tự nhiên. Loại này dễ thuần dưỡng hơn cá bông lau, cá dứa".
Mô hình nuôi của anh chỉ phải lo 50% nguồn thức ăn, phần còn lại cá tự tìm rong rêu hay cỏ cây để ăn, nên cá đạt tỷ lệ sống 90%. Hiện tại trong khu vực ao nuôi anh cho trồng cỏ xung quanh, vừa tạo bóng mát vừa làm nguồn thức ăn thiên nhiên cho cá. Mật độ thả nuôi để cá có tỷ lệ sống cao, bình quân thả 2 con/m3 nước.
Anh lý giải, vì đây là loại cá sống ngoài thiên nhiên thích nơi dòng chảy nước sâu nên cần oxy, khi đem vào ao nuôi trong môi trường nước tĩnh phải thả thưa, cá mới đủ oxy phát triển tốt. Cá nuôi trong vòng 12 -15 tháng đạt trọng lượng 1 - 1,1 kg/con, còn nuôi theo hình thức công nghiệp chủ động nguồn thức ăn hoàn toàn trong vòng 10 - 11 tháng cá đạt trọng lượng từ 1,2 - 1,5 kg/con.
Anh cho biết thêm, kế hoạch anh sẽ thu hoạch lượng cá bông lau trong ao vào đầu tháng 5 tới đây, dự kiến khoảng 25 tấn cá thương phẩm bán với giá từ 120.000 - 130.000 đ/kg, còn vào tháng 6 đến tháng 12 cá bông lau có giá từ 160.000 - 180.000 đ/kg. Có thể nói vụ cá bông lau năm nay hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao cho anh.
Dù đang nuôi cá bông lau từ ngoài sông về nuôi trong ao, nhưng anh Đăng muốn loại cá này có chất lượng thịt gần giống cá trong tự nhiên. Thịt cá trắng, thơm ngon và ít mỡ. Để đạt được điều đó, mô hình nuôi tối thiểu, theo anh phải là bán thiên nhiên trên diện tích rộng. Nguồn nước cần thay đổi thường xuyên và quan trọng nhất là trong quá trình nuôi không được sử dụng thuốc và chất hóa học.

Nông dân nuôi lươn lãi trên trăm triệu

Mỗi tấn lươn thương phẩm, người nông dân lãi trung bình 30 triệu đồng, mang về thu nhập mỗi lứa thả nuôi hàng trăm triệu đồng.
nuoiluon-7240-1400643052.jpg
Con lươn được giá, mang lại thu nhập cao cho người nuôi.
Toàn huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hiện có 52 hộ, nuôi 85.000 con lươn trong 200 hồ xi măng, bồn lót bạt… tập trung nhiều tại các xã An Long, Phú Thọ, Phú Thành A và Phú Thành B.
Chín hộ nông dân trong huyện đã thu hoạch được 50 hồ, bồn với 3,5 tấn lươn thương phẩm. Nhiều thương lái ở trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp đến tận nơi thu mua lươn với giá dao động 124.000-132.000 đồng một kg, tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng một kg so với tháng trước.
Theo đa số người nuôi lươn ở xã Phú Thọ, đầu tư khoảng 3,5kg thức ăn sẽ cho ra một kg lươn thương phẩm. Với giá bán như hiện nay, trung bình mỗi tấn lươn người nuôi có lãi khoảng 30 triệu đồng.
Với 32 bồn xi măng, ông Trần Văn Đẳng (ấp An Thịnh, xã An Long) thả 22.400 con lươn giống. Sau hơn 7 tháng chăm sóc, lươn đạt trọng lượng bình quân 4 con một kg, bán được 123.000 đồng. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ông trên 578 triệu đồng, trừ các khoản chi phí đầu tư và công chăm sóc còn lãi hơn 180 triệu đồng.
Anh Bi (xã An Long) hiện đang nuôi 14.000 con lươn trong 20 bồn xi măng cạnh nhà. Đàn lươn của anh đang tăng trưởng tốt, không có dấu hiệu bị bệnh, trung bình từ 3 - 4 con một kg. Anh Bi cho biết: "Với giá bán như hiện nay, gia đình tôi sẽ lãi khoảng 200 triệu đồng".

Kiếm bạc tỷ từ thuần dưỡng cá Koi

Một con cá Koi loại lớn (5kg) có giá lên đến 2.000 USD. Hàng tháng, công ty của ông Lê Hữu Dũng cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 con cá Koi thành phẩm.
Đây là loài cá cảnh của vùng xứ lạnh Nhật Bản, được xem là quốc ngư của đất nước này, rất đẹp nên giá cực đắt. Nếu nuôi lớn đến khoảng 20-30kg một con, giá có thể lên đến hàng trăm ngàn USD mỗi con. Thấy được tiềm năng to lớn của con cá này, ông Lê Hữu Dũng (Quận 7, TP HCM) cùng con trai Lê Hữu Thanh đã quyết chí nhập về và thuần dưỡng để nuôi đại trà ở vùng xứ nóng Việt Nam.
Vượt qua bao thăng trầm, sau 2 năm dày công thuần dưỡng và lai tạo cuối cùng cha con ông cũng thành công. Loại cá nhỏ nhất (0,5kg) được rao giá một triệu đồng mỗi con, còn những loại to nhất ước chừng khoảng 3-5kg mỗi con thì giá bán khoảng 2.000 USD một con. Lê Hữu Thanh tiết lộ, do 2 cha con anh đã thuần hóa và nuôi được ở Việt Nam nên giá bán này đã rất “mềm”, chứ theo giá trên thế giới phải mắc hơn gấp 3-4 lần.
SNDPCa-Koi1-MIEM-ashx-6962-1410061020.jp
Những con cá Koi trị giá 2.000 USD/con được anh Lê Hữu Thanh giới thiệu tại Hội chợ triển lãm giống nông nghiệp.
Không chỉ bắt mắt với màu sắc đẹp, cá Koi còn hấp dẫn bởi yếu tố phong thủy và nguồn gốc xuất thân. Theo giới chơi cá tại đất Sài thành, cá Koi đã vượt qua cả cá rồng, trở thành loại cá có tác dụng phong thủy đứng hàng đầu trong thị trường cá cảnh hiện nay, bởi đây là dòng cá của Hoàng gia Nhật Bản. “Hiện chúng tôi đã lai tạo được đủ 9 loại cá với các màu sắc khác nhau đáp ứng các yêu cầu về phong thủy của khách hàng, gồm: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc”, Lê Hữu Thanh cho biết.
Theo ông Lê Hữu Dũng, người cha, cũng là Giám đốc Công ty Hải Thanh, gia đình ông theo nghề cá cảnh từ năm 1989, lúc đó ông nuôi cá dĩa, rồi năm 1993 chuyển qua nuôi cá biển, xây dựng mấy cái thủy cung cho Khu du lịch Suối Tiên (TP HCM) và một số ở Nha Trang. Người con trai cả lớn lên, mê tít những cái thủy cung của cha, quyết chí “bám đuôi” theo cha xin làm “đệ tử”.
Năm 2005, hai cha con có dịp sang Nhật tham dự một cuộc triển lãm cá cảnh quốc tế, nhìn thấy những con cá Koi tuyệt đẹp, to như những con cá biển lớn ngoài khơi, với giá bán cao ngất ngưởng từ mấy chục đến cả trăm ngàn USD một con. Nếu nuôi tốt, cá Koi có thể dài hơn một mét với trọng lượng hơn 30kg, giá cả khi đó có thể lên đến 300.000 USD một con hoặc vô giá. Cá này có hình dáng giống như cá chép (nên còn được gọi là cá chép Nhật Bản). Quá mê mẩn, hai cha con lang thang suốt mấy ngày trong hội chợ và bắt đầu ấp ủ giấc mơ đem bằng được con cá này về Việt Nam.
Năm 2006, họ nhập về lô hàng đầu tiên gồm 25 con cá Koi bố mẹ trị giá 45.000 USD. Nhưng niềm vui chưa được tày gang, thì hơn một triệu con cá bột do cá bố mẹ sinh ra bắt đầu thi nhau… chết. Ngày đầu chết 30% rồi mấy ngày sau chết sạch, những con cá bố mẹ cũng ngả bệnh rồi chết theo. Hai cha con như “đứng hình”, không biết làm sao cứu. Rồi họ lại cắn răng nhập về đợt thứ 2 và cá cũng tiếp tục lăn ra chết hết.
Sau khi tìm hiểu, ông Dũng phát hiện do cá bị “sốc” môi trường, từ nhiệt độ, khí hậu đến nguồn nước. Cá Koi Nhật Bản đã sống quen với môi trường khí hậu lạnh nay chuyển sang khí hậu nóng nên không chịu nổi. Kèm theo đó là đủ thứ vi khuẩn lạ trong nguồn nước, môi trường sống mới khiến cá mắc đủ thứ bệnh. Thế là 2 cha con phải “cắp cặp” qua Nhật Bản học lại kỹ thuật thuần dưỡng và nuôi cá.
Năm 2009, cha con ông sang Nhật tham gia phiên đấu giá cá Koi đầu tiên tại trang trại Motorato tỉnh Okayama. Đây là nơi đấu giá những con cá Koi giống chất lượng hàng đầu của Nhật. Ở “phút 89”, Việt Nam vượt qua các “anh lớn” trong làng cá Koi trên thế giới như nước chủ nhà Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia... để giành được chú cá Koi đẹp nhất tại phiên đấu giá với giá đấu là 12.000USD. Đó là chú cá Koi dòng Showa dài 48cm, mẹ của nó đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá với chiều dài 116cm.
Trước tiên con cá này rất kỵ với phèn, trong nguồn nước có tí phèn cá cũng không sống được nên trong các bể, hồ nuôi phải lọc thật sạch phèn, sau đó mới giải quyết đến vấn đề nhiệt độ. Trong đợt nhập cá về lần 3, vừa về tới Việt Nam, hai cha con đã đưa cá vào ngay trong phòng cách ly, rồi chạy nhiệt độ đúng với nhiệt độ mà cá đã quen sống bên Nhật (khoảng 18 – 20 độ C) để cá hồi phục. Qua 2-3 ngày sau khi thấy mọi việc đều ổn mới tăng lên 1 độ C. Cứ thế cách vài ngày lại tăng lên 1 độ để cá làm quen từ từ với khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Đến lúc bằng với nhiệt độ bên ngoài thì mới thả cá ra môi trường tự nhiên. Đây gọi là giai đoạn thuần nhiệt độ.
Lúc này hai cha con lại phải tiếp tục bổ sung thêm vitamin, vi lượng, kháng sinh để tăng sức đề kháng cho cá chống chọi dịch bệnh, làm quen với môi trường sống ở Việt Nam. “Cá mới nhập về 3 tuần đầu không dám cho ăn gì. Sau đó mới bắt đầu cho ăn từ từ, mỗi ngày một ít, khi nào thấy ổn mới dám tăng lên một  chút.
"Cực khổ còn hơn nuôi em bé mới sinh”, Lê Hữu Thanh nhớ lại. Rồi họ phải thử nghiệm trên nhiều loại thức ăn với liều lượng khác nhau mới tìm ra được liều lượng và chất lượng thức ăn chuẩn theo mong muốn. Tương ứng theo đó, lượng cá chết giảm dần đi. Trong lần thứ 3 nhập cá về, lượng cá chết chỉ khoảng 50-60%, mấy lần sau không còn cá chết nữa.
Hai cha con chính thức bắt đầu công cuộc nuôi đại trà theo quy mô công nghiệp và tung cá thành phẩm ra thị trường, gây dựng nên một phong trào chơi cá Koi cho thị trường cá cảnh Việt Nam. Ông Dũng cho biết nhu cầu của thị trường hiện đang rất cao, công ty sản xuất ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Hiện hàng tháng công ty cung ứng ra thị trường khoảng 20.000 con cá thành phẩm, doanh thu hàng năm trên 20 tỷ đồng. "Đây là một nghề nuôi có lợi nhuận khá cao, một lời một", ông Dũng cho biết.

Lãi cao nhờ nuôi cá điêu hồng

Gần một tháng qua, giá cá điêu hồng ven sông Tiền (Tiền Giang) có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, người nuôi vẫn thu được 25-30 triệu đồng mỗi bè nhờ sức tiêu thụ tăng mạnh.
Ông Lê Minh Sang - người nuôi cá điêu hồng thuộc cù lao xã Thới Sơn (Mỹ Tho) cho biết, gần một tháng nay thương lái đã hạ giá 2.000-3.000 đồng một kg so với trước. Hiện thương giá mua tận bè là 38.000 đồng một kg đối với hình thức bắt cá ôxy (cá sống đựng trong bao nylon có bơm ôxy), còn thương lái bắt bằng ghe đục có khoang thông đáy bằng lưới để chứa cá có giá 37.000 đồng một kg.
Theo ông Sang, giá cá điêu hồng giảm thời gian qua do đã bước vào mùa mưa, lượng cá đồng tại các chợ nhiều. Mặt khác, cá điêu hồng tới lứa thu hoạch nhiều hơn trước. Hiện nay, mặt hàng này được các thương lái tại địa phương, hoặc từ TP HCM xuống tận bè bắt rồi tập kết ở chợ đầu mối thủy sản Bình Điền (TP HCM) để phân phối khắp cả nước. Dù giá cá giảm nhưng tình hình tiêu thụ vẫn bình thường do cá điêu hồng vẫn được ưa chuộng.
ca-1833-1409536438.jpg
Dù giá giảm nhưng người nông dân tại tỉnh Tiền Giang vẫn có lãi cao từ cá điêu hồng. Ảnh: HND
Theo nhiều nông dân ở Mỹ Tho, chi phí nuôi cá điêu hồng trên bè hiện nay ở mức 30.000-32.000 đồng một kg, tăng 2.000-3.000 đồng một kg so với năm ngoái. Chất lượng cá giống ngày càng giảm, dịch bệnh tăng dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao. Tuy nhiên, với năng suất bình quân trên 5 tấn một ha và giá bán cá hiện nay, người nuôi cá điêu hồng có thể lãi từ 20-30 triệu đồng một bè (tùy theo chất lượng cá giống và kỹ thuật nuôi).
Ông Nguyễn Văn An ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, giá cá luôn dao động ở mức 32.000-40.000 đồng một kg, nông dân có lãi khá nhưng lượng cá thu hoạch không nhiều.
“Hiện nuôi cá điêu hồng thuận lợi về giá, thị trường tiêu thụ nhưng thực tế nông dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Giá cá bấp bênh, chất lượng cá giống giảm, môi trường ô nhiễm dẫn đến tỷ lệ hao hụt cá cao, giá thành sản xuất thức ăn ngày càng tăng, nhất là gần đây các đại lý không cho mua thiếu thức ăn cá như trước nên chúng tôi thiếu vốn sản xuất…” - ông An chia sẻ.
Do nhu cầu thả của nông dân tăng nên giá cá điêu hồng giống gần đây vẫn ổn định. Ông Lê Văn Bảy -người nuôi cá điêu hồng giống ở xã Nhị Mỹ, huyện Cai Lậy cho biết, cá điêu hồng giống loại 30-50 con một kg vận chuyển đến tận bè có giá 30.000-32.000 đồng một kg.
Theo nhiều nông dân nuôi cá giống, cá điêu hồng giống thường được nuôi trong ao đất với diện tích ương từ 500m2 đến vài ngàn m2, độ sâu từ 1-1,2 m, mật độ thả 100-150 cá bột trên một m2. Cá bột thường được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp độ đạm từ 26-35%, hoặc thức ăn tự chế. Sau 2,5 tháng ương cá bột phát triển thành cá giống cỡ 30-50 con một kg với tỷ lệ hao hụt khoảng 30-40%.
Khi thu hoạch, có thể đạt từ 400-450kg một ha cá giống. Trừ chi phí đầu vào, tính ra mỗi vụ ương 2,5 tháng, người ương cá điêu hồng giống lãi từ 17.000-19.000 đồng một kg (khoảng 70-85 triệu đồng một ha).
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, hiện nay toàn tỉnh có 1.038 bè cá đang thả nuôi trong tổng số 1.327 bè cá đang neo đậu (chiếm 76,7%), chủ yếu là nuôi cá điêu hồng. Từ đầu năm đến nay, bà con nông dân đã thả nuôi mới 1.020 bè với 20,9 triệu giống và thu hoạch 1.010 bè với sản lượng 5.858 tấn.

Nông dân đổi đời từ vèo cá lóc

Bắt đầu với số vốn khiêm tốn để mua con giống và làm vèo - lồng nuôi từ lưới hoặc túi nylon, nông dân có thể thu lãi cả chục triệu đồng từ cá lóc.
caloc-2800-1400378599.jpg
Những cái vèo nuôi cá đang mang lại thu nhập tốt cho người nông dân. Ảnh: Ngọc Huyền
Nuôi cá lóc (cá quả hay cá chuối) trong vèo không cần diện tích lớn, chỉ đòi hỏi khoảng chục mét vuông mặt nước. Diện tích nhỏ như vậy có thể tận dụng ven bờ các con kênh, rạch hay ngăn một góc ao. Cá lóc nuôi trong vèo được ăn cá tạp, ốc, hến nên thịt chắc và ngon như cá sống môi trường tự nhiên, hoàn toàn không có thuốc hoá học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Đặng Văn Kiệt ở ấp Thạnh An 3 (xã Thạnh Thới Thuận, Trần Đề, Sóc Trăng), là người đầu tiên nuôi cá lóc trong vèo và được nhiều người dân nơi đây học theo. Trước, cuộc sống gia đình ông Kiệt rất khó khăn vì không có ruộng đất sản xuất. Khi biết được hình thức nuôi cá lóc trong vèo, ông đi tìm thầy học.
Sau đó, ông quyết định vay vốn ngân hàng hơn 10 triệu đồng, làm vèo bằng lưới nylon, quây 9m2 mặt nước, thả 1.000 con cá giống. Nuôi gần 4 tháng, khoảng 3 con đạt một kg với giá bán 45.000 đồng. Tổng cộng, ông Kiệt lãi được 8 triệu đồng từ lứa đầu tiên.
Hiện nay, ở xã Thạnh Thới Thuận có rất nhiều người nuôi cá lóc trong vèo. Những người ít đất hoặc không có đất, tận dụng kênh rạch với sự cần cù là có được thu nhập khá. Cá lóc nuôi trong vèo sạch nên có giá cao, thường hút hàng.

Ông chủ của 4 trang trại chim tiền tỷ

Từng thua lỗ và tay trắng trên thương trường, anh Giáp tái khởi nghiệp với 40 triệu đồng vay mượn và khu vườn 200m2 để nuôi chim trĩ đỏ.
Sinh ra tại Lý Nhân (Hà Nam), anh Trần Nhữ Giáp tốt nghiệp Đại học Thương mại khoa Quản trị Kinh doanh năm 2001. Sau khi ra trường, anh làm việc cho một số doanh nghiệp tư vấn đầu tư. Luôn ôm mộng được làm kinh doanh riêng nên năm 2005, khi tích lũy đủ kinh nghiệm và vốn liếng, anh Giáp cùng một số người bạn thành lập công ty tư vấn đầu tư cho các doanh nghiệp FDI.
Biến cố vài năm sau đó đã thổi bay 5 tỷ đồng anh tích cóp trong mấy năm ăn nên làm ra nhờ nghề tư vấn
anh-Giap-500-3156-1400487524.jpg
Hiện anh Giáp còn tham gia viết sách, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi các loài gia cầm, thủy cầm quý hiếm. Ảnh: NVCC
Sau một thời gian chán nản, anh Giáp tự nhủ mình phải tìm ra một hướng đi thật khác biệt để làm lại từ đầu. Anh trăn trở rất nhiều về con đường mới cho cuộc đời mình. 
"Lúc đó tôi mày mò, tìm kiếm mãi nhưng những gì mình định làm thì thiên hạ lại làm hết rồi, càng ngày càng bế tắc nên đã tìm đến chim cảnh để lấy lại sự cân bằng", chủ trang trại kể lại. Anh mua 2 chú chim trĩ đỏ về để nuôi chơi nhưng một thời gian sau chúng sinh sản. Giáp tò mò lên mạng tìm kiếm thông tin về loài này và nảy ra ý tưởng nhân rộng mô hình nuôi. 
Anh vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của vợ và gia đình. "Những người thân của tôi đều cho rằng ăn học tử tế giờ lại quay về làm chăn nuôi, chân lấm tay bùn thì bao nhiêu năm phấn đấu sẽ thành con số không", anh Giáp cho hay. Thậm chí, vợ anh từng gây áp lực với bằng cách đòi ly hôn. Cuối cùng trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, chị đành chấp nhận để anh chọn con đường theo ý thích của mình. 
Bắt đầu lại mọi việc với hai bàn tay trắng, anh Giáp biết trước mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Để có nơi mở trang trại, anh về Hà Nam hỏi mượn đất của người thân. "Nhưng lúc đó, ai cũng e ngại vì cho rằng cái kế hoạch 'giời ơi đất hỡi' của tôi biết có thành công không? Cuối cùng mình cũng thuyết phục họ cho mượn khoảng 200m2 ruộng", anh cho hay.
Giáp vay khoảng 40 triệu đồng của bạn bè về để có vốn đầu tư, xây dựng chuồng trại...  Đến 2008 anh về làm nông dân để lại công ty tư vấn cho người bạn điều hành. Bắt tay vào nuôi mới thấy mọi việc không dễ dàng như anh nghĩ.
Chim trĩ đỏ là loài nằm trong sách đỏ nên anh gặp không ít khó khăn trong việc xin cấp phép nuôi. Để hoàn thành thủ tục pháp lý cho trang trại, anh phải đã mất gần 2 năm chứng minh những động vật này có thể sinh sản được trong môi trường nhân tạo. Đến tháng 6/2009, anh mới có được giấy phép. 
Thời gian đầu, do chưa nắm vững về đặc tính, kỹ thuật nuôi, sinh sản... nên chim bị chết khá nhiều, anh tiếp tục thua lỗ hàng trăm triệu đồng.  Cả nước khi đó lại chưa có mô hình nào về loài này để học hỏi nên anh Giáp lại dành thời gian mày mò, nghiên cứu tài liệu từ các trang nước ngoài để ứng dụng và tìm ra nguyên nhân vật nuôi bị bệnh. Thậm chí, anh còn vay cả tiền để sang nước ngoài như Malaysia, Thái Lan, Australia... cả tháng trời để học hỏi kinh nghiệm. 
Cuối cùng, công sức của anh cũng được đền đáp và anh mở rộng khu vườn tại Hà Nam thành một trang trại rộng khoảng 5.000m2. Năm 2010, từ những thành công bước đầu, anh Giáp tiếp tục gom góp, vay mượn hơn 3 tỷ đồng để đầu tư trang trại 14.000m2 ở Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Gần đây, anh đang xin cấp phép thêm 2 trang trại nữa tại Láng Hòa Lạc và một tỉnh ở phía Nam.
chim-cong-500-7623-1400487524.jpg
Bên cạnh chim trĩ đỏ, trang trại của anh Giáp còn nuôi hàng nghìn cá thể chim công, ngỗng trời, sâm cầm... 
Hiện cả 4 trang trại có khoảng 7.000 cá thể chim trĩ. Gần đây anh nuôi thử nghiệm thêm các loài gia cầm khác như chim công, ngỗng trời, gà rừng tai trắng, gà lôi vằn, sâm cầm, vịt trời, chim le le... với khoảng 1.000 cá thể. Ngoài việc nhân giống và hoàn thiện mô hình nuôi, anh còn  nghiên cứu đặc tính, cách nhân giống các loài này để hoàn thiện cuốn sách hướng dẫn kỹ thuật nuôi, sinh sản các loài chim, gà quý hiếm để phổ biến đến người chăn nuôi.
Mỗi tháng, trang trại của anh cung cấp ra thị trường khoảng 1.000 chim trĩ các loại, 100 chim công giống và trưởng thành, 4.000 con vịt thương phẩm… Theo tính toán của anh, mỗi năm trang trại có thể thu lãi khoảng 800 triệu đến một tỷ đồng. Ngoài bán chim giống và thương phẩm, anh còn bao đầu ra cho những bà con mua giống xung quanh vùng. 
Anh Giáp cho biết, sau 7-8 tháng tuổi, chim trĩ đỏ bắt đầu đẻ trứng. Trung bình mỗi năm, một con mái đẻ khoảng 100 quả trứng, có những con đẻ gấp đôi số đó. Giá mỗi quả trứng chim trĩ đỏ hiện khoảng 20.000 đồng, trĩ giống nuôi một tháng tuổi giá khoảng 80.000 đồng con, trĩ trưởng thành 450.000 đồng một con… Chim công giống dao động từ 1-2 triệu mỗi con, loại trưởng thành đang sinh sản khoảng 9-11 triệu. Ngỗng trời giống và thương phẩm từ 500.000 đến 1,2 triệu mỗi con, sâm cầm 800.000 đồng mỗi con... Mỗi ngày, các trang trại của anh có hàng chục lượt khách đến tìm hiểu, học hỏi mô hình cùng các chuyên gia nghiên cứu về các loài chim quý hiếm.
Về lâu dài, anh Giáp dự định sẽ củng cố cơ sở vật chất của các trang trại sẵn có và mở thêm các điểm chăn nuôi khác trên cả nước. "Tôi hi vọng sẽ xây dựng hệ thống trang trại chuyên sản xuất và cung cấp các giống chim, gia cầm, thủy cầm quý hiếm hàng đầu cả nước". chủ trang trại cho hay.

Cựu vận động viên quyền anh làm giàu từ trồng gấc

Vị giám đốc chưa đến 30 tuổi nhưng đã có 10 năm lập nghiệp từ nghề trồng gấc. Đến nay, công việc kinh doanh của anh phát triển sang nhiều lĩnh vực khác, mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Sinh năm 1986 tại Bắc Giang, sau đó lớn lên tại Hà Nội nhưng anh Ngô Sỹ Đạt từng theo học trường Văn hóa thể thao Hà Nội (nay gọi là trường Năng khiếu Thể thao Hà Nội) và đã trở thành vận động viên quyền anh quốc gia. Có lúc đã xác định đây là nghiệp theo đuổi nhưng sau 3 năm gắn bó, anh nhận thấy khó có thể làm giàu từ nghề này.
"Hơn nữa, hoạt động thể thao cũng chỉ có thời, phát triển được vài ba năm thôi nên năm 2005 mình quyết định từ giã nghiệp quyền anh và quyết định về quê trồng gấc. Đây cũng là thời điểm gia đình mình đang gặp khó khăn về kinh tế", Đạt kể lại.  
Anh cho biết, ý tưởng làm giàu từ gấc nảy ra sau một lần tình cờ xem chương trình truyền hình, với khách mời là một doanh nhân thành đạt từ cây trồng này. Lúc đó Đạt có ý nghĩ, tại sao mình lại không bắt đầu từ công việc đó. 
a-Dat-JPG-7628-1410057675.jpg
Anh Đạt đã từ bỏ nghiệp thi đấu quyền anh để về khởi nghiệp và làm giàu từ quả gấc. Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, mọi người trong gia đình đều không dám tin kế hoạch của anh sẽ thành công. Bố Đạt khi đó còn cho rằng, cậu con trai lớn lên ở thành phố, chưa hề nhúng tay vào công việc đồng áng, trồng trọt thì khó mà triển khai được, hơn nữa lại còn mong làm giàu từ đó. 
Đầu năm 2006, Đạt về khu đất hơn 20.000m2 của gia đình ở làng Quế, xã Hướng Đạo, Tam Dương (Vĩnh Phúc) để trồng thử nghiệm hơn 200 gốc gấc. Chàng trai 20 tuổi lớn lên ở thủ đô tự tay đào đất, đóng cọc tre làm giàn cho cây.
Tuy nhiên, do trồng đúng lúc trời nắng nên cây gấc cứ héo úa. Đạt tưởng mình thất bại nên tìm mua cả giống cây susu về trồng lấy ngọn và quả đem bán để có nguồn thu. Đến mùa mưa, vườn gấc mới tươi tốt trở lại và phát triển tốt. Lúc đó, anh mới mày mò đi tham khảo, học hỏi thêm nhiều mô hình trồng gấc ở các tỉnh và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Được sự hỗ trợ kỹ thuật của một viện nghiên cứu anh quyết định mở rộng thêm diện tích và nhập thêm giống về trồng. Một năm sau, vườn gấc được thu hoạch và cho doanh thu khi đó là 80 triệu đồng. 
Những năm sau đó anh mày mò tìm thêm được đầu ra sản phẩm nên ngày càng phát triển số gốc cây, đồng thời động viên bà con quanh vùng trồng gấc. "Khi đó, nhận thấy nhu các doanh nghiệp dược phẩm có nhu cầu lớn về gấc, mình đã tìm hướng để chào bán sản phẩm. Từ đó đến nay, anh mình vẫn duy trì hợp đồng cung cấp cho họ. Có thời điểm không đủ hàng để cung ứng", anh kể lại.   
Không chỉ ở Vĩnh Phúc, Đạt còn phát triển vùng nguyên liệu đi các tỉnh thành khác và đến mùa thu hoạch lại đi thu gom về sơ chế rồi cung cấp cho doanh nghiệp. Để thuận lợi cho công việc kinh doanh, tháng 3/2008, Công ty TNHH Gấc Việt được thành lập.
Đến năm 2011, anh có thêm một số kế hoạch mới như cung cấp gỗ nghiền cho các doanh nghiệp đốt lò hơi cho doanh nghiệp sữa và thu mua cam từ Hà Giang về bán . Do đó anh quyết định chuyển về phát triển vùng nguyên liệu gấc tại Yên Thế, Bắc Giang. Còn trên Vĩnh Phúc anh chuyển sang trồng cam canh.
Anh cho biết, hiện mỗi năm thu mua khoảng 500 tấn gấc nguyên liệu và bán cho doanh nghiệp dược với giá dao động từ 150.000 đến 200.000 đồng mỗi kg loại sơ chế. Ngoài vụ thu mua gấc và cam vào khoảng 3-4 tháng cuối năm, công việc cung cấp gỗ nghiền vẫn được duy trì. Những năm làm ăn thuận lợi, việc kinh doanh của anh có thể đạt được lợi nhuận một tỷ đồng.
Vị giám đốc trẻ cũng cho biết, khi còn nhỏ, gia đình gặp khó khăn về kinh tế nên anh bỏ học rất sớm, khi chưa hết lớp 10. Do đó, để điều hành tốt công việc kinh doanh, anh đã trang bị kiến thức cho mình bằng việc tham gia thêm các khóa đào tạo ngắn hạn tại các trường đại học.

Chàng trai 9X làm giàu từ chim trĩ đỏ

Mỗi tháng, Thắng có thể thu lãi hàng chục triệu đồng từ khu trại rộng hơn 2.000m2 nuôi chim trĩ đỏ.
Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1990 ở Lý Nhân, Hà Nam. Tốt nghiệp cấp 3 năm 2009, anh đến giúp việc cho trại nuôi chim của người chú. Một năm sau, anh về nhà cùng gia đình xây dựng trại nuôi chim trĩ đỏ với diện tích khoảng 30m2, vốn đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng.
"Trang trại của chú mình nuôi rất nhiều loại chim, cả bán thịt và làm cảnh. Tuy nhiên, mình thấy loại chim trĩ đỏ giá vừa phải, chuyên bán lấy thịt sẽ dễ tìm đầu ra hơn nên chọn nuôi", anh kể lý do khởi nghiệp. 
Ban đầu, anh nuôi chim nhân giống, rồi mới phát triển dần lên nuôi thịt, cung cấp giống và chim non. Hiện anh có trại nuôi rộng khoảng 2.000m2, lúc cao điểm nuôi trên 1.000 con.
chim-tri-do-500-5975-1398074802.jpg
Trang trại của anh Thắng hiện rộng khoảng 2.000m2 với 1.000 con chim trĩ đỏ. 
Trước năm 2013, chim trĩ nằm trong sách đỏ nên người chăn nuôi phải làm một số thủ tục, giấy tờ. Mỗi lần xuất bán và vận chuyển Thắng đều phải lên chính quyền xã và kiểm lâm tỉnh xin xác nhận. Từ 2013, chim trĩ đỏ được xếp vào diện động vật được phép chăn nuôi buôn bán bình thường nên việc chăn nuôi cũng như kinh doanh đơn giản hơn. 
Thắng cho biết, loài này nếu nuôi thương phẩm thì khoảng 5 tháng có thể xuất bán. Mỗi con trống đến khi bán nặng khoảng 1,4 đến 1,7kg, con mái khoảng một đến 1,2kg. Mỗi tháng, trung bình Thắng xuất bán khoảng 70 đến 100 con chim thịt. Anh cho biết, mỗi con chim thịt nuôi từ nhỏ đến khi xuất chuồng, người nuôi mất chi phí khoảng 110.000 đồng. Với giá bán mặt hàng này khoảng 200.000 đến 220.000 đồng một kg, mỗi tháng riêng loại để thịt, anh Thắng có thể thu lãi từ 15 đến 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, ở miền Bắc, mùa sinh sản của chim chỉ kéo dài từ tháng 2 đến tháng 9 hằng năm nên theo anh, loại chim thịt chỉ đủ để bán từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Những tháng còn lại, Thắng chủ yếu bán chim giống (khoảng một tuần tuổi) và chim hậu bị (chuyên để sinh sản). Mỗi năm anh xuất bán khoảng 400 con chim hậu bị với giá 350.000 đồng một con và khoảng 1.000 con chim non với giá 50.000 đồng . Với chim hậu bị phải trên 7 tháng mới có thể xuất chuồng với cân nặng nhỉnh hơn một chút so với loại thịt, trang trại của anh có thể thu lãi 200.000 đồng mỗi con. Còn chim non mới nuôi khoảng một tuần tuổi nên theo anh Thắng chi phí tốn kém không đáng kể.
Hiện tại Thắng cung cấp thịt chim cho các nhà hàng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định... Còn chim giống và hậu bị, khách chủ yếu là các trại nuôi ở nhiều tỉnh lân cận. 
Thực phẩm chính của loài chim trĩ đỏ là ngô, rau xanh và một phần cám công nghiệp. "Mặt hàng này hiện nay đầu ra khá ổn định, nhiều thời điểm khan hiếm nguồn cung. Tuy nhiên,  người nuôi vẫn cần chú ý điểm quan trọng là vắc xin phòng bệnh lúc chim non, khoảng 20 ngày tuổi đầu tiên", anh lưu ý.
Theo anh, đầu tư cơ sở ban đầu cũng không quá lớn, quan trọng là có diện tích làm chuồng. “Mình đầu tư mỗi chuồng 100m2 thì xây dựng hết khoảng 30 triệu đồng. Ban đầu làm chuồng nhỏ, sau đó mới mở rộng quy mô dần”, Thắng nói.
Ông chủ trẻ cho rằng nuôi chim thương phẩm, bán thịt thì nhanh thu hồi vốn hơn, còn phát triển nuôi giống thì hơi khó, đầu tư lâu dài và phải có kỹ thuật chăm sóc tốt.
Anh Thắng cũng chia sẻ, mặt hàng này trước mắt tuy có lãi nhưng người nuôi cũng không nên phát triển đàn một cách ồ ạt mà phải làm dần dần. "Hơn nữa, người nuôi cũng phải nghiên cứu để nắm bắt tình hình thực tế từng thời điểm mà phát triển số lượng đàn cho phù hợp. Tránh tình trạng nguồn cung quá lớn, giá giảm thì khó tránh khỏi thiệt hại", anh cho hay.

Bà chủ thủy sản mê làm giàu từ cây chùm ngây

Nổi danh trong lĩnh vực thủy sản, nhưng chị Phan Thị Tuyết Mai lại đang dồn tâm huyết cho trồng và ứng dụng nguyên liệu từ cây chùm ngây trên khá nhiều sản phẩm như mỳ gói, trà, bánh...
Khá phổ biến ở các nước trên thế giới, nhưng cây chùm ngây (có tên khoa học là Moringa Oleifera) ít được chú ý tại Việt Nam. Đây lại là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu hấp dẫn cho chị Phan Thị Tuyết Mai, tổng giám đốc một công ty hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản ở TP HCM.
Từ nhỏ, chị Phan Thị Tuyết Mai gắn bó với cây chùm ngây qua những lần nhìn thấy cha và ông bà của mình sử dụng cây này làm thuốc và chữa bệnh cho bà con hàng xóm. Với chị, ý tuởng ban đầu về cây chùm ngây chỉ đơn giản là tặng hạt giống, hướng dẫn cách trồng trong những chuyến đi từ thiện, tặng nhà tình nghĩa, khám chữa bệnh cho hộ nông dân nghèo. Tuy nhiên, cứ 9 trong số 10 người được nhận giống lại đặt câu hỏi “Trồng chùm ngây liệu có ai thu mua không?” Từ câu chuyện thực tế này, chị Mai, xuất thân từ một kỹ sư hóa cũng là chủ doanh nghiệp xuất khẩu thủy hải sản gần 27 năm, quyết định tìm đầu ra cho loại cây này với quy trình kiểm soát chặt, kép kín từ trang trại.
Một kg lá thu mua tại vườn khoảng 20.000 đồng, người trồng có thể mang về 2,5-3 triệu đồng một tháng trên diện tích 1.000 mét vuông. Trong khi đó, lá chùm ngây tươi bán bên ngoài thị trường có giá từ 70.000 đến 100.000 đồng một kg.
Cây chùm ngây là loại rễ củ dễ trồng, không đòi hỏi nhiều nước tưới, phù hợp thời tiết nắng, không kén đất và thu hoạch ngắn. Khi cây đâm rễ, đủ cứng cáp, bắt đầu đào lỗ trên đất trồng kích cỡ rộng và sâu gấp đôi chậu nhựa, ứng với mỗi lỗ đào cách nhau 1,5-2 mét. Cây chùm ngây 3 tháng tuổi bắt đầu cho thu hoạch, cây cao 60cm bắt đầu cắt ngọn, sau 6 tháng cây cao 2 mét là thời gian  thu hoạch chính, trung bình cho từ 500 gram đến 900 gram lá tươi trên một cây mỗi tháng.
chumngay1-O-JPG-6511-1394019883.jpg
Cây chùm ngây sau 6 tháng là thời gian bắt đầu thu hoạch chính
Khi chuyển sang mục đích thương mại, chị Mai mạnh dạn lập công ty chuyên trồng và phát triển các sản phẩm từ cây chùm ngây. Vào năm 2010, chị cải tạo trang trại 20ha  tại Đồng Nai, canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu và thực hiện theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGap) với mục tiêu đưa hàng hóa xuất ra nước ngoài. “Tôi chỉ là người dẫn đường về cách làm từ cây chùm ngây để người tiêu dùng biết được ứng dụng của nó trong cuộc sống nhiều hơn chứ không đơn thuần là trị bệnh”, chị Mai nói.
Vào tháng 4 năm 2011, công ty của chị cho ra mắt lần đầu loại trà chiết xuất từ lá chùm ngây. Sau khi tìm hiểu trên mạng, sách báo, tài liệu về chùm ngây, chị nhận thấy ở Mỹ có sản phẩm chùm ngây chủ yếu dạng thuốc viên, Ấn Độ làm thành bột hay nấu canh. Phillipines, Malaysia sử dụng chùm ngây để nấu cà ri, làm trà hoặc thực phẩm chức năng. Trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới bán với nhiều hình thức chế biến, chị Mai nghĩ phải tìm ra sự khác biệt cho sản phẩm của mình mới mong tồn tại và sản xuất lâu bền. “Sau đó, tôi liên tục tìm kiếm ý tưởng, trực tiếp làm và nghiên cứu để tìm ra sản phẩm mà cả người già lẫn trẻ em đều ăn được”, chị tâm sự. Đến năm kế tiếp, công ty lần lượt cho ra đời mì gói, bánh cookie, cháo ăn liền, riêng mỹ phẩm được làm từ hạt cây chùm ngây. Trong số khoảng hơn 20 loại sản phẩm, mì chính là dòng chủ lực.
mi-O-2057-1394019883.jpg
Đây là một trong những công đoạn của quy trình sản xuất mì, là sự kết hợp giữa mì truyền thống và tinh chất lá từ cây chùm ngây.
"Ngay trong năm 2012, nhờ kênh phân phối được thừa hưởng từ công ty thủy sản  và cũng đúng thời điểm đối tác có nhu cầu về sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch nên tôi tranh thủ giới thiệu mì chiết xuất từ lá chùm ngây và họ có ý định hợp tác ngay”, chị Mai nhớ lại.
Để xuất thành công lô mì gói đầu tiên sang Đức, Đan Mạch, trong suốt 4 tháng, chị tiến hành kê khai các thông tin, nguyên liệu xuất xứ đầu vào, như bột mì lấy từ đâu, dùng loại dầu nào để chiên… và dịch ra một số ngôn ngữ Anh, Đức, Đan Mạch. Đây là cửa ải khó qua với doanh nghiệp Việt muốn đưa hàng vào châu Âu khi tuân thủ các yêu cầu kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. “Điều chúng tôi có được từ thương vụ này là có mối quan hệ với siêu thị hàng đầu ở châu Âu, nhưng quan trọng hơn hết là thương hiệu mì Việt chính thức có trên kệ tại thị trường khó tính này”, chị Mai chia sẻ.
Sau đợt giao dịch đầu tiên, công ty đã nhận được đơn hàng liên tục với số lượng gấp nhiều lần so với trước đó. Chị Mai cho biết công ty vừa đóng mấy container mì xuất sang châu Âu trong tháng này, một container tương đương 3.300 thùng và mỗi thùng có 30 gói. Mới đây, khách hàng từ Thụy Điển đặt hàng trà và bánh cookie được xuất sang Nhật.
Chị Mai chia sẻ, chỉ tính riêng chi phí đầu tư trang trại đã tốn hơn chục tỷ đồng, chưa kể các khoản đầu tư bao bì giấy sản phẩm theo hướng công nghệ xanh, xây dựng nhà xưởng… 2 năm đầu chịu lỗ, nhưng đến năm 2013 công ty huề vốn và có lãi. "Số tiền bỏ ra không hề nhỏ, nhưng vì xác định mục tiêu rõ ràng và bản thân rất yêu quý cây chùm ngây nên tôi cứ cố gắng làm, dù thất bại cũng chấp nhận”, chị Mai trải lòng.
Hiện tại, trang trại của chị Mai có 2 kỹ sư phụ trách trồng trọt và 3 nhân viên, còn ở nhà máy có khoảng 10 người, phần lớn đều tự động hóa. Đầu năm nay, công ty mở một cửa hàng trưng bày sản phẩm chùm ngây ở quận Bình Thạnh, TP HCM để thực khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức. Chị cũng dự định tập huấn cho nông dân trồng chùm ngây vì cần mở rộng việc thu mua nguyên liệu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chị cùng cộng sự nghiên cứu xong dầu gội đầu, dầu tắm từ chùm ngây và có thể ra mắt trong năm nay.
Theo nguồn Trung tâm sức khỏe toàn cầu Johns Hopkins, Đại học Johns Hopkins, Mỹ, Moringa có chứa 18 trên tổng số 22 axit amin cần thiết cho cơ thể.
Tiến sĩ Noel Vietmeyer, Viện khoa học hàn lâm quốc gia Mỹ cho rằng, mặc dù hiện nay còn khá ít người nghe về Moringa, nhưng loài cây này sẽ sớm trở thành một trong những cây có giá trị nhất thế giới, ít nhất là từ khía cạnh nhân đạo.
Lá chùm ngây là thực phẩm chức năng quý dành cho bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh dưỡng. Với người cao tuổi, uống nước từ chùm ngây thay trà mỗi ngày sẽ giúp an thần, ngủ sâu, kích thích tiêu hóa, giảm cholesterol, thanh nhiệt và giải độc.

Làm giàu từ trồng dâu tây Nhật Bản

Với số vốn một tỷ đồng, bà Lê Thùy Hương cùng đối tác Nhật đang dồn sức cho kế hoạch trồng dâu tây trên cao nguyên Mộc Châu, ước tính đem lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Từng nhiều năm làm cán bộ Nhà nước trong lĩnh vực lao động - nông nghiệp, sau khi về hưu, bà Lê Thùy Hương (Hà Nội) quyết định cùng chồng dùng hết số tiền tiết kiệm được để đầu tư vào trồng trọt, mảng việc bà dành nhiều đam mê sau nhiều lần rong ruổi thực địa khắp các vùng miền.
Vốn có nhiều bạn bè người Nhật, bà Hương được biết tỉnh Saga có giống dâu tây nổi tiếng. Do vậy, khi một số đối tác Nhật Bản ngỏ ý muốn đưa giống sang Việt Nam, bà đã giới thiệu ngay mảnh đất của gia đình tại bản Muống (xã Xiêng Luông, thị trấn Nông trường, Mộc Châu, Sơn La). Nơi đây vốn được chủ cũ sử dụng để trồng cây ngân hạnh nhưng thất bại.
dau-tay-moc-chau-2-3697-1395834019.jpg
Chị Hương đang lên kế hoạch mở rộng vườn dâu tây và mở cửa cho khách du lịch đến thăm quan. Ảnh: NVCC
Sau khi đến tìm hiểu, phía Nhật Bản đánh giá Mộc Châu có khí hậu mát mẻ quanh năm, rất thuận lợi cho việc trồng dâu tây trong nhà kính. Do vậy, năm 2011, bà Hương quyết định cùng đối tác hùn vốn một tỷ đồng (mỗi bên một nửa) để đầu tư trồng dâu. Trong hai năm đầu, phía Nhật Bản đều cử kỹ thuật viên sang giúp gia đình bà về giống, cách trồng, bón phân...
Từ 20 m2 trồng thử ban đầu, sau hai vụ trồng thử nghiệm để đo màu sắc và độ ngọt, tháng 9/2013, gia đình bà Hương tiến hành trồng rộng rãi lên 1.000 m2 với khoảng 1.000 gốc dâu, sản lượng thu hoạch vụ đầu tiên khoảng 400 kg.
"Đây là vụ thu hoạch đầu tiên nên tôi thử bán cho mối quen biết, người thân để mọi người nhận xét. Nếu đánh giá tốt, có thể giúp gia đình quảng bá tới nhiều khách hàng hơn", bà cho biết. Hiện mỗi kg dâu tây được gia đình chị bán với giá 300.000 đồng. Tuy nhiên, người nông dân này cũng chia sẻ nhiều khó khăn khi chuyển sang một lĩnh vực không chuyên mà lại ảnh hưởng đến cả "miếng cơm manh áo" của gia đình.
dau-tay-2-9591-1395834020.jpg
Bà Hương lên kế hoạch trồng xen kẽ củ cải Nhật Bản, dưa lưới trong trang trại. Ảnh: NVCC
Đầu tiên và đáng lo nhất với bà chính là thị trường, khi mà dâu tây Trung Quốc đang ngập tràn với giá rẻ, còn sản phẩm của mình chưa có thương hiệu. Để tự bảo vệ mình, bà dự định sang năm sẽ thu xếp để xin đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm dâu tây Mộc Châu và tiến tới đưa hàng vào các tiệm tạp hóa của người Nhật. "Phía Nhật Bản đã cam kết sẽ liên hệ để đưa dâu vào các cửa hàng tại Hà Nội", bà cho biết. Không chỉ vậy, người phụ nữ hơn 60 tuổi này cũng mày mò dùng internet, mạng xã hội để đăng những tin quảng cáo và hình ảnh trang trại dâu để quảng bá rộng rãi hơn trên thị trường ngoài Bắc.
Giống dâu cũng rất nhạy cảm với thời tiết, chỉ cần mưa to, sương muối sẽ làm hỏng cây, ảnh hưởng đến chất lượng quả. Vị trí địa lý xa xôi hay sự bất đồng ý kiến với đối tác Nhật Bản trong cách trồng cũng nhiều lần khiến bà Hương đau đầu.
Song, bà vẫn thẳng thắn cho rằng đã quyết định đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro. "Tôi xác định 5 năm đầu có thể không có lãi". Song, trong tương lai, người nông dân này tin tưởng sản phẩm sẽ tiêu thụ thuận lợi khi có chỗ đứng, đồng thời khu vườn dâu có thể trở thành nơi du lịch cho các bạn trẻ khi tới Mộc Châu.
"Tôi đã lên kế hoạch sang năm sẽ phấn đấu tăng lên 4.000 - 5.000 gốc dâu và thuê một xe bán tải để vận chuyển dầu từ Mộc Châu về Hà Nội, thay vì như hiện nay phải đóng vào thùng xốp gửi theo xe khách", bà chia sẻ.
Ngoài việc dành tâm huyết cho vườn dâu Nhật Bản, bà Hương còn là thành viên của Viện Phát triển Nông thôn và Cộng đồng. Tại mảnh đất 700 m2 tại Bắc Ninh, bà đang cho trồng các loại hoa và rau sạch và đang tính tới trồng xen kẽ các củ cải, dưa lưới với vườn dâu ở Mộc Châu.

Chàng trai nghèo khởi nghiệp từ 15 triệu đồng nấm bào ngư

Tình cờ xem mô hình trồng nấm bào ngư trên tivi, Nguyễn Sĩ Luận (sinh năm 1982) mày mò tìm hiểu, vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách huyện Châu Thành (An Giang) để mua phôi và thành công ngay sau 3 tháng thử nghiệm.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, không có ruộng đất, trình độ học vấn lại hạn chế nên từ nhỏ Luận phải chật vật làm thuê để mưu sinh. Anh luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo.
Một lần, anh tình cờ xem được mô hình trồng nấm bào ngư được giới thiệu trên tivi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí thấp, phù hợp với điều kiện gia đình. Như tìm được lối thoát, anh đi xe máy hàng trăm cây số đến Vĩnh Long trực tiếp tham quan các mô hình trồng nấm bào ngư ở đây để học hỏi kinh nghiệm.
Không lâu sau đó (12/2009), anh mạnh dạn dựng trại, lập kệ, trồng thí điểm 1.000 bịch phôi bằng số vốn 15 triệu đồng vay từ Ngân hàng chính sách huyện. May mắn, lứa phôi đầu tiên cho năng suất cao, trừ các chi phí anh lời được 3,2 triệu đồng. Từ thành công đó, anh mua thêm meo giống, mở thêm hai nhà trại và trồng trên 4.300 bịch phôi.
a-tb-1-chang-trai-ngheo-kho-2972-1400410
Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Luận. Ảnh: Tiền Phong
Sau hơn 3 tháng chăm sóc, mỗi bịch phôi cho năng suất từ 280 - 300gr nấm, bán cho thương lái với giá từ 35.000 - 42.000 đồng/kg, trừ đi chi phí, anh còn lãi trên 30 triệu đồng. Mô hình trồng nấm bào ngư của anh ngày càng thu hút nhiều cá nhân và các cơ quan đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Để mở rộng quy mô sản xuất, anh vận động thanh niên trong ấp cùng tham gia mô hình của mình thành lập Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư xã An Hòa, đồng thời mở các lớp tập huấn mời các chuyên gia về giảng dạy kỹ thuật trồng nấm cho năng suất cao. Bên cạnh đó anh hướng dẫn một số thanh niên trong ấp cách xây dựng trại, kệ và kỹ thuật trồng nấm để cùng phát triển mô hình.
Từ chỗ trồng và chăm sóc nấm bằng phương pháp thủ công, qua các lớp tập huấn anh đã cải tạo trồng nấm trong nhà kính, hệ thống tưới tiêu tự động nên năng suất và chất lượng nấm ngày càng tăng cao.
Luận chia sẻ kinh nghiệm, trồng nấm bào ngư có hai cách chủ yếu là chất phôi lên kệ và treo bằng dây, anh chọn cách chất phôi lên kệ. Kệ được làm tre hoặc xi-măng cao từ 1,6 – 1,8m, bề ngang khoảng 30cm, đủ để vừa bịch phôi và không được chất quá ba lớp. Khoảng hơn 40 ngày sau, khi tơ chạy trắng bịt phôi thì sẽ giật nút chai và mới bắt đầu tưới nước cho đến khi thu hoạch dứt điểm. Khoảng một tuần sau, phôi bắt đầu xuất hiện những tai nấm tơ.
a-tb-3-chang-trai-ngheo-kho-4716-1400410
Anh Nguyễn Sĩ Luận trong một lần ra thăm lăng Bác. Ảnh: Tiền Phong
Trước đây, sản phẩm nấm bào ngư chủ yếu do bạn hàng đến tận nhà thu gom, nên nhiều lúc không ổn định, có khi hàng bị tồn đọng. Với mong muốn tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm và mang nấm tươi sạch đến tận tay người tiêu dùng anh Luận kết hợp cùng với xã Đoàn và Hội Nông dân xã An Hòa liên hệ với siêu thị Co.opmart Long Xuyên.
“Qua quá trình kiểm nghiệm gắt gao, phía siêu thị đưa ra kết luận “nấm sạch, không phun thuốc, không chất bảo quản, an toàn cho người sử dụng”. Họ đồng ý ký kết hợp đồng tiêu bao sản phẩm lâu dài với chúng tôi, trung bình mỗi tháng 900 kg, với giá 40.000 đồng/kg”, anh Luận chia sẻ.
Từ điều kiện thuận lợi trên anh đã chủ động trong việc thu gom nấm bào ngư từ bạn bè và các hộ trồng nấm trên địa bàn xã đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ trồng nấm tạo sự yên tâm trong khâu trồng và dần tạo chuỗi nhóm liên kết sản xuất ổn định hơn.
Đặc biệt, anh Luận còn có sáng kiến tận dụng xác phôi sau khi thu hoạch để trồng nấm rơm và cải mầm nhằm kiếm thêm thu nhập và giải quyết được vấn nạn ô nhiễm môi trường. Nhờ sự năng động, sáng tạo đó, tổng doanh thu của Tổ hợp tác trồng nấm bào ngư hằng năm đạt trên 450 triệu đồng.
Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Sĩ Luận vừa được Trung Ương Đoàn tuyên dương là một trong 10 mô hình, câu lạc bộ, tổ hợp tác và hợp tác xã tiêu biểu năm 2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tặng Bằng khen cho anh Luận vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế tập thể. Năm 2013, anh Luận vinh dự được nhận giải thưởng Lương Định Của.

Lãi tiền tỷ từ trồng cải bó xôi

Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại và tìm được đầu ra cho sản phẩm, trang trại rau bó xôi của ông Nguyễn Văn Thi thu lãi mỗi năm cả tỷ đồng.
Ngày trước, cũng trên mảnh đất này, đầu tắt mặt tối quanh năm, may mắn lắm, gặp lúc cây rau trúng gia đình ông Nguyễn Văn Thi mới dư được vài chục triệu đồng. Còn khi sâu bệnh hoành hành, mưa bão triền miên, sương muối gây hại, giá cả chạm đáy thì kiếm được vài trăm nghìn đối với ông Thi đã là may mắn. Bạn bè kinh doanh, buôn bán thành công xây biệt thự, tậu xe hơi mà gia đình ông sau nhiều năm vợ chồng con cái đua nhau làm mà nhìn lại vẫn chẳng có gì.
"Chạy vạy đủ tiền để làm một ha nhà kính đạt tiêu chuẩn để canh tác rau công nghệ cao đã làm cho cả nhà tôi toát mồ hôi. Hoàn thành nhà kính, bước vào sản xuất rau bó xôi còn khó khăn hơn nhiều, tôi và vợ lo lắng, phờ phạc cả người", ông Thi bộc bạch.
bo-xoi-6801-1414292241.jpg
Ông Nguyễn Văn Thi bên nông trại bó xôi đang cho thu hoạch.
Nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, ông Thi quyết định phải đổi mới kiểu canh tác, sản xuất hướng tới thị trường tiêu thu sản phẩn có chất lượng và thương hiệu của riêng mình. Quyết đoán, nghĩ là làm, lại được sự ủng hộ của vợ con, nông dân này mạnh dạn xóa bỏ cây bắp sú, xà lách, khoai tây… mà bấy lâu nay vẫn trồng, gia đình ông cũng đoạn tuyệt với kiểu canh tác nhỏ lẻ, mạnh mún để đến với sản xuất rau theo hướng công nghệ cao. Lần này, ông quyết định chuyên sản xuất cây bó xôi để cung cấp cho thị trường TP HCM.  
Bao nhiêu vốn liếng tích góp được trong nhiều năm làm nông, vay mượn thêm của bạn bè, người thân trong gia đình, ông Thi chuyển toàn bộ một ha đất ngoài trời thành nông trại rau bó xôi trong nhà kính. Nhưng làm nông công nghệ cao không dễ dàng như ban đầu ông Thi nghĩ. Ngoài việc đầu tư thì yếu tố kỹ thuật canh tác và đầu ra cho sản phẩm cũng là một vấn đề nan giải, không thể thiếu.
Những lứa bó xôi đầu tiên gặp nhiều khó khăn, phần thiếu kỹ thuật canh tác, phần bế tắc đầu ra. Chính vì vậy, ngoài việc cậy nhờ kỹ thuật trồng bó xôi từ những người đi trước, ban đêm vợ chồng ông Thi còn lên mạng mày mò, tìm kiếm những trang thông tin điện tử hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và bảo quản rau sau thu hoạch để đảm bảo rau bó xôi có chất lượng tốt nhất. 
Theo ông Thi, rau bó xôi là một cây khó tính, nếu chỉ trồng ngoài trời và chăm bón không đúng quy trình thì rất khó phát triển, khả năng thất bại chiếm tỷ lệ rất cao. Bó xôi cũng là cây thân mềm nên rất khó bảo quản, vận chuyển. Để tiêu thụ ở các tỉnh xa cần phải có xe đông lạnh chuyên dụng. Khó khăn không thể khiến gia đình anh Thi nản lòng. Chịu khó học hỏi, tìm tòi, gia đình ông nhanh chóng nắm vững được kỹ thuật canh tác rau bó xôi để cho ra sản phẩm tốt nhất.
Tuy vậy, đầu ra cho sản phẩm vẫn là vấn đề nan giải, thị trường tiêu thụ vẫn bấp bênh. Kinh nghiệm trồng rau nhiều năm của ông cho thấy, khi bó xôi được giá, thương lái đổ xô tới tranh nhanh thu mua. Lúc rau rẻ, chuyện chủ vườn năn nỉ thương lái thu mua nông sản với giá rẻ bèo để khỏi bị đổ bỏ vẫn thường xuyên xảy ra. Không thể cứ mãi thụ động ở khâu tiêu thụ, gia đình ông Nguyễn Văn Thi đem rau xuống các chợ đầu mối và một số siêu thị chào hàng. Sau nhiều lần như thế, loại rau chất lượng cao của ông Thi cũng đã bắt đầu được người tiêu dùng tín nhiệm. Nhiều cửa hàng và một siêu thị tại TP HCM đã biết tiếng và đặt hàng. Và cứ thế đơn đặt hàng từ khắp nơi nườm nượp đổ về với những hợp đồng giá bán cao và ổn định, đến với nông trại của ông Thi yên tâm sản xuất.
Giờ đây, ông dân Nguyễn Văn Thi đã thực sự trở thành một ông chủ của trang trại bó xôi dưới chân núi Langbiang sau nhiều năm vật lộn với đủ các loại cây trồng. Để ngày nào cũng có rau bó xôi xuất đi TP HCM, trong một ha nhà kính, ông chủ trang trại này cứ vài ngày lại cho xuống giống một lần. 
Hiện mỗi ngày nông trại của gia đình anh Thi cho thu hoạch ổn định 7 tạ rau một ngày. Với giá cả thị trường ổn định, sau khi trừ hết chi phí, gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng một tháng. Ông Thi tiết lộ: “Trước đây, cũng với diện tích đất này, cả nhà làm mờ mắt nếu trúng mùa được giá cũng chỉ được chút đỉnh. Thú thật, từ khi chuyển sang trồng bó xôi trong nhà kính mỗi năm trừ mọi chi phí đầu tư, ăn uống, nuôi công nhân,tôi còn bỏ túi cả tỷ đồng”.
Yếu tố giúp ông thành công đó chính là dám nghĩ, dám làm và kiên trì học hỏi, xúc tiến mở rộng thị trường. “Lúc đầu mới trồng đúng là gặp vô vàn khó khăn nhưng khi có kỹ thuật rồi, mình trồng và chăm sóc đúng quy trình thì cây đã phát triển tốt. Điều quan trọng là phải hết sức lưu ý khâu chọn giống và sử dụng phân bón. Chất lượng sản phẩm tốt, người tiêu dùng tin chọn thì tự khắc các đầu mối nhận bao tiêu sản phẩm họ tự tìm tới với mình thôi. Giờ đây, nông trại rau sạch của tôi phần lớn là cung cấp ổn định cho BigC và Metro”,ông Thi chia sẻ.
Nói về nông trại trồng rau bó xôi của gia đình ông Thi, ông Trần Phi, một cán bộ khuyến nông xã Lát cho biết, đây là mô hình trồng rau bó xôi theo hướng nông nghiệp công nghệ cao có quy mô và bài bản nhất tại địa phương. Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm với hệ thống siêu thị là mô hình hay. “Chúng tôi nghiên cứu, xem xét để nhân rộng mô hình của gia đình anh Thi cho người dân địa phương, hỗ trợ nông dân nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích", ông Trần Phi nói.

Chủ trại gà quý phi nghìn con

Vất vả khởi nghiệp với trại nuôi dế, có lúc phải đi bán rong để chào mời khách, đến khi thành công, anh Hợi ở Hưng Yên lại tiếp tục chuyển qua nuôi gà quý phi.
Xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở nông thôn, Trần Huy Hợi (sinh năm 1983) huyện Phủ Cừ, Hưng Yên luôn nuôi mong ước làm giàu để có thể phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, với sức học kém nên anh Hợi không dám theo đuổi giấc mơ làm giàu từ con đường khoa cử. 
Tốt nghiệp cấp 3, anh lên đường vào Nam làm đủ nghề từ phụ hồ, làm thuê tại các trang trại chăn nuôi, cho đến công nhân. Có thời điểm anh được cất nhắc làm tổ trưởng trong nhà máy nhưng anh vẫn nghĩ, nếu cứ đi làm thuê, sống xa quê thì cũng chẳng phụ giúp được nhiều cho gia đình. Năm 2006, anh Hợi bỏ về quê, tìm con đường làm giàu riêng.
Với suy nghĩ, ngành chăn nuôi đã cũ nhưng mình phải tìm ra những con gì người khác chưa làm, mới phát triển được. Do đó, anh lặn lội đến nhiều trang trại chăn nuôi từ cá tra, cá basa, cá chuối, kỳ đà, nhím... để học hỏi, phụ giúp, thậm chí không nhận tiền công. Khi trở về với số vốn 15 triệu đồng tích cóp suốt những năm đi làm thuê, anh Hợi quyết định mua dế giống về nuôi vì thấy đây là một mô hình mới ở miền Bắc. 
aHoi-500.jpg
Anh Trần Huy Hợi bên trang trại gà quý phi. Ảnh: NVCC
Lúc đó những người dân ở quê còn xa lạ với món ăn từ dế nên đều can ngăn khi cho rằng anh sẽ không thành công. Thật không may, nuôi chưa được bao lâu, dế chết khá nhiều, anh bị thiệt hại khá lớn. Sau khi tìm ra nguyên nhân, anh vẫn tiếp tục mạo hiểm thêm một phen khi tăng số dế giống lên gấp 6 lần với khoảng 300 chậu dế. Rất may, số dế sinh trưởng tốt và có thể bán thương phẩm. 
Tuy nhiên, bài toán đầu ra cho sản phẩm cũng không dễ dàng vì món dế lúc đó còn khá xa lạ với các nhà hàng tại miền Bắc. Có thời gian, anh phải mang dế đi bán rong, chào mời các nhà hàng, thậm chí là xào thử cho họ ăn. Khi dế bắt đầu được các nhà hàng mua nhiều, lúc đó anh quyết định thành lập Công ty TNHH Huy Lợi và xuất mặt hàng này sang Trung Quốc. 
Công việc làm ăn khá thuận lợi, tuy nhiên, anh Hợi lại nghĩ đã đến lúc phải mở rộng mô hình, kết hợp thêm vật nuôi khác để phát triển đa dạng hơn. Đầu tiên, anh nuôi chim trĩ vì khi đó mặt hàng này còn khá mới. Vừa nuôi chim trĩ thương phẩm, vừa nhân giống, với đầu ra thuận lợi anh mạnh dạn đầu tư mở rộng số lượng. Cùng với đó, anh thuê đất của hợp tác xã để đầu tư xây dựng trại nuôi có quy mô hơn 1.000m2 với khoảng 1.000 con chim trĩ đỏ. Có lúc cao điểm, số chim trĩ tại trại của anh gấp 2-3 lần con số này. 
Đầu năm 2011, tìm hiểu trên mạng và một số nơi, anh Hợi quyết định nuôi thêm gà quý phi khi thấy loại gà này đang được ưa chuộng, giá trị lại cao. Anh đã phải lặn lội đến nhiều hộ nuôi giống gà này và thuyết phục họ bán cho 50 con gà giống với tổng chi phí 75 triệu đồng. Ban đầu, khi gà mới sinh sản thì phát triển tốt. Tuy nhiên đến khoảng 15 ngày tuổi thì gà lăn ra chết dần. 
Trong suốt 3 tháng, gà con chết hàng loạt khiến anh thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Nhưng bằng kinh nghiệm thực tế, rồi học hỏi trên mạng, suy ngẫm, anh tự đưa ra cách xử lý là giảm khẩu phần ăn, giữ ấm, thay đổi nhiệt độ theo mùa... cho đàn gà. Thoát được cửa ải đầu tiên, tưởng thành công đã mỉm cười thì anh lại vấp tiếp chướng ngại vật thứ hai. Gà được khoảng 4 tháng tuổi thì tiếp tục chết nhiều không rõ lý do. Lại mất một thời gian tìm hiểu, anh mới tìm ra nguyên nhân nhưng đã bị thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. 
Hiện anh Hợi đã giảm việc nuôi dế và chim trĩ đỏ để tập trung cho phát triển gà quý phi. Trại nuôi của anh có 1.000 con gà đẻ, mỗi tháng bán ra thị trường 500 gà thịt khoảng 1,3-1,5kg. Anh cho biết, chi phí cám và thuốc cho mỗi con gà đến lúc xuất chuồng tầm 100.000 đồng. Thức ăn cho gà chủ yếu gồm thóc, lúa, cám tổng hợp, rau xanh... 
Theo anh Hợi, giá gà quý phi khá ổn định, khoảng 250.000 đồng một kg vì hiện nay nguồn cung không nhiều. Đầu ra của sản phẩm, chủ yếu anh bán cho các nhà hàng hoặc khách đến tận trại mua về làm quà biếu... Ngoài gà thịt, anh còn xuất bán hàng nghìn con giống với giá 30.000-40.000 đồng, gà làm cảnh khoảng 500.000-600.000 đồng mỗi con. 
Hiện anh Hợi phải thuê thêm 2 người phụ giúp. Ông chủ trẻ hi vọng thời gian tới sẽ mở rộng diện tích nuôi, thậm chí triển khai một số trang trại ở các địa phương khác để cung cấp giống cũng như gà thương phẩm ra thị trường.

Tài xế xe tải thành triệu phú nhờ nuôi gà rừng

Thuần chủng thành công giống gà rừng quý hiếm, anh Phạm Văn Hà đã có thu nhập 500 triệu đồng nhiều năm qua. Người trong vùng gọi cơ duyên thuần hóa gà rừng của anh là câu chuyện cổ tích.
Nằm giữa vùng đồi gò, bán sơn địa hoang hóa nhưng trang trại nuôi gà rừng của anh Phạm Văn Hà (40 tuổi, ngụ thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) 7 năm nay đã cho thu nhập gần 500 triệu đồng. Mỗi năm, anh còn xuất đều đặn hơn 150 con gà rừng giống và gà cảnh trưởng thành ra thị trường, thu về hơn 70 triệu đồng.
Từng làm nghề lái xe tải thuê kiếm sống, anh Hà tự nhận mình may mắn khi đến với nghề nuôi gà rừng. Song anh tài xế này thổ lộ:"Để nắm bắt cơ hội thành công và làm giàu từ gà rừng, người nuôi ngoài đam mê còn phải có kiến thức về chúng”.
Hà kể, từ nhỏ anh đã rất say mê các loại chim rừng, nhất những con gà rừng có tai trắng, chân chì với màu lông tía sặc sỡ. Tháng 4/2002, trong một lần phát cỏ dại gần nhà, anh Hà tình cờ nhặt được 7 quả trứng gà rừng và cho ấp cùng với ổ gà mái trong nhà. Khi 3 trong số 7 quả trứng gà rừng nở anh Hà nhen nhóm hy vọng nuôi gà rừng ngay tại vườn nhà.
a-tb-tai-xe-xe-tai-thanh-tr-8164-1405222
Anh tài xế lái xe tải Phạm Văn Hà thành triệu phú nhờ nuôi gà rừng. Ảnh: Người Lao Động
Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên anh tìm mua sách báo và đọc tài liệu liên quan đến việc nuôi gà rừng và các loài vật có đặc tính gần giống để tìm ra cách nuôi phù hợp. Để giúp gà rừng quen dần với cách nuôi thả vườn, anh nhốt từng lồng riêng sát mé rừng, sau đó mới thả rông. Thức ăn chủ yếu cho gà rừng là cỏ, côn trùng và thóc.
Được nuôi trong môi trường thoáng đãng nên gà phát triển khá tốt. Ngoài 2 con mái và 1 con trống có sẵn, anh tranh thủ tìm mua lại gà rừng từ những thợ săn để gầy đàn. Ban đầu, anh chỉ nuôi gà rừng làm cảnh song nhiều khách vẫn tìm đến đặt mua do gà rừng có dáng vẻ đẹp và khỏe mạnh. “Thực tế, lúc đó tôi nuôi gà chỉ để thỏa đam mê chứ chưa có ý định kinh doanh. Hằng ngày, tôi vẫn phải tranh thủ nghề tài xế để có đồng vô đồng ra”, anh Hà nhớ lại.
Thế nhưng vì gà rừng cảnh thường là con trống với bộ lông tía sặc sỡ, tai trắng, cựa nhọn, chân chì và thon lại gáy hay nên dễ hút hồn mọi dân chơi, giá bán vì thế mà tăng theo.
Năm 2007, thôi lái xe tải thuê, anh Hà về nhà chuyên tâm mở trang trại nuôi gà rừng theo hướng bán công nghiệp. Ngoài tăng diện tích chuồng nuôi lên gần 50 m2, anh Hà quyết tâm chuyển đổi đàn gà cảnh dần thành đàn gà giống chất lượng tốt. Để bảo đảm cho đàn gà có sức đề kháng tốt, anh thường lấy rượu ngâm rết nhỏ vào miệng gà. Cách chăm sóc dân gian này giúp đàn gà rừng đủ sức chống chọi bệnh dịch và tăng trưởng nhanh. Hơn 12 năm nuôi gà rừng, chưa khi nào anh gặp cảnh gà bị dịch hay gà chết bất thường.
Với cách nuôi thả vườn khoa học (gà trống, mái kết hợp) cộng với việc áp dụng chế độ ăn tự nhiên, chủ yếu là tận dụng cỏ và côn trùng, anh Hà liên tiếp gặt hái thành công trong việc thuần hóa và nhân giống gà rừng. “Gà mái thường đẻ từ 7-9 trứng (10 ngày). Đặc biệt, gà con khi nở ra có khả năng sống cao và kháng dịch tốt. Mỗi lứa gà trưởng thành các loại sau 4 tháng nuôi là có thể xuất bán” - anh Hà cho biết. Giá gà mái cảnh trưởng thành hiện nay khoảng 600.000 đồng/con; gà trống cảnh trên 1 triệu đồng/cặp. Đối với gà sinh sản, hiện có giá hơn 1,6 triệu đồng/cặp; gà 3 tháng tuổi là 500.000/cặp...
Thị trường đang khan hiếm nguồn gà rừng lấy thịt nhưng anh Phạm Văn Hà cho biết chưa mạnh dạn nuôi vì giá cả còn thấp, lợi nhuận không cao như gà giống và gà cảnh.

Trồng rau thơm thu tiền tỷ

Là người tiên phong đưa các giống rau thơm Tây từ Pháp về trồng, hiện mỗi năm gia đình bà Phạm Thị Thu Cúc (Lâm Đồng) thu về gần 1,2 tỷ đồng từ những loại cây này.
Sau những tháng ngày mệt mỏi vì kinh doanh bất động sản thua lỗ, bà Phạm Thị Thu Cúc quyết đoạn tuyệt với nghề này. Vay mượn thêm tiền bạc, gia đình bà Cúc bỏ Đà Lạt vào vùng Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng mua đất lập vườn, tập làm nông dân.
Vốn liếng hạn hẹp, kỹ thuật không có là những trở lại lớn đối với một người làm nông nghiệp. Sáng ra vườn, tối tìm đến những người có kinh nghiệm trồng rau công nghệ cao trong vùng để học hỏi, áp dụng vào sản xuất, cuối cùng những lô hàng rau sạch của gia đình bà Cúc cũng đã đến được với người tiêu dùng TP HCM.
rauthom-9788-1404022467.jpg
Bà Cúc bên vườn rau thơm Pháp.
Khi thị trường đã quen mặt sản phẩm rau công nghệ cao của gia đình bà Cúc, lãnh đạo một siêu thị lớn tại TP HCM động viên bà Cúc đưa giống rau thơm châu Âu về trồng để cung cấp cho người nước ngoài, siêu thị này cam kết bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất lúc này là rau thơm Tây chỉ hướng tới người dùng nước ngoài, tức chiếm sản lượng tiêu thụ rất ít trong khi chi phí đầu tư sản xuất, hạt giống nhập khẩu giá cao, khả năng thua lỗ là rất lớn nhưng họ vẫn quyết định thực hiện.
Một khó khăn nữa khiến bà Cúc không thể ngờ tới đó là mua hạt giống rau thơm Tây không dễ mặc dù vào thời điểm này, con gái của bà đang du học ở Pháp. “Do mua với số lượng ít nên con gái tôi tìm đến công ty hạt giống nào ở Pháp họ cũng từ chối không bán vì còn liên quan đến hóa đơn, chứng từ…”, bà Cúc cho biết.
Phải khá chật vật và mất nhiều thời gian thuyết phục, kể cả nhờ bạn bè ở nước sở tại tác động, cuối cùng con gái bà Cúc mới mua được hơn 10 loại giống hạt rau thơm Tây như chervil (ngò rí Tây), basil (quế Tây), chocolate mint (bạc hà tây tím), thyme (xạ hương Tây), rosemary (hương thảo Tây)… tại một công ty miền Nam nước Pháp gửi về cho bà Cúc trồng thử.
Đất đã sẵn, giống có trong tay nhưng không có kỹ thuật, gia đình bà Cúc không biết trồng ra sao, thời gian nào trong năm là chính vụ của các loại rau này để gieo trồng? Dò hỏi khắp các mối quan hệ cũng không ai biết cách trồng, chăm sóc loại rau thơm Tây này, cuối cùng bà đành tự mò mẫm gieo trồng, chăm sóc y như trồng các loại rau công nghệ cao ở Đà Lạt, vừa làm vừa theo dõi để điều chỉnh kỹ thuật canh tác.
Sau gần hai tháng, vườn rau thơm Tây trong nhà kính với hơn 10 loại đã đâm chồi, đẻ nhánh phủ kín mặt đất. Siêu thị Metro đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm cho gia đình bà Cúc. Thế nhưng, trong hàng chục kg rau thơm Tây của gia đình bà Cúc khi đó chuyển xuống TP HCM mỗi ngày chỉ bán được 2-3kg, phần còn lại đều phải đổ bỏ.
Sản phẩm làm ra không bán được dẫn đến thua lỗ không chỉ vài tháng mà kéo dài cả năm nhưng bà Cúc vẫn kiên trì sản xuất, đưa ra thị trường để người tiêu dùng làm quen dần, hy vọng sẽ tiêu thụ tốt trong tương lai.
Đến nay mỗi ngày bà Cúc cho xuất đi TP HCM khoảng 30kg, với giá bán bình quân là 100.000 đồng mỗi kg, tính ra mỗi năm rau thơm Tây cho gia đình bà thu về gần 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình bà Cúc còn trồng nhiều loại hoa màu khác. Hằng ngày bà rất bận rộn vì khắp nơi liên hệ đặt hàng.
Diện tích rau thơm Tây cũng được gia đình bà cho mở rộng từ vài trăm mét lên 4.000 m2 trong nhà kính. Bà Cúc tiết lộ, trong thời gian tới sẽ chế biến các rau thơm Tây thành trà khô thương phẩm. Đây là hướng đi mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm từ các loại rau mới được di thực về Việt Nam này.

19 điều bạn kiêng không nên làm vào ban đêm


 “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Những cách giúp bạn tránh “hồn ma” xâm nhập vào ban đêm.
6
1. Không được mở gương cầm tay (gương nhỏ) vào ban đêm mà phải úp xuống: ma có thể vào nhà bạn thông qua gương
2. Không ngủ chung mèo đen: Nó sẽ không cho hồn bạn nhập vào xác bạn
3. (Nữ) không mặc đồ trắng quá 12h + xõa tóc dài đứng trước gương: ma nhập
4. Không phơi đồ ngoài sân vào ban đêm: Dễ bị bệnh
5. Không mang ô vào nhà mà mở ra hoặc xoay ô vòng vòng trong nhà: dẫn ma vào nhà
6. Chưa ăn không được để đũa trên chén: giống cúng người khuất mặt
7. Ban đêm không được tô son môi, đánh phấn rồi ngủ: hồn sợ chạy mất

8. Không chơi năm mười (trốn tìm) sau 10h: bị ma giấu
9. Ngủ không được quay đầu ra đường hoặc ngủ quay đầu vô bàn thờ: giống người chết
10. Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá.
11. Không được nhổ lông chân vào ngày rằm, vì dân gian cho rằng “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
12. Ra đường ban đêm không được tè bậy lên tường, nếu bị nước tiểu dính vào người là có điềm vô cùng xấu.
13. Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.
14. Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.

15. Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.
16 . Nơi góc tường xó tối là những chỗ ma quỷ thường tụ tập nghỉ ngơi, không nên đến gần những chỗ ấy.
17. Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn.
18. Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.
19 điều bạn kiêng không nên làm vào ban đêm
19. Khi đi đến qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác “hình như” có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình. Vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc.

Bài thuốc tiên chữa ung thu vú theo dân gian dễ làm

Cách đây khoảng 1 tuần, tôi đi làm nghi thức tẩn liệm cho một nữ giáo dân qua đời ở tuổi 38. Người nhà chỉ cho biết là chị bị bệnh ung thư thôi.
Nhưng ngày hôm ấy, sau khi làm nghi thức tẩn liệm cho chị xong, tôi ra ngồi bàn nước và được một ông cụ khoảng 70 tuổi ngồi tiếp chuyện.
Lúc bấy giờ, cụ mới tiết lộ cho tôi một câu chuyện. Cụ nói: Con Đào (người mới qua đời), nó bị bệnh ung thư ngực (vú) mà nó giấu. Phải chi tôi biết được sớm thì tôi giúp nó khỏi rồi. Bài thuốc ấy chỉ tốn có 1000 đồng (Việt Nam) thôi. Tôi ngạc nhiên quá nên hỏi tiếp cụ bài thuốc gì mà rẻ mạc lại hiệu quả thế.
Cụ liền nói một cách rất mạnh mẽ rằng: Tôi chỉ cho cha biết nhé: cha chỉ cần lấy 9 đọt rau Trai, 9 tép hành lá, 3 tép tỏi, một cục phèn chua bằng ngón chân cái.
Cha nghiền nát tất cả những thứ ấy lại với nhau, rồi đem bó ở cổ tay người bệnh trong thời gian 3 ngày. Nếu người bệnh bị đau ngực trái thì bó cổ tay bên phải và ngược lại (gọi là đau Nam chữa Bắc).
Ông còn dặn thêm là đừng nói cho người bệnh biết thì sẽ hiệu nghiệm hơn. Nói xong ông cười cách hiền lành: Cha nghĩ lại coi có đúng không, mua tất cả những thứ ấy chỉ tốn khoảng 1000 đồng (VN) thôi. Nhưng đừng để bệnh quá muộn, nghĩa là khi nó di căn rồi thì khó đấy!
Tôi xin thành tâm chia sẻ lại bài thuốc quá hay này cho tất cả mọi người, nhất là quý chị em. Quả thật, bệnh ung thư ngực ngày nay không phải hiếm xảy ra, nếu không muốn nói là có rất nhiều chị em mắc phải, và nó cũng đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều người. Ước gì bài thuốc đơn sơ và ít tốn kém này trở thành thần dược và "thuốc tiên" cứu được thật nhiều người.

Bài thuốc đơn giản trị gút dứt điểm từ 2 món thực phẩm dễ kiếm

Bài thuốc đơn giản trị gút từ 2 món thực phẩm dễ kiếm
Xin gởi đến quý huynh bài thuốc mà tôi thấy tận mắt để tùy nghi. Bệnh (Gout) thống phong, quê tôi có tên là bệnh đau đầu voi.
Tôi đọc mải bệnh gout trên các trang net rồi tưởng tượng chứ chưa thấy hư thực ra sao, cách đây cũng hơn nửa năm tôi nghe tin anh Thành (bạn của tôi) lúc nầy bệnh quá nặng không đi đứng được, chúng tôi mấy người rủ nhau đến nhà thăm.
Lần thứ nhất trong đời mới thấy tận mắt bệnh gout. Thật khủng khiếp, hai bàn tay của anh Thành trông  giống như nải chuối mật mốc chín muồi. vỏ đen, năm khớp xương trên mu hai bàn tay và  các khớp của các ngón tay, nó ( U) lên giống như các mụt nhọt bóng lưởng, các ngon tay sưng no tròn cứ tưởng tượng nó sắp bung nở, màu tím bầm đen. Hai bàn chân sưng tấy , tím ngắt ,  thấy thật dễ sợ .
Anh cho biết đã uống hằng chục bài thuốc lượm lặt trên net, khi chịu hết nổi thì đến BS, BS chích thuốc trực tiếp vào các khớp bị sưng.5 Tri gout Đỡ một vài tháng rồi tái lại, cứ như vậy kéo dài mải, nhưng năm nay thì quá nặng như các anh đang thấy .
Vừa rồi  anh Thành tươi rói đến thăm cho tôi mấy gói cà phê p, anh rất vui báo cáo hơn 6 tháng nay bệnh của anh nằm im, không nghe tái tại, còn lâu dài thì chưa biết ra  sao, nhưng người cho bài thuốc nầy nói thĩnh thoảng uống nó sẽ chấm dứt không tái lại nửa vì người nhà của họ đã  trị dứt mấy năm nay không tái  lại (cũng có thể tùy thể trạng của người bệnh hạp chăng) bài thuốc chẵng có chi đặc biệt chỉ có 2 món :
1/-  1 kg trái (khổ hoa)  mướp đắng. 2/-  0.8 gram trái bưởi.
Cả hai để nguyên vỏ ruột, hột, không bỏ thứ gì. vằm chung lại cho vào nồi nầu, nước đổ vừa xấp trên mặt, nấu cạn còn lại 1/2 đổ ra  ly.  Nấu lại lần thứ 2 cũng như vậy,  hai lần hòa chung cho vô  tủ lạnh uống như nước trà, cố gắng uống trong ngày cho hết, rồi mai làm lại như vậy, khoảng 3 bữa là xẹp không đau nhức, rồi làm tiếp lâu mau tùy mình (Đã 6 tháng không tái lại). Xin quý huynh ghi lại để giúp người .

Bài thuốc kỳ diệu nhờ cóc, gốc sả và lá đu đủ chiến thắng ung thư

Bài viết này, đăng về một trường hợp khỏi ung thư kỳ diệu nhờ ăn mật cóc, uống nước sả và lá đu đủ, tuy vậy cách chữa này vẫn chưa được kiểm chứng khoa học an toàn. Vì vậy, bạn đọc cần hết sức cẩn trọng và xem bài viết như tài liệu tham khảo.
Còn sống tối đa được 7 ngày
Gặp ông Chín Chạy (Ngô Ngọc Chạy, SN 1955, ngụ khu phố 5, thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre), sẽ khó có ai tin là người đàn ông này đã từng mắc ung thư giai đoạn cuối và nhiều chứng bệnh nan y khác. Bởi ông khá phương phi, mạnh khỏe. Chỉ khi ông đưa ra bệnh án của Bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM - nơi đã đưa ra nhận định ông chỉ sống được tối đa 7 ngày sau khi xuất viện (vào ngày 24.4.2013), nhiều người mới giật mình.
Ông Chín Chạy cùng lúc bị ung thư gan di căn, ung thư phúc mạc, loét dạ dày tá tràng, bướu tuyến ống dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản F1, nhiễm HP. Cười khà khà, ông Chín Chạy kể: “Đầu năm 2013, tui đang mạnh khỏe đột nhiên bị đau bụng dữ dội, bụng căng cứng. Đến bác sĩ tư ở thị trấn khám, ổng nói tui bị trướng hơi, không có gì phải lo và cho thuốc uống. Nhưng tui uống thuốc 1 tuần không hết, vợ tui đành phải đưa tui đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh (huyện Mỏ Cày Nam), rồi lại chuyển qua Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre) khám bệnh”.
Tại cả 2 bệnh viện, các bác sĩ thăm khám cho ông Chín xong là cho về, không nói gì cả, nên ông Chín không biết là mình bị bệnh gì. Ông chỉ thấy vợ ông mặt mày buồn hiu, nhưng cũng không nói cho ông biết bác sĩ đã nói gì với bà.
Đi bệnh viện về, những cơn đau bụng của ông Chín ngày càng trầm trọng. Bụng ông ngày càng to ra. Lúc đó, một người cháu của ông Chín là bác sĩ đang công tác ở TP.HCM, nghe chuyện nên yêu cầu gia đình phải đưa ông lên Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khám, chữa bệnh ngay. Sau khi nhập Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Chín Chạy được cho làm các xét nghiệm, siêu âm, chụp X-quang, chụp cắt lớp… Nhưng các bác sĩ cũng không nói ông bị bệnh gì. Chỉ biết, 12 ngày sau họ cho ông Chín xuất viện.
Ông Chín kể: “Tui thấy vợ tui buồn lắm, nhưng hỏi bả là tui bị bệnh gì thì bả không nói. Lúc nằm trên xe cứu thương từ TP. HCM về Bến Tre, tui mới kêu vợ đưa cho xem giấy ra viện và tá hỏa khi thấy mình bị ung thư gan thời kỳ cuối. Hèn chi bác sĩ cho về. Lúc này vợ tui mới cho biết, đứa cháu làm bác sĩ của tui sau khi xem bệnh án, đã nói tui còn sống tối đa... 7 ngày”.
Về đến nhà, ông Chín Chạy hoàn toàn gục ngã, sức khỏe rất yếu, đi đứng không vững, những cơn đau hành hạ suốt ngày đêm. “Vòng bụng của tui lúc bình thường đo 96cm, khi từ bệnh viện về nó lên đến 114cm. Mỗi ngày tui ăn không được 1 muỗng cơm, chỉ uống nước đường với đá lạnh cầm cự”, ông Chín kể. Khi đó, gia đình ông Chín Chạy đã chuẩn bị sẵn sàng hậu sự cho ông: Vị trí đất chôn cất đã chọn, chiếc quan tài 12 triệu đồng đã được đặt làm, bức ảnh thờ khổ lớn đã làm xong, những món đồ liên quan đến tang lễ đã được vợ ông lo sắm sẵn. Bà con lối xóm hay tin ông Chín khó bề qua khỏi, nên cũng kéo đến nhà thăm viếng nườm nượp…
Chiến thắng “thần chết” một cách ngoạn mục
Trong lúc nằm chờ chết, ông Chín Chạy chợt nhớ ông có sưu tầm được bài thuốc nói có thể hết bệnh ung thư nhờ uống con cóc. Ông Chín nói: “Lúc đó tui nghĩ, trước sau gì cũng chết, nên tui nói với người thân cứ thử tìm con cóc làm thuốc như người ta chỉ, uống xem sao. Đàng nào tui cũng chết, biết đâu phước chủ may thầy lại hết bệnh”.
Chiều ý ông, người nhà chạy khắp nơi tìm mua cóc. Hai ngày đầu tiên, mỗi ngày ông Chín nuốt 6 cái mật cóc sống, đến ngày thứ 3 thì nuốt 9 cái mật cóc. Sau đó ông Chín dặn người nhà mổ bụng con cóc bỏ ruột, bao tử, trứng - những thứ được cho là có chứa chất độc. Còn da, thịt, xương và các phần nội tạng còn lại của con cóc được bó vào nồi đất nướng thành than, sau đó dùng cối xay tiêu xay nhuyễn, bỏ vào bình cho ông dùng hàng ngày. “Lúc đó tui dùng mỗi ngày 9 con cóc. Điều kỳ lạ là qua ngày thứ 8, tui vẫn còn sống chứ không chết! Tui nghĩ chắc là có công hiệu, nên tiếp tục uống”, ông Chín nhớ lại.
Nhờ dùng cóc mà những cơn đau nhức trong bụng của ông Chín lui dần 
Uống gần 3 tháng thì những cơn đau nhức trong bụng của ông Chín lui dần, nhưng cái bụng vẫn không xẹp xuống. Tình cờ một người bạn của vợ ông Chín đang sống bên Mỹ nghe chuyện bệnh tình của ông, liền gọi điện thoại về chỉ cách: Lấy lá đu đủ vàng đã rụng xuống đất, phơi khô. Sao vàng nấu nước theo công thức: Mỗi ngày 6 lá đu đủ và 2 muỗng canh gốc sả, bỏ vào 2 lít nước nấu sôi, để nguội uống, bụng sẽ xẹp.
Ông Chín Chạy làm theo hướng dẫn. Sau 3 ngày uống nước lá đu đủ, gốc sả, chất độc trong người ông Chín bắt đầu xổ ra ngoài. “Lúc xổ độc, nước tiểu của tui lợn cợn, đen ngòm như cơm bị cháy nồi. Uống bột cóc và nước lá đu đủ, gốc sả được 1 tuần lễ, bụng tui xẹp xuống được 10cm. Sau khi uống 3 tuần lễ, bụng tui xẹp thêm 10cm nữa.
Tính ra tui uống thêm 2 tháng thì vòng bụng từ 114cm xẹp xuống còn 76cm, trong người không còn đau nhức. Như vậy tui uống bột cóc với nước lá đu đủ, gốc sả trong vòng 3 tháng thì hoàn toàn hết đau nhức, xẹp bụng, ăn ngủ, đi đứng được như lúc bình thường. Điều đặc biệt là từ lúc bị bệnh cho đến lúc hết bệnh, tui không hề uống 1 viên thuốc Tây nào, vì bác sĩ Tây y đã cho về nhà chờ chết rồi, trị gì nữa”, ông Chín Chạy kể.

Sau 3 tháng uống bột cóc với nước lá đu đủ, gốc sả thì ông Chín hoàn toàn hết đau nhức, xẹp bụng, ăn ngủ, đi đứng được như lúc bình thường
Sau khi sức khỏe bình thường, ông Chín Chạy quay trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy. Vị bác sĩ từng khám cho ông hết hồn, hỏi ông vì sao thoát được cái chết và khỏe lại? Ông Chín Chạy đã kể lại toàn bộ chuyện mình uống bột cóc, nước lá đu đủ, gốc sả cho vị bác sĩ này nghe. Sau đó ông Chín Chạy đã nhiều lần đến các bệnh viện để xét nghiệm, khám lại bệnh, các bác sĩ cho biết cơ thể của ông đã trở lại bình thường. Ông đã khỏi bệnh.
Gần đây nhất, ngày 16.8, ông Chín Chạy đến một cơ sở y tế ở Bến Tre siêu âm tổng quát. Kết quả cho thấy các cơ quan nội tạng của ông Chín như gan, mật, tụy, lách, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, động mạch chủ bụng và cơ quan khác đều không có gì bất thường. Ông Chín nói: “Sau này tui mới biết, con cóc uống vào có tác dụng hết đau nhức và có hoạt chất diệt các mầm bệnh trong cơ thể, kể cả tế bào ung thư. Còn nước lá đu đủ và gốc sả có tác dụng xổ độc ra ngoài. Hiện nay hàng ngày tui vẫn uống 2 lít nước lá đu đủ và gốc sả cùng 1-2 con cóc. Tính chung trong suốt thời gian trị bệnh, tui đã uống hết gần 4.000 con cóc”.
Theo ông Chín Chạy, việc ông chiến thắng căn bệnh ung thư quái ác và nhiều căn bệnh khác, ngoài bài thuốc con cóc, nước lá đu đủ vả gốc sả có hiệu nghiệm, còn có sự kiên trì. Ông Chín chia sẻ: “Vì mạng sống nên phải uống thuốc liên tục, không được bỏ ngày nào. Sau khi chuyện tui hết bệnh ung thư được người dân truyền tai, tui đã chỉ dẫn cho hơn 100 người sử dụng, nhưng thành công chỉ khoảng 50%. Những người không qua khỏi, hỏi kỹ lại thì người nhà cho biết họ ngày uống, ngày không uống, nên thuốc không công hiệu. Và cũng tùy cơ địa, cơ duyên”.

Phát hiện và xử trí khi người thân đột quỵ

Để bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao 30 độ. Nếu bệnh nhân ói mửa, đặt đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất ói mửa từ mũi và miệng người bệnh.
 
Tại khoa Thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, cứ 650 người nhập viện thì có 400 người bị đột quỵ. Cả nước hàng năm có khoảng 200.000 người bị tình trạng này, khoảng 50% số họ tử vong. Những bệnh nhân đột quỵ sống sót có hơn 90% mắc di chứng về vận động như liệt nửa người, giảm trí nhớ, mất khả năng đọc viết... Họ phải tập luyện để phục hồi chức năng. 
Đột quỵ là nguyên nhân thứ ba gây tử vong sau bệnh lý tim mạch và ung thư. Tỷ lệ tử vong ở nước có thu nhập thấp nhiều gấp 5 lần ở nước có thu nhập cao. Đột quỵ cũng là nguyên nhân chủ yếu gây tàn phế.
Trò chuyện tại Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TPHCM cuối tuần qua, bác sĩ Trần Thị Thu Liễu, ĐH Y dược TP HCM cho biết, đột quỵ là biến chứng xảy ra đột ngột khi sự tưới máu não bị giảm, dẫn đến phần não tương ứng bị hủy hoại. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, liệt nửa người.
Theo bác sĩ Liễu, tăng huyết áp là yếu tố quan trọng nhất gây xuất huyết não, làm tăng nguy cơ đột quỵ 4-6 lần. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ đột quỵ 3 lần, ngoài ra còn khuếch đại các yếu tố nguy cơ khác. Nguy cơ đột quỵ tăng dần theo tuổi, nam giới có nguy cơ cao hơn nữ giới, tuy nhiên tỷ lệ tử vong ở nữ cao hơn. Lạm dụng rượu, thuốc lá, chất gây nghiện cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ...
Tăng huyết áp là yếu tố quan trọng nhất gây xuất huyết não làm tăng nguy cơ đột quỵ 4-6 lần. Ảnh minh họa: Lê Phương.
Tăng huyết áp là yếu tố quan trọng nhất gây xuất huyết não làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh họa: Lê Phương.
Dấu hiệu phát hiện sớm đột quỵ
Yêu cầu người bệnh cười, nói, giơ tay để nhận biết các dấu hiệu sau:
- Tê, yếu hoặc liệt mặt, tay và chân, thường bị ở một bên của cơ thể.
- Rối loạn thị giác ở một hoặc hai mắt như tối mắt, mờ mắt, nhìn đôi, mù mắt.
- Lú lẫn, rối loạn nhận thức.
- Nói khó hoặc nói ngọng.
- Đi không vững, chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp vận động.
- Đau đầu dữ dội.
Xử trí khi người thân bị đột quỵ
Đột quỵ là tình trạng khẩn cấp, cần gọi cấp cứu 115.
Lưu ý khi sơ cứu:
- Cần để bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao 30 độ.
- Nới rộng quần áo, theo dõi sắc diện, nhịp thở.
- Quan sát xem bệnh nhân tỉnh hay hôn mê.
- Trấn an bệnh nhân, nhắc họ hít sâu và thở chậm.
- Nếu bệnh nhân ói mửa, cần để đầu nghiêng sang một bên, dùng tay lấy các chất ói mửa từ mũi và miệng bệnh nhân.
- Người bệnh co giật cần để nằm nghiêng, đề phòng họ cắn vào lưỡi bằng cách dùng khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay cán muỗng đặt giữa hai hàm răng của bệnh nhân.
- Nếu bệnh nhân hôn mê, ngừng thở phải tiến hành hô hấp nhân tạo.
Chú ý không cạo gió, không xoa bóp, không nặn chanh…
Lưu ý dự phòng đột quỵ
Nếu hạn chế được các yếu tố gây bệnh sẽ làm giảm 80% nguy cơ đột quỵ. Do đó phải điều trị tích cực những nguy cơ chính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông.  
Thay đổi lối sống, thực hiện chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ bị vữa xơ động mạch và đột quỵ não. Làm việc nhẹ nhàng, vừa sức, tránh căng thẳng.
Tăng hoạt động thể lực sẽ cải thiện tình trạng tim mạch và làm giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp. Do đó nên tập thể dục đều (đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…) 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần một tuần.

Những tác dụng không ngờ của đậu bắp

Đậu bắp (mướp tây) được dùng để chế biến rất nhiều món ăn thông dụng như luộc, nướng, ăn sống… Nhờ trong thành phần dồi dào chất xơ và và các vitamin, khoáng chất phong phú, đậu bắp cũng nằm trong danh sách vị thuốc chữa được khá nhiều bệnh.



Chữa táo bón

Đậu bắp có nhiều chất xơ, lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp bằng 10% lượng chất xơ cơ thể cần mỗi ngày. Do đó đậu bắp sẽ hỗ trợ hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Ngoài ra, vitamin A trong đậu bắp cũng góp phần làm cho màng nhầy trong ruột kết thực hiện tốt chức năng của chúng, đó là làm cho việc đi tiêu dễ dàng hơn.

Giúp làm trắng và mịn da

Vitamin C và K trong đậu bắp cũng giúp giữ cho làn da của bạn tươi trẻ và khỏe mạnh. Các vitamin khác có mặt trong đậu bắp cũng giúp hỗ trợ sự tăng trưởng và sửa chữa các mô trong cơ thể, thúc đẩy sự hình thành collagen và sắc tố da, giúp trẻ hóa làn da bị hư hại.

Giảm cân

Đậu bắp có nhiều chất xơ, trong khi chứa ít calorie, rất thích hợp cho những người muốn ăn kiêng giảm cân. Tuy nhiên, những người bị lạnh bụng không nên ăn đậu bắp thường xuyên.

Hỗ trợ điều trị tiểu đường

Một số nghiên cứu đã chứng minh các sợi của đậu bắp giúp ổn định lượng đường trong máu. Nó giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường và duy trì trạng thái cân bằng đường huyết với bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính thời điểm chứ không trị dứt hẳn được tiểu đường.

Chống dị tật thai nhi

Đậu bắp rất giàu axit folic (vitamin B9), đây là loại vitamin cực kỳ có lợi cho mẹ và bé trong thai kỳ, đặc biệt là với bé. Vitamin B9 giảm nguy cơ sảy thai, dị tật thai nhi, hỗ trợ sản xuất và duy trì các tế bào mới. Phòng ngừa khuyết tật ống thần kinh

Tăng cường thị lực

Lượng vitamin A và vitamin C có nhiều trong đậu bắp cũng giúp tăng cường thị lực. Phòng ngừa các bệnh về mắt.

Làm đẹp tóc

Cắt đậu bắp thành những miếng nhỏ, thả vào nước đã đun sôi, đun chừng 10 phút nữa rồi tắt bếp, mở nắp nồi cho nguội nước. Tiếp đó, trộn nước này với một muỗng cà phê nước cốt chanh, thoa lên tóc và để khoảng 15 phút thì gội với nước sạch. Chất nhầy và các dưỡng chất bên trong đậu bắp kết hợp với nước chanh sẽ giúp cho mái tóc của bạn trở nên chắc khỏe và bóng mượt hơn.

Cải thiện sinh lý cho phái mạnh

Một nghiên cứu gần đây cho hay, đậu bắp có chứa dạng glucide phức polysaccharide và thành phần dinh dưỡng khác, giúp tăng cường dòng máu chảy vào vùng sinh dục, gây cương cứng cho quý ông.

Bạn cần biết

Trong 100 gram đậu bắp có chứa

Chất xơ: 2,5 gram - bằng 10% lượng chất xơ mà cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin C: 16,3 mg - bằng 27% lượng vitamin C cơ thể cần mỗi ngày.

Folate: 46 mg - bằng 11% lượng folate cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin A: 283 mg - bằng 6% lượng vitamin A cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin K: 40 mg - bằng 50% lượng vitamin K cơ thể cần mỗi ngày.

Niacin (vitamin B3): 0,9 mg - bằng 4% lượng niacin cơ thể cần mỗi ngày.

Thiamin (vitamin B1): 0,1 mg - bằng 9% lượng thiamin cơ thể cần mỗi ngày.

Vitamin B6: 0,2 mg - bằng 9% lượng vitamin B6 cơ thể cần mỗi ngày.

Magie: 36 mg - bằng 9% lượng magie cơ thể cần mỗi ngày.

Mangan: 0,3 mg - bằng 15% lượng mangan cơ thể cần mỗi ngày