Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Những bài thuốc quý chữa khỏi viêm gan, gan nhiễm mỡ, mỡ trong máu

Gan nhiễm mỡ là căn bệnh nguy hiểm nếu không chạy chữa kịp thời. Hiện nay, do lối sống không lành mạnh và chế độ ăn uống không khoa học, dẫn đến xu hướng bệnh gan nhiễm mỡ có dấu hiệu gia tăng. Bệnh tuy lành tính nhưng khả năng dẫn đến xơ hóa cao (khoảng 25%). Vì thế, cần phát hiện và chữa trị kịp thời bằng các phương pháp khác nhau, kể cả việc áp dụng những bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ.
Những nguyên nhân thường gặp gây nên căn bệnh gan nhiễm mỡ

Nếu như gan của bạn đã bị nhiễm mỡ, tùy thuộc vào mức độ, chức năng gan của bạn bị giảm sút. Bạn sẽ cảm thấy cơ thể mình mệt mỏi, ăn lâu tiêu dẫn tới chán ăn. Thực thế, trong y học không có bệnh chính thức nào tên là “gan nhiễm mỡ”, nhưng có thể căn cứ vào các triệu chứng dễ nhận thấy bệnh thuộc loại chứng "tích tụ". Để điều trị căn bệnh này, có rất nhiều các biện pháp,từ đơn giản đến phức tạp, tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh, việc tiết chế trong ăn uống cũng như việc sử dụng các bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vậy, bệnh nhân gan nhiễm mỡ nên sử dụng các loại thực phẩm và các bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ như thế nào?

Các bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ

Lá trà khô là một vị thuốc nam có tác dụng tiêu mỡ trong cơ thể. Ngày nay, rất nhiều các chị em phụ nữ thường dùng phương pháp uống trà để giảm lượng mỡ trong cơ thể để có được một thân hình gọn gàng và săn chắc. Vì thế, trà khô thường được sử dụng để chế biến thành nhiều bài thuốc trị gan nhiễm mỡ như sau:

Trà khô được sử dụng để chế biến thành các bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ.

♦ Bài thuốc 1:

Nguyên liệu:
  • 3g Trà khô.
  • 15g trạch tả.

Bài thuốc nam từ cây trạch tả công dụng bảo vệ gan, tiêu mỡ, lợi niệu..
Cách làm:
Đem hai vị thuốc trên hãm với nước sôi trong khoảng 20 phút là có thể uống được. Bài thuốc này có công dụng bảo vệ gan, giúp làm tiêu mỡ, lợi tiểu và giảm béo.

♦ Bài thuốc 2:

Nguyên liệu:
  • 2g trà khô.
  • 10g uất kim (hoặc nghệ vàng).
  • 5g cam thảo.
  • 25g mật ong.


Bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ từ trà khô, uất kim ... sẽ giúp tiêu trừ độc tố tích tụ trong gan.

Cách làm:
Đều tay thái vụn các nguyên liệu trên, sau đó đem hỗn hợp có được hãm với nước là có thể uống. Tốt nhất là nên sử dụng trong ngày.

♦ Bài thuốc 3:

Nguyên liệu:
  • Dùng 3g trà khô.
  • 10g cát căn (sắn dây thái phiến).
  • 20g lá sen.
Cách làm:
Thái vụn tất cả các nguyên liệu rồi hãm trong nước sôi. Dùng để uống thay trà sẽ phát huy công dụng giải độc tố, hạ mỡ trong máu và giảm béo. Cũng có thể dùng lá sen thái vụn rồi hãm uống thay trà hằng ngày.
Lưu ý: việc uống nước là sen trong điều trị gan nhiễm mỡ cần phải được pha chế đúng cách với liều lượng nhất định.

♦ Bài thuốc 4:

Nguyên liệu:
  • 30g rễ cây trà.
  • 60g trạch tả.
  • 10g thảo quyết minh. 

Bài thuốc từ cây thảo quyết minh rất thích hợp với người bị gan nhiễm mỡ và mỡ trong máu
Cách làm:
Thái vụn hết các nguyên liệu rồi dùng để hãm uống hằng ngày. Bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ này có công dụng giúp làm giảm lượng mỡ trong máu và có thể giúp phòng chống bệnh béo phì. Bài thuốc này rất thích hợp cho những người bị nhiễm mỡ trong gan và nghiêm trọng hơn là việc kéo theo tình trạng rối loạn lượng mỡ trong máu hay bệnh mạch vành bẩm sinh.

♦ Bài thuốc 5:

Nguyên liệu:
  • 3g hoa trà.
  • 3g trần bì.
  • 5g bạch linh.

Cải thiện tình trạng bệnh gan nhiễm mỡ từ những vị thuốc nam tự nhiên
Cách làm:
Thái vụn hỗn hợp các nguyên liệu trên rồi đem hãm với nước trong bình kín, Sau 20 phút thì tắt bếp rồi để cho bớt nóng, dùng để uống thay trà.
Đi cùng với các bài thuốc nam trị gan nhiễm mỡ, mỗi bệnh nhân cần phải hạn chế các loại đồ ăn giàu chất béo, các loại thức ăn quá cay nóng và quan trọng nhất là tránh xa bia rượu và thuốc lá, vì nó có thể làm quá trình điều trị gan nhiễm mỡ mất tác dụng mà bệnh còn trở nặng hơn.
Chúc các bạn nhanh chóng đẩy lùi được căn bệnh gan nhiễm mỡ này !!!

Tự tạo cơ hội - Kỳ 72: Làm giàu từ trái xoài non rơi rụng

Một nông dân ở cù lao Bình Phước Xuân (An Giang) vì tiếc trái xoài rơi rụng đã âm thầm nghiên cứu biến chúng thành món dưa xoài trứ danh.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 72: Làm giàu từ trái xoài non rơi rụng
Ông Liệt - người đã có công đưa dưa xoài đi xa. Ảnh: T.D
Ông Nguyễn Hoàng Liệt (ngụ xã Bình Phước Xuân, H.Chợ Mới) là người khơi mào giúp trái xoài “thay da đổi thịt”, đưa chúng đi chu du khắp các tỉnh thành và cả trong siêu thị. Ông Liệt kể ông lớn lên ở vùng đất cù lao và gắn chặt với cái nghề cha truyền con nối: nghề trồng xoài. Như bao nhà vườn khác, ông Liệt không mấy quan tâm đến cảnh xoài non, xoài già rụng lăn lóc trong mùa mưa bão, trái gió trở trời.
Một ngày nọ, khi ra thăm vườn xoài thấy xoài rụng nằm thối, bị ruồi, kiến bu, ông Liệt bỗng thấy tiếc và xót xa: "Một công xoài mỗi mùa rụng mất cả tấn xoài non, quá lãng phí. Nếu diện tích hàng chục công trồng xoài thì mỗi năm lãng phí biết bao nhiêu?”. Ông trăn trở nghĩ đến việc tận dụng nguồn xoài non rơi rụng này. Thế là ông lượm trái xoài non to hơn ngón tay cái về ngâm trong nước đường. Vài ngày sau, đem xoài ra ăn thấy mùi vị cũng được. Ông Liệt bèn mày mò pha trộn các hương vị khác để ngâm xoài non thành món dưa xoài. Những tháng đầu, ông dùng món dưa xoài đãi bạn bè ăn chơi, ai cũng khen ngon. Từ góp ý của nhiều người, ông Liệt mạnh tay chế biến nhiều hơn đem ra chợ bỏ mối. Nào ngờ, món dưa xoài tưởng chừng ăn xong rồi quên ấy lại bán rất đắt, người ta hối ông làm bỏ hàng không kịp.
Làm ăn lớn
Tận dụng cơ hội, ông Liệt quyết tâm đầu tư làm ăn lớn, mở rộng cơ sở sản xuất. Từ ngày món dưa xoài xuất hiện, nhà vườn cù lao Bình Phước Xuân cũng bớt lo cảnh xoài rớt giá. Còn những trái xoài non rụng trước đây hay bỏ phí nay đã được các cơ sở chế biến dưa xoài thu mua từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Nhiều người thấy ông Liệt thành công với dưa xoài cũng học theo mở cơ sở chế biến dưa xoài. Hiện tại, vùng cù lao này có gần chục cơ sở chế biến dưa xoài, mỗi cơ sở có hàng chục lao động góp phần giải quyết được việc làm cho phụ nữ nông thôn những lúc nông nhàn. Nhắc đến chuyện này, ông Liệt nói: “Thú thực, tôi không ngờ món dưa xoài lại trở thành món ngon được người tiêu dùng chấp nhận”. Từ dưa xoài, nhiều người cũng đã nhạy bén dùng các trái non như trái cóc non làm dưa bán và tiêu thụ cũng khá.
Khi dưa xoài đã được cộng đồng chấp nhận, ông Liệt làm thủ tục lập cơ sơ sản xuất Hương Giang chuyên sản xuất dưa xoài, dưa cóc. Ông Liệt còn làm thủ tục đăng ký thương hiệu, an toàn vệ sinh thực phẩm cho dưa xoài với ý định đưa sản phẩm này vào các siêu thị. Đến nay, dưa xoài đã gắn bó với gia đình gần 10 năm và giúp ông có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Còn riêng năm 2014, ông Liệt đã lời gần 1 tỉ đồng.
Với những thành tích đã đạt được, ông Liệt được T.Ư Hội Nông dân VN bình chọn là một trong 63 gương nông dân xuất sắc VN năm 2014. Ngày 9.10, ông Liệt sẽ có mặt ở Hà Nội cùng các nông dân khác dự lễ vinh danh nông dân xuất sắc năm 2014.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 70: Nuôi ếch làm giàu

Sau nhiều năm bám ruộng độc canh cây lúa nhưng không khá lên được, ông Hồ Văn Bảy (Bảy Bè, ngụ xã Hưng Phú, H.Phước Long, Bạc Liêu) đã tự tìm tòi, áp dụng thành công mô hình nuôi ếch cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 70: Nuôi ếch làm giàu
Ông Hồ Văn Bảy làm giàu từ mô hình nuôi ếch - Ảnh: Trần Thanh Phong
Ông Bảy kể, ông được cha mẹ cho 10 công đất để làm lúa. Nhưng do đất trũng, lại nhiễm phèn nặng nên chỉ sản xuất được một vụ trong năm, năng suất bình quân chỉ 10 giạ/công, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Năm 2003, qua tìm hiểu ông biết được nhiều hộ dân ở ĐBSCL trở nên khấm khá nhờ nuôi ếch. Từ đó, ông bắt tay nghiên cứu thị trường, trực tiếp tham quan, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ở nhiều nơi.
 Ban đầu ông chỉ nuôi thử 5 con ếch đẻ để bán con giống nhưng không ngờ lợi nhuận được trên 25 triệu đồng. Qua nuôi thử nghiệm, ông thấy mô hình nuôi ếch không mất nhiều công chăm sóc, lại ít rủi ro. Người nuôi không cần có mặt bằng lớn, chỉ tận dụng các thửa đất nhỏ ở sau nhà, sau đó đào ao, mua bạt lót dưới đáy, xung quanh làm bờ bao, bơm ít nước vào là có thể mua ếch con về thả nuôi. Ngoài ra, nhờ tận dụng nguồn thức ăn trong tự nhiên như các loại cá tạp, rô phi, ốc bươu vàng nên không phải tốn nhiều chi phí thức ăn cho ếch.
10 năm qua, bình quân thu nhập mỗi năm của ông Bảy trên 250 triệu đồng. Hiện ông có 9 hầm bao bạt nuôi ếch thương phẩm và ếch bố mẹ cho sinh sản. Trong đó, có hơn 100 con ếch bố mẹ, mỗi năm gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng 250.000 con ếch giống, với giá bán 1.000 đồng/con. Ông Bảy chia sẻ: “Muốn thành công, đòi hỏi người nuôi phải biết đặc tính sinh học của ếch và cách phát hiện, phòng trị một số bệnh thường gặp, như bệnh lở loét đỏ chân, đường tiêu hóa, mù mắt và cổ quẹo. Do đó, tốt nhất thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình phát triển của ếch, không để nguồn nước trong ao nuôi bị ô nhiễm, tăng cường các khoáng chất đề kháng và cân đối lượng thức ăn hợp lý, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường”. Theo kinh nghiệm của ông Bảy, ếch nuôi thương phẩm từ 3 - 4 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 3 - 5 con/kg thì có thể thu hoạch, bán từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, tùy loại.
Hiện nay, ngoài nuôi ếch, ông Bảy còn nuôi thêm rắn ri tượng giống để bán rắn con với giá 80.000 đồng/con. Nhờ thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất đa con, cuộc sống của gia đình ông Bảy ngày càng trở nên khấm khá. Nhiều người biết tiếng tìm đến tận nhà tham quan mô hình chăn nuôi ếch, rắn đều được ông nhiệt tình chỉ dẫn.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 68: Biến bò gác mái thành đặc sản

Từ món bò gác mái dân dã, chị Nguyễn Thị Hà (47 tuổi, ở thị trấn Củng Sơn, H.Sơn Hòa, Phú Yên) đã biến nó thành món bò “1 nắng 2 sương” - đặc sản nổi tiếng.

Biến bò gác mái thành đặc sản
 Chị Nguyễn Thị Hà với đặc sản bò “1 nắng 2 sương” nổi tiếng - Ảnh: Đức Huy
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 67: Kiếm tiền từ con dông
>> Tự tạo cơ hội - Kỳ 66: Kiếm tiền tỉ nhờ Bơm vô ống
Trước đây, gia đình chị Hà vốn có nghề chế biến nai khô. Chị cũng làm nghề này một thời gian nhưng rồi bỏ hẳn chuyển sang làm sản phẩm bò khô. Chị Hà tâm sự: “Bò khô thì để lâu được, nhưng ăn không ngon nên sản phẩm này bán ít chạy. Trong một lần tình cờ lên nhà người dân tộc ở địa phương chơi, họ thết đãi món bò gác mái. Người dân đem thịt bò treo trên bếp một vài ngày rồi lấy ra dùng. Thấy cũng hay, tôi về nghiên cứu thử”.
 

Chị Nguyễn Thị Hà, Giám đốc DNTN Hà Trung, địa chỉ 57B Nguyễn Chí Thanh, thị trấn Củng Sơn, H.Sơn Hòa, Phú Yên.
Điện thoại: 0914254334.

 Quá trình để chị Hà chế biến thành công sản phẩm bò “1 nắng 2 sương” cũng khá gian nan. Ban đầu chị làm theo cách của người dân tộc ở địa phương, cũng hong trên lửa than nhưng thịt bò lại khô và rất khó ăn. Tìm tòi, nghiên cứu dần dà chị cũng tìm ra được bí quyết để làm vừa lòng thực khách.
Theo chị Hà, để bò “1 nắng 2 sương” thơm ngon thì khâu chọn lựa nguyên liệu rất quan trọng. Bò phải là bò cỏ vàng, chăn thả tự nhiên và phải còn tơ. Dùng thịt đùi và thăn, rọc lấy sạch gân, tạp chất, rồi thái mỏng, ướp thêm ít gia vị mới đưa vào lò sấy. Công đoạn sấy đòi hỏi phải đảm bảo nhiệt độ, thời gian sấy khoảng 4 tiếng. Sau đó, sản phẩm phải đưa vào cấp đông. “Sản phẩm không hề có chất bảo quản, nhưng vẫn giữ được lâu trong quá trình vận chuyển mà không bị hư hỏng. Đây cũng là bí quyết tạo nên thương hiệu bò “1 nắng 2 sương””, chị Hà nói.
Theo chị Hà, để tạo ra đặc sản bò “1 nắng 2 sương” khác biệt cũng phải kể đến muối ăn kèm. Đó phải là muối kiến vàng. Kiến vàng rang chín rồi giã với muối hạt và ớt xiêm của người dân tộc địa phương thì mới tạo ra vị độc đáo của muối kiến vàng.
 Hiện tại, giá bán trên thị trường 1 ký bò “1 nắng 2 sương” là 470.000 đồng. Sản phẩm này hiện có mặt ở nhiều tỉnh thành trên toàn quốc, đặc biệt đã được đóng nhãn đặc sản, tham dự nhiều triển lãm thực phẩm và được bày bán trong các siêu thị, nhà hàng sang trọng. "Tôi cũng có một hệ thống đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh. Bây giờ, nhiều người về Phú Yên hỏi mua bò “1 nắng 2 sương” để làm quà cho khách”, chị Hà cho biết.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 67: Kiếm tiền từ con dông

Năm 2012, sau khi xuất ngũ trở về gia đình, anh Trần Cao Lĩnh (22 tuổi, ngụ P.3, TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi dông để lập nghiệp.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 67: Kiếm tiền từ con dông
Anh Lĩnh thu hoạch dông thương phẩm - Ảnh: Trần Thanh Phong
Anh Lĩnh kể, lúc mới trở về quê, anh rất trăn trở do không biết làm nghề gì để phụ giúp gia đình. Tình cờ một lần đọc báo thấy mô hình nuôi dông chi phí thấp, lại cho thu nhập cao, anh quyết định tìm tòi học hỏi kinh nghiệm và dấn thân theo nghề này.
Sau một thời gian “tầm sư” ở các tỉnh miền Trung, anh trở về đổ cát san lấp khu đất bỏ trống khoảng 500 m2 phía sau nhà làm chuồng. Không có vốn, anh mượn cha mẹ được 20 triệu đồng rồi một mình đón xe ra Bình Thuận mua 50 kg dông con về thả nuôi.
Ngay vụ thu hoạch đầu tiên, mô hình chăn nuôi khá mới mẻ này mang về cho anh trên 100 triệu đồng từ bán dông con và bán dông thịt. Thừa thắng xông lên, đến nay đàn dông của anh Lĩnh đã phát triển với số lượng lên đến hàng ngàn con.
Theo anh Lĩnh, vùng đất Bạc Liêu quanh năm mát mẻ, khô thoáng rất thích hợp để nuôi dông vì ngày nào dông cũng có thể sưởi ấm và kiếm ăn được. Nguồn thức ăn chủ yếu của dông là rau muống, rau lang, cà chua và các loại côn trùng (bướm, sâu non, giun đất...). Ngoài ra, còn cho dông ăn thêm cám gạo, cám hỗn hợp và các loại đậu.
Nuôi dông không tốn nhiều công chăm sóc, kỹ thuật xây chuồng trại lại đơn giản, chỉ cần xây tường hoặc tận dụng tôn, thiếc dựng kín xung quanh. Các tấm chắn này phải đủ cao để dông không trèo ra, đồng thời cắm sâu xuống cát 1 m để dông không đào hang ra ngoài. Xung quanh khu vực nuôi nên tận dụng trồng nhiều loại rau màu để dông tự tìm thức ăn, đồng thời tạo bóng mát cho dông trú ngụ.
Dông sinh trưởng nhanh, mau lớn và rất ít bị dịch bệnh. Chỉ cần đề phòng mèo, chuột và rắn vào chuồng hại dông. Tỷ lệ sống của dông khá cao, đạt từ 90 - 95%. Nuôi từ 8 - 10 tháng thì có thể thu hoạch hoặc để sinh sản. Thời gian mang thai của dông là 10 ngày và đẻ nhiều lứa một năm, mỗi lần đẻ từ 6 - 8 trứng, 45 ngày sau trứng nở ra dông con. Dông lớn nhanh vào khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 8. Đến năm kế tiếp, đàn dông con trưởng thành và lại tiếp tục sinh sản.
Anh Lĩnh cho biết, thấy mô hình lạ, dễ nuôi, nhiều nông dân trong vùng và các đoàn khách từ các địa phương khác đã tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Vì vậy, nguồn dông giống tiêu thụ rất mạnh. Hiện dông giống anh bán ra thị trường là 20.000 đồng/con. Còn thịt dông tươi sống được các nhà hàng, quán ăn ở khắp các tỉnh miền Tây ưa chuộng, hiện có giá 350.000 đồng/kg (bình quân mỗi con dông thương phẩm nặng khoảng 400 - 500 gr).
Anh Lĩnh khẳng định luôn sẵn sàng phổ biến kinh nghiệm cho những nông dân muốn nuôi dông; đồng thời đang dự tính tìm hướng mở rộng thị trường tiêu thụ, nhất là xuất khẩu ra nước ngoài, khi dông được nhiều người nuôi và mô hình được phát triển mạnh.

Tự tạo cơ hội - Kỳ 65: Đưa bưởi da xanh xuất ngoại

Thất bại với nghề xay xát gạo, nhà máy nước đá, ông Đàm Văn Hưng, chủ Cơ sở Hương Miền Tây (Bến Tre) lại thành công với trái bưởi da xanh.

 Đưa bưởi da xanh xuất ngoại
Ông Hưng (phải) trao đổi với nông dân trồng bưởi da xanh - Ảnh: N.L


Tiếp chúng tôi tại cơ sở Hương Miền Tây ở xã Phước Mỹ Trung, H.Mỏ Cày Bắc (Bến Tre), ông Hưng nhớ lại, năm 1998 là lúc mà ông mở cơ sở thu mua bưởi da xanh. “Có lẽ  do cơ duyên. Mình đến với nghề làm vựa trái cây ấy hoàn toàn là tay ngang, nhưng khi đã quyết là đeo cho bằng được”, ông Hưng nói.
Làm được chừng 2 năm, thấy tiềm năng bưởi da xanh - một đặc sản của Bến Tre - rất lớn, ông Hưng quyết định đem bưởi ra miền Bắc tiêu thụ. Ông bắt tay vào đưa vài bội (tương tự như sọt) bưởi da xanh ra chợ Long Biên bán. Nhìn thấy trái bưởi da xanh lét, bạn hàng lắc đầu quầy quậy, chê lên chê xuống. Họ nói bưởi này sao so được với bưởi Đoan Hùng, Phúc Trạch - thứ bưởi da vàng đã đi sâu vào tiềm thức của người tiêu dùng phía bắc…
Nhưng ông Hưng không nản lòng. Ông biếu không cho bạn hàng ăn thử. Phải mất đến 3 tháng, bạn hàng mới chấp nhận. Từ một vài bội ban đầu đến năm, mười bội bưởi, rồi một xe. Hàng đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Khi đã có thị trường, ông Hưng đóng bao bì in logo và nghĩ đến việc xây dựng thương hiệu. Và ông chọn “Hương Miền Tây”. Khi đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận độc quyền, ông tiếp tục nghĩ đến vùng nguyên liệu ổn định đạt tiêu chuẩn. Đó cũng là thời điểm Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai cho nhà vườn làm theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông bắt đầu tìm đến những tổ hợp tác đạt chuẩn VietGAP ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Ở thị trường miền Bắc, tiếng lành ngày càng đồn xa. Bưởi da xanh “Hương Miền Tây” sau đó được một Việt kiều Đức ký hợp đồng mua để xuất khẩu vào thị trường khó tính nổi tiếng là Đức. Không riêng gì ông Hưng mà những nông dân trồng bưởi ai nấy như mở cờ trong bụng, khi hiệu quả kinh tế từ bưởi da xanh so với chôm chôm hơn từ 3 đến 6 lần trên cùng một diện tích.
Thành công nối tiếp thành công. Từ nguồn vốn ưu đãi của tỉnh, cơ sở của ông đầu tư xây dựng kho lạnh trên diện tích hơn 1.000 m2, sức chứa 240 tấn, có dây chuyền ngâm, rửa, sấy khô, bọc ni lông tự động, công suất xử lý 4 tấn/giờ. Hiện ông Hưng đang đầu tư tiếp hàng chục tỉ đồng để xây dựng kho lạnh thứ 2 trên diện tích 6.000 m2, sức chứa 1.400 tấn. Ngoài thị trường Đức của những ngày đầu, bưởi da xanh đã đến thị trường Canada, Hà Lan, Ukraine, hướng đến các thị trường tiềm năng như Nga, Pháp, khu vựcTrung Đông. Sản lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay của Hương Miền Tây đã lên đến 120 tấn.
Cuối tháng 8.2014 vừa qua, Cơ sở Hương Miền Tây  đã ký hợp đồng bao tiêu trên 1.000 tấn bưởi sản xuất theo tiêu chuẩn Viet GAP của Tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh Phú Hòa (xã Quới Sơn, H.Châu Thành, Bến Tre). Tổ có 85 tổ viên, diện tích sản xuất hơn 47 ha. Đây đã là năm thứ 4 hợp đồng này được tái ký. 27 tổ liên kết sản xuất bưởi da xanh khác trong tỉnh Bến Tre cũng đã ký kết hợp đồngvới Hương Miền Tây. Dù vậy, ông Hưng cho biết nguồn bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP cũng chỉ mới đáp ứng được 1/10 nhu cầu của cơ sở.