Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Làm giàu nhờ nhà nghỉ

Ít ai ngờ được rằng, từ một gã nhà quê chân chất, sau hơn chục năm “cày kéo” bằng đủ thứ nghề, gã đã trở thành chủ của gần chục cái nhà nghỉ… từ “thằng lười học… vô tích sự”.
bao_ve_lam_giau_nho_nha_nghi
Gã tên Cường, biệt danh là “còi”, tuổi con lợn, trình độ văn hóa “kịp hết lớp 12”. Gã còi đến mức đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng bị người ta chê… không nhận. Chán cảnh suốt ngày nghe bố và 2 ông anh mắng mỏ là thằng “lười học, vô tích sự”, gã theo chân một đám đàn ông trong xã lên Hà Nội bán sức lao động ở “chợ người”. Của đáng tội, vì tướng tá bé tí hin, sức vóc chẳng bằng ai nên mấy tháng đầu ở Hà Nội, gã đói dài.

Trong cái rủi lại có cái may, trong một lần làm thợ hồ, gã được chủ nhà thuê luôn lại làm nhân viên dọn dẹp tại chính cái nhà nghỉ vừa xây dựng xong. Thế là gã chính thức giã từ cái nghiệp phu hồ để trở thành nhân viên của nhà nghỉ. Gã bảo “cũng chẳng kém vất vả so với làm phu hồ là mấy nhưng được cái là đỡ bẩn thỉu, lại có thời gian xem tivi và thu nhập cũng ổn định hơn”.

Sau 1 năm, thấy gã nhanh nhẹn, chịu khó lại thật thà hơn “ông cháu họ xa luôn rình cơ hội để ăn bớt tiền phòng của khách”, bà chủ nhà nghỉ “đôn” gã lên làm quản lý và kiêm thêm công việc cứ 4giờ chiều đèo bà chủ đi thu họ.

“Chồng bà ấy bị tai nạn mất sớm, 2 cô con gái đều lấy chồng xa nên nhiều hôm bà ấy cứ bắt tớ nói chuyện cả ngày. Toàn những câu chuyện không đầu không cuối về lễ bái với cả hầu thánh. Nhưng trong những cuộc chuyện trò tưởng như vô vị ấy, tớ đã học lỏm được cách kiếm tiền bằng việc cho vay họ của bà ấy” - Cường kể.

“Lúc đó tớ đã dành dụm được hơn 20 triệu rồi, định bụng mang về sửa lại cái bếp cho bà già nhưng thấy bà chủ “làm họ” kiếm được quá nên tớ đánh liều xin bà ấy cho ké vài bát họ. Cứ tưởng bà ấy sẽ cáu điên và đuổi tôi ra đường nhưng nào ngờ, bà ấy chỉ bảo tôi là: “Thằng ôn con này cũng có máu kiếm tiền đấy nhỉ!”. Rồi giới thiệu luôn cho mình 3 người khách, một bà hàng nước, một anh lái taxi và một cô thợ may - mỗi người vay 5 triệu”.

“Thấy làm họ kiếm được nên tớ đánh liều về quê “vay” u già và họ hàng thêm 50 triệu nữa để mang lên Hà Nội cho vay. Lúc đưa tiền cho tớ, u già bảo: “Đấy, mẹ định dành số tiền này để cưới vợ cho mày, giờ mày cầm rồi thì làm sao thì làm, tự đi mà cưới vợ”.

Cầm số tiền vay mượn được, tớ lên cho vay hết trong 2 ngày rồi thấp thỏm đếm từng ngày để thu tiền về. Cũng may, khách vay tiền toàn người cũng tử tế nên sau hơn 2 năm, trả hết các khoản vay mượn đi thì tớ còn bỏ túi được hơn 200 triệu nữa.

Thế rồi cơ hội đến khi chính bà chủ cũ của tớ rao bán quyền kinh doanh cái nhà nghỉ trước đây tớ làm, tớ vay thêm 100 triệu nữa mua luôn. Và như cậu thấy đấy, đến giờ tớ đang sở hữu quyền kinh doanh của hơn chục cái nhà nghỉ rồi”.

Kiếm tiền nhưng vẫn sợ… nhà nghỉ

Cường “còi” tâm sự: “Hơn chục năm lăn lộn với nhà nghỉ, chứng kiến biết bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt nên đôi lúc tớ chợt có cảm giác sợ nhà nghỉ”.

Cường kể: Có lần đang đêm thấy nhân viên hốt hoảng gọi điện bảo anh đến ngay, tớ vội vàng chạy đến thì thấy một đám choai choai mặt mũi bặm trợn đang ngồi đầy dưới tầng 1 và đòi đuổi hết khách ra để cả đám “bao phòng” luôn. Nhìn mặt thì biết đám đó đã say lắm rồi nên sau một hồi năn nỉ họ đi ra chỗ khác không được, tôi đành phải cầu cứu công an đến giải quyết dù trong nghề này, kị nhất là phòng nghỉ có người chết, sau đó là kị có công an đến kiểm tra đột xuất.

Hoảng nhất là cách đây mấy năm, có một đôi đến thuê phòng được hơn 1 ngày, khi nhân viên lên gọi thì phát hiện họ đã chết từ lúc nào rồi. Đợt đó tớ phải đóng cửa cái nhà nghỉ ở Cầu Giấy mất mấy tháng, khách họ sợ hồn ma của người chết về phá phách nên chẳng dám đến.

Sau đó thì xảy ra vụ cái nhà nghỉ ở Thái Hà có một người đàn ông vào thuê phòng với nhân tình, chả biết cãi cọ thế nào mà bị cô gái lấy dao cắt một nhát gần đứt “của quý”. Cả 2 vụ đó đều báo hại tớ phải mới thầy cúng về làm lễ, rồi thay tên đổi biển nhà nghỉ đến 2 lần để khách họ không bị ám ảnh".

Thế nhưng, theo quan điểm “nghề nghiệp” của Cường “còi” và nhiều chủ nhà nghỉ khác thì hiện nay, người chết trong phòng thuê, đánh ghen hay xảy ra án trong nhà nghỉ vẫn… chưa sợ bằng việc đám choai choai mang nhau vào nhà nghỉ quan hệ bừa bãi và thậm chí còn mang cả ma túy vào để "chơi tập thể”.

Chị Nhung, một chủ nhà nghỉ trên đường Nguyễn Khánh Toàn cho biết: “Làm cả năm không vấn đề gì, chỉ cần một lần sơ sảy để cho đám ranh con mang ma túy vào sử dụng trong nhà nghỉ và bị công an bắt được là coi như sạt nghiệp”.

Cường “còi” tâm sự: “Không cho khách vào thì chả mấy mà đóng cửa, nhưng cho vào thì còn sợ hơn vì dính dáng đến pháp luật. Đó là chưa kể việc sau này con cái mình bị ảnh hưởng. Vì thế nên tôi cấm tiệt vợ không được đưa con đến bất kỳ nhà nghỉ nào mà tôi đang quản lý. Phòng bệnh hơn chữa bệnh ông ạ”.

Làm giàu nhờ... giun quế

(Nguoiduatin.vn) - Gần đây, người dân xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội đang tích cực triển khai việc sử dụng nguồn phân bò để làm thức ăn nuôi giun quế.

Đây là một ý tưởng vô cùng độc đáo của nhóm sinh viên SIFE (một tổ chức phi Chính phủ về cộng đồng) của trường đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội).
Trước đây, người chăn nuôi và nông dân, không hề biết, phân bò có hiệu quả kinh tế. Ai cũng nghĩ đơn giản rằng, phân bò dùng để bón cây trồng. Khi sử dụng phân bò làm thức ăn cho con giun quế thì đem lại hiệu quả kinh tế đến bất ngờ.
Ý tưởng đến... bất ngờ
Ý tưởng dùng phân bò làm thức ăn cho giun quế được thai nghén trong một lần cậu sinh viên năm thứ nhất trường đại học Kinh tế Quốc dân - Vũ Tú Nam cùng bạn bè đến tham quan tại một vùng quê ngoại thành Hà Nội. Nhìn thấy bà con hàng ngày vẫn đổ hàng tấn chất thải  - phân bò ra các con sông, suối làm ô nhiễm trầm trọng môi trường đã thôi thúc Nam và nhóm bạn tìm tòi, suy nghĩ.
Trong đầu Nam và các bạn cứ quẩn quanh suy tính, làm cách nào để giúp bà con giải quyết được tình trạng đổ phân, ô nhiễm môi trường? Sau thời gian dài "mang nặng đẻ đau", dự án nuôi giun quế giúp bà con cải thiện kinh tế và góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đã ra đời.
Dự án này đã đoạt giải Nhất cuộc thi ý tưởng sáng tạo E -Ideas 2011- cuộc thi Quốc gia nhằm tìm ra những ý tưởng sáng tạo vì môi trường tại Việt Nam.
Mô hình ban đầu của dự án được lựa chọn áp dụng tại một diện tích nhỏ ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội bởi đây là vùng chuyên chăn nuôi bò sữa với số lượng lớn nhưng nguồn thức ăn đầu vào cho bò lại thiếu hụt trầm trọng, nhất là các thức ăn dinh dưỡng giàu chất đạm.
Đặc biệt, địa hình và thổ nhưỡng nơi đây hoàn toàn phù hợp để cho giun quế phát triển. Theo thống kê mới nhất, hiện nay xã Phù Đổng có hơn 800 hộ dân chăn nuôi bò sữa với 1.814 con, cung cấp lượng sữa thành phẩm lớn cho các nhà máy chế biến sữa.
Theo ước tính, lượng phân do bò thải ra hàng ngày là hơn 27 tấn, một con số đáng báo động về tình trạng ô nhiễm trầm trọng môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân bản địa và các vùng lân cận.

Vũ Tú Nam - trưởng nhóm nghiên cứu dự án chia sẻ: "Với suy nghĩ biến dự án từ sách vở đi vào đời sống, giúp ích cho bà con nông dân nên chúng tôi đã chọn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội làm nơi áp dụng mô hình nuôi giun quế để tận dụng nguồn phân bò.
Đó hoàn toàn là một mô hình khép kín, tự sản xuất - tự tiêu thụ, kết hợp giữa 3 yếu tố: Khoa học - Môi trường - Kinh tế. Vì theo tính toán, cứ 20m2 nuôi giun giải quyết được 450 kg phân bò / tháng. Đây được xem là một mô hình nghiên cứu sáng tạo giúp xử lí chất thải nông nghiệp bằng biện pháp sinh học lần đầu tiên được triển khai một cách có quy mô.
Dự án đi vào đời sống sẽ mang đến cho người nông dân một cách tiếp cận mới với vấn đề xử lí ô nhiễm môi trường và nâng cao thu nhập từ những nguyên liệu sẵn có".
Lúc đầu thực hiện dự án, nhóm sinh viên đến vận động và khuyến khích bà con tham gia dự án đã nhận được ánh mắt nghi ngờ, thiếu hợp tác. Ông  Nguyễn Văn Viết (người nuôi bò sữa ở Phù Đổng) tâm sự: "Hôm đầu tiên, các bạn trẻ đến vận động tham gia dự án, tôi rất  nghi ngờ, không tin rằng loại giun bé tý ấy lại có hiệu quả kỳ diệu đến như vậy.
Thấy các bạn sinh viên nhiệt huyết quá, tận tình hướng dẫn kỹ thuật, quy trình cũng như tìm kiếm nguồn giống giun để nuôi thì tôi đã thử nghiệm. Không ngờ, hiệu quả thấy rõ chỉ sau một thời gian ngắn".
Ông Viết cũng là một trong những hộ gia đình tiên phong áp dụng mô hình nuôi giun quế vào sản xuất chăn nuôi. Nhờ đó, khối lượng phân mà 5 con bò của gia đình thải ra đã được sử dụng hết, không gây ô nhiễm môi trường, trở thành nguồn thức ăn lớn để nuôi giun. Và giun là chất đạm cần thiết cho bò. Còn chất thải của giun, ông Viết dùng để nuôi ba ba và bón cây. Ông Viết thừa nhận: "Sáng tạo của các bạn trẻ đem lại hiệu quả kinh tế, môi trường cao và là một mô hình khép kín hoàn hảo."
Làm giàu nhờ... giun quế
Thấy hiệu quả của giun quế, ông Viết quyết tâm đầu tư vốn để mua giun quế giống ở Đông Anh (Hà Nội), triển khai nuôi trên diện tích khiêm tốn là 30m2.
Sau đó, ông Viết mở rộng diện tích lên đến 200m2. Ông Viết phấn khởi chia sẻ: "Nuôi giun quế ít tốn kém, chỉ đầu tư số vốn ban đầu là 6 triệu đồng nhưng hàng tháng đều cho ra sản phẩm và thu lợi nhuận. Tính tổng thu nhập bán giun thành phẩm có thể đạt hơn 5 triệu /tháng. Và hơn hết là đã tận dụng được nguồn phân bò có sẵn để nuôi giun, đồng thời  lấy chất thải của giun để nuôi ba ba. Thịt giun để làm thức ăn cho bò. Tôi thấy đây là một mô hình rất hay, nên được mạnh dạn áp dụng rộng rãi hơn nữa.
Giun quế là loại ký sinh trùng đặc biệt, có đời sống thực địa với khả năng sinh sôi nhanh và dễ. Nuôi giun quế rất đơn giản, ít tốn kém. Từ những thành công ban đầu của dự án đã tiếp thêm động lực cho nhóm sinh viên của Nam thêm nhiều động lực sáng tạo.
Nam cùng các bạn trong dự án đã không ngại vất vả, đến từng hộ gia đình để nói về lợi ích của nuôi giun quế, vận động bà con nông dân nuôi bò mạnh dạn áp dụng mô hình của dự án để cải thiện môi sinh, nâng cao thu nhập.
Bạn Trịnh Minh Đức - thành viên của nhóm dự án trao đổi với chúng tôi trong hạnh phúc: "Ban đầu, cả nhóm sinh viên đã chia nhau đến tận từng hộ gia đình nuôi bò trong xã Phù Đổng để thuyết phục. Cái tâm lý ngại thay đổi, không dám đầu tư của người nông dân đã khiến nhóm gặp rất nhiều khó khăn. Hi vọng trong thời gian tới, mô hình nuôi giun quế nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sẽ được tiến hành rộng rãi hơn, phổ biến hơn ở mọi nơi chứ không riêng gì ở Phù Đổng."
Phân giun, ngoài việc làm thức ăn cho ba ba thì còn làm phân bón cho trồng trọt rất tốt. Trong phân giun không có chất hoá học nên càng tốt cho môi trường, cây trồng (về vệ sinh an toàn thực phẩm). Các chất có trong phân hóa học khi vào đất, không phân hủy hết có thể gây ô nhiễm đất và tác động xấu đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm cây trồng.
Những người dân xã Phù Đổng tham gia vào mô hình này có cơ hội nâng cao các hoạt động sản xuất của gia đình, có thêm việc làm, tăng thu nhập, từ đó nâng cao dần mức sống.

Làm giàu nhờ bồ câu

Với bản tính cần cù, chịu khó, cựu chiến binh Ngô Đình Sáu (thôn Cẩm Phú 2, xã Điện Phong, huyện Điện Bàn) đã vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi bồ câu thương phẩm.
Trở về từ chiến trường K (Campuchia) năm 1983, ông Sáu bắt đầu nuôi gà, tuy nhiên khi khởi nghiệp mô hình này không suôn sẻ. Ông cho biết: “Nuôi gà gặp rất nhiều khó khăn. Hồi đó kỹ thuật chưa có, chủ yếu là tự thân vận động, bằng những phương pháp truyền thống nên gà hay bị dịch bệnh, có năm mất trắng…”.
alt
Ông Sáu vươn lên làm giàu từ mô hình nuôi bồ câu thương phẩm.
Nuôi gà không hiệu quả, ông quyết tìm con đường khác để mưu sinh. Biết đồng đội của mình đang thành công với mô hình nuôi bồ câu ở tận miền Tây, ông tìm đến tham khảo. Năm 2000, ông trở về địa phương và bắt đầu nuôi thử nghiệm. Lúc đầu, ông tự đan, hàn, thiết kế những chiếc lồng để nuôi theo cặp (mỗi cặp nhốt trong một lồng, có 1 con trống và 1 con mái). Năm năm sau, vừa nuôi nhân giống, vừa bán thịt, số lượng bồ câu của ông lên đến 1.000 cặp. “Nuôi bồ câu rất khó. Người nuôi cần phải chăm sóc thật kỹ, mới có thể thu lợi được. Nếu đặt hàng làm những chiếc lồng để nuôi thì chi phí sẽ rất cao, lợi nhuận thu được cũng bị giảm đi. Chính vì vậy, bằng những kinh nghiệm học được và với những gì đã trải qua, tôi tự thiết kế những chiếc lồng để nuôi. Bồ câu là loại ít xảy ra dịch bệnh, nhưng không phải không có, cần phải thiết kế chuồng trại hợp lý, sạch sẽ, khô thoáng mới đạt được hiệu quả cao. Hơn nữa, nếu không cho nó uống nước đúng giờ, đảm bảo độ ấm… thì bồ câu sẽ không đẻ được. Nói chung, người nuôi phải có đủ độ kiên nhẫn mới thành công” - ông Sáu nói.
Từ 15 cặp bồ câu đầu tiên, đến nay trang trại của ông đã có gần 2.000 cặp, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Trung bình mỗi cặp bồ câu một tháng rưỡi sinh sản một lần, mỗi lần 2 con, 20 ngày sau có thể bán thịt; còn bồ câu giống thì khoảng 2 tháng xuất chuồng. Bồ câu bán thịt giá thị trường hiện khoảng 80 – 110 nghìn đồng/ cặp, bồ câu giống khoảng 220 nghìn đồng/cặp. Mỗi lần xuất chuồng 1.000 cặp, gia đình ông thu về trên dưới 100 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ trại bồ câu lồng của gia đình hơn 150 triệu đồng. Kinh tế gia đình cũng được nâng lên. “Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, từ nguồn lợi thu được tôi tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, phát triển trang trại nuôi bồ câu ngày một rộng thêm. Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng tìm tòi để có thể mở rộng cơ sở một cách có hiệu quả hơn nữa…” - ông Sáu tâm sự.
alt
Ông Sáu đã xây dựng hẳn một trại gây giống bồ câu với số lượng vài trăm con, chuyên cung ứng bồ câu giống cho một số tỉnh, thành trong nước. Tiếng lành đồn xa, thương hiệu “Sáu bồ câu” được đông đảo khách hàng gần xa biết đến. Không ít doanh nghiệp tìm đến ông đặt mua con giống và bồ câu thịt để xuất khẩu với số lượng cả nghìn con mỗi năm. Ông Nguyễn Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Điện Phong cho biết: “Trang trại nuôi bồ câu thương phẩm của anh Ngô Đình Sáu là mô hình kinh tế hộ điển hình mang lại lợi ích kinh tế rất cao, từ đó có thể nhân rộng. Xã Điện Phong đang trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, những tấm gương điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi như vậy cần nhiều hơn nữa, để tạo được một phong trào thi đua đạt hiệu quả cao”.
Nhiều năm liền, ông Ngô Đình Sáu đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh... Đó là phần thưởng xứng đáng cho người cựu chiến binh biết cách vượt qua mọi khó khăn để vươn lên làm giàu. Giờ đây, ông chỉ mong muốn tự dựng “thương hiệu” cho mô hình nuôi bồ câu. “Phải định hướng như vậy mới có thể phát triển mạnh mẽ được. Ở Quảng Nam mình, người nông dân đã làm được thương hiệu dưa hấu Kỳ Lý thì giờ đây tôi vẫn muốn phát triển bồ câu của địa phương theo hướng như thế” - ông nói.

Làm giàu nhờ... con bò

TT - Chỉ với 7 triệu đồng khi khởi nghiệp nghề chăn nuôi bò sữa, vợ chồng anh Đoàn Văn Thiệu giờ đã có thu nhập 70-80 triệu đồng/tháng.
Anh Thiệu với công việc hằng ngày ở trang trại - Ảnh: V.H
Người công nhân hái chè thuê ngày nào giờ đã là chủ trang trại với 26 con bò trên 3,3ha đất ở thảo nguyên Mộc Châu (Sơn La).
Từ quyết định “liều một phen”
Dẫn tôi đi thăm trang trại nuôi bò của gia đình mình ở tiểu khu 84/85 (thị trấn Nông trường Mộc Châu), anh Thiệu (sinh năm 1976) bồi hồi nhớ lại: “Trước đây cả khu vực đồng không mông quạnh với toàn núi đồi này chỉ có một mình tôi ở. Trang trại của gia đình tôi xây dựng từ năm 2008, nhưng mãi đến cuối năm 2009 mới có hàng xóm”.
25 tuổi, anh Thiệu xa quê hương Thái Bình lên Tây Bắc lập nghiệp. Anh dừng lại ở cao nguyên Mộc Châu với nghề hái chè thuê. Bảy năm trôi đi, đến khi lấy vợ, anh vẫn thấy cuộc sống chật vật vì đồng lương còm cõi. Sau khi bàn bạc với vợ, anh quyết “liều một phen” - nuôi bò sữa. Hai vợ chồng dốc sạch túi có 7 triệu đồng.
Thấy được ý chí làm giàu của vợ chồng cô con gái, bố mẹ vợ anh ngấm ngầm trợ giúp bằng cách nhượng lại đàn bò sữa của gia đình khi ấy có ba con với giá “vừa bán vừa cho” là 30 triệu đồng và đồng ý cho vợ chồng anh trả góp. Cũng may khi đó ba con bò đã cho sữa nên vợ chồng anh thu vốn được ngay. Thấy việc nuôi bò sữa có triển vọng, anh Thiệu bàn với vợ vay mượn thêm họ hàng, người thân cộng với tiền bán sữa để mở rộng sản xuất. Tích tiểu thành đại, đàn bò của anh đã lên đến 13 con. Đến năm 2008, anh quyết xây dựng trang trại chăn nuôi bò sữa trên diện tích đất 3,3 ha.
Nhớ lại những ngày mới khởi nghiệp ở cái nơi khỉ ho cò gáy, anh Thiệu hào hứng kể ngày ngày mình anh vừa lo chăn bò, vừa học các kỹ thuật cơ bản của nghề, vừa chạy đi chạy lại chăm vợ mới sinh. Chỉ sau nửa năm lập trang trại, anh đã trở thành một người nuôi bò chuyên nghiệp. Từng ấy con bò, anh thuộc nằm lòng tính khí từng con, con nào cho sữa thế nào... Sau bốn năm, trang trại bò sữa của anh lên tới 26 con, 14 con đã cho sữa. Hiện mỗi tháng gia đình anh có tổng thu nhập 70 - 80 triệu đồng, như tháng 3 vừa rồi tiền bán sữa là 74 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, tiền đút túi là 38 triệu đồng. Số tiền nợ vay mượn gây đàn giờ đã trả xong, anh vui vẻ cho biết. Và vui hơn, giờ cái tên Đoàn Văn Thiệu đã được ghi danh vào thế hệ “tỉ phú trẻ nuôi bò” ở thảo nguyên Mộc Châu.
Say mùi... bò
“Ngày tôi mới đặt chân lên Mộc Châu chỉ thấy bạt ngàn là chè, nhà cửa rất thưa thớt, thị trấn buồn hiu hắt. Giờ thì Mộc Châu không chỉ có đặc sản chè, ai đến Mộc Châu cũng biết tới đặc sản sữa tươi. Người dân ở đây đều thấy mảnh đất và cuộc sống của mình đang từng ngày thay da đổi thịt. Tất cả là nhờ vào nghề nuôi bò” - Thiệu khoát tay chỉ ra xung quanh, phía xa xa là những mái nhà cao tầng thấp thoáng.
Sau bốn năm gắn bó với bò, Thiệu thấm thía rằng nuôi bò sữa là ngành chăn nuôi kỹ thuật cao, người chăn nuôi ngoài việc được đào tạo bài bản, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi còn phải có tính chịu khó, cần cù và đặc biệt phải biết “yêu bò như yêu... vợ con mình”. Rồi anh so sánh: “Công việc của nhà nông chỉ bận một năm hai vụ, hái chè thuê thì mệt cũng có thể nghỉ; còn nghề chăn nuôi bò sữa 10 ngày như một, ngày tạnh ráo cũng như ngày đông lạnh giá, vợ chồng đều phải thức dậy lúc 5g sáng, phân công nhau dọn chuồng, vắt sữa, mang sữa đến điểm thu mua”. Thời gian đầu có lúc anh Thiệu cảm thấy nản chí vì đến lễ tết cũng không có một ngày nghỉ. Nhưng nhìn đàn bò phổng phao, thu nhập cao đều đều, anh tự nhủ không có nghề nào cho anh được điều đó. “Đến giờ thì say mùi bò rồi, phải lòng bò rồi, nên có ai bảo đổi nghề tôi cũng không bỏ được” - anh Thiệu hóm hỉnh đùa.

Làm giàu nhờ mô hình nuôi Ếch

Mỗi năm xuất bán khỏang 17 tấn ếch thịt và 50 ngàn con ếch giống mang thu nhập cho gia đình vài trăm triệu đồng, đó là mô hình làm kinh tế giỏi của ông Nguyễn Văn Thõang( còn gọi là Tư Thõang ) , ấp An Hòa xã Long Thới, huyện Chợ Lách. Để có được kết quả như hôm nay bản thân ông Tư Thõang cũng trải qua nhiều khó khăn thử thách.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, tham gia bộ đội nhưng chẳng mai bị thương tật, trở về cuộc sống đời thường là thương hạng  ¾ nhưng  ông không buông xuôi số phận, vươn lên phát triển kinh tế gia đình bằng chính sức lao động của mình từ mô hình nuôi ếch.
Ông Tư Thoãng chăm sốc Ếch nuôi. Ảnh: Tác giả
Khởi nghiệp đầu tiên của gia đình là từ 1000 con ếch, được mua tại tỉnh Vĩnh Long cách nay 5 năm, do mới nuôi lần đầu chưa có kinh nghiệm nên tỷ lệ thất thóat khá cao khỏang 40%. Học hỏi mô hình nuôi ếch giống trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sẳn có đàn ếch tại gia đình khỏang 600 con, ông tìm trong đó được 20 con ếch cái tốt chừa lại để giống, đồng thời đến tỉnh Tiền Giang mua thêm 20 ếch đực được lai tạo từ ếch đồng mang về cho phối giống và cứ thế ếch tiếp tục nhân ếch, đến nay đàn ếch giống của ông nhân lên rất nhiều có khỏang 300 con ếch cái, 300 con ếch đực và hàng tấn ếch thịt chưa xuất chuồng.
Ông Tư Thõang cho biết một con ếch con khi được sinh ra đến khi trưởng thành phối giống có thể sinh sản nuôi khỏang 12 tháng, và ếch thịt nuôi 4 tháng là có thể xuất bán. Mỗi năm gia đình ông Tư Thõang xuất bán khỏang 17 tấn ếch thịt và 50 ngàn con ếch giống, giá ếch giống bán từ 1.200 – 1.500đ/con từ khi mới sinh ra đến 40 ngày tuổi. Sau khi trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng trên năm.
Ông Tư tâm sự khi mới tham gia mô hình nuôi ếch, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kiến thức khoa học kỹ thuật, dần dần tích góp lại kinh nghiệm từ các mô hình trong sách, báo, nghe đài và kinh nghiệm thực tiễn của bản thân đã giúp cho mô hình nuôi ếch đạt được hiệu quả, đặc biệt là trong vấn đề  nuôi ếch giống. Ông Tư cho biết “ Để cho ếch sinh sản tốt, trước tiên cần phải chọn con ếch khỏe mạnh, dài,  thì ếch đẻ con mới say, trung bình một con ếch đẻ một năm 3 lần, mỗi lần khỏang 300 đến 500 con, Muốn ếch đẻ say ngòai thức ăn dạng viên còn bổ sung thêm cá”.
Đối với ếch thịt, nếu không có kinh nghiệm  sẽ không được thị trường ưa chuộng, vì con ếch thịt nuôi không đủ ngày tháng hay thức ăn thừa đạm cũng dễ làm cho thịt ếch không giai, bở và có mùi tanh. Vì thế để đáp ứng được thị trường vấn đề quan trọng là thức ăn, gia đình sử dụng thức ăn cho ếch dạng viên nổi 30% đạm. Nuôi trong thời gian 4 tháng là xuất bán nếu thiếu ngày làm cho thịt ếch bị bở.
Khi cho ếch ăn cần phải phân cử, nếu ếch còn nhỏ khỏang 35-40 ngày tuổi cho ăn 3 cử/ngày, khi ếch được 70 ngày tuổi thì cho ăn 2 cử và giảm dần đến khi ếch chuẩn bị xuất chuồng chỉ cho ăn 1 ngày 1 cử vào lúc chiều tối. Trung bình 1con ếch được nuôi đúng thời gian, thức ăn đảm bảo đạt trọng lượng từ 3,4,5 con/ký.
Ngòai thức ăn được xem là quan trọng đối với ếch, thì vấn đề chuồng trại cũng được ông 4 Thõang quan tâm hàng đầu, nếu chuồng trại không đảm bảo sạch sẽ dễ gây bệnh cho ếch, một số bệnh mà ếch thường gặp là bệnh ghẻ, mù mắt. Nguyên nhân để xảy ra bệnh ghẻ, mù mắt trên ếch là do vệ sinh nguồn nước không sạch. Để phòng chống những bệnh này, ông vệ sinh chuồng trại và thay nước mỗi ngày, nước thì được bơm từ ao hồ qua hệ thống lắng lọc mới bơm vào ao bạc nuôi ếch và khi xả nước thảy ra ngòai, được ông xử lý vào túi biogas thể tích 12 mét khối dùng làm nguyên liệu khí đốt trong gia đình.
Ông Tư Thõang không nuôi ếch dưới ao hồ mà nuôi chúng trên bồn bạc nằm trên mặt đất, diện tích khỏang 4 mét vuông, nuôi từ 1500– 2000 con/bồn , hiện tại ông có 25 bồn bạc, nuôi ếch lớn nhỏ khác nhau. Sở dĩ ông nuôi ếch trong bồn bạc mà không nuôi dưới ao hồ, nguyên nhân là vì nuôi trong bồn bạc thuận lợi hơn nhiều so với nuôi ao trong việc vệ sinh, xử lý nguồn nước và tỷ lệ hao hụt ít hơn so nuôi trong ao hồ.
Ếch nuôi trong bồn bạc của Ông Tư Thoãng. Ảnh: Tác giả
Hiện nay các địa phương trong và ngòai tỉnh đều có mô hình nuôi ếch công nghiệp, vào vụ thuận giá ếch bán không cao khỏang 35 ngàn đồng/ký, nhưng vụ nghịch thì 50-60 ngàn đồng/ký. Do đó, để tránh đụng hàng dội chợ, ông Tư Thõang thường xử lý cho ếch sinh sản vào vụ nghịch. Khỏang tháng 6,7 âm lịch cho ếch phối giống đến tháng 11,12 âm lịch trở về sau bán ếch thịt.
Ông Tư Thõang cho biết, ếch là lòai động vật rất dễ nuôi không tốn nhiều công chăm sóc nhưng hiệu quả rất cao. Hiện nay gia đình đã mở trại cung cấp con giống cho bà con có nhu cầu nuôi ếch. Hướng tới ông sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, ngòai tiếp tục cung cấp con giống, gia đình còn mở rộng cơ sở cung cấp thức ăn cho ếch, hướng dẫn bà con về kỹ thuật nuôi ếch, đồng thời sẽ thu mua lại ếch thịt của bà con sau khi mua con giống từ cở sở của ông.

Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 3: Làm giàu nhờ vỏ trấu

Với 60 triệu đồng, khởi nghiệp với thứ tưởng chừng như bỏ đi là vỏ trấu, giờ đây anh Lương Văn Minh đã trở thành giám đốc của một công ty.

Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ: Làm giàu nhờ vỏ trấu
Kiên trì khởi nghiệp với củi trấu, anh Lương Văn Minh giờ đã là chủ doanh nghiệp, có thu nhập cao - Ảnh: Hoàng Sơn
Anh là Lương Văn Minh (42 tuổi, trú tại khối phố 5, thị trấn Núi Thành, H.Núi Thành, Quảng Nam) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Trường Doanh chuyên sản xuất củi trấu.
 

Chia sẻ khó khăn với bạn hàng
Anh Lương Văn Minh tâm sự: “Công ty tôi cung cấp chất đốt cho các doanh nghiệp nên phụ thuộc nhiều vào họ. Ở giai đoạn mà nhiều đơn vị kinh doanh khác đang gặp khó khăn như hiện nay, lượng củi trấu của công ty tôi bán ra cũng sụt giảm theo. Nợ nần cũng tăng lên. Nhưng đã làm ăn thì phải chấp nhận, hai bên phải biết chia sẻ lẫn nhau, miễn tạo được uy tín với nhau là được”. Công ty TNHH Trường Doanh có địa chỉ tại khối phố 5, thị trấn Núi Thành, H.Núi Thành, Quảng Nam. ĐT: 0510.3570715 - 01213549009.

Anh Minh kể: “Tình cờ, một lần ngồi nói chuyện với anh bạn thời còn đi học hiện là chủ một công ty tư nhân, tôi được biết một phần nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn là do thị trường chất đốt đang tăng giá. Và tôi chợt nhớ lại vỏ trấu ở quê, người ta vẫn hay vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, sao mình không tận dụng?”. Ý tưởng làm củi trấu đến với anh từ đó. Nhiều đêm liền, anh Minh thức để đọc tài liệu, tìm hiểu qua mạng. Rồi anh vào tận Vũng Tàu để học hỏi cách sản xuất củi trấu sau đó về quê mở xưởng vào năm 2009.
Anh gom góp tất cả tiền bạc có được trong nhà để đầu tư một chiếc máy ép trấu trị giá hơn 60 triệu đồng. Hằng ngày, anh đến các điểm xay xát gạo để mua vỏ trấu rồi đem về đúc, ép thành củi. Thành công chỉ đến với anh sau hàng tháng trời mày mò vừa chạy máy vừa sửa chữa, tốn cả mấy tấn vỏ trấu. Anh Minh cho biết: “Củi trấu tôi làm ra được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tìm mua vì đảm bảo nhiệt lượng cần thiết khi đốt trong các nồi hơi công nghiệp. Củi trấu có nhiều ưu điểm như nhiệt độ từ 3.800 - 4.000 độ C, đạt yêu cầu nhưng lại rẻ hơn 35% so với than đá. Các xưởng xay xát lúa lúc nào cũng sẵn sàng cung cấp vỏ trấu cho mình”. Loại củi trấu này được các nhà máy ưa chuộng vì góp phần hạn chế việc sử dụng gỗ, củi khai thác trong tự nhiên, hạn chế khí thải độc hại ra môi trường. Hiện mỗi tháng, công ty anh xuất ra thị trường khoảng 200 tấn củi trấu.
Lãi “khủng”
Anh Minh cho biết cứ 1,3 tấn trấu (giá 400 đồng/kg) làm được 1 tấn củi trấu (giá 1.500 đồng/kg). Trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/tháng. Đó là khoản thu nhập rất “khủng” đối với nhiều người dân ở đây.
“Cái khó nhất của nghề là tìm được thị trường ổn định. Nhưng khi mình kiên trì tạo được uy tín với bạn hàng thì có khi cung không đủ cầu”, anh Minh nói. Cao điểm là hồi năm 2011, mỗi ngày anh xuất bán vào Khu công nghiệp Điện Nam  - Điện Ngọc (H.Điện Bàn), Khu kinh tế mở Chu Lai (H.Núi Thành) đến 400 - 500 tấn củi trấu, anh phải nhập thêm hàng về để bán.
Anh Minh cho biết nghề làm củi trấu không khó nhưng để củi đạt chất lượng cao thì người làm phải để ý đến khâu nén vỏ trấu. Thường thì vỏ trấu đem về từ các nhà máy xay xát có thể ép ngay được. Tuy nhiên, nếu nguyên liệu ẩm, lẫn tạp chất nhiều thì phải phơi mới có thể ép được. Tại công ty, quy trình sản xuất gồm trấu được đùn qua máy xay ở nhiệt độ 250 độ C, sau đó được nén lại nhờ chất keo có sẵn trong vỏ trấu. Củi trấu đạt chuẩn phải dài 40 cm, đường kính 8,5 cm, cứng và nặng gần 3 kg/thanh.
“Làm củi trấu, theo tôi, sự kiên trì phải là hàng đầu. Nhiều lúc máy móc hỏng, không biết sửa khiến người theo nghề phải mệt mỏi, dễ bỏ ngang. Nhưng khi làm đã quen, có thị trường ổn định thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn. Tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ sản xuất cho những ai muốn làm nghề này”, anh Minh chia sẻ. Được biết, hiện công ty của anh có 4 máy ép trấu, anh đặt 2 máy ở Quảng Nam và 2 máy khác ở Quảng Ngãi để mở rộng thị trường, chủ động hơn trong khâu mua nguyên liệu.

Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ - Kỳ 2: Nuôi chồn hương

Từ chỗ mua 2 con chồn hương con về nuôi chơi, giờ đây gia đình Trung đã có một trang trại nuôi chồn với số lượng lúc cao nhất lên đến 135 con.

Tháng 3.2007, trên đường làm rẫy về, Hồ Duy Trung (37 tuổi ở Quảng Ngãi) gặp một người dân tộc H’re cầm 2 con chồn hương con 1 đực, 1 cái mới bắt được trong rừng. Thấy cặp chồn hương con xinh xắn, Trung mua với giá 200.000 đồng với ý định nuôi chơi. Đến năm 2008, cặp chồn hương đẻ được 6 con, lòng vui như mở. Trung mạnh dạn xây dựng chuồng trại để nuôi chồn hương.
Với suy nghĩ chồn hương thuộc họ cầy nên ban đầu anh “thử nghiệm” nuôi chồn như... nuôi chó. Vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, tự mua sách về mày mò và nghiên cứu, cuối cùng Trung đã rút ra “bí kíp” cho riêng mình.
Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ
Chồn hương anh Trung đang nuôi tại trang trại - Ảnh: Hiển Cừ
Theo Trung, chồn hương rất dễ nuôi bởi chúng ăn tạp, từ các loại trái cây đến thịt, cơm, cháo, cá, cua, ếch... Là loài “ngày ngủ, đêm ăn” nên mỗi ngày chỉ cho ăn một lần vào ban đêm, sáng ra rửa sạch chuồng trại là xong. “Đàn chồn hương của tui cho ăn cháo gạo với cám tổng hợp là chủ yếu, chỉ tốn chừng 2.000 đồng/con/ngày mà vẫn lớn ào ào. Tính ra, 1 con chồn hương nuôi trong vòng 6 tháng tốn hết khoảng 400.000 đồng tiền thức ăn nhưng đạt từ 3-3,5 kg, giá bán 1 triệu đồng/kg thịt hơi đã thu về 3-3,5 triệu đồng”, Trung khoe.
Nuôi chồn hương sinh sản là khâu khó nhất nhưng Trung cũng đã thành công. Anh nói, khi bắt đầu động dục, vào ban đêm, chồn hương cái thường kêu, hú nên phải tìm chọn bạn tình cho nó. Nhưng đưa bạn tình vào mà chồn cái không “ưng ý” là chúng cắn lộn với nhau. Vì thế phải cho chúng làm quen trước, nếu vài ngày không thích thì thay anh chồn khác. Khi chồn cái mang thai, phải tách chồn đực ở riêng, phòng ngừa chồn đực ăn chồn con mới đẻ.
Từ tháng 2 đến tháng 8 hằng năm là mùa sinh sản của chồn hương với mỗi năm có thể đẻ 2 lứa tùy theo người nuôi. Nhưng theo Trung, tốt nhất nên cho chồn hương đẻ 1 lứa/năm vì nếu để đẻ vào mùa mưa, chồn con ít phát triển, dễ dịch bệnh chết. 
“Từ số tiền ban đầu là 200.000 đồng, sau hơn 5 năm tui có ngót nghét 700 triệu đồng. Đây là số tiền quá lớn, nếu làm ruộng thì vợ chồng tui có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ đến”, Trung thổ lộ.
Trung còn đang ấp ủ dự án “cà phê chồn”, anh đã đầu tư vốn, thuê đất trồng 400 gốc cà phê, dự kiến đến năm 2014 sẽ cho trái rộ. Anh sẽ dùng trái cà phê nuôi chồn hương rồi lấy hạt cà phê từ phân chồn. Anh tính toán, trong vòng một đêm, mỗi con chồn hương thải ra 0,5 kg phân hạt cà phê khô là anh đã có ít nhất 500.000 đồng và giảm được chi phí mua thức ăn. “Cách làm khép kín này chắc chắn sẽ cho hiệu quả hơn nhiều lần so với cách nuôi chồn lâu nay tui đã làm”, Trung quả quyết.

Theo Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã thông thường để làm giống và thương mại mà Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cấp cho trang trại của Trung thì giống chồn mà anh đang nuôi là cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), còn gọi là chồn hương, thuộc họ cầy. Thịt chồn hương ngon và hiếm nên giá lúc nào cũng đắt. Da của nó được thuộc và dùng trong may mặc. Tuyến xạ của chồn hương rất thơm, dùng sản xuất thuốc, làm mỹ phẩm và nước hoa.
 Trang trại nuôi chồn hương của anh Hồ Duy Trung, ở thôn Phú Lâm Tây, xã Hành Thiện, H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), điện thoại: 01229979795.

Mưu sinh từ đồng vốn nhỏ Kỳ 1

Bằng sự bền chí, nỗ lực không ngừng, nhiều người đã “sống được” và thậm chí làm giàu từ số vốn ít ỏi ban đầu.

Hơn 30 tuổi, Phan Thanh Sơn quyết định lên  chốn heo hút thuộc đồi khe Nước (thôn Tân Điền, xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, Quảng Trị) để nuôi hươu.
Nuôi hươu
Anh Sơn tin rằng con hươu sẽ giúp mình làm giàu - Ảnh: Nguyễn Phúc
Dù chỉ cách QL1 hơn 4 km, nhưng để lên được chỗ Sơn nuôi hươu phải rất vất vả bởi đường sá lầy lội, quanh co. Sơn kể: “Trước tôi cũng có đi học trung cấp nhưng ra trường không có việc làm nên đi phụ hồ. Làm việc còng lưng mà công thợ chỉ 25.000 đồng/ngày. Năm 2006 tôi về quê. Chưa biết sẽ làm gì thì có ông bác thương tình cho 1 ha đất ở đây lập nghiệp”. Vùng này hồi đó rất thâm u. Mình Sơn phát quang, đào từng gốc tràm để lập trang trại mà chẳng có đồng vốn nào lận lưng…
 

Trang trại của Phan Thanh Sơn ở thôn Tân Điền, xã Hải Sơn, H.Hải Lăng, Quảng Trị, điện thoại số  01689207876

Cái khó ló cái khôn, Sơn tìm đến xin vay vốn hỗ trợ của Hội Nông dân, mượn thêm tiền bà con để lập nghiệp. “Trên dưới 25 triệu đồng là tất cả những gì tôi có vào năm 2007, khi tôi bắt đầu mua gà giống và dê về nuôi…”, Sơn kể. Năm đầu tiên là một năm “vật vờ” của anh. Nợ nần bủa vây, những đồng lãi thu về chẳng bõ bèn gì khi phải mua chịu thức ăn gia súc, gia cầm với giá cao. Cho đến cuối năm 2009, khi đã đủ sức trụ lại nơi này, Sơn bắt đầu “bén duyên” với những con hươu…
Đổi đời nhờ hươu
“Ban đầu tôi chọn nuôi hươu đơn giản chỉ vì thích. Nhưng nuôi một thời gian lại mê, hiếm có con vật nuôi nào vừa đẹp, hầu như không bao giờ bị bệnh và dễ kiếm thức ăn như nó”, Sơn nói.
Bỏ ra gần 20 triệu đồng để mua 2 con hươu giống tại xã Hải Lệ (TX.Quảng Trị), Sơn vừa nuôi vừa học, cái gì không hiểu lại điện thoại ra trại giống nhờ tư vấn. May mà lá gì con hươu cũng ăn được, từ cỏ xanh cho đến lá khế, lá mít, mà mấy thứ đó thì quanh khu đồi này không thiếu. “Mỗi ngày cứ vứt một ôm lá vào chuồng là chúng túc tắc ăn. Chỉ khi hươu lên nhung phải cho ăn thêm bột bắp trong vòng một tháng… Chăm bẵm cũng chẳng nhọc nhằn gì, trừ lúc hươu cái mang thai hoặc nuôi hươu con. Chỉ chú ý là chuồng hươu mùa hè phải thoáng, mùa đông phải kín”, Sơn nói.
Từ 2 con hươu, Sơn gây giống thành 4 con. Mới đây anh vừa bán 1 hươu con giá 10 triệu đồng. Mỗi năm cứ đến mùa xuân là hươu cho nhung, mỗi mùa 2 đợt cách nhau chừng 2 tháng. Giá lộc nhung hiện nay khoảng trên 1,5 triệu đồng/lạng, mỗi con hươu của anh cho khoảng 1,5 kg nhung mỗi năm. “Nuôi hươu phải tính đường dài vì mỗi con hươu có thể cho nhung đến hơn 20 năm sau mới bị thải loại”, anh Sơn nói.
Sơn còn nuôi thêm 2 hồ cá rô phi, 700 con gà và gần 100 con heo. Đó là cách để anh lấy ngắn nuôi dài cho ước mơ làm giàu bằng con hươu. Sau hơn 5 năm gắn bó với hươu và heo, gà, cá; giờ Sơn đã có thu nhập hằng năm trên dưới 200 triệu đồng. Anh cũng rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ những người khác cùng nuôi hươu. Tại đây hiện đã có nhóm nuôi hươu với 8 hộ, mỗi hộ nuôi chừng 1 cặp, cùng chia sẻ kinh nghiệm, động viên nhau.

Làm giàu nhờ nuôi con đặc sản

(VEN) - Với một mảnh đất vẻn vẹn 300m2 , ông Vũ Đình Cừ - thôn Đồng Tu 1 - huyện Đông Hưng - tỉnh Thái Bình đã xây dựng một mô hình kinh tế hộ gia đình nhỏ gọn và cho lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây cũng là mô hình kinh tế điển hình và được huyện Đông Hưng khuyến khích phát triển trên phạm vi toàn huyện trong thời gian tới.

Ba ba giống

Năm 1985, người chiến sĩ Vũ Đình Cừ tại ngũ về quê với đồng lương hưu còm cõi và gánh nặng hai con học đại học. Vẫn muốn bám trụ và làm giàu trên mảnh đất của quê hương, ông đã tự mình nghiên cứu và xác định con đường duy nhất là làm kinh tế hộ gia đình. Ông nói: “Do không có lợi thế về diện tích, tôi đã chọn nuôi những con đặc sản, có giá trị cao về kinh tế nhưng lại không tốn diện tích nuôi ”. Và hiện tại, ông đã thành công với hai loại con nuôi đặc sản là ba ba gai và rắn.
Với diện tích toàn vườn là 300m2, ông Cừ dành 240m2 để nuôi ba ba gai. Ba ba gai có một đặc tính khác với ba ba thường là lớn rất nhanh, lại không tốn diện tích sống. Một ô ao rộng khoảng 30-40m2 có thể thả được 100 con giống; cứ 1m2 ao là nuôi được 1 con ba ba thịt nặng khoảng 5kg... Thức ăn của ba ba gai dễ kiếm, chỉ là ốc nhái, cá nhỏ... Tuy nhiên, môi trường sống của ba ba gai lại đòi hỏi phải sạch: thành ao xây cao, vớt tảo hàng ngày, rải cát ở mép bờ để cho ba ba đẻ. Một con ba ba gai từ 2-3 lạng, nuôi khoảng hơn 1 năm sẽ có cân nặng là 5kg, với giá bán từ 700.000-800.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, để mua được giống ba ba gai, ông phải lặn lội lên miền núi vì dưới đồng bằng chưa có nơi nào cung cấp dồi dào mặt hàng này. Giá bán một con ba ba giống (từ nhỏ bằng đồng xu đến 2-3 lạng) là từ 300.000-500.000 đồng/con. Vì vậy, ông đã nảy sinh ra ý định nuôi ba ba giống để vừa cung cấp giống cho gia đình, vừa cung cấp giống cho người có nhu cầu. Hiện nay, trong vườn nhà ông có 5 ô ao nuôi ba ba, trong đó có 1 ô nuôi ba ba bố mẹ, 1 ô nuôi ba ba giống và 3 ô nuôi ba ba thịt. Với cách nuôi xoay vòng – bé thì bán giống, lớn hơn thì chuyển sang nuôi để bán thịt, trong vườn nhà ông không những không thiếu ba ba để nuôi mà còn đủ để cung cấp cho nhiều người có nhu cầu về giống ba ba trong vùng và các vùng lân cận.
Để tận dụng trọn vẹn diện tích vườn ít ỏi của mình, ông Cừ còn nuôi thêm rắn. Theo ông Đặng Văn Sinh – Phó Chủ nhiệm hợp tác xã thị trấn Đông Hưng: “Ông Cừ là “vua” nuôi rắn ở vùng này”. Rắn là loại con nuôi siêu lợi nhuận và tốn ít diện tích hơn ba ba nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều. Hiện tại, trong vườn nhà ông có các loại rắn như: măng hoa, hổ trâu, phì... Một 1m2 chuồng tập thể thường có khoảng 25-30 con từ 3 lạng trở xuống. Lớn hơn, ông chồng tầng chuồng rắn lên nhau, mỗi chuồng rộng 30cm2/con khoảng từ 9 lạng trở lên. Vẫn dùng cách nuôi quay vòng như nuôi ba ba, hiện tại trong vườn nhà ông có 4 hầm rắn đủ loại, nuôi từ rắn mới đẻ ra đến khi rắn được 1,5kg thì bán với giá 500.000 đồng/kg.
Rắn trong vườn nhà ông Cừ
Để xây dựng thành công mô hình kinh tế như ngày hôm nay, ông Cừ cũng đã trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại. Vào những năm 1992, khi bắt đầu bỏ vốn làm kinh tế, ông đã từng mất trắng hàng trăm triệu đồng do chưa nắm được kỹ thuật nuôi. Nhưng rồi sau quá trình tự mày mò tìm hiểu, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, hiện tại, ông đã thành công trong việc nuôi các loại con đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Hàng năm, trừ toàn bộ chi phí, ông thu lãi trên dưới 200 triệu đồng. Ông nói: “Cái quan trọng là phải có kỹ thuật. Cứ nắm vững kỹ thuật thì nhất định sẽ thành công”. Hiện nay, ông còn thuê nhân công, tạo công ăn việc làm cho một số người dân trong huyện với mức lương 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Nhận xét về mô hình kinh tế của ông Cừ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng Nguyễn Văn Thừa cho biết: “Đây là mô hình nhân dân làm kinh tế điển hình của huyện. Huyện đã đề nghị ông Cừ viết một cuốn sách ghi lại những kinh nghiệm nuôi con đặc sản của mình để chia sẻ với bà con. Thu lãi hàng trăm triệu đồng trên một diện tích không lớn, đây thực sự là một mô hình cần được nhân rộng trên toàn huyện trong thời gian tới”./.
Phương Lan

Doanh nhân trẻ làm giàu nhờ ý tưởng

Họ rất trẻ nhưng đều mê kinh doanh. Mỗi người đi một con đường nhưng họ cùng chung ý chí vượt khó và bí quyết làm giàu nhờ những ý tưởng mới mẻ, táo bạo.

Nữ giám đốc “xe ôm”
Doanh nhân trẻ làm giàu nhờ ý tưởng
Sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ tại Vietgo
“Alô, có phải Cokbi đấy không. Cho một xe đến ngõ 111 Nguyễn Phong Sắc nhé…”.
5 phút sau, một chú Cokbi xuất hiện và đưa bạn đến nơi bạn muốn. Đó chính là dịch vụ của doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe máy: Cokbi Hiền Linh.
Cokbi hiểu nôm na là taximoto (dịch vụ vận chuyển bằng xe máy có đồng hồ điện tử tính giờ, mới xuất hiện tại Hà Nội). Một Cty Taximoto chuyên nghiệp với phòng điều hành trung tâm được trang bị các phương tiện kỹ thuật.
Nhân viên trực tổng đài dùng bộ đàm điều xe khi khách hàng gọi. Đội ngũ tài xế được trang bị các phương tiện như đồng phục mũ, áo, bộ đàm điện thoại nối với tổng đài...
Khách hàng đang ở bất cứ địa điểm nào của Hà Nội bấm điện thoại gọi vào số tổng đài, các tài xế của Cty sẽ có mặt. Nhiều khách hàng thích thú khi lần đầu thấy xe máy Cokbi lắp đặt đồng hồ điện tử tính đường và tiền tương ứng. Còn các bác tài thì hồ hởi vì chỉ phải đóng phí 10.000 đồng/ngày cho Cty, còn lại là bỏ túi.
Ít ai biết Giám đốc điều hành của Cokbi Hiền Linh là Trần Kim Ngân, sinh viên năm thứ 4 - khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương HN. Ngân tâm sự: “Cty lấy tên dịch vụ này là Cokbi để thay đổi khái niệm xe ôm. Điều này sẽ tạo cho đội ngũ lái xe đầu quân cho Cty mình tâm lý thoải mái , không tự ti về nghề của mình…”.
Ý tưởng về một Cty kinh doanh loại dịch vụ này lóe lên trong chuyến du lịch Bangkok (Thái Lan). Ngân tâm sự: “Lúc ấy mình đã thấy Thái Lan manh nha loại hình kinh doanh này. Mình đã liều tách đoàn, lân la trò chuyện với các bác tài moto của Thái Lan suốt mấy ngày liền”.
Về nước, Ngân lên đề án và định để sau khi tốt nghiệp sẽ bắt tay thực hiện. Nhưng cũng trong quá trình đó, khi thăm dò thị trường trong nước, cô phát hiện ra rằng, có hai Cty đang có những hoạt động “tay trái” gần giống hoạt động trong kế hoạch của mình.
Lập tức cô cùng  các bạn lao ngay vào thực hiện kế hoạch. Ngân thuyết phục bố mẹ thế chấp nhà vay tiền để trang bị các phương tiện kỹ thuật. Sau đó, Ngân tuyển chọn đội ngũ lái xe.
Tiêu chí nhân sự của Cty Hiền Linh là những tài xế có kinh nghiệm, có nhân thân, lai lịch, địa chỉ thường trú rõ ràng. Gia nhập Cty họ lập tức  được nộp BHXH, BHYT, BH trách nhiệm dân sự đối với khách hàng.
Để Cokbi hoạt động bài bản, Ngân đã có hàng loạt những chuyến đi nghiên cứu, học hỏi thị trường, cách làm của nước bạn Thái Lan và những chuyến đi “con thoi” ở hai thị trường Bắc, Nam.
Rẻ hơn, thuận tiện, an toàn hơn, Cokbi giành được tín nhiệm của khách hàng chính nhờ việc sử dụng hóa đơn VAT và đồng hồ điện tử để tính cước.
So sánh với loại hình taxi về giá cả, Ngân nhận thấy với taxi, cũng quãng đường đó khách hàng sẽ chi ít nhất cũng gấp đôi. Hơn nữa ưu thế nổi bật của Cokbi là chế độ bảo hiểm cho hành khách.
Mặc dù Cokbi chính thức có mặt trên thị trường sau một số Cty khác và trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với các loại hình vận chuyển hiện có nhưng tôi tin với những ưu điểm của nó, chúng tôi sẽ đứng vững và số điện thoại 04.2626364 sẽ nằm trong bộ nhớ nhiều người”-Ngân khẳng định.
Khởi nghiệp từ trấu và mùn cưa
Giám đốc Cty VIETgo Nguyễn Tuấn Việt tiếp cận thị trường theo cách rất chuyên nghiệp.
Năm lớp 11, Việt tự mình mở một xưởng nhỏ, anh vừa làm chủ, vừa làm thợ và kiêm luôn nhân viên tiếp thị bán hàng. Học đến năm thứ tư, ĐH Xây dựng, thấy cần phải dành hết thời gian và công sức cho kinh doanh Việt quyết định tạm nghỉ học.
Quyết định này của Việt vấp phải sự phản ứng dữ dội của gia đình. Mọi người đồng ý cho Việt theo đuổi kinh doanh nhưng phải có bằng đại học. Anh đã thuyết phục gia đình rằng đây chính là thời điểm hợp lý nhất để anh thực hiện hoài bão làm ăn lớn của mình; rằng cần phải nắm lấy cơ hội của mình. Và Cty cổ phần VIETgo đã ra đời.
Cty cổ phần VIETgo ra đời năm 2005, thời điểm thương mại điện tử trên thế giới phát triển khá mạnh và bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử, VIETgo bắt đầu xuất khẩu với những mặt hàng vốn đã là thế mạnh của Việt Nam như mây tre đan, nông sản.
Bên cạnh đó, nhận thấy được lợi ích của một số mặt hàng làm từ nguyên liệu trong nước, VIETgo tiến hành khai thác và hiện nay trở thành Cty đứng đầu trong xuất khẩu mùn cưa, trấu…
Trang web xúc tiến thương mại lớn nhất thế giới hiện nay http://www.Alibaba.com.vn đã trao giải danh giá Winning sheller cho VIETgo.
Ai mua bán doanh nghiệp không, tôi giúp?
Với Trần Trọng Hiếu- Giám đốc đầu tư của  Cty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị quốc tế ADJ lại có hướng đi khác.
Sau khi hoàn thành chương trình Thạc sĩ quản trị kinh doanh IRVINE UNIVERSITY tại Mỹ, Hiếu đã có thời gian công tác tại nhiều Cty nước ngoài. Đây là môi trường thuận lợi để Hiếu học hỏi tác phong và kinh nghiệm thương trường của những doanh nghiệp nước ngoài.
Năm 1998-1999 khi còn đầu quân cho Prudential Việt Nam, Hiếu đã học được cách thức quản lý đội ngũ đại lý hơn 2.000 người. Hiếu đã đến 20 quốc gia khác nhau để tham khảo và học hỏi các Cty tài chính thành công.
Và chính thời điểm này anh đã nhận thấy có một thị trường đặc biệt đang hình thành và được dự báo là sẽ sôi động trong thời gian tới. Đó chính là thị trường mua bán và chuyển nhượng doanh nghiệp.
Trang web http://www.muabandoanhnghiep.com.vn  của ADJ ra đời dưa trên ý tưởng đó. Đây là siêu thị hay là sàn giao dịch ở trên internet. Chưa đầy 2 tuần sau khi thành lập trang web này đã nhận được gần 40 yêu cầu bán doanh nghiệp. Một nửa trong số đó đã mua bán thành công.
ADJ luôn duy trì một mối quan hệ mật thiết với các tổ chức nước ngoài thông qua đại sứ quán ở các quốc gia. Khi các doanh nghiệp ngoài nước muốn đầu tư hoặc tìm mua doanh nghiệp trong nước, họ sẽ thông qua đại sứ quán nước sở tại.
Đại sứ quán sẽ thông tin cho ADJ. Và ngược lại, nếu doanh nghiệp trong nước muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài họ cũng sẽ thông qua ADJ. Đến nay thị trường của ADJ còn vươn tới, không chỉ dừng lại ở những thị trường tiềm năng mà bao gồm những thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan.

Làm giàu nhờ... liều

TT -Từ một thanh niên chăn bò, chỉ sau vài năm chuyển sang nuôi động vật quý hiếm, Trương Thanh Phúc (29 tuổi, xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã có của ăn của để.
Trương Thanh Phúc - chủ nhân trang trại chim trĩ hàng ngàn con - Ảnh: NGỌC TÀI
Trang trại của Phúc nuôi 2.000 con chim trĩ đỏ, chim công, gà Đông Tảo và còn là địa điểm để thanh niên các tỉnh khác đến học tập kinh nghiệm, lấy con giống về nuôi với hi vọng sẽ có cuộc sống khá hơn.
Không dám làm, phí cả tuổi trẻ
Nhiều năm trước gia đình Phúc chỉ chăn nuôi bò với thu nhập vừa phải. Bất ngờ vào năm 2008, từ lời rủ rê của người quen, Phúc đòi nuôi gà sao và gà Mông. Ban đầu gia đình phản đối kịch liệt vì sự mạo hiểm trong kế hoạch viển vông của Phúc. Nhưng sau đó do Phúc vẫn một hai đòi nuôi, cả nhà đành bán nửa đàn bò cho Phúc mua con giống. Lứa gà đầu tiên xuất chuồng cho lợi nhuận khá cao.
Gia đình chưa kịp hoàn hồn vì “phi vụ” liều này, Phúc tiếp tục đòi nuôi chim trĩ cũng từ lời rủ rê của bạn bè. Chim trĩ thuộc loài động vật hoang dã, muốn chăn nuôi phải được cấp phép. Lần này gia đình cương quyết không cho nuôi. Bà Nguyễn Thị Mỹ Tân - mẹ Phúc - kể lại: “Lúc đó giá cặp chim trĩ giống bằng cả cặp bò. Không ai biết nuôi như thế nào nên cả nhà cản dữ lắm”.
Phúc cứ kiên trì thuyết phục, nài nỉ hết ngày này đến ngày khác. Chịu hết xiết, cả nhà quyết định cho Phúc... muốn làm gì thì làm! “Mình còn trẻ, thấy cái hay, cái lạ mà không tìm hiểu làm thử thì phí cả đời!” - Phúc tâm sự. Vét những đồng vốn cuối cùng của gia đình, Phúc mua ngay cặp chim trĩ giống đầu tiên.
Phúc bảo rằng nuôi chim trĩ không khó lắm vì tương tự như nuôi gà vậy. Chim trĩ lớn nhanh lại ít bệnh, tám tháng là trĩ mái bắt đầu đẻ trứng và đẻ liên tục. Bình quân chim đẻ một đợt hơn 60 trứng, sau đó nghỉ một thời gian khoảng hai tháng để thay lông rồi tiếp tục đẻ...
Từ một cặp chim giống mua cuối năm 2008, năm sau đàn chim đã tăng lên 8 cặp. Phúc không bán liền mà đầu tư máy ấp trứng kỹ thuật cao, cung ứng con giống cho những người trẻ dám liều như mình. Máy ấp trứng giá hơn chục triệu đồng, có thể ấp 1.000 trứng một lần. Đến năm 2011, con giống bán ra thị trường gần 5.000 con. Mỗi cặp chim giống sau khi trừ chi phí Phúc lãi hơn 200.000 đồng. Ngoài chim trĩ, trang trại của Phúc còn nuôi thêm chim công và gà Đông Tảo. Riêng giống gà Đông Tảo hiện đang được các nhà hàng săn lùng với giá khá cao.
“Tổng đài tư vấn kỹ thuật chăn nuôi”
Phúc tốt nghiệp Trường kỹ thuật Cao Thắng năm 2008. Sau đó anh tiếp tục dự thi vào Trường ĐH Nông lâm với quyết tâm trở thành bác sĩ thú y. Phúc nói: “Gia đình nuôi bò cực lắm. Có lần bò chửa, vì không biết kỹ thuật sinh nên bê chết. Cả nhà buồn xo. Từ đó Phúc ấp ủ đi học thêm về chăn nuôi để giúp gia đình và bà con trong xóm”. Trong thời gian học ĐH, cứ hè là Phúc xách túi đi chích thuốc chữa bệnh cho bò, phối giống cho đàn bò, đàn heo của bà con khắp nơi.
Hiện tại Phúc vừa cung ứng con giống, vừa hỗ trợ bạn trẻ thủ tục xin giấy phép chăn nuôi kiêm tư vấn kỹ thuật cho họ. Khi bán chim trĩ đỏ giống cho người nuôi, Phúc hướng dẫn rất tận tình. Có gì thắc mắc bà con liền “alô” ngay cho Phúc. Mỗi ngày Phúc nhận trên 50 cuộc gọi để nhờ tư vấn kỹ thuật nuôi chim trĩ, công, gà Đông Tảo...
Hôm chúng tôi đến, trang trại của Phúc đón anh Trung và chị Hương từ Long An đến tham quan, đặt hàng mua con giống. Tiễn khách, Phúc cười hớn hở vì mô hình làm giàu của mình được nhiều bạn trẻ công nhận và làm theo.

Chính phủ yêu cầu tạm dừng phạt lỗi 'xe không chính chủ'

"Trong lúc chờ thông tư hướng dẫn, lực lượng chức năng tạm thời chưa xử phạt lỗi phương tiện chưa sang tên, đổi chủ theo quy định của Nghị định 71", Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói tại phiên họp báo Chính phủ chiều 29/11.

Trả lời câu hỏi của VnExpress.net, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho hay, các nội dung của Nghị định 71 không mới, mà từng được quy định và sửa đổi nhiều lần. Thời gian qua, dư luận phản ứng với quy định "xe chính chủ" không phải vì nghị định sai mà là do việc thực hiện không đúng.
Ngày 29/11, Chính phủ đã yêu cầu 3 bộ Tư pháp, Giao thông Vận tải và Công an đánh giá về những vấn đề xung quanh nghị định này. Khẳng định việc phạt lỗi không sang tên, đổi chủ là cần thiết nhưng các bộ thừa nhận, lực lượng chức năng khi xử lỗi này lại lệch sang truy cứu người điều khiển có phải là chủ phương tiện hay không.
Cho tới khi có hướng dẫn cụ thể, cảnh sát không phạt lỗi xe chưa sang tên, đổi chủ. Ảnh minh họa: Bá Đô.
Cảnh sát được cho là đã xử lý sai lệch khi truy cứu người điều khiển có phải chủ phương tiện không. Ảnh minh họa: Bá Đô.
"Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công an soạn văn bản hướng dẫn để đúng bản chất thực hiện và trong lúc chờ hướng dẫn, lực lượng chức năng tạm thời chưa phạt lỗi phương tiện chưa sang tên, đổi chủ", ông Đam nói.
Liên quan tới mức phí sang tên được cho là quá cao, ông Đam cho biết, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính xem xét đánh giá lại để có mức phí phù hợp. Quy trình sang tên, đổi chủ cũng cần rà soát để tránh phiền hà cho người dân.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Đam cho hay, để hướng tới một xã hội tuân thủ pháp luật, cũng như theo thông lệ quốc tế, phương tiện giao thông cũng là loại động sản cần phải đăng ký sở hữu. Nếu không đăng ký, không xác định được chủ sở hữu thì sẽ rất khó khăn trong quản lý, đặc biệt khi tài sản đó trở thành phương tiện của các hành vi vi phạm pháp luật.
Liên quan tới nghị định này, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định, nghị định sai luật và không khả thi; mức phạt quá cao đã làm cho người dân phản ứng cực đoan với chính sách của Nhà nước. Còn Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo cho rằng, nên hoãn thi hành nghị định 6 tháng đến 1 năm.