Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

Những mũi tiêm cần thiết trước khi mang thai

"Giá như biết phải tiêm phòng trước khi mang thai thì tôi đã đi sớm hơn. Chỉ khi định ngày cưới, tôi vào các diễn đàn mới biết có việc này", chị Thủy sẽ lấy chồng vào đầu năm tới nói.
Xin nghỉ dạy buổi sáng, chị Thủy, 30 tuổi - cô giáo mầm non dạy một trường ở Thái Hà, Hà Nội - đến phòng tiêm chủng Nguyễn Chí Thanh khá sớm, tiêm 2 loại văcxin là cúm và mũi 3 trong 1 (gồm sởi, quai bị, rubella) mất 380.000 đồng.
Thủy chia sẻ sắp lấy chồng. Vì tuổi đã cao nên chị xác định sau khi kết hôn sẽ mang thai luôn nếu có thể. Tuy vậy do không biết phụ nữ nên tiêm phòng trước khi mang thai nên có vẻ kế hoạch mang thai của chị bị chậm.  "Bác sĩ dặn sau khi tiêm phòng phải kiêng từ 3 đến 6 tháng mới được mang thai. Nếu vậy không biết năm sau có con được không nữa", chị nói.
Tỏ ra khá tiếc nuối, Thủy giải thích do tính chất công việc và điều kiện sống nên chị không mấy khi tiếp cận với internet. Chỉ khi định ngày cưới, chị mới vào các diễn đàn thì biết các chị em khuyên nhau nên đi tiêm phòng trước khi lấy chồng (cụ thể hơn là trước khi xác định có con) để giảm các rủi ro có thể xảy đến với thai nhi.
"Mình hỏi hết các chị đồng nghiệp mà chẳng thấy ai nói phải làm việc này. Ngay cả mẹ mình cũng không biết mà khuyên con. Cơ thể mình vốn yếu lại hay bị cảm cúm nên tiêm cho an toàn hơn", Thủy nói.
Lấy chồng từ đầu năm 2011, Quỳnh Anh (25 tuổi, Hoàng Hóa Thám, Hà Nội) dự định sẽ sinh một đứa con tuổi rồng. Tuy nhiên sau vài tháng chưa có thai, lại bị cúm nặng, vợ chồng cô đành từ bỏ luôn kế hoạch sinh con năm 2012 để tiêm.
Quỳnh Anh chia sẻ, ông xã hơn cô 11 tuổi nên kết hôn đồng nghĩa với việc cô sẽ sinh con luôn. Thế nhưng trước đó không biết có việc tiêm phòng trước sinh nên cô chưa làm việc này. Sau lần bị cúm, rồi lo sợ có rủi ro cho thai nhi, nên dù "chậm còn hơn không" vợ chồng cô quyết định tiêm đủ các loại văcxin và lùi kế hoạch sinh con sang năm tới.
1-jpg-1357807623-1357807742_500x0.jpg
Tiêm phòng trước khi mang thai bảo đảm an toàn hơn cho cả mẹ và thai nhi nhưng nhiều người còn chưa biết tầm quan trọng của việc này. Ảnh: Phan Dương.
Cũng như vậy, chị Thu Hiền (nhân viên một ngân hàng) cũng đi tiêm phòng rubella trước khi mang thai lần 2. Bà mẹ một con cho biết lần đầu chị không biết để tiêm nhưng sang lần mang thai thứ hai, đặc biệt là sau dịch rubella khiến rất nhiều thai phụ phải bỏ con nên chị thấy việc đi tiêm là rất cần thiết.
Trên các diễn đàn lamchame, webtretho thì chủ để tiêm phòng trước mang thai được các chị em bàn luận khá sôi nổi. Hầu hết các thành viên đều nhận thấy tầm quan trọng của việc này. Một thành viên cho biết: "Thiết nghĩ việc tiêm phòng trước khi mang thai nên là việc làm bắt buộc với chị em chuẩn bị lấy chồng, cũng giống như việc nam, nữ ở nước ngoài phải có chứng nhận đủ sức khỏe trước khi kết hôn".
Theo ông Nguyễn Nhật Cảm - phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, có hai loại hình tiêm chủng với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15 đến 49 tuổi.
Loại hình thứ nhất là tiêm chủng miễn phí phòng uốn ván sơ sinh dành cho hai đối tượng là phụ nữ mang thai và phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ trong vùng có nguy cơ mắc uốn ván cao. Loại hình tiêm chủng này phủ sóng khắp địa bàn Hà Nội, nhiều năm liền đạt tỷ lệ trên 95%.
Loại hình thứ hai là tiêm dịch vụ dành cho những người có nhu cầu. Thông thường phụ nữ trước khi mang thai nên đi tiêm phòng cúm, sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, viên gan A, B, viêm phổi do phế cầu, viêm màng não...
"Tiêm phòng trước khi mang thai là rất cần thiết để an toàn cho cả mẹ và con. Tùy vào điều kiện của từng người có thể tiêm nhiều hay ít các loại văcxin. Thời gian gần đây, đặc biệt là sau dịch rubella, tỷ lệ phụ nữ đi tiêm phòng trước sinh đang tăng lên", ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết.
Tuy nhiên, ông Cảm cũng nhận thấy một thực tế là chỉ những phụ nữ ở thành phố, có kinh tế, tiếp cận nhiều với internet mới biết sự cần thiết của tiêm phòng trước khi mang thai. "Có lẽ do công tác tuyên truyền chưa tốt nên số lượng chị em phụ nữ tiêm phòng trước mang thai bị giới hạn trong nhóm có trình độ, ở thành thị. Chị em phụ nữ cần biết nếu không tiêm phòng sẽ có các rủi ro có thể xảy đến với thai nhi, đơn cử như không tiêm rubella thì trong những tháng đầu (đặc biệt là 4 tuần đầu) tỷ lệ bị dị tật bẩm sinh lên đến hơn 50%", ông Cảm cho biết thêm.
Hiện nay, ở Hà Nội có rất nhiều nhiều điểm tiêm phòng văcxin. Chị em có thể đến các cơ sở y tế của thành phố, quận/huyện, các trung tâm tiêm chủng quốc tế... Tại đây, các cán bộ y tế sẽ khuyên chị em nên tiêm văcxin cúm, mũi 3 trong 1, thủy đậu. Trong đó, văcxin cúm tiêm mỗi năm một lần, có thể giảm được ít nhất 70% nguy cơ bị mắc cúm trong thời gian mang thai. Mũi 3 trong 1 chỉ cần tiêm một lần cho cả đời. Còn với người nếu chắc chắn đã bị thủy đậu thì không cần tiêm văcxin này nữa.

CSGT đeo thẻ xanh mới được xử phạt phương tiện

Bộ Công an quy định, các CSGT được cấp thẻ tuần tra, kiểm soát mới được bố trí tuần tra và xử lý phương tiện trên đường. Điều này giúp tránh tình trạng cảnh sát lạm quyền, chặn xe trên đường.
Sau đợt tập huấn, phần lớn CSGT Hà Nội đã được cấp thẻ xanh (thẻ tuần tra kiểm soát). Theo quy định những người có thẻ này mới được bố trí tuần tra kiểm soát trên đường. Ảnh: Bá Đô
Theo thông tư 45 của Bộ Công an có hiệu lực từ 1/1/2013, chỉ những CSGT mang bảng hiệu tuần tra kiểm soát màu xanh mới có quyền dừng các phương tiện đang lưu thông để xử lý. Ai không đeo bảng hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều sai quy định của ngành. Những người được cấp thẻ phải có trình độ trung cấp cảnh sát trở lên và trải qua kỳ sát hạch.
Các lực lượng chức năng khác chỉ được xử lý ở lĩnh vực do mình phụ trách hoặc chỉ tham gia hỗ trợ CSGT làm nhiệm vụ trong một thời gian cần thiết khi có điều động. Quy định mới này ngăn chặn khả năng lạm quyền trong việc chặn xe trên đường.
Mẫu thẻ tuần tra kiểm soát mà nhiều chiến sỹ CSGT đang đeo, với những người chưa được cấp thẻ sẽ được điều động trọng thời gian cần thiết để chỉ huy giao thông, tuy nhiên khi phát hiện được những phương tiện vi phạm, chỉ được phép dừng chứ không được xử lý. Ảnh: Bá Đô
Trao đổi với VnExpress.net, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (Công an Hà Nội) lý giải, Thông tư 45 này quy định thêm về biển hiệu, giấy chứng nhận tuần tra kiểm soát. Những cảnh sát đã qua tập huấn, sát hạch được cấp thẻ xanh mới được bố trí tuần tra kiểm soát và xử lý phương tiện vi phạm trên đường.
Còn những chiến sĩ chưa được cấp thẻ, sẽ thực hiện theo điều 4 của Thông tư 28 trước đó, khi chốt trực và chỉ huy giao thông tại các ngã tư, nếu phát hiện vi phạm vẫn có quyền được dừng xe, nhưng việc xử lý vi phạm được giao cho cấp trên.
Cũng theo đại tá Thắng, trước khi thực hiện thông tư này, Phòng CSGT Hà Nội đã có buổi tập huấn 5 ngày với cán bộ, chiến sĩ của các đội. Kết thúc khóa học, những chiến sĩ này phải trải qua đợt sát hạch gắt gao, trả lời được trên 50% câu hỏi theo yêu cầu cầu mới được cấp thẻ.
"Quy định mới này không chỉ giúp các chiến sĩ hiểu hơn về công việc của mình, thực hiện và xử lý tốt, linh hoạt trong quá trình làm nhiệm vụ mà còn tránh trường hợp lạm quyền, chặn xe trên đường", đại tá Thắng khẳng định.

Bùa yêu kỳ bí xứ Mường

'Nèm' là một thứ bùa yêu của người Mường, khiến những đôi vợ chồng hục hặc đột nhiên trở lại êm ấm, thích một người là có cách để lấy.

Đến thị trấn Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) hỏi thầy bùa Hà Xuân Nhã thì ai cũng biết. Ông Nhã là người Mường gốc, năm nay đã gần 80 tuổi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn, dẻo dai. Ông Nhã vừa tiễn một vị khách ở tận Hà Nội đi ôtô về chơi. Theo lời kể của ông, người khách vừa đến là một ông bố có con trai vừa lấy vợ.
Chuyện lạ là mấy năm yêu nhau trước ngày cưới thì đôi nam nữ rất thuận hòa và yêu thương nhau. Nhưng không hiểu sao vừa cưới được một ngày thì cậu con trai đùng đùng bỏ ra ngoài thuê phòng trọ ở riêng một mình. Không tìm được nguyên nhân và cũng không cách nào giải quyết nổi, ông bố vốn làm kinh doanh đi nhiều nơi được bạn bè giới thiệu mới tìm lên nhờ cậy ông Nhã.
Sau khi dặn người bố mang lên một cái áo của cô con dâu và một cái áo của cậu con trai, ông Nhã lấy một củ gừng chà vào 2 chiếc áo rồi hà hơi làm phép. Ông bố mang áo về cho các con mặc và thật lạ lùng là chỉ một tuần sau, cậu con trai đã mang đồ đạc về đoàn tụ với gia đình. Từ đó, cứ mỗi lần có việc đi qua Tân Sơn là ông bố lại rẽ vào chơi và biếu quà cho người đã giúp ông hàn gắn hạnh phúc gia đình.
Ông Nhã cho biết ông bắt đầu học “nèm” từ năm 22 tuổi. Ông có 2 vị sư phụ là bà Hà Thị Nghi và Hà Thị Tám (bà Tám là vợ hai của bố ông Nhã). Hàng năm, bắt đầu từ mùng 1 cho đến mùng 10 Tết, ông Nhã cùng các học trò lại đến nhà sư phụ để nghe truyền dạy các khẩu quyết và cách thức “nèm”.
Đầu tiên phải nói được nguyên văn 10 câu thần chú mà không sai một từ, cứ thế học trong vài năm thì có thể "hạ sơn" để hành nghề. Ông Nhã tự nhận mình chỉ giỏi ở mức… trung bình, làm được những việc đơn giản, còn tuyệt kỹ thì phải kể đến bà Lam ở xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn; ông Hà Văn Phin ở xã Dịch Giáo (Tân Lạc, Hòa Bình) hay ông Minh ở xã Văn Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình). Nhưng ông cũng tự tin để nói rằng, bản thân ông từ lúc hành nghề cũng chưa bao giờ thất bại.
Ông Hà Xuân Nhã hà hơi, đọc khẩu quyết để làm “nèm”.
Ông Hà Xuân Nhã hà hơi, đọc khẩu quyết để làm “nèm”.
Ở thị trấn Tân Sơn, người Mường rất tin vào sức mạnh và sự hiệu nghiệm của "nèm". Những người có khả năng làm "nèm" đều được mọi người trọng vọng, tin tưởng. Đổi lại, người làm nghề "nèm" phải luôn giữ được chữ tâm trong sáng nếu không sẽ bị quả báo nặng.
Một câu chuyện về thầy "nèm" Hà Văn Ty xảy ra chưa lâu và vẫn thành đề tài bàn tán của người dân Tân Sơn mỗi khi rảnh rỗi. Thầy Ty ở khu 4, thị trấn Tân Sơn có cô con gái đến tuổi lấy chồng nhưng với hình thức trung bình nên vẫn chưa tìm đâu được bến đậu. Ông Ty đã quyết định "nèm" cho con gái mình với một người đàn ông trung niên giàu có làm nghề xây dựng, dù anh ta đã có gia đình.
Một thời gian sau ông Ty mất, cuộc đời cô con gái cũng từ đó bám chặt với người đàn ông có vợ kia, bất chấp gia đình anh ta phản đối, ngăn cấm. Nhiều người cho rằng đó là việc làm không có đức và rất nhiều người ở thị trấn đã chứng kiến thi thể của thầy Hà Văn Ty vẫn tươi nguyên dù sau mấy năm chôn cất. Vì thế gia đình thầy Ty lại phải chôn lại và cũng chưa biết ngày nào có thể cất mả được.
Nhà văn hóa Trần Hữu Nhàn cho rằng, “nèm” tồn tại được đến ngày hôm nay thì chứng tỏ bản thân nó phải chứa đựng một sức mạnh và bí ẩn kỳ diệu nào đó. Điều này rất mong một ngày nào đó sẽ được các tổ chức, các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa mổ xẻ và giải mã.
Ông Trần Duy Thái - Trưởng phòng VHTTDL huyện Tân Sơn (Phú Thọ) cho biết: "Bản thân tôi tin chuyện "nèm" là hoàn toàn có thật. Ngay tại cơ quan tôi cũng có một nhân viên quê ở Phù Yên (Sơn La) mà người nhà của cậu ấy có thể làm được "nèm".
"Nèm" thường chia làm hai loại, cứ tạm gọi là "tốt" và "xấu", nhưng dân gian vẫn thường ủng hộ những người làm "nèm" mà mang lại điều tốt điều hay cho người khác và ngược lại lên án những ai "nèm" để đem lại tai họa, điều không lành cho bà con nhân dân. Tôi nghĩ rằng đây là một nét văn hóa rất đáng quý của người Mường và cần được bảo lưu, gìn giữ”.