Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

Người đàn ông hỏng mắt, cụt tay, ăn mày thành tỷ phú

Đôi mắt hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng, đã vậy bàn tay trái lại bị cụt, bàn tay phải rất khó cử động, nhưng ông Trần Văn Đàm (tổ 4, phường Phú Hiệp, TP. Huế) lại là người trồng và tạo thế cây cảnh giỏi bậc nhất miền Trung. 

Biệt tài tạo thế cây cảnh trong bóng tối đã đưa ông từ một kẻ ăn xin nơi đầu đường xó chợ trở thành tỷ phú.

Hát rong để mưu sinh và… lấy vợ đẹp

Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ là cửu vạn ở chợ Đông Ba, nên tuổi thơ của ông Đàm là chuỗi ngày cùng cực. Lên 5 tuổi ông đã phải theo anh chị trong nhà lang thang khắp TP. Huế nhặt ve chai kiếm tiền mua gạo. Vào đời từ rất sớm nhưng ông vẫn học giỏi và nổi tiếng là cậu học sinh luôn có những sáng tạo đặc biệt.

Nhưng học đến lớp 5 thì ông phải nghỉ học để sang chợ Đông Ba làm nghề bốc vác thuê. Sau ngày miền Nam giải phóng, ông xung phong vào đội thanh niên của TP. Huế đi xây dựng vùng kinh tế mới ở xã miền núi Hồng Tiến của huyện Hương Trà.
Dù hỏng mắt, cụt tay, song ông Đàm vẫn tạo dáng cây cảnh rất tài hoa 
Chỉ sau chưa đầy một năm đến vùng kinh tế mới, tai họa đã giáng xuống chàng thanh niên 24 tuổi tràn đầy khát vọng sống này. Trong lúc khai phá đất hoang, ông đã cuốc phải 2 quả bom bi sót lại sau chiến tranh. Hai quả bom phát nổ cùng lúc khiến ông gục xuống.

Tỉnh dậy trong bệnh viện, ông đau đớn tột cùng vì đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, bàn tay trái không còn, bàn tay phải thì nát bét. Bác sĩ bảo ông ngoài bị mù mắt, cụt tay còn bị gần 30 viên bi từ 2 quả bom bắn sâu vào cơ thể.

Sau gần 5 tháng nằm viện, gia đình phải đưa ông về nhà tại TP. Huế vì gia sản đã khánh kiệt. Trong nỗi tuyệt vọng tột độ, nhiều lần ông đập đầu vào thành giường để tự tử nhưng cuộc đời bắt ông tiếp tục phải sống.

Sau một thời gian, được sự động viên của gia đình, ông quyết tâm đứng dậy tự kiếm sống. Sau nhiều ngày trằn trọc, biết mình không còn khả năng làm bất cứ việc gì nên ông quyết định kiếm tiền bằng nghề ăn xin.

Từ đó hàng ngày ông ôm đàn dò dẫm trên các tuyến phố hát rong xin người qua đường bố thí. Giọng hát trầm buồn, chất chứa nỗi đau số phận có sức mạnh như thôi miên của ông khiến người đời say đắm nên ông kiếm đủ ngày 3 bữa cơm.

Những ngày lang thang hát rong khắp đầu đường xó chợ đã giúp ông lấy được một cô gái duyên dáng, nết na làm vợ.

Thuở ấy, bà Nguyễn Thị Phước, vợ ông, là một cô gái lãng mạn, con cưng của một chủ quầy hàng tạp hóa giàu có tại chợ Đông Ba.

Hầu như ngày nào đến chợ hát ông cũng được bà Phước cho nhiều tiền và mời vào nhà ăn cơm. Nguyên nhân là bởi giọng hát, tiếng đàn vừa lãng mạn vừa chất chứa nỗi buồn của ông đã khiến bà Phước say như điếu đổ. Ngày nào chưa thấy ông đến hát là bà nhớ nhung đến mức đứng ngồi không yên.

Từ chỗ say mê giọng hát của ông Đàm, bà Phước chuyển sang yêu thương người đàn ông mù mắt, cụt tay này không hay.

Để hóa giải sự ngăn cấm của người thân, bà Phước nhiều lần vờ đòi tự vẫn khiến gia đình không dám ngăn cản cuộc tình của mình nữa.

Rồi hai ông bà cưới nhau trong hạnh phúc đến chảy nước mắt. Để chứng minh khả năng vượt khó của mình và chồng, bà Phước không nhận bất cứ món quà hồi môn nào của bố mẹ đẻ khi xuất giá.

Trong bóng tối vẫn… làm đẹp cho đời

Một thời gian sau ngày lấy vợ, thấy nghề hát rong xin tiền không thể đưa lại no ấm cho gia đình nhỏ của mình, nên hằng đêm ông Đàm trăn trở tìm một nghề kiếm sống ổn định hơn.

Rồi nhiều người cười nhạo báng khi thấy ông chuyển sang nghề… trồng cây cảnh. Không cười sao được khi một người mắt thì mù, tay thì cái cụt, cái liệt mà đòi kiếm sống bằng nghề trồng và tạo thế cây cảnh vốn đòi hỏi phải có đôi mắt nghệ thuật và đôi tay khéo léo.

Ông không quan tâm những lời ong tiếng ve của người đời mà chỉ chú tâm để làm bằng được công việc mới của mình.
Vườn cây bạc tỷ của ông Đàm 
Thực ra chuyện ông Đàm đến với nghề cây cảnh không phải hoàn toàn viển vông như nhiều người nghĩ. Bởi ít nhất ông cũng từng được nhiều người khen ngợi là dù hỏng mắt, cụt tay nhưng có biệt tài tạo thế cây cảnh hiếm người sánh bằng.

Số là, khoảng 2 tháng sau ngày cưới vợ, trong một lần mò mẫm lên phường Kim Long hát rong, vì mê mẩn giọng hát của ông nên một chủ vườn cây cảnh ở đây mời ông vào nhà uống nước.

Sau khi cho ông khá nhiều tiền, vị chủ vườn hỏi ông có thích cây cảnh không để ông ta tặng một cây làm quà. Mặc dù hoàn toàn mù mờ về cây cảnh nhưng ông Đàm lập tức đồng ý nhận cây và được chủ vườn cho người chở về tận nhà.

Từ đó, hàng ngày, ngoài những giờ rong ruổi hát rong kiếm sống, ông Đàm mò mẫm chăm sóc và tạo thế cho cây cảnh mà mình được tặng. Sau khoảng 2 tháng cần mẫn, ông đã tạo cho cây mưng được tặng ấy thành một dáng đặc biệt khiến nhiều người bị hớp hồn.

Mê mẩn cây mưng đó của ông, một đại gia ở TP.Huế đã mua với giá 5 triệu đồng, một số tiền rất lớn đối với gia đình ông thuở đó. Sau lần đó, ông đã ấp ủ việc chuyển sang nghề làm cây cảnh.

Công việc đầu tiên của ông Đàm khi chuyển sang nghề trồng cây cảnh là đi đào những gốc mưng để đưa về trồng trong vườn. Vì khuyết tật nên khi đào cây rất nhiều lần ông bị ngã, mặt mày, tay chân tứa máu.

Bằng sự kiên trì có một không hai, những gốc mưng do ông đào về trồng, chăm sóc đã cho kết quả tốt. Vượt trên những khiếm khuyết của bản thân, với óc sáng tạo, tưởng tượng hết sức phong phú, ông đã tạo ra những thế cây ấn tượng độc nhất vô nhị.

Những người mê cây cảnh, kể cả những tay chơi cây cảnh sừng sỏ khi xem những chậu cây của ông đều phải ngỡ ngàng. Sau thành công bước đầu, ông bàn với vợ làm đơn vay vốn của Hội Người mù tỉnh để mở rộng kinh doanh cây cảnh. Chỉ sau khoảng 2 năm vào nghề, ông và vườn cây cảnh của mình đã nổi tiếng khắp miền Trung.

Hiện vườn cây cảnh của ông Đàm có gần 3.000 gốc cây với đủ các loại cây quý hiếm cùng những thế, dáng mà ở Huế không ai có được. Những gốc cây này được đặt bán tại nhiều địa điểm, nhiều nhất là ở khuôn viên của Trung tâm văn thể mĩ TP. Huế, nằm trên đường Đống Đa. Nhiều gốc cây trong số này có trị giá từ 50- 200 triệu đồng.

Người thầy của những đại gia cây cảnh nức tiếng

Biệt tài tạo thế cây cảnh có một không hai của ông Đàm khiến hàng loạt tay kinh doanh cây cảnh sừng sỏ ở Thừa Thiên- Huế và nhiều tỉnh miền Trung tìm đến xin học hỏi kinh nghiệm.

“Đến nay tui đã truyền kinh nghiệm tạo dáng cây cho không biết bao nhiêu người. Chỉ sau khoảng 5 ngày được tui chỉ bảo, con mắt nghệ thuật của họ đã có những bước tiến vượt bậc”, ông Đàm khoe.

Theo ông Đàm, người chơi cây cảnh một khi đã có được “đôi mắt nghệ thuật” thì việc tạo dáng cây không có gì khó. Nói đôi mắt nhìn phải thật sự nghệ thuật là bởi cái nhìn ấy phải có nét riêng biệt, giàu tính sáng tạo, không sa vào những khuôn mẫu thông thường.

Nói về cách nhìn của mình, ông Đàm bảo, ông không phải nhìn bằng mắt mà “nhìn” bằng các giác quan khác như thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác, tri giác… Những giác quan này giúp ông nghe được tiếng thở, tâm tình của cây.

Trước một gốc cây cảnh cần tạo dáng, mặc dù không còn đôi mắt nhưng những giác quan khác giúp ông nhìn thấy hình thù hiện tại của cây, để rồi từ đó sáng tạo ra thế cây đặc biệt. Thế cây đó không giống với bất cứ cây nào và là một tác phẩm nghệ thuật nhiều công phu.

Ông Nguyễn Hoàng Thiên, một tỷ phú cây cảnh ở tổ 8, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy cho biết, nhờ sự truyền dạy của ông Đàm mà ông trang bị cho mình khả năng trồng và tạo thế cây cảnh xuất sắc.

“Tui học được ở ông Đàm khả năng sáng tạo để biến những gốc cây thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Ông Đàm đã cho tui biết rằng, tạo thế cây cảnh không phải chỉ bằng đôi mắt và đôi tay mà còn phải vận dụng tất cả những giác quan khác thì mới có những chậu cảnh quyễn rũ”, ông Thiên chia sẻ.

Cụ ông 93 tuổi mài dao kiếm sống

Hễ ai khuyên bỏ nghề đi ăn xin cho đỡ vất vả, cụ Chanh lại gắt, bảo mình là nông dân 'xịn', còn sức còn lao động, quyết không xin ai cả.

4h sáng, cụ Vũ Văn Chanh ở làng Xa Vệ, xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) thức dậy gói hành lý bắt đầu một ngày mưu sinh. Trời vào đông nhưng cụ chỉ phong phanh manh áo mỏng bạc phếch và cứ thế gánh đồ nghề đi khắp thành phố Thanh Hóa, vừa đi vừa rao "ai mài dao kéo đi". Gặp khách, cụ chậm rãi giở hòn đá mài, cái chậu đựng nước và còng lưng rạp đất miệt mài mài dao.
Kết thúc một ngày làm việc, cụ lại lê bước chân tập tễnh về góc vỉa hè. Đôi bàn tay đầy gân guốc run run dở gói cơm nguội, nắm muối vừng, vài con cá khô. Ăn xong bữa tối, xếp gọn hành lý, cụ chậm rãi kể về cuộc đời nhiều cơ cực.
Sinh ra trong gia đình đông anh em ở vùng quê nghèo xã Hoằng Trung, huyện Hoằng Hóa, gần 30 tuổi cụ Chanh mới lấy được vợ. "Hồi đó nhà tôi nghèo gần như nhất làng Xa Vệ. Bố mẹ dạm hỏi năm bảy mối nhưng không ai nhận lời vì chê cảnh nhà nghèo rớt mồng tơi", cụ kể.
Thương người đàn ông nghèo chịu khó, một phụ nữ quá lứa lỡ thì chấp nhận về làm vợ. Ngày cưới, nhà trai chỉ có rổ khoai lang đào ngoài đồng về luộc mời anh em họ hàng. Nghèo đói nhưng ngày ấy cụ Chanh thấy hạnh phúc vì có vợ có chồng. Hơn chục năm sau ngày cưới, vợ cụ ra đi vì bệnh hiểm nghèo, bỏ lại 4 người con. Ít năm sau, hai người con cũng mất, cụ đành sống cảnh gà trống nuôi con.
Cụ Chanh với gánh hành lý lỉnh kỉnh.
Cụ Chanh với gánh hành lý lỉnh kỉnh.
Giọng nói chậm rãi song còn khá minh mẫn, cụ kể về cái duyên đến với nghiệp dao kéo. Tình cờ cụ xin được viên đá mài của người bạn về mài dao cho gia đình. Hồi đó, đá mài không sẵn nên hàng xóm đến nhờ cụ mài dao giúp. Thấy cụ mài khéo nên hễ dao cùn dân làng lại mang đến nhờ làm mới. Nhờ mãi cũng ngại nên nhiều người tìm cách trả công. Ở quê không sẵn tiền nên dân làng thường trả cho cụ vài bắp ngô, nải chuối hay bơ gạo.
Những ngày nông nhàn, cụ Chanh tranh thủ cuốc bộ đi mài dao cho bà con quanh vùng. Đi mãi thành quen, cụ mở rộng địa bàn lên thành phố rồi "biên chế" luôn ở đó cho đến bây giờ. Tiền kiếm được cụ dành dụm nuôi con, cháu. Giá mài dao từ 5.000 đến 10.000 đồng tùy theo loại lớn nhỏ, mài kéo rẻ hơn, 3.000-6.000 đồng. Mấy năm nay, giá cả tăng nhưng cụ Chanh không tăng giá mài dao để giữ khách.
Trung bình mỗi ngày cụ kiếm được 30.000-50.000 đồng. Có ngày gặp khách, cụ kiếm cả trăm nghìn nhưng không ít hôm đi suốt từ sáng tới khuya mà không ai thuê. Lao động vất vả nhưng cụ Chanh ăn uống rất hà tiện. Mỗi ngày cụ chỉ ăn hai bữa trưa và tối. Mỗi bữa khẩu phần chỉ có vài lát đậu phụ, đĩa rau luộc.
Cụ Chanh kể, thời trai trẻ có ngày cụ đi bộ vài chục cây số. Từ Rừng Thông đến cầu Trầu (huyện Đông Sơn), qua chợ Voi rồi vòng về thành phố, xuống Quảng Xương... chỗ nào cụ cũng đều đặt chân. Mấy năm nay, mắt mờ chân chậm, mỗi ngày cụ chỉ đi được 7-8 km trong nội thành. "Vì đi bộ quanh năm nên gân cốt còn khá chắc chắn, chẳng mấy khi đau ốm", cụ Chanh tự hào khoe.
Cụ bảo ngày xưa nhà nghèo không có tiền tậu xe đạp nên cụ không tập xe. Sau này con cháu sắm được chiếc xe cà tàng nhưng luống tuổi rồi, cụ không tập được nữa nên đành đi bộ miết. Trước chưa có xe buýt, cụ Chanh đi bộ cả mấy chục cây lên thành phố đi làm. Giờ có xe chạy ngang qua quốc lộ gần nhà nên hàng sáng cụ nhờ người đèo ra bến rồi bắt chuyến sớm nhất ngược vào thành phố.
Đi xe buýt nhiều cũng tốn, xin bớt tiền nhưng nhà xe chẳng cho nên cụ Chanh chọn giải pháp ngủ lại thành phố để tiết kiệm. Cứ hai ngày đi làm cụ mới về quê một lần bằng xe buýt, một ngày ngủ lại thành phố. Nhiều hôm mưa gió rét buốt, muốn thuê phòng trọ bình dân nhưng thấy cụ quá già, sợ cụ chết lại mang vạ nên chẳng chủ nhà nào đồng ý.
"Có đêm tôi đi gõ cửa cả chục căn nhà trọ nhưng nhìn bộ dạng lem luốc như người hành khất nên ai cũng lắc đầu rồi đóng sầm cửa lại. Có nhà lịch sự hơn thì hét giá thật cao để mình không thuê được mà bỏ đi. Tôi đành lếch thếch về lại vỉa hè, đêm ấy coi như thức trắng", cụ ông nghẹn ngào.
Mặc dù đã 93 tuổi, cụ Chanh vẫn miệt mài "hành nghề" với chậu nước và viên đá mài.
Mặc dù đã 93 tuổi, cụ Chanh vẫn miệt mài "hành nghề" với chậu nước và viên đá mài.
Để tiện cho việc ăn ngủ vỉa hè, trong túi hành lý của cụ Chanh luôn có sẵn chiếc màn và tấm chăn mỏng. Thấy cụ già lọm khọm, nhiều người khuyên bỏ nghề mài dao đi ăn xin cho đỡ vất vả. Nghe ai nói vậy, cụ lại "xẵng giọng giảng cho một bài". "Tôi vốn là nông dân "xịn", phải lao động. Còn sức tôi còn đi làm. Trời cho sống ngày nào, tôi còn làm việc, quyết không xin ai cả. Già càng phải giữ cái nết", cụ Chanh khảng khái.
Tính tình thật thà nên cụ Chanh được nhiều người quý mến. Giờ có công nghệ mài dao kéo bằng máy nhưng nhiều thợ may, thợ cắt tóc chỉ chọn "ông Chanh dao kéo" vì cụ mài cẩn thận nên dao kéo giữ được độ bền đẹp. Mỗi ngày cụ chọn một vài tuyến phố để đi, hết một vòng lại quay trở lại. Cứ thế cụ Chanh nhiều lúc làm không hết việc.
Hiện tại hai con cụ đều đã có con, cháu. Người con trai lấy vợ xa quê, gia cảnh khó khăn nên chẳng đỡ đần gì được bố. Cô con gái lấy chồng ở quê cũng không khấm khá hơn. Mơ ước lớn nhất trong đời cụ Chanh là có căn nhà vững chãi để đỡ mưa gió. Mấy chục năm qua, cụ ở tạm gian chuồng lợn cũ cùng con gái và đứa cháu nhỏ. "Cuối đời rồi, chẳng dám mơ ước giàu sang, chỉ mong dành dụm chút tiền sửa lại túp lều cho đỡ mưa dột", cụ Chanh nói.
Ông Đào Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trung cho biết, hoàn cảnh cụ Chanh rất thương tâm. Con cháu đều rất khó khăn nên đã gần trăm tuổi, lưng còng sát đất mà cụ vẫn phải đi mài dao mưu sinh. Hiện cụ Chanh được nhà nước hỗ trợ 180.000 đồng một tháng theo chính sách dành cho người cao tuổi.
"Cả đời cụ không biết đến căn nhà cố định. Địa phương đã lập danh sách hỗ trợ cụ làm nhà, nhưng năm 2011 chính sách hỗ trợ hộ nghèo làm nhà lại bị tạm dừng nên chưa giải quyết được. Chúng tôi đang lên kế hoạch, sắp tới sẽ dành một phần ngân sách và kêu gọi nhân dân, các nhà hảo tâm chung tay xây nhà cho cụ", ông Tuấn nói.