Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Kỹ sư cơ khí thu hơn 7 tỷ đồng từ nuôi lợn, gà sạch

Gác lại tấm bằng kỹ sư cơ khí, Hải mượn bạn bè 70 triệu đồng và quyết định rời Hà Nội lên Vĩnh Phúc nuôi lợn gà sạch. Sau hơn 7 năm, trang trại của anh đã cho doanh thu trên 7 tỷ đồng một năm.
Mạc Tuấn Hải (28 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, rồi học Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải chuyên nghành cơ khí sửa chữa ôtô. Hải tâm sự, ngày xưa rất yêu thích các động cơ bốn bánh, thuộc làu làu công suất, các tính năng của từng loại xe.
Tuy nhiên, trong quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện khắp các tỉnh thành phía Bắc, Hải quen và giao lưu cùng nhiều tấm gương đang làm trang trại thành công. Sau này anh trở lại tham quan, tìm hiểu và rồi niềm đam mê cũng ngấm dần từ đó. "Từ chỗ mê bốn bánh, tôi đã chuyển sang mê 4 chân và 2 chân từ lúc nào không hay", anh cười nói.
chicken-2-final_1429061673.jpg
Trang trại chăn nuôi lợn, gà sạch của chàng kỹ sư trẻ đang cho doanh thu trên 7 tỷ đồng mỗi năm.
Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, thay vì vào làm ở các công ty ôtô lớn thì Hải quyết định phóng chiếc xe máy cà tàng đi lang thang tìm hiểu kỹ hơn các trang trại nuôi lợn và gà đồi, rồi thường xuyên sang Đại học Nông nghiệp học hỏi, tham khảo ý kiến các thầy, chuyên gia về chăn nuôi.
Cuối năm 2007, tình cờ Hải đi qua vùng Lập Thạch, Vĩnh Phúc, thấy nơi đây còn hoang vu rất thích hợp làm trang trại nên anh đã quyết định dừng chân để thực hiện kế hoạch ấp ủ bấy lâu. "Cũng nhờ lập nghiệp ở mảnh đất này mà tôi có duyên làm rể tại đây", anh vui vẻ nói.
Lúc mới làm, Hải mượn bạn bè 70 triệu đồng để nuôi thử nghiệm 20 con lợn rừng. Từ năm 2013, anh mới bắt tay vào đầu tư phát triển mạnh về nuôi gà và lợn sạch với số vốn bỏ ra gần 2 tỷ đồng, trong đó vay ngân hàng là 900 triệu đồng (vay từ 2 sổ đỏ, một của bố mẹ đẻ, một của bố mẹ vợ).
Thời gian đầu, do kinh nghiệm còn ít nên Hải gặp rất nhiều khó khăn như lợn, gà còi cọc do thiếu dinh dưỡng. Đặc biệt, sản phẩm bán ra thị trường rất ít, do chưa tìm được khách hàng, trong khi chi phí chăn nuôi hàng ngày phải bỏ ra không hề nhỏ. Có những lúc anh chàng kỹ sư trẻ cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và muốn bỏ cuộc.
Nhưng với quyết tâm đeo bám niềm đam mê, rồi mọi sóng gió cũng trôi qua, Hải dần có kinh nghiệm hơn trong cách chăm sóc gà, lợn. Đàn vật nuôi của anh phát triển tốt hơn, đầu ra sản phẩm cũng khá ổn. Hiện tại, tổng đàn của trang trại Hải có hơn 7.000 con gà, 2.000 lợn, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng và tổ chức có nhu cầu mua nguyên con để liên hoan. Nhờ quy trình nuôi chặt chẽ và chăn thả hoàn toàn tự nhiên, nên chất lượng thịt lợn rừng của Hải được các nhà hàng tin tưởng và ưa chuộng.
Hải cho biết, giá gà bán lẻ ra thị trường của anh hiện dao động 220.000 đồng mỗi kg, còn giá thịt lợn trung bình 120.000 đồng một kg. Theo Hải, giá tuy cao hơn ở chợ khoảng 20% nhưng sản phẩm rõ ràng, nguồn gốc xuất xứ, quy trình chăn nuôi sạch cộng với chất lượng nên các sản phẩm thịt gà, lợn và trứng của anh đang bán rất chạy tại các đại lý cửa hàng thực phẩm sạch, đặc biệt là phản hồi tốt từ khách hàng đặt mua online.
Hệ thống đại lý phân phối các sản phẩm của trang trại Hải hiện đã lên tới hơn 20 cửa hàng và còn tiếp tục mở rộng. Bên cạnh đó, kênh bán hàng online qua website, mạng xã hội, các diễn đàn lớn cũng được anh chú trọng và tập trung phát triển. Năm vừa qua, trang trại này đã được cấp chứng nhận VietGap và được tham gia vào chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc xuất xứ của tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông chủ trang trại trẻ này thông tin thêm, hiện nay, sản lượng bán ra trung bình mỗi ngày của trang trại là 40 con gà và hơn 100 kg thịt lợn. Doanh thu trung bình mỗi tháng hơn 600 triệu đồng, tức mỗi năm khoảng 7,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho chăn nuôi sạch, khu giết mổ và đóng gói đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cùng hệ thống vận chuyển hàng từ Vĩnh Phúc xuống Hà Nội khá cao nên lợi nhuận hiện tại chỉ đạt khoảng 10%. "Trong thời gian tới, khi mở rộng thị trường và chạy hết công suất, chắc chắn tỷ suất lợi nhuận sẽ tăng thêm", Hải kỳ vọng.
Nhờ việc kinh doanh thuận lợi, năm vừa rồi Hải đã có thể trả một phần nợ ngân hàng và lấy ra được một sổ đỏ cho gia đình. Hiện tại, anh còn nợ khoảng 500 triệu đồng và hy vọng năm sau sẽ giải quyết xong.
Để đạt được thành công ban đầu như ngày hôm nay, theo Hải thì chất lượng sản phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu. Và đó là thành quả của việc mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất mà cụ thể ở trang trại của anh là việc ứng dụng công nghệ EM (hệ vi sinh vật hữu ích) của Nhật Bản vào việc lên men để phối trộn thức ăn chăn nuôi hàng ngày từ nguồn tự nhiên như: ngô, thóc, cám gạo, đỗ tương… Tuy chi phí có cao hơn chăn nuôi thông thường, nhưng lợn, gà ăn vào sẽ khoẻ mạnh hơn, chất lượng thịt cao hơn, đồng thời cũng đáp ứng yếu tố sạch mà Hải đang theo đuổi.

Người mang giấc mộng chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo

(VTC News) - Khát vọng của tôi là xây dựng được một trung tâm chăm sóc, điều trị miễn phí cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, bị bệnh viện trả về.

Mới đây, "người rừng" Trần Ngọc Lâm (Lào Cai) đã có tuyên bố gây chú ý, đó là sẽ giúp cả ngàn người ngừa bệnh ung thư, bằng những cây cỏ có tác dụng giải độc mạnh, đào thải độc tố, tế bào tự do. Nhân năm mới Ất Mùi, VTC News có cuộc trò chuyện với ông Lâm xung quanh ý tưởng giúp người nghèo chống lại căn bệnh ung thư, căn bệnh được coi là "đại họa" của thế giới hiện đại.

- Được biết, những cây thuốc trong rừng Hoàng Liên Sơn đã cứu ông thoát khỏi căn bệnh ung thư phổi?

Việc tôi tìm ra cây thuốc cũng là kỳ duyên. Khi bò đến độ cao 2.900m, gần đỉnh Fansipan, không còn chút sức lực nào nữa, thì tôi giật mình khi thấy có một số cây thuốc mà tôi dùng ở Tây Tạng. Các nhà sư Tây Tạng đã chỉ cho tôi cả trăm thảo dược trị ung thư. Hóa ra, ở độ cao gần tương đương, thì hệ sinh thái tương đối giống nhau. Khi đó, tôi cứ nhổ rồi nhai sống luôn cả hoa, lá, thân, rễ. Thế là tôi sống được.

- Ông có thể tiết lộ một vài cây thuốc quý?


Tôi chẳng có gì phải giấu cả. Bài thuốc có tác dụng với bệnh ung thư của tôi có nhiều cây lắm, mỗi loại ung thư phải dùng một vài loại khác nhau, tuy nhiên, có 7 loại chính, trong đó quý nhất là ngũ trảo long, cỏ nhung, giảo cổ lam, bạch hoa xà, địa tàng thiên, thúc cốt lam…

Phần lớn những cây thuốc này tôi đã dùng từ xưa, nhưng mấy năm trước người Trung Quốc thu mua ráo riết. Đặc biệt, cây cỏ nhung, được mua mua tới giá vài triệu đồng một kg, trong khi người Việt không biết họ mua để làm gì. Giảo cổ lam thì hiện đã được bán nhiều ở thị trường.

Người mang giấc mộng chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo
Ông Trần Ngọc Lâm trong hang đá trên độ cao 2.900m thuộc đỉnh Fansipan 
Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, giảo cổ lam 7 hoặc 9 lá, mọc ở độ cao trên 2.000m, ở các vùng núi đá granit mới có giá trị cao. Giảo cổ làm bán ở thị trường chủ yếu 3-5 lá, mọc ở vùng thấp, ít giá trị. Cây ngũ trảo long, bạch hoa xà, địa tàng thiên, thúc cốt lam và vô số thảo dược khác thì người Việt chưa biết đến.

Với các nhà sư Tây Tạng, ngũ trảo long rất quý. Chúng có lá nhỏ như lá lúa, nhưng chỉ dài cỡ 15cm, mọc xòe như cái loa. Trên đầu lá mọc ra bông hoa kỳ quái. Bông hoa đó trông như bàn tay rồng gồm 5 móng vuốt. Vì có hình thù như thế, nên tôi đặt tên như vậy. Cây này chưa bị thu mua, nhưng vô cùng hiếm, hiếm hơn cả sâm ngọc linh.

Nói tóm lại, những cây thuốc trị ung thư phải có tác dụng giải độc cơ thể, tăng cường các chức năng và đặc biệt là tái tạo tế bào. Nhiều cây thuốc có hàm lượng saponin cao hơn cả sâm Ngọc Linh, nên rất tốt cho những người yếu, nhiễm độc cơ thể.

Hiện tôi dùng số lượng nhỏ những cây thuốc quý có tác dụng chống ung thư mạnh này để sản xuất trà Trường Sinh Thang như loại trà các nhà sư Tây Tạng dùng. Tôi đã cung cấp một số lượng nhất định cho mọi người uống để giải độc cơ thể, phòng ung thư. Mọi người có điều kiện, nên uống trà này thay nước, thì yên tâm rằng, sẽ loại trừ được một số bệnh ung thư do tích tụ độc chất trong cơ thể.

- Có cây thuốc tốt rồi, sao ông cứ phải vào rừng để sống lọ mọ, rồi tập luyện hành xác như thế?

Tôi phải nói lại rằng, ngoài việc uống thuốc hàng ngày, đến mức thay cả cơm lẫn nước, thì tôi phải tập luyện rất kỳ công. Anh biết đấy, mùa hè, ở TP. Lào Cai nóng lắm, nhưng trên Fansipan chỉ 3 độ C. Mùa đông thì băng tuyết phủ trắng khắp nơi, lấp cả miệng hang chỗ tôi ở. Mặc dù trời lạnh như thế, nhưng tôi vẫn cởi trần ngồi thiền. Hít thở vào ra theo phương pháp Tây Tạng rất quan trọng, giúp điều hòa chân khí, giúp cơ thể hòa đồng với thiên nhiên, vũ trụ.
Người mang giấc mộng chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo
Ông Lâm trồng rất nhiều thuốc quý ở một trang trại rộng cả trăm ha trên đỉnh Y Tý 
Bộ não con người tuy nhỏ, nhưng lại tiêu tốn phần lớn năng lượng. Khi thiền, bộ não gần như ngừng hoạt động, nên năng lượng dành để bảo vệ cơ thể. Ngay cả việc đi lại trong rừng, cũng luôn phải giữ bộ não thanh thản. Tôi tập được mức như thế, nên mỗi ngày chỉ cần ăn nắm cơm bằng quả trứng, là đi bộ cả ngày trong rừng không mệt. Thậm chí, sắp tới, tôi sẽ luyện đến mức không cần ăn nữa.

 
Giữ cho bộ não luôn thanh thản, thư giãn đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh ung thư. Những người mắc ung thư mà đau khổ, dằn vặt, luyến tiếc, suy nghĩ nhiều, thì sẽ chết rất nhanh. Còn những người vui vẻ, thanh thản, sẵn sàng đón nhận cái chết, không chút luyến tiếc, đau đớn, thì có thể sống được rất lâu.


Nếu những người mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi, tu thiền theo phương pháp của các thiền sư Tây Tạng cũng là cách trị bệnh hiệu quả.

- Nhiều cây thuốc quý bị người Trung Quốc sang thu mua tận diệt với giá cao. Vậy ông phải làm cách nào để bảo tồn chúng?


Bao nhiêu năm nay, tôi đã đi hết các hẻm núi khắp vùng tây bắc để tìm thuốc quý, nhằm khai thác, bảo tồn bề vững. Chỉ cần phát hiện cây thuốc, tôi sẽ đo độ cao, rồi cứ độ cao ấy mà đến các quả núi khác, nhiều khả năng sẽ thấy. Có những cây thuốc chỉ mọc ở độ cao 2.900m, xê dịch lên xuống chỉ cỡ 100 mét mà thôi. Hàng triệu năm nay, chúng chỉ mọc ở độ cao đó, đúng với ngưỡng nhiệt độ. Chúng thực sự là kỳ hoa dị thảo, là thứ mà trời đất ban cho.
Người mang giấc mộng chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo
Ông Lâm bên cây thuốc quý trị nhiều bệnh về gan 
Để tìm được những loại cây thuốc đó, tôi phải sang tận Mường Tè, núi Pu Si Luông, giáp Trung Quốc, rồi đỉnh U Bò chỗ giáp Trạm Tấu (Yên Bái) và Bắc Yên (Sơn La). Có những khi đi cả tháng trời, trèo cả lên các đỉnh núi bên kia biên giới. Một số đỉnh núi ở quanh Fansipan cũng đạt độ cao như thế và có thuốc quý.

Riêng cây ngũ trảo long thì hiếm hơn cả sâm Ngọc Linh. Có khi tôi đi cả tháng không tìm thấy cây nào. Tôi đã phải gieo trồng ngũ trảo long ở rất nhiều điểm bí mật, trong các khe đá ẩm ướt, gió to, tuyết phủ. Để có giống, tôi đã phải ngược sang Tây Tạng, xin được ít hạt giống từ các vị thiền sư. Gieo hạt ở chỗ nào, tôi phải dựng lều trông nom cả tháng. Hàng ngày, tôi đều phải ngó xem từng hạt, bởi côn trùng xơi mất hạt nào, thì tiếc đứt ruột.

Suốt mười mấy năm trời chăm bón, nhân giống, giờ tôi cũng có vài vườn ngũ trảo long. Tuy nhiên, nguồn thuốc cũng chỉ đủ cung ứng cho tôi và 100 người, gồm đồng đội, bạn bè, người quen, người nghèo. Tôi phải làm việc cật lực mới có đủ thuốc cho tôi và những người đang sống nhờ những cây thuốc của tôi.

Tiết trúc nhân sâm cũng là một loài sâm quý, tương tự như sâm Ngọc Linh, sâm Triều Tiên, tuy nhiên, hiện đã sắp bị tuyệt chủng rồi. Tôi cũng phải trồng loại sâm này ở nhiều nơi, rồi đánh dấu địa điểm trên bản đồ địa hình. Tôi trồng sâm không phải để thu hoạch, để làm giàu, bởi đến lúc chết chắc cũng chưa được thu gì. Tôi trồng sâm để cho con cháu, để bảo tồn nguồn gen quý hiếm này. Những chỗ tôi trồng, đến khỉ và gấu còn không bò lên nổi, nên rất an toàn, bí mật. Chỉ lo nhất là cháy rừng, thì công sức đổ hết xuống vực.

- Có trong tay những cây thuốc quý, bài thuốc quý, sao ông không nghĩ đến chuyện mở phòng khám, kinh doanh, vừa làm giàu, lại cứu được nhiều người?

Ông Trần Ngọc Lâm: “Sau mười mấy năm miệt mài leo núi, gieo trồng, tôi đã đưa thành công trà Trường Sinh Thang của các nhà sư Tây Tạng về Việt Nam. Hy vọng, thứ trà này sẽ phổ biến ra cộng động, để giúp mọi người nâng cao thể trạng, tiêu trừ bệnh tật. Lợi nhuận thu được, tôi sẽ sử dụng một phần để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư nghèo, không có điều kiện điều trị tây y”.
Anh xem, tôi sống trong rừng suốt ngày, ở hang đá, ngày ăn nắm cơm bằng quả trứng, thậm chí sẽ không cần ăn nữa, thì thử hỏi tôi cần tiền làm gì? Tôi cũng sẽ không kiếm nhiều tiền để cho con cái, bởi như thế phản tác dụng. Tôi sẽ truyền nghề cho con mình. Cậu con trai của tôi đã bỏ công việc kỹ sư thông tin với mức lương cao, để đi rừng với tôi.


Tôi sống chết lúc nào không biết được, nên việc dạy nghề cho con là vô cùng quan trọng, nếu không, những cây thuốc quý sẽ không ai biết đến nữa và bài thuốc mà các thiền sư Tây Tạng chỉ dạy cho tôi cũng sẽ theo tôi xuống mồ.

Bây giờ, dù có ai cạy răng, tôi cũng không chỉ cho những cây thuốc quý nữa. Tôi đã chỉ dẫn cho mấy ông GS.TS những cây thuốc quý, nhưng các ông ấy không lo bảo tồn, nhân giống, cứu giúp bệnh nhân, mà chỉ lo viết đề tài, báo cáo kiếm tiền, rồi thu mua kiếm lợi. Nếu tôi tham tiền, thì tôi chỉ việc nhổ thuốc đi bán cũng giàu sụ rồi.

Mới đây, tôi phát hiện loài rêu trên vách đá dựng đứng ở Y Tý. Loại rêu này rất hiếm, tôi lấy mấy bao bán cho Trung Quốc được hơn tỷ đồng. Ở Việt Nam chưa sử dụng được loại biệt dược này. Người Trung Quốc chế rêu đó thành thuốc chống đột quỵ (thuốc An cung ngưu cũng chế từ loại rêu đó), bán cả triệu bạc 1 viên. Tôi cũng không biết cách dùng loại rêu này, nên nhổ cho họ, để họ chế thuốc cứu người cũng là việc làm tốt.
Người mang giấc mộng chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo
Trang trại ở Ô Quý Hồ (Sapa, Lào Cai) nơi ông Lâm trồng nhiều thuốc quý và dự định sẽ xây dựng trung tâm hỗ trợ điều trị ung thư miễn phí cho người nghèo 
Hay tôi chỉ việc nhổ mấy củ tiết trúc sâm vài trăm tuổi, cũng bán được hàng trăm triệu đồng. Nói ra thì anh khó tin, nhưng tôi phát hiện ở Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên) có loài biệt dược còn quý hơn cả sâm Ngọc Linh. Cây thuốc này các thiền sư Tây Tạng chỉ cho tôi. Tôi đã xay thành bột, đem sang Viện Trung y Trung Quốc để họ phân tích. Họ bảo thành phần saponin cao hơn cả sâm Triều Tiên và họ sẵn sàng mua với giá 10 triệu đồng/kg nguyên liệu. Ngay bản thân họ cũng không biết cây đó là cây gì. Nếu tôi sang Mường Nhé, có thể lấy được nhiều tấn, thu không biết bao nhiêu tiền, nhưng tôi không làm thế.

- Nhưng nếu một mình ông làm việc, thì ông chỉ cứu được ông và một ít người, trong khi ở Việt Nam có mấy trăm ngàn người đang mơ ước có được thần dược trị ung thư?


Nhiều năm nay, tôi đã phối hợp với một doanh nghiệp để trồng một số cây thuốc quý. Doanh nghiệp này đi xin đất ở Lào Cai, rồi Lai Châu, đều bị gây khó dễ. Lập dự án trồng thuốc, cứu giúp người nghèo, mà cứ phải đi ăn nhậu với quan chức, rồi chạy chọt này nọ, tôi không chịu được, tôi từ chối luôn.

Mới đây, khi biết hoàn cảnh và việc làm của tôi, đồng đội cũ, giờ nhiều anh lên tướng, nhiều doanh nghiệp lớn, đã tìm gặp lại tôi. Có người mua cho tôi ô tô bán tải để chở thuốc, có người mua tặng tôi cả quả núi, vài héc-ta đất rừng để tôi trồng thuốc. Một số quan chức, doanh nghiệp còn góp tiền để tôi xây nhà ở trang trại, mua máy chế biến thuốc.
Người mang giấc mộng chữa bệnh ung thư miễn phí cho người nghèo
Ông Hà (TP. Lào Cai), người bị ung thư phổi di căn, bị bệnh viện trả về chờ chết, nhưng hiện sống khỏe nhờ uống thảo dược do ông Lâm cung cấp miễn phí 
Tôi nói rõ với họ rằng, góp tiền cho tôi là sẽ mất trắng, không thu được lợi lộc gì, bởi nếu lập doanh nghiệp, tôi sẽ dùng sản phẩm đó đi cứu người nghèo. Lợi nhuận thu được từ bán trà thảo dược Trường Sinh Thang, tôi cũng sẽ sử dụng một phần để giúp người nghèo. Khát vọng của tôi là xây dựng được một trung tâm chăm sóc, điều trị miễn phí cho những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, bị bệnh viện trả về ở Sapa. Tôi sẽ dạy thiền, hướng dẫn rèn luyện sức khỏe và cung cấp thuốc, chỗ ở miễn phí cho họ. Hiện tôi đã xây dựng được một số phòng ốc ngay tại trang trại trồng thảo dược, nhưng để hoạt động được thì còn cần thời gian.

Khi tôi nói ý tưởng đó, mấy đại gia đều vui vẻ, coi như chung tay với tôi làm việc thiện. Xưa nay, tôi chỉ cấp thuốc không cho người quen, đồng đội bị ung thư, tổng cộng khoảng 100 người, hoặc bán cho người có điều kiện, rồi tặng không cho người nghèo. Quan điểm của tôi là không bóc lột người nghèo, đặc biệt là người nghèo lại mắc phải căn bệnh quái ác này.

- Xin cảm ơn ông! Chúc ông khỏe mạnh và giúp được nhiều người bệnh.