Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Giới trẻ chủ động 'tậu nghé' trước cưới

Có người sợ vô sinh nên 'thả phanh' mang bầu mới cưới, có đôi phải viện cớ "gạo đã thành cơm" để được bên nhau... Chuyện "tậu trâu được nghé" giờ đã không chỉ là lỡ.
Biết chuyện của Quỳnh Anh, một cô gái xinh xắn, là y tá tại một bệnh viện huyện ở Bắc Giang, ai cũng phì cười. Cô và bạn trai yêu nhau gần 10 năm, đã lên ngày cưới, vào phút cuối lại phải hủy vì bị em chồng tương lai "vượt mặt" mang bầu trước.
Cô y tá kể, gia đình nhà người yêu cô có 3 người, đều trong tình trạng "bom nổ chậm", đang lên kế hoạch cưới hết. Người yêu cô tên Mạnh, hơn cô 5 tuổi, là con cả. Sau Mạnh là em gái, làm họa sĩ, cũng đang muốn xuất giá. Cậu em út bằng tuổi với Quỳnh Anh, không đi học mà ở nhà lông bông.
Giữa năm trước, bạn gái cùng cấp 3 với Quỳnh Anh đi xuất khẩu lao động về, nhanh chóng bén duyên với em chồng tương lai lông bông của cô. Đến tháng 9 vừa rồi, khi nhà Quỳnh Anh và Mạnh gặp mặt định ngày cưới thì cậu em này cũng đòi cưới.
"Gia đình khuyên hai đứa mới gặp nhau, cứ tìm hiểu, thư thả một vài năm để lo lần lượt cho từng người một, thế mà hai đứa đó không nghe. Cô bạn gái mấy lần tỉ tê nhường nó cưới trước, lúc đó tôi đùa 'Giờ chỉ có nước bác sĩ bảo cưới mới cứu được chúng mày'. Chẳng ngờ, trước đám cưới của tôi, hai đứa nó nói đã có bầu khác gì ép gia đình cho cưới. Nhà anh ấy không muốn để hai con cưới một năm nên khuyên chúng tôi lùi một năm", Quỳnh Anh kể.
Năm nay, Quỳnh Anh bước sang tuổi 26 - tuổi kim lâu theo các cụ xưa khuyên không nên lập gia đình. Thêm vào đó, em gái của người yêu cô cũng lên ngày cưới rồi. Vì lẽ đó, Quỳnh Anh bất đắc dĩ phải lùi kế hoạch kết hôn đến cuối năm hoặc ra xuân năm sau.
"Các cụ nói cấm có sai 'ếch chết tại miệng'. Vì một câu của mình mà đám cưới bị hoãn những 2 năm. Bây giờ hai đứa đã ổn định, tuổi anh ấy đã cao cũng nên cưới nhưng năm nay vướng kim lâu thế thì cưới sao được. Dù sao cũng yêu nhau 10 năm rồi, cả làng nước này đều biết tôi và anh qua lại, chẳng sợ ai chạy khỏi ai nữa", Quỳnh Anh chia sẻ.
honnhan2-jpg-1361441067_500x0.jpg
Ảnh: valencienne.com.
Nghe tin đám cưới "bất thình lình" của Hải Yến (nhân viên marketting, quê ở Quảng Bình), bạn bè thân thiết đều tỏ ra hồ nghi liệu có phải "bác sĩ chỉ định". Cô nàng xấu hổ, mãi mới nhận mình đã mang bầu gần 4 tháng.
Với những người sống thoáng, tư tưởng hiện đại thì chuyện "cưới chạy" không là gì nhưng Yến vốn là một cô gái rất khuôn phép. 24 tuổi cô mới có mối tình đầu. Tuy nhiên, trước khi đến được với nhau, tình cảm của Yến và chồng sớm vấp phải sự phản đối của gia đình nhà trai. Vài lần mẹ chồng tìm gặp cô, bắt chia tay con trai bà.
"Vừa nghe tin con trai có người yêu là mẹ lấy ngày giờ, năm sinh của tôi đi bói rồi về phán tôi không hợp tuổi. Anh ấy phản đối lý do này thì mẹ lại lấy lý do gia đình tôi không môn đăng hộ đối và chê tôi đủ thứ".
Trong thâm tâm Yến, chuyện nhà chồng phản đối cũng là điều dễ hiểu vì anh là "giai phố cổ" ở Hà Nội, nhiều đời làm trong ngành y, giáo dục. Cô cũng sợ mình "với cao" nhưng thực sự rất yêu anh. "Lúc mình lưỡng lự chia tay thì chị gái anh lại quay sang ủng hộ hai đứa. Chính chị mách nước mang thai, khi đó 'gạo đã thành cơm' thì không còn ai phản đối được nữa", Yến không giấu được xấu hổ kể.
Hải Yến tâm sự, trước nay cô luôn nghĩ sẽ giữ lần đầu tiên đến đêm tân hôn nên không đồng ý việc này. Lúc đó bạn trai đã tức giận hỏi cô "Lẽ nào em quan trọng lần đầu hơn anh. Được rồi, thế thì em cứ nhìn anh cả đời này không lấy vợ". Rồi anh phân tích nhà anh đều là người có học nên sẽ không có chuyện thất đức cấm có bầu không cưới. Thêm vào đó bố mẹ anh đã già, giờ chỉ mong anh ổn định. Có đứa cháu thì chuyện kết hôn sẽ không còn là vấn đề nữa.
Trái lại với những tình huống trên, Thùy Dung (28 tuổi, làm nghề biên dịch) lại chủ động có con trước cưới vì chỉ sợ vô sinh. "Tôi đã khóc vì sung sướng khi biết mình có thai, lúc đó mới quyết định cưới", Thùy Dung xúc động tâm sự.
Dung cho biết, vòng kinh của cô từ năm 13 tuổi cho tới nay luôn thất thường, tháng nhiều, tháng ít, tháng có, tháng không. Đợt thi đại học là kinh khủng nhất, suốt 6 tháng cô không có kinh. Chị gái Dung lấy chồng 3 năm mà không có thai, nguyên nhân cũng vì kinh nguyệt thất thường càng khiến cô lo lắng.
Đi khám, Dung mới biết mình còn bị buồng trứng đa nang. "Tôi đã bệnh thế rồi, mỗi lần bắt uống thuốc là mẹ lại lấy một ví dụ 'gà mái không biết đẻ' ra răn đe. Cứ thế, tôi sợ bị vô sinh, chẳng dám đến với ai. Có người theo tôi nhiều năm nay, tôi cũng có cảm tình mà không dám nhận lời người ta nữa", cô chia sẻ.
Năm ngoái, cô nhận lời yêu anh. Lúc đó cô nói bí mật của mình cho anh biết nhưng anh vẫn quyết tiến đến. Chính Dung chủ động thỏa thuận nếu mang thai thì mới cưới, vì sợ lấy rồi mà không có con thì mình khổ, cả họ nhà người ta khổ.
7 tháng sau khi nhận lời yêu, Thùy Dung mang thai. Cô và bạn trai đã tổ chức ngay sau đó. Chồng cô chẳng ngại đi rêu rao "tậu trâu được nghé" trong đám cưới. Bạn bè, người thân cũng lên tiếng trêu đùa. "Vợ chồng tôi cũng bàn sinh xong đứa này sẽ để tự nhiên. Phải làm được 2 đứa cho hết trách nhiệm đã. Nhiều người kế hoạch rồi sau 'tịt' luôn đó", Dung cười nói.
Dung khẳng định thêm, giờ chuyện "chưa cưới đã chửa" rất bình thường. "Mấy bà mẹ chồng giờ còn yêu cầu con dâu có chửa mới cho cưới chứ. Tại người ta sợ lấy về không đẻ được ấy mà".
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Kim Thúy - Trung tâm CSAGA thì một bộ phận giới trẻ hiện nay có xu hướng sống thoáng nên coi sống thử trước hôn nhân khá bình thường. Họ sống thử để xem có phù hợp rồi mới tính đến chuyện ăn đời ở kiếp với nhau.
"Một số người chủ động mang bầu để ép người khác đạt được mong muốn của mình cũng là không nên. Bởi chưa nói đâu xa, chính bạn đang chọn một cách đi mạo hiểm với mình. Nếu vì một lý do nào đó các bạn không đến với nhau thì sẽ là bất hạnh, nhất là với các bạn gái" chuyên gia Kim Thúy nói.
Chuyên gia phân tích, những đôi trai gái vì bị gia đình phản đối mà lấy việc mang bầu để được cưới có thể sẽ được toại nguyện song bạn không thể mang con cái ra để lôi kéo sự chấp nhận của người khác. Rất nhiều người không lường trước hậu quả là lúc lấy nhau không nhận được sự trợ giúp về kinh tế từ gia đình thì việc ổn định cuộc sống khá vất vả. Thêm vào đó chuyện mang bầu, căng thẳng sẽ dẫn đến mâu thuẫn. Lúc đó, tình yêu sẽ không còn là màu hồng.
"Bất kể xuất phát từ lý do gì thì chuyện sống thử, mang bầu trước khi cưới các bạn nên cân nhắc kĩ càng. Có sự thảo luận, lên kế hoạch, lường trước được những rủi do, cân nhắc giữa mặt được và không được rồi mới hành động. Có rất nhiều cách để đến được với nhau không nhất thiết phải dùng cách phiêu lưu, mạo hiểm này", chuyên gia Nguyễn Kim Thúy khuyên.

Gái Đinh, Nhâm, Quý có thực sự lận đận tình duyên?

Người ta thấy rằng phụ nữ mang ba can Đinh, Nhâm, Quý đều là những người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh, nhanh nhẹn.
Trên thực tế, quan niệm "Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài; Gái Đinh, Nhâm, Quý qua hai lần đò" gây không ít phiền phức, hệ lụy cho nhiều người. Từ chuyện kết hôn phải dẫn dâu hai lần đến chuyện các cặp vợ chồng chọn năm sinh cho con, những mong sinh được con trai trong năm "lợn vàng" (Đinh Hợi), "rắn vàng" (Quý Tỵ) để con có cuộc sống an nhàn, sung sướng sau này. Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu không cẩn thận sẽ "xôi hỏng bỏng không".

Thạc sĩ Vũ Đức Huynh, tác giả của gần chục cuốn sách về tử vi, tướng mạo cho rằng, từ thời xa xưa, các nhà tử vi, tướng số đã tổng hợp trên cơ sở 60 năm (lục thập hoa giáp) và đưa ra tổng kết chung về tính cách, năng lực, tình cảm, trí tuệ ở từng tuổi.

"Theo kết quả thống kê này thì phụ nữ có can Đinh, Nhâm, Quý thường không mấy suôn sẻ chuyện tình duyên. Chẳng hạn, nữ tuổi Đinh Sửu thường trăng hoa, Đinh Mão thì nhiều đời chồng, Nhâm Dần xung khắc hoặc cách trở tình duyên, Nhâm Tuất khắc phu, Quý Tỵ nhiều đời chồng.

Trong khi nam giới ở những tuổi đó thường là tốt đẹp. Nam tuổi Đinh Sửu sẽ sáng suốt, Đinh Mão mưu trí, Nhâm Dần có chức quyền, Nhâm Tuất vinh hiển, Qúy Tỵ thông minh, dễ thăng quan", ông Huynh cho hay.

Dù thừa nhận đó chỉ là sự tổng kết theo kinh nghiệm song ông Huynh khẳng định "ít nhiều cũng có cơ sở". Theo kết quả ông Huynh đưa ra, nam giới tuổi thuộc ba can Đinh, Nhâm, Quý về cơ bản tốt hơn nữ giới mang can đó.
Đinh, Nhâm, Quý là ba can quan trọng
Theo ông Vũ Quốc Trung, người có nhiều năm nghiên cứu về tử vi, kinh dịch cho rằng, lý giải điều đó phải dựa trên thuyết Âm
"Con người có hai bản thể tự nhiên do cha mẹ, trời đất sinh ra hay còn gọi là tiên thiên và bản thể tự nhiễm (sống trong hoàn cảnh, môi trường nào thì sẽ bị chi phối, tác động bởi chính hoàn cảnh, môi trường ấy, còn gọi là hậu thiên). Trong cổ học thì tiên thiên và hậu thiên có mối quan hệ qua lại với nhau. Tiên thiên tốt là tiền đề cho hậu thiên phát triển. Nhưng dù có sinh ra vào ngày giờ đẹp, mang can đẹp (trai Đinh, Nhâm, Quý) mà không có sự giáo dục, quan tâm chu đáo của gia đình thì cũng sẽ khó mà thành đạt".
Vũ Quốc Trung
Dương, Ngũ hành.

Theo các thuyết này, hệ Can chi được chia ra như sau: Giáp - dương, Ất- âm, đều thuộc Mộc; Bính - dương, Đinh - âm, đều thuộc Hoả; Mậu - dương, Kỷ - âm, thuộc Thổ; Canh - dương, Tân - âm thuộc Kim; Nhâm - dương, Quý - âm thuộc Thủy.

Tương tự, 12 địa chỉ cũng chia ra làm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất - dương; Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi - âm. Trong đó, Tý, Hợi phương Bắc thuộc Thủy, Tỵ - Ngọ phương Nam thuộc Hỏa, Mão - Dần phương Đông thuộc Mộc, Dậu - Thân phương Tây thuộc Kim, còn hành Thổ ở chính giữa.

Theo quy luật, một can phải có âm dương hài hòa. Nếu đồng khí (cùng dương hoặc cùng âm) thì đẩy nhau. Do đó, phải có dương có âm và theo quy luật tương sinh mới tốt.

Từ đó có thể giải thích như sau: Nói "Trai Đinh, Nhâm, Quý thì tài" là vì bản thân nam giới đã là dương rồi. Nếu mang can Đinh hoặc Quý là âm thì sẽ hài hòa âm dương. Ngược lại, vì nữ là âm, kết hợp với can Đinh hoặc Quý cũng là âm thì sẽ đồng khí, đẩy nhau, không tốt.

Còn với canh Nhâm thì Nhâm là dương, kết hợp với các chi Thân, Ngọ, Thìn, Dần, Tý, Tuất cũng là dương. Thế nhưng, Nhâm lại thuộc hành Thủy (âm) nên vẫn tốt đối với nam giới. Song với nữ lại không tốt vì người mang can đó có quá nhiều phần dương, do đó nữ giới thường có xu hướng "nam tính hóa", như vậy là "khác người", cuộc sống sẽ khó có thể suôn sẻ như các tuổi khác được, ông Trung lý giải.

Lý giải việc vì sao chỉ nói đến ba can Đinh, Nhâm, Quý mà không nói đến các can còn lại (Giáp, Ất, Bính, Mậu, Kỷ, Canh, Tân). Ông Trung cho rằng, vị trí của 12 chi là vị trí cố định theo hai trục Tý (Thủy) - Ngọ (Hỏa) là trục tung và Mão (Mộc) - Dậu (Kim) là trục hoành. Tương tự các can cũng chia trục như thế: Bính và Đinh thuộc Thủy, Nhâm và Quý thuộc Hỏa sẽ là trục tung. Trong khi đó, Thổ ở trung tâm. Vậy nên, người ta sẽ chỉ tính trục quan trọng hơn là trục Thủy - Hỏa (Bắc - Nam) chứ không xét trục Mộc - Kim (Đông - Tây) (xem hình vẽ dưới). "Điều đó lý giải vì sao người ta sẽ chỉ xét ở ba can Đinh, Nhâm, Quý chứ không xét rộng sang các can khác", ông Trung khẳng định.
Cẩn thận để không chuốc phiền hà

Theo ông Nguyễn Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, dựa trên những kinh nghiệm đúc kết trong dân gian, người ta thấy rằng phụ nữ mang ba can Đinh, Nhâm, Quý đều là những người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán, thông minh, nhanh nhẹn. Trong khi đó, theo quan niệm truyền thống "xuất giá tòng phu", người phụ nữ khi lập gia đình thì phải nhất nhất theo chồng. Vậy nên, suy luận logic thì phụ nữ có cá tính mạnh mẽ sẽ có tính tự lập cao, khó có thể răm rắp theo chồng được. Thế nên, chuyện họ trắc trở về đường tình duyên cũng là điều dễ hiểu.

Còn ông Vũ Quốc Trung bổ sung thêm: "Sở dĩ người ta nói gái Đinh, Nhâm, Quý qua "hai lần đò" vì ngày xưa quan niệm phụ nữ quan trọng nhất là chồng con. Còn đàn ông thì sự nghiệp là quan trọng hơn cả. Vậy nên, người xưa lấy chuyện "hai lần đò" ra để chỉ sự xui xẻo của phụ nữ.

Ông Vũ Quốc Trung nhấn mạnh: "Câu ca trên chẳng qua là sự suy luận logic theo cổ học chứ thực tế không hẳn vậy. Nó không áp dụng cho tất cả những ai sinh ra ở ba can đó (nam thì tài, gái thì "hai lần đò") và chỉ mang tính ước lệ mà thôi".

Nói về chuyện phải rước dâu hai lần với những người phụ nữ "cao số", mang can Đinh, Nhâm, Quý khi kết hôn, ông Vũ Đức Huynh cho hay, đó chỉ là quan niệm dân gian, người ta làm thế để yên lòng thôi chứ không có căn cứ nào nói rằng nó sẽ hóa giải "cao số" cả.

"Mọi người không nên quá lệ thuộc vào quan niệm đó để chuốc phiền hà cho chính mình và con cháu mình. Nếu cô dâu, chú rể ở gần nhà nhau thì rước dâu hai lần còn có thể hợp lý chứ cách nhau tới ba, bốn trăm cây số làm sao mà thực hiện được? Chỉ tốn kém, mệt mỏi cho cả hai bên thôi", ông nói.