Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Vợ chồng đồng nát trả lại 10 cây vàng nhặt được

Lúc nhặt nhạnh, anh Bắc thấy một túi nilon văng ra liền đá sang một bên. Hai hôm sau mở ra, anh mới biết trong đó có 10 cây vàng thật.

Anh Nguyễn Tiến Bắc (thôn Du Nghệ, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cắm mặt vào đám đồng nát vợ vừa chở về nơi góc vườn để phân loại. Mùi mốc hăng hăng, mùi tanh lợm giọng, mùi thối thum thủm của đủ thứ rác rưởi sộc qua lượt khẩu trang dày cộp lên mũi, xuống họng, bóp nghẹt hai lá phổi.
Lúc đang nhặt nhạnh mớ giấy vụn, bỗng một cái túi nilon nặng nặng văng ra, cứ tưởng mấy cái ốc vít nên anh Bắc đá sang một góc vườn rồi lại dọn tiếp. Hai hôm sau, khi đã vãn việc, anh Bắc mới sực nhớ đến cái túi, bèn tò mò giở ra xem. Trong cái túi có một gói khăn mặt cũ. Mở gói khăn mặt cũ ra lại có một gói giấy, lột hết lớp giấy lộ ra một dây vàng 5 cây dính liền nhau kèm theo 5 cây vàng lẻ. Định thần nhìn kỹ lại, trên mỗi cây vàng đều có ký hiệu của nhà sản xuất, kèm cả giấy tờ mua bán viết tay, chứng tỏ là vàng thật.
Anh Bắc vội cất 10 cây vàng ở xó nhà rồi hỏi vợ: “Mẹ nó có nhớ mấy ngày trước từng mua đồng nát của những ai không, người ta làm cả đời mới được gần đấy”. Chị Nguyễn Thị Thuật, vợ anh Bắc, bảo: “Cả đời gì?”. Anh đáp: “Vàng chứ gì, những mười cây, người ta bỏ sót trong đống giấy vụn”.
Chị Thuật với công việc hàng ngày là thu gom giấy vụn, phế liệu.
Chị Thuật với công việc hàng ngày là thu gom giấy vụn, phế liệu.
Nghe đến đoạn đó, cái chổi trong tay chị Thuật bỗng rơi cạnh xuống nền nhà. Miệng chị như díu lại: “Chết chết, vàng đâu rồi, đưa tôi xem nào, chắc là vàng giả chứ làm gì có thật”. Từng ngón tay chị run run gỡ từng lượt bọc của cái túi nơi xó nhà, đúng là vàng thật rồi.
Ngồi trên đống vàng mà thêm run, hai vợ chồng chụm lại bàn nhau cách đem trả. Giờ mà đánh tiếng dễ có cả chục người nổi máu tham mà nhận vơ, chẳng biết đâu mà lần đã đành lại không chừng đám lưu manh kề dao vào cổ mà cướp mất. Mười cây vàng được chị Thuật đem chia ra làm hai gói cất ở hai nơi cho thật kín đáo.
Nửa tháng sau, một buổi anh Bắc đang ở nhà thì có đôi vợ chồng lạ tìm đến, mắt họ cứ ngó chăm chăm vào đống giấy vụn nơi góc vườn. Anh hỏi tìm gì thì họ bảo tìm vàng: “Khổ quá em có ít vàng để vào thùng giấy carton vỏ tủ lạnh, ở nhà chồng không biết đã đem bán đồng nát mất”. Anh buông một câu thăm dò tiếp: “Đồng tiền đi liền với ruột, ai lại cất vàng vào hộp giấy? Thế nhiều hay ít?”. Chị phụ nữ mắt đỏ hoe: “Mười cây anh ạ”.
Đúng lúc ấy, chị Thuật đạp xe về đến ngõ liền mau mắn: “Thế thì không phải tìm kiếm gì nữa, anh chị cứ vào đây uống nước đã”. Mười cây vàng được đem trả lại cho chủ nhân trong sự ngỡ ngàng của đôi vợ chồng kia.
Hai anh chị chỉ trông vào đống phế liệu mà nuôi hai đứa con ăn học.
Hai anh chị chỉ trông vào đống phế liệu mà nuôi hai đứa con ăn học.
Người vợ một mực rút từ tay ra một cái nhẫn vàng mà rằng: “Đây là cái duyên của chị em mình gặp nhau, em cầm lấy hai chỉ này coi như là lời cảm ơn của anh chị” khiến chị Thuật cứ phải chối đây đẩy như phải bỏng.
Ba năm trước vợ chồng Bắc - Thuật vẫn thuộc hộ nghèo, anh làm nghề chẻ tre đan sọt lợn đem ra chợ huyện bán còn chị cấy vài ba sào ruộng. Khi nghề đan sọt ế ẩm, chị bàn với chồng đạp xe đi đồng nát khắp huyện, tính ra mỗi ngày lời lãi 50.000 - 70.000 đồng. Thấy bán hằng ngày cho mối không được lãi mấy, chị Thuật chở đồng nát về nhà rồi cùng chồng phân loại, đợi số lượng nhiều mới bán.
Tiếng là chủ vựa nhưng quy mô nhỏ đến mức chỉ có hai vợ chồng tự mua, tự phân loại chứ không quy tập được đội quân vài chục người thu gom, bỏ mối như các ông chủ khác. Hàng hóa của họ thì thập cẩm. “Nhựa chết” loại nhựa tái chế cứng quào bán 3.000 đồng mỗi kg, “nhựa sống” bán 7.000 đồng, giấy vụn bán 3.000 đồng, sắt bán 6.500 đồng mỗi kg.
Cứ nửa tháng, họ xuất kho đồng nát của mình một lần, mỗi kg phế liệu chỉ được 300-400 đồng lãi. Hai vợ chồng cứ lăn ra mà làm không dám có một ngày thứ bảy, chủ nhật, tối 30 Tết vẫn lọc cọc kéo xe bò đồng nát về nhà. Tính ra, hai vợ chồng chỉ kiếm được cỡ hơn 3-4 triệu đồng một tháng. Số tiền ấy cũng chỉ vừa đủ trang trải cho hai con đi học, một đứa học đại học còn một đứa học cấp 1.
Lúc đứa con đầu vào đại học, chiếc xe máy duy nhất của gia đình cũng nhường để cho con. Buổi nào gần, chị kéo xe đi, buổi nào xa thì mượn xe máy hàng xóm rồi móc vào chiếc xe bò thay cho sức người kéo…
Ngay ngôi nhà cấp bốn xây gạch ba banh mái lợp rơm bố mẹ hồi môn cho anh chị trên mảnh đất ở rìa làng, chắt bóp, tằn tiện mãi họ mới mua được ít ngói lợp thay thế. Của cải anh chị chẳng có gì ngoài bộ bàn ghế tre cũ kỹ tự đóng, cái thùng phuy sắt hoen gỉ đựng thóc ăn, cái quạt, cái đài đồng nát nhặt về đến cả những quyển sách giáo khoa, sách nâng cao cho hai đứa con cũng từ đồng nát…
Ngay khi thấy vàng của khách bỏ quên trong túi rác, anh chị đã cất vào nơi bí mật, chờ chủ nhân đến nhận lại.
Ngay khi thấy vàng của khách bỏ quên trong túi rác, anh chị đã cất vào nơi bí mật, chờ chủ nhân đến nhận lại.
Chị Đỗ Thị Oanh (ở khu Thương mại thị trấn Quốc Oai) chính là khổ chủ mất vàng hy hữu nọ. Chỗ vàng đó được chị Oanh bí mật cất trong đám vỏ thùng carton để trên tủ đứng, bí mật đến nỗi ngay cả chồng con cũng không biết.
“Lúc đó tôi có việc phải đi miền Nam một thời gian. Hôm nhà có giỗ, khóa cái tủ đứng rồi cất chìa lên nóc, giật mình sờ mãi không thấy hộp đựng vàng đâu. Sực hỏi chồng thì nghe anh bảo đã bán đồng nát tự bao giờ”.
Chết điếng người, nghĩ mười mươi mất của rồi nhưng chị Oanh không dám khóc to cũng không dám nói ngay đến chuyện giấu vàng vì sợ bệnh tim của chồng tái phát đột ngột. Phải đợi lúc bình tĩnh nhất, chị mới lựa lời thông báo cho chồng. Dò hỏi mãi mới biết là chồng mình đã bán đám đồng nát ấy cho chị Thuật.
Tìm đến nhà hỏi về cái thùng giấy, anh chị chết điếng khi nghe họ đã bán một đợt hàng đi Bắc Ninh tái chế. Chị thất thần, giơ hai tay bưng mặt. Đất dưới chân chị như cũng chênh chao. Những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má sạm đen cho đến khi chị được thông báo lại chỉ thùng giấy đã bán đi còn số vàng thì không hề suy suyển.
Chị Oanh còn nhớ như in câu nói của vợ chồng người ân nhân nghèo rằng: “Trả lại vàng thế này anh chị mừng một chúng em mừng hai vì đã tìm được đúng chủ. Chúng em tuy nghèo thật nhưng của cải do chính bàn tay mình làm nên mới quý chứ của người ngoài thì không bao giờ màng”.

Bới rác, nhặt được 11 cây vàng

Đang bới rác, chị Ngà thấy một túi chứa toàn giẻ rách nhưng bên trong có rất nhiều vàng.

Ông Đặng Quốc Hưng (xã Bắc Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết xã này có khoảng 200 hộ tham gia bới rác với trên 300 lao động. Trước đây, chính quyền có chủ trương tuyên truyền cho người dân không được đi nhặt rác vì ô nhiễm nhưng cả trăm người nhao nhao phản đối kịch liệt.
Nhà ông Lê Văn Chờ là một gia đình bới rác điển hình nhất khi có tới 5 người con cả dâu, rể tham gia vào guồng quay nhặt nhạnh. Họ nhặt từ cơm thừa, canh cặn, rau úa, rau già để chăn lợn, nhặt củi để đun đến nhặt bì bóng, nhựa, mảnh chai đem bán. Người trẻ trong gia đình được phân công bới rác, tức dùng cào sắt bổ vào giữa đống rác mà moi, mà tìm, còn người già, sức yếu chỉ đi nhặt chứ không dùng cào để tránh mất sức.
Nhờ chăm chỉ bới rác, ông Chờ đã cất được ngôi nhà 2 tầng trị giá 600 triệu đồng nhưng độ hoành tráng vẫn còn kém xa một số chủ vựa thu mua khi họ dựng những ngôi nhà to như biệt thự, biệt phủ. Số trực tiếp bới bãi mà khá lên như gia đình ông Chờ không nhiều vì không hội đủ các yếu tố như lực lượng lao động đông đảo, như chăm chỉ hiếm có và cả một phần may mắn nữa.
Ngôi nhà to như biệt thự của một chủ đại lý thu mua rác.
Ngôi nhà to như biệt thự của một chủ đại lý thu mua rác.
Nói đến vận may từ bãi rác, cả vùng bãi thải Nam Sơn hầu như ai cũng thuộc câu chuyện đã thành huyền thoại về người nhặt được 11 cây vàng. Ông Trần Đức Thành, Trưởng thôn Đô Tân, xác nhận chuyện đó là đó thật và cho biết thêm người nhặt được vàng là vợ chồng Ngà - Hưng ở xóm Trại.
Đáng ngạc nhiên sau khi "trúng số độc đắc", chị Ngô Thị Ngà (vợ anh Lưu Văn Hưng) vẫn chăm chỉ vác cào sắt đi nhặt rác, hằng ngày “nộp sưu” cho chủ lán theo hình thức bới túi bóng trả chủ còn nhựa, sắt, rau lợn, củi mang về phần phân loại bán, phần để dùng tăng gia.
Chị Ngà có thâm niên bám bãi rác từ năm 2000, thuộc loại cựu trào ngoại hạng. Hồi đó bãi còn cho bới theo ca ngày, từ 12h trưa đến 5h chiều, đổ lộn xộn cả chất thải công nghiệp, y tế nên lắm khi bới được cả mẫu bệnh phẩm của người sau phẫu thuật. Bãi nhiều màu, đông người bới, nhộn nhịp đến mức hình thành cả hệ thống quán bán bánh, nước chè, thuốc lá ngay trên đỉnh cho dân tình giải lao, bồi bổ sức khỏe. Vốn hay lam, hay làm, bụng mang dạ chửa đến tháng thứ bảy, thứ tám chị Ngà vẫn vác bao tải, móc sắt đi bới.
Chị nhớ như in cái ngày 25/12 Âm lịch, giáp Tết năm 2009 ấy, thời điểm mà cả nghìn người bới rác phải căng sức tranh thủ làm kẻo bãi đóng cửa hết tuần. Chị kể: “Đang bới ở rìa bãi rác, anh Cửu chủ lán bảo tôi chuyển sang bới ở bên cạnh cho rộng, dùng dằng mãi tôi mới đồng ý. Chừng 20 phút sau khi chuyển sang chỗ mới, tôi bới thấy một túi bóng màu xanh, trong đó chứa đầy giẻ rách và những thứ vớ vẩn. Xé cái túi ra, tôi thấy một miếng rời màu vàng và một dây gồm mười miếng màu cũng giống như thế nữa. Tất cả đều in rõ chữ SJC 9999 của Công ty vàng bạc gì đó ở Sài Gòn. Giấu cái dây vàng vào trong bao tải chứa rau thừa tôi đem một miếng vào cho anh Cửu xem vì vẫn ngờ đó là vàng giả. Sau khi lấy dao gọt một tí ở bên cạnh, anh ấy xác định đó chính là vàng thật, tôi cất nốt cây vàng đó để tiếp tục đi bới túi bóng, tìm đồ nhựa, bán phế liệu tới tận sáng mới về”.
Vợ chồng Ngà - Hưng từng nhặt được 11 cây vàng từ bãi rác
Vợ chồng chị Ngà anh Hưng từng nhặt được 11 cây vàng từ bãi rác.
Tin chị Ngà nhặt được vàng còn bay nhanh hơn cả tin cháy nhà, chết người. Anh em họ hàng kéo đến chật sân để xem. Sau khi làm 20 mâm cỗ thết đãi họ hàng, làng xóm anh chị cùng nhau xuống phố Nỉ (Sóc Sơn) bán vàng. Chị vẫn nhớ, giá vàng khi ấy là 27 triệu đồng một cây. Đang bới rác, tự dưng có nhiều tiền, anh chị mới tính làm ăn lớn bằng cách mua thuyền hành nghề hút cát. Được độ một năm, phí “luật lá” cho công an giao thông, tiền mua mặt nước, mua đất trên bờ nhiều không kham nổi, họ bán thuyền, lát được cái sân, sắm cái xe máy còn đâu gửi tất vào sổ tiết kiệm.
Người ta nói “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí” nhưng không hẳn, năm 2011, vận may một lần nữa lại đến với chị Ngà khi nhặt được 200 USD và một triệu đồng. Chị Ngà rất có kinh nghiệm với chuyện nhặt được tiền của bởi đã tìm ra “mẫu số chung” là tiền thường nằm trong gối, trong gói giấy, túi xách và phong bì.
Lắm khi có những cái phong bì quên chưa bóc đã bị quẳng nhầm ra bãi rác, trong đó còn ghi rõ “Chúc mừng hạnh phúc hai cháu” hay “Kính viếng vong hồn cụ”. Kỳ quặc hơn, có dịp chị Ngà còn nhặt được cả một con rùa nặng tới 2 kg còn sống nguyên: “Tôi thấy cái bao tải cứ động đậy, rồi có tiếng kêu “khù khù” bên trong, tò mò nắn thấy cái mai to to đã mừng, tưởng con ba ba không ngờ là con rùa. Nghĩ rùa không bán được giá nên tôi đành đem đi cho”.
Những con vật nhặt được ở bãi rác còn sống như vậy rất hiếm, phần đa chúng đã chết từ lâu. Tuy nhiên, rác của người này nhiều khi lại là cơ hội của người khác, mà lắm lúc cơ hội đó có nhiều phần tội lỗi. Trước đây chó chết chưa thối, bụng còn xẹp, thân còn cứng người nhặt rác ở bãi Nam Sơn vẫn đem bán cho các chủ thu gom để rồi họ tuồn vào… hàng ăn với giá 40.000-50.000 đồng một con.
Hai năm gần đây, chó chết không có người thu mua nữa nhưng mèo chết lại hút hàng. Có bao nhiêu, hết bấy nhiêu. Con to bán 15.000 đồng, con nhỏ 5.000-10.000 đồng một con; nghe nói để lấy xương phục vụ cho việc đấu vào cao mèo, cao khỉ.
“Ai ra bãi rác cũng muốn có bát cơm ăn chứ không ai muốn húp cháo nên cạnh tranh nhau quyết liệt lắm, có vụ còn dùng gạch đánh nhau đến chết. Trước đây xe ô tô vừa đổ, người dân đã lao vào làm, lắm khi rác trùm kín cả lên người. Giờ, thấy nguy hiểm, xí nghiệp ra quy định xe đổ xong mới cho người vào bới thế mà vẫn có trường hợp hít phải khí độc, ngất lịm phải đi cấp cứu”, lời một người nhặt rác.
Lịch sử bãi thải Nam Sơn mười mấy năm hoạt động nay mới có người nhặt được vàng, tiền với số lượng lớn như chị Ngà. Tiền tìm người chứ ít khi người tìm được tiền. Người ta nhặt được đủ thứ từ kíp mìn, súng ngắn, lựu đạn hay thậm chí cả dao, kiếm dính máu vừa thanh toán ân oán giang hồ nhưng người trúng quả thực sự như chị Ngà còn hiếm hơn cả chuyện tìm vàng trong bãi rác.