Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

Gặp thầy lang được xôn xao 'bắt mạch tìm bách bệnh'

(VTC News) – Thầy lang Nguyễn Đức Hai được cho là bắt mạch có thể tìm ra bách bệnh, thực hư thế nào?
“Khám không ra bệnh, cứ tìm tôi”
Trong một cuộc trò chuyện về những bài thuốc Đông y có khả năng chữa tận gốc nhiều bệnh, phóng viên được một bác sĩ Tây y giới thiệu về một thầy lang. Ông có khả năng điều trị và giúp cai nghiện trong vòng 40 ngày.
Thầy lang Hai có thbắt mạch ra bách bệnh.
Người thầy lang này được vị bác sĩ mô tả có đôi mắt thông minh, kiến thức uyên thâm nhiều lĩnh vực. Đó là thầy lang Nguyễn Đức Hai.
Căn nhà của thầy lang Hai khá khiêm tốn nằm trong tập thể bệnh viện 103. Phòng ngoài được dùng để tiếp bệnh nhân, bắt mạch, kê đơn. Trên kệ đầy ắp những vị thuốc Đông y được ghi tên bên ngoài lọ cẩn thận. Khi tôi đến, thầy Hai đang bận nấu cao thuốc ở phía sau nhà.
Trước khi đến, phóng viên đã gọi điện cho thầy Hai muốn biết về phương thuốc cai nghiện, nhưng rồi được biết, thầy Hai còn có thể bắt mạch tìm ra bách bệnh. Hơn nữa, thầy còn chữa căn bệnh quái ác: bệnh ung thư nên phóng viên muốn tìm hiểu ngay về khả năng bắt mạch, cũng như điều trị ung thư của thầy lang này.
Khi đến khám Tây y, bao giờ bệnh nhân cũng kể bệnh, kể đau, nhưng khi gặp thầy Hải, phóng viên không kể bất cứ tiền sử bệnh gì và đưa tay cho thầy bắt mạch. Khi mới tiếp xúc, nhiều câu hỏi còn treo lơ lửng trong đầu tôi về khả năng của thầy.
Đầu tiên, thầy Hai bảo tôi xoa cổ tay. Sau đó, thầy dùng tay mình xoa lên tay tôi. Như thầy bảo là để cho tay người bệnh nóng giúp thông kinh mạch. Còn thầy lang xoa tay bệnh nhân là để từ trường giữa 2 người hòa hợp. Khi bắt mạch, cần tập trung toàn bộ tư duy vào mạch.
Mỗi vị trí trên mạch tương ứng với tạng phủ khác nhau. Thầy nhẹ nhàng ấn đầu ngón tay lên mạch tay trái tôi. Thầy Hai nói: “Xem mạch nông (mạch phù) sẽ biết được bệnh của ruột non, đại tràng, mật, bàng quang, dạ con… Ấn vào mạch sâu phía dưới là biết được vị trí tim, tim to hay nhỏ.
Cũng bằng phương pháp bắt mạch, thầy Hai có thể nói rằng bạn có u xơ hay u ác. Tôi khá thắc mắc về những kết luận này. Vì trong Tây y, để biết có bị u hay không cần chụp, chiếu rất cẩn thận. Nhưng vị thầy lang phân tích mọi thay đổi của cơ thể đều biểu hiện qua mạch.
Khi bắt mạch người bệnh ung thư sẽ có những dấu hiệu đặc trưng trên mạch mà bất cứ người nào bị bệnh cũng có. Hàng ngàn năm nay, bắt mạch tìm bệnh đã được nghiên cứu, ứng dụng. Ngoài ra, để bắt mạch và tìm ra bệnh còn tùy thuộc tay nghề, khả năng của mỗi thầy thuốc.
Thầy Hai tập trung vào từng mạch đập. Bắt mạch nào, thầy kể bệnh ngay và giải thích, chỗ mạch này tương ứng với bộ phận gì của cơ thể.
Thầy bảo: "Chị bị thiếu máu não, viêm xoang đã ổn định, phổi không khỏe, thận phải có cặn, đau lưng… và những trục trặc của cơ thể khác". Về cơ bản, những thông tin này khá đúng với tình hình sức khỏe của tôi.
Kinh nghiệm bắt mạch của thầy Hai được đúc kết trong cuốn sách này. Nhưng để bắt mạch ra bách bệnh, cần có khả năng của chính thầy thuốc. 
Năm 2010, thầy lang Nguyễn Đức Hai có in cuốn sách: “Kinh nghiệm bắt mạch” dựa trên 28 bộ mạch cổ, nhưng đặt nó vào vị trí cụ thể ở từng tạng phủ con người để chẩn đoán sát bệnh rồi mới ra phương thuốc hợp lý từng bệnh, từng người.
PGS.TS: Phạm Văn Trịnh, Hiệu Trưởng trường Y dược Tuệ Tĩnh viết lời giới thiệu sách rằng: “Mạch chẩn là phương pháp bắt mạch không những dùng để chẩn đoán bệnh mà còn dùng để chẩn đoán tiền vận, hậu vận của người được bắt mạch mọt cách tương đối chính xác”.
Như vậy, có thể thấy rằng, từ việc bắt mạch có thể tìm ra nhiều bệnh. Nhưng có chính xác hay không lại phải do tay nghề của thầy thuốc. Có lẽ tin vào tay nghề bắt mạch, tìm bệnh của mình mà thầy Hai nói như đinh đóng  cột: “Đi khám khắp nơi, không tìm ra bệnh thì đến gặp tôi”.
Chữa ung thư, bệnh nhân tiến triển tốt
Thầy Nguyễn Đức Hai nói rằng thuốc của thầy có thể chữa được bệnh ung thư phổi, đại tràng…  Điều này, tôi không thể tin tưởng vì cần nhiều bằng chứng cũng như kết quả từ việc khám chữa bệnh cụ thể trước và sau điều trị.
Ông Hà Ân lấy thuốc ung thư đại tràng cho em là bà Thanh. 
Nhưng điều có thể thấy là, bệnh nhân ung thư dùng thuốc của thầy nhiều người có tiến triển tốt.
Chị Trần Thị K. O (Quan Nhân, Thanh Xuân, Hà Nội) bị ung thư vú, đã đi xạ trị, hóa trị nhưng chị mệt mỏi vô cùng, nằm bẹp một chỗ, không ăn uống gì được. Sau khi được người mách, chồng chị O. mời thầy Hai về tận nhà bắt mạch và cho thuốc.
Sau một thời gian sử dụng từ 4/8/2012, đến 16/9, chị O. đã đi lại được, ăn ngon, ngủ tốt thấy khỏe. Nói chuyện với phóng viên, chồng chị O. bảo: Xạ trị, hóa trị cũng giúp cho chị O. nhưng từ ngày dùng thuốc, sức khỏe cải thiện nhiều.
Còn bà Hà Thị Thanh (60 tuổi, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vốn bị ung thư trực tràng, không phẫu thuật mà tiến hành xạ trị tại viện K 3 tháng.  Sau đó, tình hình bệnh rất bi đát, bà Thanh đi ngoài vẫn táo bón, mệt mỏi vô cùng.
Đến 2/10/2012, bà Thanh bắt đầu đến bắt mạch và dùng thuốc ung thư của thầy lang Hai, hiện đỡ mệt mỏi, đã cuốc đất trồng ngô được.  Bà Thanh vốn là thanh niên xung phong. Thi đại học đỗ nhưng vì thất lạc giấy gọi đi học, bà đành ở nhà làm ruộng và chăm mẹ già.
Khi mẹ mất, bà Thanh ở vậy. Ông Hà Ân, là anh trai bà Thanh đã tận tình giúp em điều trị bệnh. Đều đặn, khi hết thuốc, ông Ân lại đến lấy và gửi về cho bà Thanh dùng. “Hiện khối u không phát triển, vừa rồi đi khám, khối u đã nhỏ lại”, ông Ân nói.
Về nguyên tắc chữa ung thư, thầy lang Hai cho biết: “Phương pháp chữa trị ung thư là phá khối u, không cho phát triển, giải độc ra bên ngoài cơ thể và nâng cao sức đề kháng của cơ thể”.
Từng loại thuốc ung thư thầy Hai kê cho bệnh nhân là những túi gồm hàng ngàn viên nhỏ, đóng gói. Thầy còn dẫn tôi xuống nhà dưới xem từng nồi thuốc to đùng đang đun để cô thành cao đặc. Nhìn những nồi thuốc này, tôi chỉ hy vọng nó mang lại hiệu quả cho những người mắc bệnh nan y.
Độc giả từng gặp những phương thuốc chữa trị bệnh hiệu quả có thể thông tin đến báo VTC News. Chúng sẽ tìm hiểu và thông tin rộng rãi tới bán đọc. Trân trọng cảm ơn quý độc giả.

Tử thần trong hoa trái quanh ta

SGTT.VN - Như chúng ta đã biết, mỗi loài muốn tồn tại đều trang bị một thứ vũ khí cho riêng mình và được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thứ vũ khí đó có thể vô hại với loài này nhưng rất lợi hại với loài khác. Trong bài này, chúng ta cùng tìm hiểu một số loài thực vật ở nước ta có độc tố hiểm nguy với con người.

Cây ngót nghẻo: ăn là nghẻo


Không chỉ ở các dãy núi cao mà ở các khu rừng ngập mặn ven biển từ Huế đến Cà Mau cũng phân bố một loài thực vật có hoa đẹp rực rỡ nhưng có độc tính cao: ngót nghẻo – Gloriosa superba. Đây là một loại cây sống lâu, thân thảo dài 1 – 2m, lá hình mũi mác, đầu tận cùng bằng một tua cuộn hình xoắn ốc quấn bám cho thân leo. Trái dạng nang hình chuỳ dài, chứa nhiều hạt, khi chín có màu đỏ tươi. Mùa hoa vào tháng 5 – 6, mùa quả từ tháng 6 – 8. Độc nhất ở rễ củ. Chất độc đáng lưu ý có trong cây là colchicin, chỉ cần 5mg cho 1kg thể trọng cũng đủ gây chết rất nhanh. Ngộ độc do ăn phải cây ngót nghẻo gây bệnh cảnh cấp tính sau 2 – 6 giờ, đau rát miệng, khát nước sau đó nôn, buồn nôn dữ dội, đau bụng và tiêu chảy, tiêu máu nặng dẫn tới truỵ tim mạch, rối loạn tri giác, co giật, suy hô hấp, tiểu máu, thiểu niệu. Diễn tiến xuất huyết, thiếu máu, yếu cơ vào những ngày thứ hai, thứ ba tiếp theo. Nếu qua khỏi thường bị rụng tóc sau 1 – 2 tuần.

Cây lá ngón: vẻ đẹp thần chết


Khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống các cánh rừng ở độ cao 200 – 2.000m, cũng là lúc loài lá ngón Gelsemium elegans khoe sắc từng chùm hoa vàng rực rỡ. Nhưng chỉ cần một chiếc lá mỏng manh hay chùm hoa đẹp đẽ kia có cơ hội xâm nhập vào cơ thể các loài máu nóng, lập tức các độc tính ancaloit sẽ gây ra triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó là mỏi cơ, giảm thân nhiệt, hạ huyết áp, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và chết rất nhanh do ngừng hô hấp. Mức độ độc của cây giảm theo thứ tự: rễ, lá, hoa, quả, thân cây. Các nhà khoa học đã tìm thấy 17 đơn phân ancaloit gây độc được chiết ra từ lá ngón.

Nước của rau má tươi nguyên cây rửa sạch và giã nát có thể giải độc lá ngón, hoặc giã nhỏ cây rau muống lấy nước uống, hoặc cho nạn nhân uống nước phân trâu, phân bò để nôn độc tố ra...

Cây sơn: sơn ăn tuỳ mặt

Cây sơn có tên khoa học Rhus succedanea được trồng rất phổ biến ở nước ta (vùng Phú Thọ) để lấy nhựa, và cũng mọc tự nhiên trong rừng. Cây có chất nhựa, được nhân dân ta chế ra “sơn ta” để gắn gỗ, làm đồ thủ công mỹ nghệ, sơn mài. Chất laccol trong sơn ta gây dị ứng mạnh đối với da. Những người có cơ địa dị ứng chỉ đi ngang qua cây hay ngửi thấy đã bị lở sơn và lở nặng, bỏng rát, khó chịu.

Chữa lở sơn cần tránh rửa nước lã, tránh gãi hoặc chà xát lên chỗ da bị tổn thương; có thể dùng lá khế tươi giã nát đắp lên; chấm nước chè tươi, nước lá bàng, hoặc nước muối sinh lý (0,9%) vào vết thương; dùng lá sen khô, sắc lấy nước đặc rửa chỗ lở sơn mỗi ngày 2 – 3 lần; nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn thì chấm thuốc tím pha thật loãng 1/4.000 lên chỗ tổn thương và cần dùng thêm kháng sinh toàn thân. Có thể uống các thuốc kháng histamin chống dị ứng. Cách tốt nhất để không bị “sơn ăn tuỳ mặt” là tránh tiếp xúc với loài cây này.

Cây sui (thuốc bắn): bò rừng cũng chết


Cây sui (Antiaris toxicaria) còn được gọi là cây thuốc bắn, được một số vùng phía Bắc nước ta dùng làm chăn, nhưng lại có độc tố khủng khiếp nhất. Từ xa xưa, các thợ săn dân tộc ít người ở miền núi đã biết dùng nhựa của loài cây này tẩm vào mũi tên săn thú rừng, chỉ cần một phát trúng đích thì ngay cả một con bò rừng cũng không có cơ hội sống sót! Bị nhựa sui bắn vào mắt sẽ gây viêm sưng có khi mù, nếu nhựa dính vào vết thương hay trên da bị trầy xước lập tức ngộ độc với triệu chứng rầm rộ và rất nhanh: các cơ giãn ra trong đó có cơ tim, khiến nhịp tim chậm dần và ngừng hẳn, người nhão, mềm, mắt nhắm nghiền và mặt xanh tái.

Khi đi rừng, nếu bị nhựa sui bắn vào mắt hay dây vào vết thương, cần nhanh chóng rửa sạch, khẩn trương đưa đi cấp cứu.

Cây sừng trâu: hạ cả trâu


Sừng trâu Strophanthus caudatus thuộc họ trúc đào Apocynaceae (một loài có độc tính), hoa rất đẹp, quả ngộ nghĩnh như chiếc sừng trâu, nhưng độc tính thuộc loại mạnh. Cả lá, rễ, hạt và nhựa đều độc.

Nhựa cây sừng trâu thường được trộn với nhựa cây thuốc bắn để tẩm vào mũi tên săn thú. Hạt là nguyên liệu chế strophanthin pha thuốc tiêm trị bệnh tim vì trong hạt chứa các glycozit có tác động đối với tim (nhưng dùng quá liều chỉ định sẽ gây ngộ độc). Khi ngộ độc, người bồn chồn vật vã, nôn kéo dài gây hội chứng mất nước và rối loạn điện giải, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, ù tai thở khó, mắt mờ dần và nhịp tim rối loạn, lúc nhanh lúc chậm, triệu chứng rầm rộ. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong trong vòng 48 giờ. Bị ngộ độc cần khẩn trương gây nôn, rửa dạ dày, cho uống thuốc tẩy, nằm nơi thoáng, yên tĩnh và truyền dịch, tiêm thuốc trợ tim...

Cây bồng bồng: hoa độc bên đường


Bồng bồng có tên khoa học Calotropis gigantea, có hoa to, đẹp và mọc rất nhiều ven đường các tỉnh miền Trung. Nhựa của nó với liều thấp sẽ gây nôn, liều cao gây độc mạnh như nhức đầu, chóng mặt, sốt, nổi ban khắp người, yếu sức sẽ bị ép tim, ngủ lịm, khó thở.

Đây cũng là cây thuốc thường được dùng chữa kiết lỵ nhẹ, dùng ngoài trị viêm khớp, đắp lên ghẻ mụn, các vết loét, lậu, giang mai; trộn với mật ong đắp lên các mụn loét trong miệng. Tẩm vào bông rồi vò viên nhét vào lỗ răng đau sẽ làm ngưng đau nhức.

Lưu ý: nếu chúng ta không kiểm soát được độc tính của loài này, xin đừng tự dùng chữa bệnh như đã nêu.

"Lịch trình" lão hóa của các bộ phận trong cơ thể

Theo thời gian, cơ thể con người sẽ bị lão hóa, thể hiện bằng những biến đổi về hình thái và chức năng của các bộ phận của cơ thể. Quá trình lão hóa không diễn ra đột ngột, mà đến từ từ.

Vậy hãy xem lịch trình lão hóa của các bộ phận trong cơ thể như thế nào nhé.
cơ thể lão hóa
Tim: Lão hóa từ tuổi 40
Ở tuổi 40, mạch máu dần mất đi sự đàn hồi, động mạch cũng có thể trở nên cứng hoặc bị tắc, nguyên nhân gây ra sự thay đổi này là do chất béo tích tụ ở động mạch vành. Điều này làm cho hiệu quả truyền máu của tim tới toàn bộ cơ thể cũng bắt đầu giảm xuống. Do đó, để giữ cho trái tim khỏe mạnh, tốt nhất bạn không nên ăn quá nhiều chất béo bão hòa.
Phổi: Lão hóa từ tuổi 20
Dung tích của phổi bắt đầu giảm dần từ tuổi 20. Ðến tuổi 40, một số yếu tố như lồng ngực biến dạng, các khớp bị cứng, nhu mô phổi giảm đàn hồi... kết hợp với sự xơ cứng ở cơ bắp và xương sườn buồng phổi có thể khiến cho nhiều người bị khó thở.
Hoạt động của phổi gặp khó khăn, đồng nghĩa với việc không khí sau khi hít thở sẽ lưu lại trong phổi nhiều hơn dẫn tới khó thở.
Da: Lão hóa từ khoảng tuổi 25
Cùng với sự giảm tốc của quá trình tạo collagen, da bắt đầu lão hóa tự nhiên từ tuổi 25. Các tế bào da chết sẽ không biến mất một cách nhanh chóng, trong khi lượng tế bào da mới có thể giảm đi chút ít. Kết quả là da sẽ xuất hiện nếp nhăn và trở nên mỏng hơn, ngay cả khi dấu hiệu lão hóa da ban đầu có thể đến tận tuổi 35 mới xuất hiện.
Ngực: Lão hóa từ tuổi 35
Phụ nữ đến tuổi 35, các mô vú và chất béo trong ngực bắt đầu mất dần, kích cỡ và sự căng đầy cũng giảm xuống. Từ tuổi 40, ngực phụ nữ bắt đầu chảy sệ, quầng vú (khu vực xung quanh đầu vú) bị thu hẹp mạnh.
Cơ quan sinh sản: Lão hóa từ tuổi 35
Cơ quan sinh sản của các chị em bắt đầu suy giảm sau tuổi 35. Nội mạc tử cung có thể trở nên mỏng hơn, khiến việc thụ tinh gặp khó khăn hoặc tạo thành môi trường kháng tinh trùng. Khả năng sinh sản của đàn ông cũng bắt đầu suy giảm ở độ tuổi này. Sau tuổi 40, chất lượng tinh trùng giảm xuống, nên khả năng có con của nam giới cũng có dấu hiệu suy giảm.
Cơ bắp: Lão hóa từ tuổi 30
Sau tuổi 30, tốc độ lão hóa của cơ bắp còn nhanh hơn cả tốc độ phát triển. Ở độ tuổi này, hầu hết chúng ta có xu hướng tích trữ chất béo nhiều hơn và đốt cháy lượng calo ít hơn nên cơ bắp dần bị mất đi. Qua tuổi 40, tốc độ lão hóa cơ bắp của con người càng tăng nhanh hơn. Thường xuyên luyên tập có thể giúp ngăn chặn sự .
Xương: Lão hóa từ tuổi 35
Sau tuổi 35, xương bắt đầu mòn và rơi vào quá trình lão hóa tự nhiên do các tế bào xây dựng xương hoạt động kém hơn. Xương của phụ nữ mãn kinh mòn nhanh hơn và có thể gây ra bệnh loãng xương. Kích thước và sự suy giảm mật độ xương có thể làm giảm chiều cao của bạn.
Răng: Lão hóa từ tuổi 40
Khi chúng ta già đi, lượng nước bọt tiết ra cũng ít đi. Nước bọt có thể rửa sạch vi khuẩn, nếu nước bọt ít đi, răng và nướu của chúng ta dễ bị hôi. Sau khi các mô nha chu mất dần, nướu răng sẽ bị thu hẹp, đây là triệu chứng thường gặp ở người lớn trên 40 tuổi.
Thính lực: Lão hóa từ khoảng tuổi 55
Hơn một nửa số người trên 60 tuổi có thể bị giảm thính lực do lão hóa . Triệu chứng này gọi là điếc lão hóa, là do sự thiếu “các tế bào lông” gây ra. Tế bào lông cảm quan trong tai có thể tiếp nhận sự rung động của âm thanh và truyền âm thanh tới não bộ.

Bán vé số đổi bút sách

TT - Có một ngày, nơi hành lang bệnh viện tôi thấy Nguyễn Thị Như Quỳnh (lớp 11A2 Trường THPT Gia Hội, TP Huế) liêu xiêu mời khách mua tờ vé số đầu năm... để đổi lấy bút mực, sách vở theo đuổi giấc mơ học hành.

Ít lâu sau, tôi tìm về nơi Quỳnh sống ở P.Phú Hiệp (TP Huế). Phải nói đúng như lời mẹ Quỳnh là cả nhà em đang “ăn nhờ ở đậu”. Mẹ Quỳnh sinh được sáu người con. Nhà nghèo đến mức cái giường cũng không có nhưng cả sáu đứa đều ngoan hiền, học giỏi. Những tấm vé số đã theo bước chân nhọc nhằn bao năm nuôi chị em Quỳnh học hành, khôn lớn.
Bước chân khó nhọc
Hạnh phúc khi kiếm tiền để học
Cô Nguyễn Trúc Anh, giáo viên Trường THPT Gia Hội - chủ nhiệm lớp Quỳnh, cho biết hầu hết thầy cô trong trường ai cũng biết Quỳnh vì thường xuyên gặp em bán vé số dọc đường. Khác với các học sinh khác tự ti về hoàn cảnh của mình, thấy thầy cô bạn bè thì tránh mặt, Quỳnh vẫn vui vẻ mời thầy cô mua vé số như bao khách hàng khác. Thầy cô nào hỏi về hoàn cảnh, em bảo vẫn thấy hạnh phúc khi chính mình đi làm để kiếm tiền đi học. Thấy thương nên ai gặp cũng mua ủng hộ cho em. Ở lớp Quỳnh không đi học thêm môn học nào cả nhưng vẫn đạt học sinh tiên tiến. Còn cô Lê Nguyễn Thanh Phương, giáo viên chủ nhiệm của Thảo, nói nhiều lần mẹ Thảo lên gặp cô xin khất học phí nước mắt lưng tròng nhìn thấy mà thương.
Cái nghèo đến mức tưởng chừng đã quật ngã chị em Quỳnh giữa đường đời khó nhọc. Nhưng không, những tấm vé số như buổi chiều 30 tết đã chở theo khát vọng đến trường của chị em Quỳnh. Chị Dung, mẹ Quỳnh, kể ngày chị và anh Lực lấy nhau, hai người chỉ có... bốn bàn tay trắng. Không biết “kế hoạch”, sáu con lần lượt ra đời trong cảnh khốn khó. Ngày đó, anh Lực còn khỏe, làm nghề bốc vác, chị không nghề ngỗng, chả có đồng vốn lận lưng đành xuống đường bán vé số. Con càng lớn, cuộc sống càng túng thiếu hơn. Tiền trọ không đủ. Vậy là cứ vài tháng anh chị lại dắt díu con đi tá túc hết chỗ này đến chỗ khác. Vì bốc vác quá sức, anh Lực bị đứt dây chằng, không làm được việc nặng.
Nhưng giữa căn nhà trọ tối tăm ấy, trong đầu mấy đứa trẻ vẫn ánh lên khát vọng học hành. Anh Lực chị Dung cũng vậy, trong giấc mơ của họ luôn thôi thúc ước vọng cho con được đến trường. Rồi ngày đầu tiên các con bước đến lớp, cũng là lúc miếng cơm manh áo rượt đuổi anh chị. Không còn cách nào khác, cứ đứa nào đến tuổi biết đếm tiền là anh chị cho xuống đường bán vé số. Biết cái nghèo đang quấn vào lưng cha mẹ, mấy đứa trẻ ngoan hiền bước vào cuộc mưu sinh.
Quỳnh giờ đẹp như đóa hoa, đã là cô nữ sinh lớp 11A2 Trường THPT Gia Hội (TP Huế). Quỳnh kể em bắt đầu theo mẹ và anh trai đi bán vé số từ năm lớp 7. Quỳnh tâm sự mới đầu khi đi bán em thấy mặc cảm, xấu hổ. Lên lớp bị bạn bè trêu chọc, tủi thân nhưng sợ mẹ buồn, Quỳnh chỉ biết đứng khóc một mình. Nhưng ngày qua ngày, cầm đồng tiền kiếm được từ giọt mồ hôi đổ xuống và được tiếp tục đến trường, lòng Quỳnh nhẹ nhõm hơn. Bạn bè cũng hiểu ra mà thương Quỳnh. “Hồi đó, con cứ nghĩ nhà mình nghèo cứ lo cho miếng ăn của mình đã. Mình có đi ăn cắp, ăn trộm mô mà sợ chú hè” - Quỳnh nhớ lại.
Nghèo túng nhưng chị Dung luôn động viên các con cố gắng học, sống tình nghĩa. Chị Dung chia sẻ: “Vì chồng bị bệnh không kiếm đủ tiền nuôi con nên đành cho con xuống phố bán vé số. Đôi lúc thấy thương con đứt ruột. Bọn trẻ bằng vai phải lứa với chúng chỉ biết lo ăn, lo học, còn con mình 4g-5g sáng đã phải lụi cụi thức dậy đi bán. Chị chỉ biết động viên con nhìn đời cha mẹ vất vả mà cố gắng học hành, với cầu mong sau này đổi thay. Dù có đói khổ, thiếu miếng ăn nhưng bằng mọi giá phải cho con học”.
Đường đời chông chênh
Ngoại trừ ba em nhỏ chưa biết đếm tiền, còn lại anh trai và em gái Quỳnh cũng theo mẹ đi bán vé số để được một buổi đến trường. Tám miệng ăn chỉ trông chờ vào ba đồng tiền ít ỏi kiếm được từ bán vé số của bốn mẹ con.
Hình ảnh cô bé Quỳnh tuổi 17, đôi dép cũ kỹ mòn đến gót chân bước gấp, trên tay em cầm tập vé số khiến không ít người thương cảm. Nhưng ít ai biết tấm thân mảnh dẻ ấy cầm xấp vé số xuống đường mỗi ngày là để đổi bút sách. Chị Dung tâm sự: “Năm nay, Tiến - con trai đầu học lớp 12 - nên chị không cho đi bán vé số nữa mà tập trung ôn thi đại học. Trong lúc bạn bè chọn ngành này ngành khác để thi thì Tiến chỉ có một lựa chọn: ngành nào không đóng học phí”.
Chị Dung nói Tiến sẽ thi vào trường công an để khỏi phải đóng học phí. Tiến nghỉ bán, gánh nặng càng đặt lên vai Quỳnh và em gái của mình là Nguyễn Thị Như Thảo đang học lớp 8. Quỳnh với Thảo học khác buổi, cứ thay nhau chị sáng, em chiều cùng mẹ “cày cuốc” lấy tiền cho anh mua thêm sách học ôn thi. Mỗi buổi sáng mẹ chở Quỳnh bằng xe đạp 7km lên bỏ lại ở đại lý. Nhận vé xong, mẹ con chia nhau rảo quanh phố phường. Có ngày xe hư không đủ tiền sửa, hai mẹ con phải lủi thủi cuốc bộ từ sớm.
Như quy ước, cứ đến 10g hai mẹ con lại chở nhau về để Quỳnh sửa soạn bài vở đi học. Buổi chiều mẹ và em Thảo tiếp tục đi bán, rồi đợi khi Quỳnh tan trường ba mẹ con tranh thủ bán thêm buổi tối ở các quán nhậu. Lầm lũi cả ngày nhưng mấy mẹ con cũng chỉ kiếm độ 150.000 đồng. Số tiền ít ỏi chỉ đủ lo cơm mắm, còn tiền học phí của con xoay xở vô vàn khó khăn. “Có đêm Quỳnh ôm chặt vai mẹ khóc năn nỉ cho được nghỉ học để phụ mẹ nuôi em. Nghe từng lời con tui như đứt ruột nhưng không dám khóc trước mặt nó. Rồi mấy mẹ con động viên nhau cố gắng cho qua ngày đoạn tháng” - chị Dung nói.
Quỳnh khoe: “Tất cả áo, dép con mang trên người là của chị Trân đó”. Chị Trân là ai? Quỳnh nói là người chị tốt bụng học ở Trường chuyên Quốc Học mà Quỳnh gặp trên đường đi bán vé số. Tất cả áo quần chị Trân cho Quỳnh rất ưng ý vì mặc vừa vặn không phải tốn tiền sửa lại. “Từ ngày còn bé đến giờ, mấy anh em chưa lúc nào biết đến tấm áo mới, toàn được cho mặc lại” - Quỳnh ngậm ngùi.
Lê Trần Ngọc Trân, người hay cho Quỳnh quần áo, tâm sự: “Quỳnh tỏ ra là một người sống lạc quan với chính cuộc sống của mình. Dù thiệt thòi hơn bao bạn khác nhưng chưa bao giờ em thấy Quỳnh tự ti”. Thậm chí Quỳnh còn xem đó là phúc phận để bước tiếp.