Thứ Tư, 27 tháng 3, 2013

Người bán vé số trả 39 triệu đồng cho người đánh rơi

TT - Ngày 25-3, ông Nguyễn Văn Ửng - chủ tịch UBND xã An Ngãi Trung, huyện Ba Tri (Bến Tre) - xác nhận bà Trương Thị Vân (47 tuổi, ngụ ấp An Định 2, xã An Ngãi Trung) nhặt được túi xách có 39 triệu đồng vào ngày 19-3 khi đang đi bán vé số và đem giao cho công an xã truy tìm, trao trả cho người bị mất.

Mới đây chủ nhân chiếc túi xách này đã đến nhận lại tài sản. “UBND xã sẽ tặng giấy khen biểu dương bà Vân là tấm gương người tốt việc tốt, không tham của rơi dù hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo” - ông Ửng nói.

Bà Vân đi bán vé số nuôi con - Ảnh: Trường Giang
 
Theo UBND xã An Ngãi Trung, đây không phải lần đầu bà Vân nhặt được của rơi và đem trả cho người bị mất. Bà Vân sống với hai con, đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ học mẫu giáo. Cuộc sống của ba mẹ con chỉ trông chờ vào tiền lời bán vé số hằng ngày của bà. Trò chuyện với chúng tôi, bà Vân nói: “Tui nghĩ đơn giản túi xách của người nào đó vô tình đánh rơi và họ đang rất lo lắng. Nó không phải của mình thì lấy làm gì! Nếu người đánh rơi tìm lại được họ sẽ rất vui”.
Chiều 25-3, chúng tôi liên lạc với chị P. (người đánh rơi túi tiền, đang công tác trong ngành y tế ở huyện Giồng Trôm, Bến Tre) và chị xác nhận đã nhận lại túi xách với 39 triệu đồng.
Bà Vân là người phụ nữ thứ ba ở tỉnh Bến Tre nhặt được số tiền khá lớn và tìm cách đem trả lại cho người bị mất. Trước đó, chị Nguyễn Thị Út (ngụ xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm) nhặt được bọc tiền có 80 triệu đồng và đạp xe chạy theo trả lại cho người đánh rơi. Ngày 21-1, chị Nguyễn Thị Kiều Nga (ngụ xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) cũng nhặt được gói tiền 90 triệu đồng và mang trả cho ông Nguyễn Văn Sơn ở cùng xã.

Thực phẩm giúp chữa bệnh

(TNO) Theo các chuyên gia sức khỏe Ấn Độ, có một số loại thực phẩm có nhiều tác dụng chữa bệnh như chống ung thư, giảm hàm lượng cholesterol và chống bệnh tim mạch.

Trái kiwi
Những loại trái này có hàm lượng vitamin C, kali cao. Kiwi cũng có hàm lượng chất xơ cao hơn so với táo và chuối.
Loại quả này chứa nhiều dưỡng chất tốt cho những người có bệnh tim, ung thư hoặc bệnh về đường hô hấp.
Trái kiwi có đặc tính làm loãng máu tự nhiên, từ đó giúp giảm cholesterol xấu LDL và huyết áp trong cơ thể.
Tốt nhất là ăn kiwi ngay sau khi bạn cắt ra vì chúng chứa nhiều enzyme có thể bị mất chất khi tiếp xúc với không khí.
Nếu có thể, nên ăn 1-2 trái kiwi một ngày, theo báo The Times of India dẫn nguồn từ các chuyên gia dinh dưỡng Ấn Độ.
 Thực phẩm giúp chữa bệnh
 Trái kiwi - Ảnh: Shutterstock
Trái cherry
Trái cherry chứa nhiều chất chống ô xy hóa và vitamin.
Loại quả này cũng có hàm lượng đường tự nhiên tương đối cao, giàu chất xơ song lại chứa ít carbohydrate.
Chỉ số đường huyết chỉ ở 22, bạn có thể ăn trái cherry mỗi ngày nếu vào mùa.
Đậu
Không chỉ chứa nhiều chất xơ, đậu rất giàu vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng.

Chúng có chỉ số đường huyết thấp, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và sản xuất insulin.
Đậu cũng cung cấp một lượng lớn chất chống ô xy hóa cho cơ thể.
Ăn đậu có thể giúp cung cấp nhiều kali, magiê, vitamin B1, B2 và vitamin K, a xít béo omega-3 cho cơ thể. Cố gắng ăn đậu hai lần trong tuần.
Cải bó xôi
Đây là một nguồn giàu chất xơ, vitamin A và C cùng với a xít folic.
Ăn cải bó xôi giúp chống táo bón, tốt cho đường tiêu hóa nhờ vào nguồn chất xơ phong phú.
Ngoài ra, ăn cải bó xôi giúp phòng chống bệnh tim mạch, bệnh về mắt, bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt nhờ vào đặc tính chống viêm của nó.
Với lượng vitamin K cao, ăn cải bó xôi giúp củng cố xương chắc khỏe. Bạn phải ăn 400 g cải bó xôi mỗi hai tuần một lần.
 Cà rốt - Ảnh: Shutterstock
Cà rốt chứa nhiều dưỡng chất giúp tăng hệ miễn dịch - Ảnh: Shutterstock
Cà rốt
Cà rốt giàu chất chống ô xy hóa giúp cung cấp lượng vitamin A.
Cà rốt được biết giúp cải thiện thị lực và hỗ trợ trong việc duy trì huyết áp bình thường.
Chứa nhiều carotenoid, cà rốt còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt và bệnh ung thư vú sau mãn kinh.
Bạn cố gắng ăn cà rốt thường xuyên bởi vì nó giúp kích thích hệ miễn dịch bằng cách tăng cường sức khỏe ruột kết, và hỗ trợ sức khỏe của tai.

Đu đủ: rẻ tiền, giàu công dụng

SGTT.VN - Trong các vườn gia đình của nước ta, đu đủ là một trong những cây ăn trái được trồng phổ biến. Không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm bổ dưỡng, đu đủ từ lâu còn được xem là dược liệu có nhiều công hiệu đáng quý.

Trái đu đủ chín lẫn xanh đếu có công dụng riêng. Ảnh: Lê Kiên
Đu đủ có tên khoa học Carica papaya L., thuộc họ đu đủ (Caricaceae). Chúng là cây đa tính: các cây đực có hoa đực và hoa lưỡng tính, cây cái có hoa cái và hoa lưỡng tính. Trái kết từ hoa cái thường tròn, khoảng rỗng trong trái to, thịt mỏng, nhiều hạt. Còn các trái kết từ hoa lưỡng tính thì dài hình quả lê, có khi có những trái dị dạng do số lá noãn không phải là năm như bình thường mà chỉ có 2 hoặc 3, có khi đến 9 – 10 lá noãn hợp lại thành bầu một ô; thịt dày và chứa ít hạt.

Thức ăn bổ dưỡng

Người ta trồng lấy đu đủ chín làm thức ăn bổ dưỡng. Trong 100g ăn được của đu đủ chín có: nước 87,1%; protein 0,5%; lipid 0,1%; đường tổng số 11,8%, các vitamin B1 0,03mg; tương đương vitamin A 710microgram, vitamin C 73mg; vitamin B2 0,05mg, vitamin P 0,4mg; các chất khoáng: calcium 24mg, phosphor 22mg, sắt 0,7mg, natrium 4mg, kalium 221mg. 100g đu đủ cung cấp cho cơ thể 45 calo.

Trái đu đủ khi còn xanh cũng có nhiều công dụng: dùng nấu thịt (nhất là thịt ba rọi) cho chóng nhừ, luộc ăn, dùng muối dưa, làm mứt... Đu đủ xanh sống có tác dụng tiêu mạnh nhưng ăn nhiều thì xót ruột (do đó người đau dạ dày nên kiêng ăn). Lá đu đủ gói thịt trong vài giờ sẽ làm cho thịt mềm nhanh.

Thuốc hay đa dụng

Trái đu đủ chín có vị ngọt, rất bổ, ăn nhiều thì nhuận tràng, giúp tiêu hoá các chất thịt, các chất albumin. Những người táo bón nên ăn nhiều để thông đại tiện; nếu ăn nhiều thịt, trứng và thức ăn nhiều đạm, thì nên ăn đu đủ tráng miệng vừa làm thuốc tiêu thực tốt.

Người bệnh loét dạ dày, kém ăn, dùng đu đủ xanh nấu chín với thịt gà, ăn cách ngày trong vài tuần. Bị chấn thương bầm giập, dùng ngay trái đu đủ xanh xẻ đôi, đổ vào ly rượu trắng và đặt lên bếp nấu cho chín, đem ra áp lên vết thương, có thể bóp nát rồi băng lên. Để trị giun kim, dùng vài miếng đu đủ buổi sáng sớm, ăn lúc đói, liên tục 3 – 4 ngày. Lá đu đủ nấu nước dùng tẩy sạch vết máu ở vải và các vết loét, vết thương, sát trùng. Rễ đu đủ dùng chữa rắn cắn (rửa sạch nhai nuốt nước, lấy bã đắp). Hoa đu đủ được nấu lên dùng làm thuốc hạ sốt, chữa ho (phối hợp với các vị thuốc khác, hấp đường) và cũng dùng trị giun. Hạt đu đủ ép có thể chiết xuất 25% một loại dầu thực phẩm. Trong y học hiện nay, người ta dùng nhiều nhất là nhựa đu đủ làm khô mà thành phần chính là papain, một hoạt chất có rất nhiều tác dụng (tiêu hoá protid, biến đổi các chất có albumin thành pepton; còn làm dễ tiêu hoá và giải độc...).