Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

'Cuộc phiêu lưu' của tinh trùng đến với trứng

Các tinh trùng khỏe, 'năng động' sẽ vượt qua hàng rào niêm dịch cổ tử cung để đi tiếp. Số còn lại sẽ bị hủy diệt.

Bác sĩ Nguyễn Hồ Vĩnh Phước, khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, TP HCM cho biết, khi nam nữ giao hợp, tinh trùng được hòa với tinh tương tạo thành tinh dịch phóng vào âm đạo. Cuộc hành trình tìm đến trứng được bắt đầu.
Ngay sau khi được phóng vào âm đạo, tinh dịch đông đặc lại trong cùng đồ (nơi âm đạo bám vào tử cung). Khoảng một giờ sau, các men ly giải được hoạt hóa bởi pH axít của âm đạo sẽ ly giải khối đông và phóng thích tinh trùng. Bước tiếp theo, các tinh trùng khỏe, "năng động" sẽ vượt qua hàng rào niêm dịch cổ tử cung để đi tiếp. Số còn lại sẽ bị hủy diệt trong môi trường pH axít của âm đạo.
Hằng trăm tinh trùng đến được với trứng nhưng chỉ một tinh trùng giành chiến thắng để thụ thai. Ảnh minh họa: B.W.
Hằng trăm tinh trùng đến được với trứng nhưng chỉ một tinh trùng giành chiến thắng để thụ thai. Ảnh minh họa: B.W.
Từ tử cung đến đoạn bong của vòi trứng, tinh trùng di chuyển được bởi sự di chuyển tự thân của nó cùng nhu động (sự co bóp lượn sóng) của tử cung và vòi trứng. Với thân nhiệt của cơ thể, tinh trùng sẽ di chuyển liên tục từ 90 phút đến 120 để đến đích. Trên chặng đường này, một số lớn tinh trùng phải dừng cuộc đua vì bị giữ lại ở tử cung.
"So sánh các tinh trùng tại âm đạo, cổ tử cung và vòi trứng, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tinh trùng bất thường sẽ giảm dần. Cuối cùng, trong số vài chục triệu tinh trùng trong mỗi lần xuất tinh chỉ có khoảng vài trăm tinh trùng đến được nơi thụ tinh", bác sĩ Phước cho biết.
Ngay từ khi xuất tinh, tinh trùng không có khả năng thụ tinh mà phải trải qua giai đoạn hoạt hóa. Hiện tượng này xảy ra khi các tinh trùng đi qua nút nhầy niêm dịch cổ tử cung, dịch trong tử cung, dịch vòi trứng và dịch nang noãn. Trung bình thời gian sống của tinh trùng trong đường sinh dục nữ là từ 2-3 ngày.
Sự thụ tinh xảy ra khi tinh trùng tiếp xúc lớp ngoài của trứng, rồi dùng các men ở đầu của mình cùng những "cú quẫy đuôi" tạo lực để chui vào trong. Cuối cùng, chỉ một tinh trùng gắn chặt với màng của trứng sau đó thâm nhập vào màng bào tương của trứng.
Vai trò của đuôi tinh trùng chấm dứt khi tinh trùng đã vào được bên trong màng bào tương của noãn. Khoảng 10 giờ sau khi thâm nhập, bộ nhiễm sắc thể của loài sẽ được tái tạo trong hợp tử và 35 giờ sau, hợp tử đã ở giai đoạn hai tế bào và phát triển dần thành thai nhi cho đến ngày sinh.
Các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, vòng tránh thai, thuốc ngừa thai, xuất tinh ngoài sẽ khiến quá trình thụ thai không xảy ra.

8 bí quyết nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ

Sau khi sinh, bạn nên để con nằm cạnh mẹ hoặc đặt lên ngực. Bé sẽ có phản xạ tìm ti để bú. Càng lâu, phản xạ này sẽ mất dần.

Năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định thông điệp: "Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu nhằm đạt được sức khỏe, tăng trưởng và phát triển tối ưu". Các bác sĩ nhi khoa hàng đầu thế giới cũng đồng tình với kết luận này. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ cho rằng mình không có đủ sữa và sẵn sàng cho con bú sữa bột nếu thấy bé không tăng cân hoặc hay quấy khóc.
Thực tế, lượng sữa trong cơ thể mỗi người sản sinh theo nhu cầu bú của bé. Nếu bạn thường xuyên cho bé bú mẹ, sữa sẽ về nhiều dần và đáp ứng đủ. Nhưng nhiều bà mẹ không biết cách để duy trì dòng sữa tự nhiên, vốn được xem là tốt nhất cho trẻ nhỏ, không một loại sữa bột nào có thể sánh bằng.
1. Cho con tiếp xúc với mẹ từ sớm
Ngay sau khi sinh, bạn nên để con nằm cạnh mẹ hoặc đặt lên trên ngực. Bé sẽ có phản xạ tìm ti mẹ để bú. Càng để lâu, phản xạ này sẽ mất dần. Nhiều bà mẹ cho rằng, mình sau khi sinh chưa có sữa ngay (nhất là những người đẻ mổ) nên không cho con tiếp xúc với mẹ mà sử dụng ngay sữa bột. Bé đã quen ti bình sẽ mất phản xạ ti mẹ, dần dần "lơ là" việc bú mẹ.
Theo mẹ bé Daniel, đang sinh sống tại Anh, trong trường hợp mẹ đẻ mổ và gây mê, chưa tỉnh, bố có thể đặt con lên ngực mình, nhằm kích thích phản xạ của bé. Đây là những việc rất bình thường.
2. Cho con bú ngay sau khi sinh
Quan niệm cho rằng mẹ đẻ ra chưa có sữa ngay là sai lầm. Thực tế, bà mẹ nào cũng có ngay sữa non (màu vàng, khá đặc), cực kỳ tốt cho bé vì có chất đề kháng cao. Dạ dày bé lúc mới sinh ra còn nhỏ nên chỉ cần vài giọt sữa non, đặc là đủ no và ngủ ngon.
Trong những ngày đầu mới sinh, cơ thể bạn chỉ sản sinh ra một lượng nhỏ sữa (khoảng 10ml mỗi bên và bé phải bú trong khoảng từ 20 đến 30 phút mới có được lượng này) nhưng như vậy là đủ cho bé. Đừng vì sờ thấy ngực mình mềm hoặc vắt không ra sữa mà ngừng cho con bú. Sữa non đặc nên rất khó vắt, nhưng nếu bé bú thì sữa sẽ ra.
Việc cho con bú ngay sau sinh không chỉ giúp sữa về nhanh hơn mà còn giúp bé sớm làm quen với ti mẹ. Lúc mới đầu, ngực của bạn có thể mềm nhưng sau vài ngày, khi nguồn sữa ổn định, bạn sẽ thấy căng và đau.
3. Bú ít nhất trong vòng 20 phút
Khi sữa đã ổn định, bạn để ý sẽ thấy có hai loại sữa khác nhau mỗi khi bé bú: sữa đầu trong, loãng như nước, phun ra thành tia khi nhiều sữa và sữa béo, đặc, trắng đục, là nguồn dinh dưỡng giúp bé phát triển và no lâu. Sữa béo chỉ chảy ra từng giọt trắng đục vào lúc cuối. Vì vậy, các bạn nên cố gắng duy trì cho con bú ít nhất 20 phút mỗi bên ngực, nhằm cho con bú được nguồn sữa béo nhiều dinh dưỡng.
Chị Hoàng Lan, sinh con được 5 tháng tiếc nuối: "Hồi đầu mới sinh, lại là con đầu nên tôi không có kinh nghiệm, hoàn toàn nghe theo lời khuyên của bà nội và bà ngoại. Tôi lại bị cấm dùng máy tính nên không thể tìm hiểu thông tin. Tôi cho con bú đều cả hai bên ngực vì bà bảo như thế đỡ bị lệch sau này. Nhưng giờ mới biết, mình vô tình làm con không được thưởng thức sữa cuối nhiều chất béo".
4. Cho con bú cạn sữa
Nếu bạn để con bú hết sạch một bên ngực rồi mới chuyển sang bên kia thì những lần sau, sữa sẽ sản xuất nhiều hơn. Nhưng nếu chỉ cho con bú một nửa rồi chuyển sang ngực kia cho cân bằng, những lần sau cơ thể sẽ chỉ sản sinh ra lượng sữa theo nhu cầu ấy, khiến sữa không về nhiều.
Nếu bé ăn không hết, bạn có thể vắt nốt sữa và để dành trong tủ lạnh nhằm tận dụng những dòng sữa béo nhiều dưỡng chất, đồng thời duy trì sữa nhiều và đều cho cơ thể. Khi bé bú cạn cả hai bầu ngực, nguồn sữa mẹ sẽ nhanh chóng được "tái sản xuất" và về nhiều hơn.
Một cách khác để bạn áp dụng là nếu con không thể bú hết cả hai bầu ngực, hãy cho bé bú ngực trái trước, cạn hoàn toàn. Đến cữ bú sau, chuyển cho con sang bú ngực phải trước.
5. Vạch ra thời gian biểu ăn uống
Tùy nhu cầu ăn của từng bé mà bạn đặt ra kế hoạch ăn uống riêng cho con mình. Tuân thủ theo thời gian biểu để bé hình thành cảm giác no, đói đều đặn, đồng thời nguồn sữa mẹ cũng dồi dào hơn. Ví dụ, nếu bé khoảng 3 tiếng mới bú một lần thì bạn cần duy trì. Dù bé đang ngủ say, bạn cũng cần cho con bú đúng giờ hoặc hút sữa ra.
Khoảng cách thời gian lý tưởng cho mỗi bữa là 3 tiếng một lần. Nếu bé bú ít hơn 3 tiếng một lần (có bé háu ăn hoặc ít ngủ, 1 hoặc 2 tiếng đã đòi ăn rồi), mẹ sẽ khá mệt nhưng nếu không có sự lựa chọn vẫn nên làm. Còn nếu 4 tiếng mới cho con bú, sau một tuần lượng sữa sẽ giảm đi trông thấy, sau 2 tuần sẽ dần mất sữa.
6. Sử dụng máy hút sữa
Những ngày đầu mới cho bú, bé có thể chưa quen với thời gian biểu ăn uống do mẹ đặt ra, có bé ngủ ly bì thì mẹ có thể hút sữa ra để dành cho con. Ngoài ra, mỗi ngày hút ít nhất một bình cho bé tập bú bình song song với sữa mẹ. Cách này rất hữu dụng, nhất là khi mẹ có việc phải đi vắng thì người khác cũng cho bé ăn bằng bình thường, mà bé vẫn được bú sữa mẹ đều đặn.
Hút sữa lúc 10 giờ tối là tốt nhất để biết trung bình mỗi lần sản xuất ra được bao nhiêu ml sữa và quan sát được lượng sữa béo. Các bạn nên đầu tư một chiếc máy hút sữa điện, không dùng máy hút tay vì tốn thời gian mà sữa ra không đều. Dùng máy hút sữa điện thì khoảng 10 phút là xong một bên.
7. Mẹ phải ăn uống đủ chất, giảm stress
Nếu bạn quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, nên giữ mức cân nặng nhiều hơn trước khi có bầu khoảng 3kg, để đảm bảo có chất béo trong sữa cho con mau lớn. Thức ăn của mẹ nên có đầy đủ rau, quả, thịt, cá....
Không nên ăn kiêng trong lúc cho con bú. Nếu bạn không ăn thịt, con bú sẽ ngủ chập chờn, dễ hơn khóc vì có thể bé không bú được đủ sữa béo, giúp bé no. Khi con đang bú, bạn nên uống một cốc nước lọc để cơ thể không bị mất nước. Không nên uống nước hoa quả ngay khi con đang bú mà phải đợi bé ăn xong.
Việc giảm stress đối với các bạn mẹ mới sinh rất khó, bởi dễ bị xúc động, trầm cảm sau sinh. Tuy nhiên, nên ý thức được là mình không stress, ăn ngủ đầy đủ thì con có sữa để phát triển, dựa vào đó mà cố gắng.
8. Không cho con dùng sữa bột trong 6 tháng đầu
Dù thế nào cũng quyết tâm không cho con uống sữa bột. Nếu bé khóc quá mà bạn cảm thấy mình không có sữa, cứ mạnh dạn cho con bú vì trong người lúc nào cũng có sữa, chỉ là nhiều hay ít. Ngoài ra, bé chỉ cần ngậm ti mẹ cũng có thể say ngủ. Cứ cho con bú sữa bột là sữa mẹ sẽ tự động giảm đi.
Cho con bú nằm để mẹ cũng có thể ngủ luôn, giúp bạn đỡ mệt và stress. Đừng lo lắng là mẹ không đủ sữa con không đủ no nên phải ăn thêm, vì yên tâm chắc chắn nếu các mẹ làm theo những cách trên, thì có nghĩa là các mẹ đã sản xuất đủ cho con mình rồi đấy.