Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Chú cháu đoạn tuyệt vì 4 tờ vé số trúng giải

Chú mua 2 tờ vé số và nhờ cháu xem hộ kết quả nhưng không ngờ bị người cháu lấy luôn. Cuộc tranh chấp đã 2 năm chưa ngã ngũ.

Đã hai năm trôi qua, dù biết 4 tờ vé số trúng giải nhưng ông Mai Văn Tuấn (sinh năm 1940, ngụ TP HCM) vẫn chưa được lĩnh thưởng. Ông Tuấn cay đắng thừa nhận chuyện rắc rối bắt nguồn từ chính sự chủ quan của mình. Số là sau khi mua xong 4 tờ vé số, ông tin tưởng giao hết cho người cháu vợ là Lê Thanh (sinh năm 1948, ngụ TP HCM) dò giúp. Sau khi biết 4 tờ vé số trúng giải, ông Thanh đã tính cách ỉm đi để chiếm đoạt những tờ vé số trên. 
Đáp lại, ông Thanh không những kiên quyết phủ nhận mà còn tố ngược người chú đã vu khống mình. Đến tận bây giờ, sau năm lần bảy lượt “đóng cửa bảo nhau” không thành, ông Tuấn vẫn đội đơn, ngược xuôi khắp nơi để kiện tụng.
Sự việc về 4 tờ vé số gây nên tranh chấp bắt đầu vào chiều 4/11/2011. Ông Tuấn kể, hôm đó cùng người cháu bên vợ đang ngồi uống cà phê tại một quán nước tại ngã ba Phước Thiện (phường Long Thạnh Mỹ) thì có một phụ nữ mời đến mua vé số. Dù chẳng có nhu cầu nhưng nghe người bán năn nỉ, ông Tuấn tặc lưỡi rút ví mua giúp 4 tờ, loại vé của Công ty xổ số kiến thiết tỉnh Vĩnh Long phát hành, có 5 số đuôi là 062…
Mua xong, vì bận đi đón đứa cháu ngoại ở trường, ông Tuấn đưa cho ông Thanh 2 tờ nhờ dò giúp và không quên dặn: “Nếu trúng, mai chú cháu mình đi uống nước”. Đến sáng hôm sau, ông Tuấn quay lại quán cũ thì gặp ông Thanh và một số người khác đã ngồi sẵn. Tại đây, ông Tuấn đưa tiếp 2 tờ vé còn lại cho ông Thanh dò giúp. Khi ông Tuấn hỏi kết quả thì ông Thanh cho biết, toàn bộ 4 tờ vé số đều trật. Tin lời cháu, ông Tuấn ra về.
Mọi chuyện có lẽ sẽ êm đềm trôi qua nếu không có việc người phụ nữ bán vé số tìm đến tận nhà ông Tuấn thông báo 4 tờ vé số mua tại quán cà phê hôm trước đã trúng thưởng và ngỏ ý “xin lộc”. Ngớ người vì chưa rõ hư thực, ông Tuấn định bụng đến chiều cùng ngày sẽ quay lại hỏi ông Thanh. Thế nhưng, ý định chưa kịp hỏi thì ông đã thấy người cháu vợ đến tìm, dúi vào tay 1,5 triệu đồng.
xo-so-8084-1386990885.jpg
Ông Tuấn đã mang đơn đi kiện hơn 2 năm nay nhưng chưa có kết quả.
Khi ông Tuấn hỏi lý do biếu tiền thì ông Thanh tươi cười đáp: “Vừa trúng mánh lớn (ông Thanh làm cò đất). Nghi vấn đây là khoản “lót tay” lấy từ tiền chiếm đoạt những tờ vé số trúng giải, ông Tuấn hỏi vặn thì ông Thanh chối bay chối biến rồi bỏ về”.
Ông Tuấn cũng cho biết, không lâu sau khi dời đi, ông Thanh đột ngột quay lại rồi biếu chú thêm 8,5 triệu đồng nữa. Đón nhận sự “thơm thảo” hiếm có của người cháu, ông càng tin những tấm vé của mình đã bị biển thủ. Sau nhiều lần nhẹ nhàng thương thảo không thành, ông Tuấn đã làm đơn tố cáo lên cơ quan công an nhờ can thiệp.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, công an đã gọi hai bên lên làm việc. Thế nhưng ngay sau đó, ông Thanh đã phản ứng, làm đơn kiện ngược chú vợ vì “vu khống” mình. Theo tường trình của ông Thanh tại cơ quan điều tra thì sự việc liên quan đến 4 tờ vé số độc đắc lại diễn ra hoàn toàn khác.
Theo đó, chiều 4/11, ông có mua 2 tờ vé của người phụ nữ bán vé số (tình tiết như ông Tuấn kể như đã nói trên) trước sự chứng kiến của ông Tuấn và những người quen. Sau đó không lâu, người phụ nữ khác bán vé số cũng đến quán cà phê tiếp tục mời mua. Nhưng do không còn tiền, ông Thanh đã lắc đầu từ chối. Lúc ấy, ông Tuấn ngồi bên liền rút ra trả cho người bán vé (2 tờ vé của Công ty XSKT Vĩnh Long có 5 số tận cùng là 062…).
Trả xong, ông Tuấn đổi 2 tờ vé này với 2 tờ ông Thanh đã mua trước đó (theo ông Thanh thì ông Tuấn trả giúp tiền chứ không phải ông Tuấn mua) thì được ông Thanh đồng ý. Trước khi chào về, ông Tuấn có đưa cho ông Thanh giữ lấy 2 tờ vé mà dò, nếu trúng thưởng thì chú cháu chia nhau.
Ông Thanh khẳng định: “Sau khi dò thì 2 tờ vé số của tôi đã trúng giải nhất, số tiền nhận giải sau khi trừ thuế còn lại 57 triệu đồng”. Giải thích lý do biếu chú mình tiền, ông Thanh cho biết, vì tình chú cháu thân thiết xưa nay. Hơn nữa, hai tấm vé trúng thưởng là do ông Tuấn trả tiền giúp và đổi cho, nên ông mới biếu người chú số tiền 10 triệu đồng. Ông Thanh cũng liên tục khẳng định, ông Tuấn chưa từng nhờ ông dò vé số giúp.
Thế nhưng, tại cơ quan điều tra, người bán vé số sáng hôm ấy là bà Nguyễn Thị Tâm (ngụ TP HCM) lại khẳng định, chính bà đã bán cho ông Tuấn (chứ không phải ông Thanh) 4 tờ vé số của Công ty XSKT tỉnh Vĩnh Long có 5 số đuôi như trên và tất cả đều trúng giải nhất.
Ông Tuấn cho biết, khi lên công an thưa kiện, ông đã đem toàn bộ số tiền ông Thanh biếu sáng 4/11 làm chứng. Thế nhưng, cơ quan điều tra cho rằng chưa đủ cơ sở để buộc tội ông Thanh chiếm đoạt vé số nên đã trả lại hồ sơ và tiền. Được thể, lần này đến lượt ông Thanh làm đơn khiếu nại tội ông Tuấn vu khống và yêu cầu chú phải trả lại số tiền lộc 10 triệu đồng đã biếu trước đó với lý do “không thích cho nữa”.
Trước khi mua 4 tờ vé số trên, ông Tuấn và ông Thanh rất thân nhau. Dù là chú cháu nhưng hai người đã lên chức ông nên coi như bạn, lúc rảnh rỗi thường hay ngồi quán cà phê nói chuyện. Ông Tuấn không giàu nhưng rộng lòng. Vì thấy hoàn cảnh ông Thanh còn nhiều khó khăn, ông Tuấn thi thoảng vẫn hay giúp đỡ.
“Có lần, nhà nó (ông Thanh) không có tiền đi đám ma, tôi còn cho 500.000 đồng để khỏi mất mặt với xóm giềng. Thế mà giờ nó vì đồng tiền nỡ quên tình nghĩa. Với tôi thì giờ chẳng còn chú cháu nữa, hai nhà cũng coi nhau như người dưng. Hồi đi thăm bà chị dâu bệnh, tôi đã nói thẳng với nó là từ nay chỉ gặp nhau khi nào có tang ma mà thôi”, ông Tuấn bức xúc nói.
Ông Tuấn vốn là bộ đội kháng chiến, phải gánh chịu nỗi đau chất độc da cam, về già chỉ mong có cuộc sống yên bình. Vướng vào chuyện lình xình mấy tờ vé số, mọi sinh hoạt của ông hoàn toàn bị đảo lộn. Những lần họp chi bộ hay hội cựu chiến binh phường, những người bạn già hay đem chuyện trên ra hỏi, ông Tuấn lại ngậm ngùi xót xa.
Trúng thưởng không được nhận giải, ông Tuấn còn phải trả thêm rất nhiều khoản phí kiện tụng khác. Ông Tuấn bức xúc. “Tôi không ngờ nó lại tham lam và trắng trợn dựng chuyện đến vậy. Bằng ngần này tuổi, đầu bạc còn ngược xuôi đâm đơn kiện. Tiền mất đã đành, tôi xem như mình gặp hạn. Nhưng vì danh dự, tôi nhất định phải kiện đến cùng để làm cho ra nhẽ”.
Bà Mỹ (vợ ông Tuấn) buồn bã nói: “Ông ấy già rồi mà còn phải theo kiện tụng khắp nơi. Thân già thấp cổ bé họng cãi không lại được người ta, đành mặc cháu chắt láo xược như thế. Cả đời ông ấy phục vụ cách mạng, không lấy của ai một đồng, thế mà cuối đời lại mang tiếng thế này”.
Về phía ông Thanh, sau khi nhận tiền trúng số đã mua một mảnh đất và xây hẳn căn nhà khang trang kế bên đất nhà ông Tuấn. Thế nhưng, chẳng được bao lâu, nhà bị giải tỏa, số tiền đền bù thấp hơn giá mua, cả gia đình đành quay về sống ở ngôi nhà cũ. Cũng từ đấy, người ta chỉ thấy ông Tuấn một mình trầm tư ngồi uống cà phê ở quán nước cũ, nhưng chẳng thấy ông Thanh đâu nữa. Mỗi lần ông Thanh xuất hiện, dư luận lại nhỏ to đàm tiếu cho rằng ông Thanh sống đến bạc tóc mà vì tiền nỡ cạn tình.

Khốn khổ vì nhặt được 2,1 kg vàng

Sau khi nhặt được vàng, gia đình Ối bị nhiều người tới xin bố thí, phá phách vì ghen tức và bị chặt chém khi đi mua hàng.

Câu chuyện về Lô Văn Ối (ngụ bản Hào, xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, Nghệ An) bỗng nhiên nhặt được cục vàng nặng 2,1 kg năm 2009 vẫn là đề tài nóng đến giờ. Tuy nhiên, mỗi khi nhắc lại chuyện nhặt được cục vàng, chủ nhân của khối tài sản khổng lồ nói trên chỉ biết thở dài ngao ngán. 
Ông Lô Thái Sinh, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Tương Dương, Nghệ An) cho hay: “Nhiều người hiểu nhầm anh Ối bắt được vàng một mình. Thực tế thì anh ấy cùng với 9 người anh em họ hàng đi khai thác ở khe Pu hàng tháng trời mới đào được cục vàng đó. Đúng là Trời phù hộ cho họ, cả 9 gia đình này đều khó khăn lắm. Hiện nay, gia đình anh Ối đã bỏ nghề đãi vàng đi làm nương rẫy, cuộc sống nhiều khó khăn, phải chạy ăn từng bữa”. Ông Vi Văn Tiến (77 tuổi), Chủ tịch hội người cao tuổi xã Yên Hòa cho hay: “Nhặt được vàng nhưng cũng có khá giả hơn ai đâu. Hiện nay cuộc sống còn khổ nữa chứ”.
Cục vàng 2,1kg do anh Ối và những người anh em nhặt được.
Cục vàng 2,1kg do anh Ối và những người anh em nhặt được.
Hàng xóm cho hay, bấy lâu nay vợ chồng Ối thường gửi con cho nhà ngoại rồi vào rẫy trồng ngô, lúa, cả tuần mới về bản. Thấy người lạ, Ối lặng lẽ đi vào nhà và tìm cách lẩn trốn. Trong căn nhà khá đầy đủ tiện nghi với bộ bàn ghế gỗ đắt tiền, chiếc tủ lạnh, TV, chiếc giường ngủ hoành tráng… nhưng thái độ gia chủ lại không vui vẻ. Anh cười buồn: “Tôi thật sự không muốn nhắc đến chuyện cũ này nữa vì nó buồn hơn vui. Cách đây 4 năm, người dân đồn thổi tôi nhặt được cục vàng 2,1kg nhưng thực ra đó là thành quả chung của cả nhóm 9 người sau hơn tuần lễ trèo đèo, lội suối, đãi cát tìm vàng.
Trong nhóm người cùng đi đợt đó với tôi có hai người ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương), những người còn lại là anh em họ hàng sống cùng địa phương. Sau khi có cục vàng, chúng tôi vượt 50km đường núi, đưa ra thị trấn Hòa Bình bán được hơn một tỷ đồng. Số tiền đó được chia thành 13 phần, 8 người kia mỗi người được một phần, riêng tôi được 5 phần tương ứng với gần 400 triệu đồng. Sở dĩ tôi có được số tiền lớn hơn những người khác vì tôi là người phát hiện cục vàng đầu tiên”.
Lần đó, cầm tiền trên tay, Ối mừng lắm bởi cuộc sống gia đình nghèo đã đổi đời, trở thành đại gia thực thụ nơi phố núi Tương Dương. Trong ngày vui, Ối mổ thịt mấy con lợn chiêu đãi bà con dân bản. Kế tiếp, căn nhà lá lụp xụp mà cả gia đình đang sống tạm bợ bên sườn núi được phá đi, lấy đất xây lại ngôi nhà mới vững chắc hơn. 
Thời điểm đó, tính cả tiền công thợ lẫn tiền mua gỗ để dựng nhà, Ối đã phải chi mất hơn 200 triệu đồng. Số tiền còn lại, vợ chồng anh bắt xe ra thị trấn Hòa Bình (Tương Dương) mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình như bàn ghế, ti vi, tủ lạnh…
Sau đó, Ối còn thuê ôtô con chở cả gia đình xuống thành phố Vinh, bãi biển Cửa Lò (Nghệ An) vui chơi, ăn uống thỏa thích, điều mà trước kia họ chưa bao giờ dám mơ mộng tới. Đồng thời gia đình cũng không quên đầu tư mấy bộ quần áo mới cho cả nhà, anh em họ hàng. Tết Nguyên đán năm 2010, gia đình Ối ăn tết to nhất bản. Tuy nhiên, sau khi làm tất cả những điều đó thì số tiền còn lại không nhiều.
Sau khi nhặt được cục vàng, gia đình Lô Văn Ối có cuộc sống khấm khá hơn thật nhưng niềm vui ấy nhanh chóng bị mất đi khi Ối bắt đầu gặp những tình huống dở khóc, dở cười, thậm chí phải sống trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. “Nhiều lần ra thị trấn để mua đồ đạc, người nhà của tôi bị chặt chém giá cả cao hơn so với những người khác. Ai cũng nghĩ nhà tôi giàu lắm nhưng sự thực có như vậy đâu. Gia đình tôi chết khổ vì những lời bàn tán lắm rồi”, Ối bức xúc khi nhớ lại thời kỳ đó.
“Từ khi có vàng, nhiều người từ những nơi xa lạ kéo đến xin sự bố thí. Nhiều hôm gia đình tôi bị khủng hoảng tinh thần vì suốt ngày bị người lạ làm phiền”. Ối kể, lúc đầu có mấy người nghèo ở xã khác đến xin sự bố thí, thương tình anh cho tiền. Thế nhưng, chẳng hiểu người dân phao tin thế nào mà ít ngày sau dân từ xứ đều lũ lượt kéo đến xin giúp đỡ, khiến cuộc sống gia đình Ối đảo lộn.
Sau giai đoạn ồn ào về khối tài sản lộc trời cho, hai vợ chồng Ối bàn chuyện đầu tư làm ăn tiếp. Đầu năm 2010, với hy vọng sẽ gặp được lộc như năm trước, Ối dùng số tiền còn lại (gần 100 triệu đồng) đầu tư máy móc, vật dụng phục vụ cho công việc tìm kiếm vàng.
Thế nhưng, ông Trời không thương Ối lần hai. Sau khi bỏ ra cả đống tiền nhưng kết quả anh cùng nhóm người thu được chỉ là những nắm đất đen, còn máy móc thì càng ngày càng bị hư hỏng nặng. Cũng từ đó, công việc làm ăn của Ối tụt dốc thảm hại. “Suốt năm nay, thu nhập mỗi năm của gia đình tôi chưa đầy một triệu đồng. Trước đây, khi nhặt được vàng, gia đình tôi bị cắt khỏi hộ nghèo của xã, nay cuộc sống túng thiếu, vợ con không có tiền mua nổi bộ quần áo, nhưng vì cái tiếng giàu có vì bắt được vàng mà dân bản không cho nhà tôi thuộc hộ nghèo nữa. Mấy lần tôi chạy đến nhà trưởng bản, thậm chí lên xã trình bày mong muốn nhưng họ vẫn không đồng ý”, Ối bộc bạch.
Chị Yến, vợ Ối luôn mang tâm trạng lo sợ mặc cảm mỗi khi đi chợ vì sợ người ta chặt chém trong khi thực sự không có tiền. Thậm chí đứa con trai đầu sinh năm 2005 của Ối cũng bị vạ lây khi thường xuyên bị đám bạn cùng trường chặn đường xin đểu tiền mua kẹo. “Có hôm, vừa đi học về đứa con mếu máo khóc rồi mách chuyện: 'Bố ơi con bị mấy đứa kia chặn đánh vì không cho bọn chúng tiền mua bim bim. Nó nói, nhà mày giàu nhất bản rồi mà không cho bọn này ít nghìn lẻ', nghe con nói thế, tôi bực mình lắm”, Lô Văn Ối kể chuyện với tâm trạng khó chịu.
Ngôi nhà của Ối được nâng cấp sau khi anh nhặt được cục vàng.
Ngôi nhà của Ối được nâng cấp sau khi anh nhặt được cục vàng.
Hai năm trở lại đây, anh đã bỏ hẳn công việc vào rừng sâu đãi vàng khi máy móc mới đầu tư bị hư hỏng nặng mà số tiền thu lại chỉ là mấy đồng bạc lẻ. Sau lần tìm được cục vàng đó, anh và một số người khác tiếp tục lập hội để tiến hành đợt làm ăn mới. Có lần, họ cắm trại trong rừng cả tháng trời nhưng kết quả thu được chẳng dáng là bao, không đủ để sửa chữa máy móc. Số tiền từ đợt may mắn bán và chia nhau từ cục vàng 2,1 kg của Ối và mấy người anh em dần vơi cạn. Đến khi những đồng tiền cuối cùng lần lượt “đội nón ra đi”, Ối phải quay về bám vào nương rẫy mưu sinh.
Vài năm trở lại đây, hai vợ chồng anh ngày ngày vào rừng cách nhà 4 tiếng đồng hồ dựng chòi làm rẫy. Cứ đầu tuần, vợ chồng anh gửi lại hai đứa con nhỏ cho gia đình bà ngoại nhờ chăm sóc hộ rồi làm việc đến cuối tuần mới về. Tuần này qua tuần khác, công việc của họ chỉ quay vòng đơn giản như vậy.
“Cuộc sống hiện tại tuy nghèo đói, nhưng còn hơn suốt ngày bị người khác làm phiền, có người còn ghen ăn tức ở đến phá phách nhà cửa. Vợ chồng tôi chỉ muốn sống yên ổn như bao người dân bản khác tôi, làm người nổi tiếng bị quấy nhiễu, hỏi han mệt lắm rồi”, chị Yến, vợ của Ối chia sẻ.
Thế nhưng, mong ước giản đơn đó cũng không trở thành hiện thực khi mấy năm thời tiết khắc nghiệt khiến nương ngô, bãi sắn, ruộng lúa của gia đình anh Ối bị mất trắng. Anh nói, có vụ gia đình chỉ thu được mấy yến lúa xép, bán đi cũng không đủ trả tiền giống.
“Đến cái bờ bao quanh nhà tôi dự định xây vài năm rồi nhưng có thực hiện được đâu. Giờ tiền ăn uống hằng ngày cũng không đủ, lấy đâu ra rủng rỉnh tiền bạc như người ta nghĩ. Vợ chồng tôi đang tính bán căn nhà này đi, rồi xây tạm ngôi nhà nhỏ sinh sống qua ngày thôi. Mùa vụ liên tục thất bát, chắc vợ chồng tôi không cầm cự được nữa, trong khi hộ nghèo đã bị cắt mấy năm nay rồi. Giờ đây, điều vợ chồng lo lắng nhất là tương lai của hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học, không có tiền đóng học phí”, người đàn ông này nói tiếp.
Lô Văn Ối là con thứ hai trong gia đình có bốn người con tại bản Hào. Vì cuộc sống gia đình khó khăn, nên từ nhỏ Ối đã ôm đồ đạc đến ở nhà một người khá giả ở bản Xiềng Líp (xã Yên Hòa, huyện Tương Dương) tên là Mạc Thị Thơm (66 tuổi). Bà Thơm cho biết: “Nó được cái hiền lành lắm, gặp ai cũng dạ vâng rất lễ phép. Sống tại nhà tôi 8 năm trời nhưng hầu như chưa khi nào nó làm tôi phật lòng. Gia đình tôi luôn yêu quý nó như con ruột”. Đến tuổi trưởng thành, Ối lập gia đình với cô gái khác bản vào năm 2005. Cuộc sống nghèo đói, nên hai vợ chồng ở tạm trong căn nhà tranh lụp sụp.
Từ ngày có gia đình, ngoài công việc làm nương rẫy, Ối theo chân nhóm người trong làng vào rừng đi đãi vàng để mong có ngày đổi đời. Suốt mấy năm đầu, cả nhóm hầu như tay trắng về không. Và vận may chỉ đến vào cuối năm 2009, nhờ lộc trời phú mà 9 người trong đoàn mới có cuộc sống khấm khá hơn. Riêng vợ chồng Ối cũng cất được căn nhà khang trang hơn nhiều hộ khác trong bản. “Cái năm nó nhặt được vàng, gia đình nó lúc đó rất khổ sở, đến cái ăn, cái mặc cũng thiếu thốn trăm bề”, bà Thơm nói thêm.
Anh Ối tâm sự rất thật: “Đời thằng Ối này may mắn hơn nhiều phu vàng khác khi tìm được vàng, nhưng từ những chuyện xảy ra, tôi thà làm người bình thường còn hơn làm người nổi tiếng. Ối này chỉ mong một cuộc sống đủ dùng thôi”.

Cụ ông biết trước ngày giờ của người sắp chết

Cách đây 15 năm, sau một đêm tỉnh dậy, cụ Lục thấy trong người khác lạ, đầu choáng váng, toàn thấy chuyện âm.

Cụ Nguyễn Thế Lục (sinh năm 1939, ở xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) được mệnh danh là người trần cõi âm. Anh Trần Đức (người trong xã) không một chút đắn đo, nói ngay: “Cụ Lục có biệt tài biết chính xác, ngày, giờ người sắp chết. Ở đây ai cũng nói cụ Lục là người âm mà”.
Khả năng đặc biệt được cụ Lục phát hiện cách đây 15 năm, sau một đêm, sáng tỉnh dậy cụ thấy người khác lạ, trong người như có một luồng điện chạy giữa xương sống, đầu choáng váng, toàn thấy chuyện âm. Cũng không hiểu vì sao, từ đó cụ toàn nói về chuyện âm, tìm kiếm sách tử vi và sách tướng để đọc. Vợ con thấy cụ có dấu hiệu bất thường, cho cụ Lục bị “ma nhập” hay báo hiệu điều chẳng lành.

Trong một lần cụ Lục đến nhà hàng xóm chơi tình cờ gặp ông Xuyên vẫn còn khỏe mạnh. Bỗng dưng trong người cụ Lục ớn lạnh, chân tay giật giật, cụ nói ngay: “Ông Xuyên chết mau hơn tôi, đố ông Xuyên sống qua được tháng này. Đúng là 4 ngày sau, ông Xuyên chết”. Cụ Lục cho biết: “Những người sắp đi gặp Diêm vương, bỗng dưng dưới âm ứng báo vào đầu tôi người đó tuổi gì? Tuổi đó hạn vào năm nào, tháng nào, ngày nào là người đó không thể qua khỏi”.
cu-luc1-1324-1387183496.jpg
Khả năng đặc biệt được cụ Lục phát hiện cách đây 15 năm, sau một đêm, cụ thấy người khác lạ, toàn thấy chuyện âm.
Có những những trường hợp nằm trong cung mạo hiểm. Chẳng hạn như trường hợp bà Mến (trong xã) đang hấp hối. Cụ Lục đến đứng lẩm bẩm môt lúc liền phán ngay, bà Mến thuộc cung trời mưa, khi nào trời mưa con cháu phải có mặt đông đủ, đúng 15 phút sau trời mưa bà Mến tắt thở. Rồi trường hợp ông Vương (trong xã) cũng mắc căn bệnh hiểm nghèo khó qua khỏi. Khi cụ Lục được mời đến xem ngày, giờ, cụ cũng nói ngay, ông Vương cũng nằm trong cung trời mưa. Một giờ sáng trời bắt đầu mưa đến 7 giờ sáng là ông sẽ chết.

Có những người lại đi vào cung vắng người, chẳng hạn ông Nghĩa (trong xóm) ốm nặng, biết không qua khỏi nên con cháu tập trung đầy đủ để túc trực. Nhưng cụ Lục nói ông Nghĩa thuộc cung vắng người nên ông chỉ đi khi không có ai ở bên cạnh. Lúc đầu con cháu phản đối quyết liệt, ông đã sắp trút hơi thở cuối cùng lại không cho gặp. Đúng là khi con cháu có mặt đầy đủ ông Nghĩa không đi mà ông tắt thở khi không có con cháu ở bên cạnh. Đến lúc gia đình mời cụ Lục đến xem mới biết là ông Nghĩa chết vào một giờ sáng.

Nhiều người khâm phục cái tài ở cụ Lục là nhiều trường hợp bệnh viện trả về chờ ngày chết nhưng cụ Lục dám khẳng định là không chết. Chẳng hạn bà Kiểm (trong xã) bị bệnh viện trả về, con cháu chuẩn bị đồ lễ nhưng cụ Lục dám tuyên bố: “Bà nhà ta chưa đi được đâu, bà vẫn còn khỏe, có thể sống thêm 4-5 năm nữa”. Con cháu bà Kiểm nhất quyết không nghe, cho cụ Lục nói linh tinh. Đúng như lời cụ Lục nói, bà không chỉ còn sống mà lại khỏe mạnh và minh mẫn nữa.

Mọi người ngạc nhiên trước việc cụ dám đưa ra phán quyết chắn chắn, cụ cho biết: “Bởi trong đầu tôi đã được dưới âm mách bảo, tôi đã nắm chắc bà Kiểm tuổi đó không phải là năm hạn nên chưa thể chết”. 
Cho đến bây giờ cụ Lục vẫn không quên hình ảnh thầy giáo dạy cụ hồi năm cấp 2. Thầy mắc bệnh hen giai đoạn cuối nên bệnh viện trả về nhưng khi cụ Lục xuống thăm thầy và tuyên bố: “Thầy chưa chết được, có khi thầy thọ hơn cả trò”. Thầy vẫn không tin bởi bệnh viện đã trả về thì không sống được lâu nữa, được ngày nào hay ngày đó. Cụ Lục có nói đùa với thầy: “Riêng thầy khi nào chắp tay lạy trông cho chết thì thầy mới chết chứ thầy không chết dễ dàng được đâu”. Hiện bây giờ thầy vẫn đang sống khỏe mạnh.
Rồi trường hợp bạn của cụ Lục ở Hà Tĩnh bị suy tim, mọi thủ tục đã được con cháu chuẩn bị đầy đủ chờ ngày ra đi. Nhưng khi cụ Lục đến hỏi thăm, cụ khẳng định: “Ông cứ yên tâm chưa chết được đâu. Có khi tôi đi trước ông cũng nên”. Hiện bây giờ ông bạn của cụ Lục vẫn khỏe mạnh.
Hơn 15 năm cụ Lục đã nói chính xác gần 100 trường hợp.
Hơn 15 năm cụ Lục đã nói chính xác gần 100 trường hợp.
“Tại sao họ lại nhờ tôi đến xem ngày, giờ cho những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo hoặc người già yếu. Thứ nhất, con cháu đi làm ăn xa có thời gian sắp xếp để về túc trực, chăm sóc. Thứ hai, trước khi chết phải được chuẩn bị hai phần. Phần thứ 1, chuẩn bị các thứ, hương, rượu, gối, chiếu, quần áo, khăn tay đắp mặt; phần thứ 2, sau khi chết thì chuẩn bị các thứ, cau, trầu, kiệu, hòm, mời thầy cúng”, cụ Lục giải thích.
Cụ Lục còn bật mí một số kinh nghiệm nhận biết người sắp chết: “Ngoài có khả năng đặc biệt, thì phải tiếp xúc người sắp chết nhiều từ đó có thể nhận biết được các triệu chứng (người sắp chết thường nằm quay mặt vào tường, toàn thấy phần âm, tai héo, lâu ngày không ăn bỗng dưng ăn khỏe), thăm mạch đập 3 nhịp nghỉ 1 nhịp, đập 2 nhịp nghỉ 1 nhịp gọi là loạn mạch, trường hợp này cao lắm thì sống được 3 ngày nữa”.
Ví dụ như trường hợp ông Cường (trong xã) con cái mời cụ Lục vào xem ngày, trong lúc ông Cường đang khỏe, vẫn ngồi nói chuyện với các con. Cụ Lục bước lại gần ông, sau một lúc quan sát, miệng lẩm bẩm, rồi cụ Lục gọi các con ông Cường nói nhỏ chuẩn bị mọi thứ trước 4h chiều. Như lời cụ Lục nói, 4h15 ông Cường tắt thở.

Ngoài có biệt tài nói trước chính xác ngày, giờ, người sắp chết, cụ Lục còn có khả năng xem ngày cưới xin, giờ động thổ làm nhà cửa, mở hướng cổng, mừng khai hạ, xuất hành... Tiếng lành đồn xa, người dân trong huyện cho đến ngoài huyện tìm đến “gõ cửa” nhờ cụ Lục xem. Hơn 15 năm, đã có gần 100 trường hợp được cụ Lục xem và đều chính xác.

Cụ Lục không dám nhận mình là người có khả năng đặc biệt. Cụ suy nghĩ: “Tâm linh dành cho ai thì người đó phải tâm nguyện làm phúc cho đời. Từ lúc tôi có cái tài này thì nhiều người cũng biết đến tôi nhiều hơn. Có người chê, có người khen nhưng mặc kệ họ. Cứ cho việc làm này cũng là cái nghề nhưng tôi chưa bao giờ ngửa tay lấy ai một đồng. Chủ yếu làm phúc cho người âm, phù hộ cho người đang sống".

Dù đường xá xa xôi, nhưng hễ có ai tín nhiệm tìm đến tận nhà nhờ thì không đắn đo, cụ lập tức khăn gói lên đường. Biết là xa xôi cách trở, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng cụ cũng quyết tâm cố gắng. Nhiều khi xem xong, chính xác, họ gửi tiền cảm ơn nhưng cụ nhất quyết không lấy. Cụ còn tuyên bố: "Nếu tôi lấy tiền thì tôi ở nhà đánh cờ còn hơn".
Ông Nguyễn Thành Liên, xóm trưởng Phú Sơn cho biết: ông Lục có khả năng đặc biệt này khoảng chừng 15 năm trở lại đây. "Nguyên nhân tại sao ông Lục lại có khả năng đó thì chúng tôi cũng không thể biết được, nhưng qua thực tế ông Lục có thể nói chính xác, ngày, giờ người sắp chết. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhiều lần trò chuyện với ông Lục hạn chế đi coi, tránh mê tín dị đoan, gây hoang mang cho người đang sống", ông Liên nói.