Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Bã cà phê, đừng bỏ đi!

Sau khi thưởng thức những ly cà phê thơm nồng thì bạn khoan bỏ đi bã cà phê nhé, nó có khá nhiều công dụng cho khu vườn nhỏ hoặc đẩy lùi côn trùng, dưỡng da, làm mượt tóc, khử mùi… đó.


1. Phân bón
Bã cà phê được người làm vườn rất ưa chuộng vì nó thích hợp để làm phân bón. Khi trộn với các chất dinh dưỡng trong đất, bã cà phê làm cho đất màu mỡ, giàu axit hơn. Cây cối sẽ phát triển mạnh trong đất axit vì nó có thể nhận được nhiều chất dinh dưỡng từ đất. Nếu bạn có một nguồn cung cấp bã cà phê, hãy giữ lại và làm cho vườn cây nở hoa quanh năm.
2. Chải lông cho vật nuôi
Trộn bã cà phê với một chút nước là bạn đã có một dung dịch tuyệt vời làm đẹp cho thú cưng. Bôi dung dịch này lên lông của con vật, nó sẽ làm mềm lông, làm màu lông đẹp hơn. Hơn thế, nhiều người còn cho rằng bã cà phê có thể diệt được các loài bọ chét cũng như ký sinh trùng khác.
3. Khử mùi tủ lạnh
Lưu trữ thức ăn có thể khiến tủ lạnh có mùi khó chịu. Giải pháp đơn giản là lấy một bát đầy bã cà phê đặt vào tủ lạnh, một lúc sau nó sẽ hút hết các mùi không mong muốn.
Tương tự, có thể sử dụng bã cà phê để khử mùi nhà vệ sinh, hộp đựng thức ăn lâu ngày. Sau khi cắt hành, tỏi hoặc làm cá, nếu không loại bỏ được mùi khó chịu trên tay, bạn hãy xát một ít bã cà phê, sẽ hết mùi ngay lập tức. Nếu muốn khử mùi khó chịu của cơ thể, hãy bọc bã cà phê vào một túi vải, xoa khắp mình khi tắm...
4. Hướng cho vật nuôi đi vệ sinh cố định
Bạn yêu quý con vật của mình nhưng không biết làm cách nào để chúng đi ngoài vào nơi cố định. Rất đơn giản, hãy lấy hỗn hợp bã cà phê cộng với vỏ cam đặt ngoài vườn. Hương thơm của hỗn hợp quá kỳ lạ với các tiêu chuẩn đi ngoài của thú cưng, ngay lập tức sẽ thu hút chúng đến.
5. Tẩy tế bào chết
Nghe có vẻ ngớ ngẩn nhưng đây thực sự là môt ý tưởng hiệu quả. Chất caffeine trong bã cà phê làm tăng lượng máu, hiệu quả trong việc điều trị đối với những vùng da sần sùi do bị tích mỡ hoặc bị rạn do độ đàn hồi của da kém, cũng như thu nhỏ lỗ chân lông… Vì thế, ngoài tác dụng giúp đầu óc tỉnh táo, chất này còn đem lại sức sống cho làn da.
Do vậy, hãy trộn đều bã cà phê và dầu olive hay đơn giản là chà bã cà phê lên mặt, thư giãn trong 30 phút rồi rửa sạch. Đối với da dầu thì có thể trộn thêm sữa chua trước khi đắp lên da. Hoặc có thể chế bã cà phê với sữa rửa mặt. Rửa mặt trước, rồi thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài để có làn da mịn, không bắt nắng.
6. Khử mùi giày dép
Sau một ngày đi làm về, đôi giày và chân bốc mùi khó chịu, hãy lấy ít bã cà phê đặt vào đôi giày vừa đi, để nó loại bỏ mùi hôi trong giày. Nếu muốn thoát khỏi mùi hôi chân, có thể rửa chân bằng nước có thêm bã cà phê mỗi ngày. Hoặc muốn khử mùi hôi nách cũng có thể lấy bã cà phê chà lên.
7. Giải pháp cho tóc sáng bóng
Không có lựa chọn nào hay hơn là sử dụng bã cà phê cho tóc mềm và mượt. Nó giống như một loại dầu xả thiên nhiên tuyệt vời. Để làm điều này bạn hãy làm ướt tóc, bôi bã cà phê lên, để một lúc cho thấm vào tóc rồi gội sạch đầu.
8. Thuốc diệt côn trùng
Các loài côn trùng như kiến, mối có thể gây phiền nhiễu cho quần áo. Lúc đó, hãy cọ xát một ít bã cà phê vào tủ quần áo, chúng lập tức sẽ biến mất không dấu vết, bởi loài kiến không thích mùi hương và các thuộc tính của cà phê.
9. Làm sạch chai lọ
Với những chai lọ hẹp miệng không thể thò tay vào rửa, hãy cho một ít bã cà phê vào trong rồi xúc với nước lạnh cho sạch.
10. Nhuộm màu
Nếu bạn đổ nước sôi vào bã cà phê, bạn có biết mình đã tạo ra một loại thuốc nhuộm màu nâu cho vải, cho một tác phẩm nghệ thuật hay các ứng dụng khác.

7 cách giúp vợ chồng thăng hoa trong phòng ngủ

Những cặp thảo luận khéo léo về các chủ đề nhạy cảm dưới đây sẽ có tình yêu viên mãn gấp 10 lần người "bỏ lơ" chủ đề khó khăn này, theo một nghiên cứu.
Joseph Grenny, tác giả của nghiên cứu mang tên Crucial Conversations, nhận định: "Một chút tâm tình sẽ tạo ra sự khác biệt to lớn về sức mạnh và sức bền của một mối quan hệ". Dưới đây, theo Grenny, là những chủ đề bạn có thể trao đổi với người ấy để cuộc sống chăn gối thêm mặn nồng.
1. Các giới hạn
Thảo luận về những ranh giới trong chuyện ân ái là điều không thể thiếu. “Cùng thử điều gì đó mới mẻ mà không thảo luận trước có thể mang lại cho hai bạn những trải nghiệm tuyệt vời nhưng cũng có thể là thất bại thảm hại”, tiến sĩ Carol Queen, chuyên gia về tình dục (Mỹ) chia sẻ. Vì thế, hãy quyết định xem “kiểu yêu” nào bạn thấy phù hợp với mình trước khi cùng “đối phương” thử nghiệm thực sự. Và để bắt đầu trò chuyện về các giới hạn cần thiết, mỗi bên hãy chia sẻ với nhau một ý tưởng mới đang ấp ủ và muốn bạn đời cùng trải nghiệm. “Trường hợp tệ nhất là mong muốn của hai bạn chỉ dừng lại ở mức tưởng tượng, còn trường hợp tốt nhất là bạn cùng bạn đời có 2 lựa chọn mới cho 'thực đơn yêu’ của mình”, tiến sĩ Queen chia sẻ.
capdoi-4413-1380506460.jpg
Ảnh: my.opera.com.
2. Lối mòn
Tình dục rất dễ rơi vào lối mòn, đặc biệt là khi vợ chồng khởi đầu với rất ít thông tin về tình dục hoặc khi họ ủng hộ khái niệm tình dục "bình thường" nên từ chối rất nhiều ý tưởng yêu mới lạ, tiến sĩ Queen chia sẻ. Nếu chuyện ân ái của vợ chồng bạn đang dần trì trệ thì nên xin lời khuyên của chuyên gia về tình dục hoặc tham khảo một số thông tin liên quan. “Thị trường có bán những đầu sách có thể giúp mang lại cho bạn ý tưởng mới lạ và thông tin hữu ích để làm mới đời sống chăn gối của mình”, tiến sĩ Queen khuyên.
3. Các rối loạn chức năng
Thất bại trong khúc dạo đầu và “chưa đến chợ đã hết tiền” là chủ đề khá nhạy cảm. “Phần lớn đấng mày râu không thích nói về những chủ đề đó khi ở trên giường”, tiến sĩ Joel D.Block, chuyên gia tâm lý (Mỹ) chia sẻ. Chính vì thế, thay vì đi sâu vào điều đó, hãy đề nghị anh ấy làm cho bạn thỏa mãn theo cách khác. Điều đó giúp anh ấy bớt căng thẳng về tình trạng của mình hơn. Và nếu bạn có vấn đề gì, ví dụ tình trạng khô hạn, thì hãy nói “Em thích anh 'yêu' chậm hơn một chút”, hoặc “Em cần dạo đầu nhiều hơn để được kích thích”, tiến sĩ Block khuyến khích. Còn nếu tình trạng rối loạn chức năng xảy ra thường xuyên thì nên thừa nhận và thảo luận về nó ở ngoài phòng ngủ hoặc gặp chuyên gia tư vấn.
4. An toàn
“Việc bạn từng có bao nhiêu bạn tình không quan trọng”, tiến sĩ Queen chia sẻ. “Song bạn cần hiểu rõ rằng HPV và các mầm bệnh khác có thể tấn công cơ quan sinh dục dễ dàng như một cơn cảm lạnh tấn công vào mũi và họng”. Tốt hơn hết là nên nói về vấn đề này trước khi bạn quan hệ tình dục lần đầu tiên. Hãy thử bằng cách nói: “Đây là cách em làm để tránh mang thai ngoài ý muốn”, và “Đây là những tiêu chuẩn giúp chúng ta quan hệ tình dục an toàn”.
5. Thời gian
“Nếu một người đang háo hức còn người kia chỉ xác định làm cho xong thì không chỉ khiến hai bên không đạt được sự hài lòng về thể xác mà còn không có sự kết nối cảm xúc với nhau”, ông Joseph Grenny, đồng tác giả của cuốn Crucial Conversations chia sẻ. Tốt hơn hết là nên chia sẻ rõ với bạn đời khi bạn không sẵn sàng cho “chuyện ấy”và cũng cần biết cách nói “không” phù hợp. “Hãy chạm vào anh ấy, mỉm cười và gợi ý một thời điểm khác”, bà Puhn chia sẻ. “Điều này sẽ cho anh ấy thấy rằng bạn yêu anh ấy và muốn cùng anh âu yếm, nhưng không phải bây giờ”.
6. Phản hồi
Hãy thảo luận về điều gì khiến bạn có cảm hứng và điều gì không. “Bạn đời của bạn không phải chuyên gia đọc suy nghĩ”, tiến sĩ Queen chia sẻ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nói: “Có những điều liên quan đến ‘chuyện ấy’ mà em thường nghĩ đến nhưng chưa bao giờ nói ra. Giờ mình có thể nói về nó một chút không”, điều này chắc chắc sẽ hiệu quả. "Hay trong quá trình yêu, hãy khéo léo dẫn dắt anh ấy đến những vị trí bạn muốn và dùng âm thanh thể hiện sự thỏa mãn để khuyến khích anh ấy tiếp tục một hành động nhất định nào đó”, tiến sĩ Block khuyên. “Nam giới luôn đánh giá cao những chỉ dẫn không lời như vậy”. Họ cũng thường phản ứng tích cực với nhận xét về bạn thay vì về họ. Vì vậy thay vì nói “hãy làm như thế này” thì hãy nói “Khi anh làm thế, em thấy rất tuyệt”.
7. Lên kế hoạch
Điều này nghe có vẻ không lãng mạng chút nào nhưng thực sự các cặp vợ chồng cần nói về kế hoạch đưa tình dục vào thời gian biểu bận rộn của họ. “Người Mỹ trung bình quan hệ tình dục hơn 1 lần 1 tuần”, tiến sĩ Block chia sẻ. “Tuy nhiên, điều quan trọng là chất lượng chứ không phải số lượng”. Tiến sĩ Block gợi ý các cặp vợ chồng nên cùng nhau thống nhất tần suất “yêu” mà cả hai cảm thấy thỏa mãn. Và nếu một người thích “yêu” vào buổi sáng còn một người thì thích buổi tối thì nên đưa ra một sự thỏa hiệp phù hợp cho cả đôi bên.

Nguy cơ ngộ độc với thực phẩm ở ngay trong tủ lạnh

Lâu nay người ta vẫn cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố. Thế nhưng, một nghiên cứu tại Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị cho thấy: Ngộ độc thực phẩm tại nhà mới chiếm số đông, đồng thời “điểm mặt chỉ tên” một trong những nguyên nhân ngộ độc tại nhà là vấn đề ô nhiễm chéo thực phẩm ở tủ lạnh dẫn tới việc xuất hiện một triệu chứng gọi là "ngộ độc thực phẩm tủ lạnh".


Những nghiên cứu gần đây cho thấy ngăn đựng rau quả trong tủ lạnh có thể chứa lượng vi khuẩn cao gấp 750 lần mức an toàn, trong đó, tỷ lệ các vi khuẩn nguy hiểm như E.Coli 0157, salmonella và listeria thậm chí cao hơn.
Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm trong tủ lạnh là "an toàn", không bị chua, bị hỏng vì tủ lạnh có thể ức chế tốc độ sinh sản của vi khuẩn.
Đồ sống để lẫn với đồ chín
PGS.TS Trần Đình Toán, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị – thành viên của nhóm nghiên cứu cảnh báo, nguy cơ ngộ độc thức ăn từ đồ ăn chứa trong tủ lạnh rất cao bởi đồ ăn chứa trong tủ lạnh vừa nhiều về số lượng, chủng loại, vừa chưa được chú ý đến vấn đề đồ ăn sống – chín nên để riêng.
Nhiều gia đình rau mua về chưa cắt gốc, cá tươi, trứng vẫn còn dính phân, thịt các loại, hoa quả tươi chưa rửa… đã để vào tủ lạnh. Đồng thời với đó, đồ ăn chín ăn chưa hết cũng được… tống vào đây. Tất cả những điều đó khiến tủ lạnh trở thành kho chứa thực phẩm hỗn độn trong khi vấn đề vệ sinh lau chùi không thường xuyên. Ít gia đình có điều kiện 1 – 2 ngày lôi tủ lạnh ra lau rửa.
Thế nhưng có nhiều thói quen của bạn làm xuất hiện triệu chứng "ngộ độc thực phẩm tủ lạnh".
PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam) cho biết, nhiều tủ lạnh chỉ có 2 ngăn. Vậy nên nhiều người để thức ăn cả sống cả chín vào đây gây ô nhiễm chéo vi sinh vật. Thực phẩm khi đã để trong tủ lạnh, lúc ăn lại phải được đun lại từ 70 độ trở lên.
Vấn đề ô nhiễm gây ngộ độc thường xảy ra ở thực phẩm để trong tủ lạnh lấy ra ăn ngay như hoa quả (hoa quả đã gọt ăn dở lại để lẫn với thịt sống). Vì vậy, khi hoa quả ăn không hết, nên có màng bọc lại. Việc vệ sinh tủ lạnh nên tùy điều kiện gia đình, 2 – 3 ngày vệ sinh một lần, cùng lắm là 1 tuần phải vệ sinh lau chùi.
Thực tế, nhiều nhà cả tháng không lau tủ lạnh một lần. Đây chính là nguồn ô nhiễm thực phẩm lớn.
Vi khuẩn có thể tồn tại ở nhiệt độ thấp
Nhiều người sai lầm khi tin rằng thức ăn lạnh sẽ giết chết vi khuẩn. Theo Giáo sư Humphrey của Viện Nhiễm trùng và Sức khỏe toàn cầu ở Đại học Liverpool (Anh): Thực phẩm đông lạnh làm chậm tốc độ sinh sôi của vi khuẩn nên chúng ta có thể dự trữ trong vài ngày thay vì chỉ vài giờ ở nhiệt độ phòng. Tuy nhiên, một số vi khuẩn không ngừng sinh sôi trong tủ lạnh nên có thể là nguồn gây ngộ độc thực phẩm. Chẳng hạn, khuẩn listeria (gây các triệu chứng giống bệnh cảm, nặng hơn là bệnh nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não) có thể phát triển ở nhiệt độ từ -1độC đến 4 độC và thường tồn tại trong các thực phẩm như phô mát mềm, thịt, cá...

Chính cách sắp xếp không khoa học cùng thói quen không vệ sinh tủ lạnh thường xuyên làm xuất hiện nhiều vi khuẩn gây hại. Ảnh minh họa
Theo Giáo sư Humphrey, nhiệt độ của tủ lạnh nên được duy trì ở mức từ 4- 5 độ C, đừng mở cửa tủ lạnh quá lâu và không đặt thức ăn nóng vào tủ để tránh làm nhiệt độ bên trong tăng lên.
Nguy cơ từ chiếc tủ lạnh đầy ắp thức ăn
Để bảo đảm sức khỏe người dùng các nhà sản xuất thực phẩm có xu hướng cắt giảm hàm lượng chất bảo quản vì vậy nhu cầu bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh sau khi đã mở bao bì gia tăng.
Nếu tủ lạnh của bạn chứa đầy thức ăn, hãy điều chỉnh nhiệt độ thấp xuống, đồng thời thường xuyên vệ sinh tủ lạnh. Giáo sư Humphrey khuyên bạn nên lau tủ lạnh 1 lần/tuần với nước nóng và thuốc khử trùng, Riêng ngăn đựng thịt sống thì nên vệ sinh cách nhau vài ngày.
Chiếc tủ lạnh đầy ắp thức ăn cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Ảnh minh họa
Đừng bao giờ đặt thịt ở ngăn trên cùng
Thịt gà sống hay nhiễm vi khuẩn campylobacter nguy hiểm, thường gây các triệu chứng như đau bụng, sốt và tiêu chảy. Do đó, nếu đặt thịt gà sống trên ngăn đựng rau, nước trong thịt sẽ rỉ qua các khe hở, thấm vào rau và đầu độc bạn nếu bạn ăn rau sống. Tốt nhất là bạn nên bỏ thịt gà vào trong hộp kín và để ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh. Bạn cũng có thể để riêng thực phẩm ăn sống với thức ăn chế biến sẵn, nấu chín hoặc thịt, cá sống.
Hãy cẩn thận với các loại rau sống
Chúng ta thường không để ý tới vai trò của rau trong quá trình truyền vi khuẩn gây bệnh. Khuẩn E.Coli thường tồn tại dưới dạng lạnh, đông lạnh và thường được thấy trong đất trồng rau. Loại vi khuẩn này có thể nhiễm chéo từ rau sang các thức ăn khác trong tủ lạnh, do đó, bạn đừng quên rửa sạch rau trước khi cho vào ngăn dự trữ riêng trong tủ lạnh.
Cơm để trong tủ lạnh cũng không an toàn
Bacillus cereus – loại vi khuẩn thường thấy ở những thực vật trồng gần mặt đất như lúa, ngũ cốc và các loại rau gia vị, có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn và bệnh tiêu chảy. Trong quá trình nấu, vi khuẩn này không hoạt động, nhưng khi cơm nguội, nó bắt đầu sản sinh các bào tử độc hại.
Để thức ăn trong tủ lạnh quá lâu vừa làm thực phẩm mất chất dinh dưỡng, vừa làm vi khuẩn sinh sôi.
Để thực phẩm quá lâu
Ưu điểm của phương pháp bảo quản ở nhiệt độ thấp có thể giúp ức chế sự sinh sản và phát triển của vi khuẩn, giữ cho thực phẩm tươi lâu, không bị bốc mùi. Tuy nhiên, không có nghĩa là thực phẩm cứ để trong tủ lạnh sẽ an toàn 100%. Nhiều nghiên cứu cho thấy thịt, cá để trong tủ lạnh càng lâu càng dễ biến chất, giảm hàm lượng dinh dưỡng và sinh ra nhiều chất gây hại cho sức khỏe người dùng. Quá trình cấp đông và rã đông làm mất 1/3 chất béo hoà tan trong thịt, một số chất gần như mất hết. Nhìn chung, tổng hàm lượng dinh dưỡng sau mỗi lần làm đông – rã đông đều giảm 20%. Người thường xuyên ăn loại thịt, cá này về lâu dài dễ sinh bệnh.
Theo khuyến cáo, chỉ nên dự trữ thịt cá trong tủ lạnh với một thời gian nhất định rồi đem chế biến chứ không nên để quá lâu. Tùy vào khả năng chịu nhiệt của từng loại thực phẩm, chẳng hạn thịt lợn, gà, vịt chỉ nên để trong 7 ngày; thịt thỏ, chim bồ câu 5 ngày; thịt bò, dê có thể để 10 ngày. Riêng các loại cá không nên lưu giữ quá 2 ngày. Nên để thực phẩm ráo nước rồi mới cho vào tủ lạnh.
Đừng tin tưởng vào chiếc mũi của bạn
Các nhà chế biến và sản xuất đã cố gắng làm biến mất những mùi từ thực phẩm hư hỏng, vì vậy đừng dùng phương pháp cũ là “ngửi” để xác định chất lượng của thực phẩm. 3 ngày là thời hạn sử dụng nhiều nhất cho các món ăn đã qua chế biến.
Nguyên tắc sắp xếp thức ăn trong tủ lạnh
- Không xếp quá đầy các ngăn khiến luồng khí lạnh không thể lưu thông, dẫn đến nhiệt độ ở một số vị trí trong tủ có thể tăng cao, làm hỏng thức ăn.
- Không để thực phẩm sống và đã nấu chín cạnh nhau, đề phòng vi khuẩn từ thực phẩm sống lây nhiễm sang thức ăn đã chế biến. Nên xếp thực phẩm chín ở ngăn trên, thực phẩm sống ở ngăn dưới.
- Rau và hoa quả cũng không nên xếp cạnh nhau. Nên để rau ở nơi có nhiệt độ cao nhất trong tủ (ngăn rau đối với các loại tủ có thiết kế ngăn chức năng, hoặc ngăn dưới cùng đối với loại tủ thông thường), vì nhiệt độ tối ưu để bảo quản rau là 10 độ C.
- Không nên để trứng trong các khay trứng trên cánh tủ vì đây là vị trí có nhiệt độ cao hơn so với những nơi khác trong tủ. Tốt nhất nên để trứng trong các hộp các tông chuyên dụng và cất ở các ngăn phía trên.