Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Bí quyết của người vợ thông minh

Một cuộc hôn nhân tuyệt vời phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng nhân tố quan trọng nhất chính là người phụ nữ.
 
Một nghiên cứu mới từ ĐH Berkeley (California, Mỹ) cho thấy, những người vợ có xu hướng điều khiển hạnh phúc trong gia đình họ, đặc biệt là khi xảy ra xung đột.
Chuyên gia về hôn nhân gia đình Carin Goldstein, người thiết lập và quản trị trang web BeTheSmartWife nói: "Trong gia đình, phụ nữ có nhiều ảnh hưởng hơn họ nghĩ. Thực tế đàn ông thường chỉ đơn giản là phản ứng lại, trong khi phụ nữ hay chủ động đưa ra những cách tiếp cận hiệu quả hơn". Do đó, một phụ nữ thông minh cần giống như chiếc "cột thu lôi" khi giải quyết những bất đồng trong gia đình, đồng thời giữ cho hôn nhân luôn ở trạng thái cân bằng, ổn định.
1. Đối với bên chồng
Chuyên gia về các mối quan hệ Whitney Casey cho biết, bên cạnh bản năng luôn mong muốn nuôi dưỡng các mối quan hệ, phụ nữ thường có năng khiếu trong việc điểm tô mái ấm và đem lại sự năng động cho gia đình. Lợi thế này giúp họ rất nhiều trong việc kết nối tình cảm với gia đình nhà chồng.
Một phụ nữ thông minh sẽ biết cách sắp xếp thời gian dành cho nhà chồng ở một chừng mực phù hợp, giữ khoảng cách phù hợp, định hình những quy tắc ứng xử, xác định điều gì có thể và không thể chấp nhận đối với nhà chồng, và giữa chồng với gia đình anh.
Nghĩa vợ chồng
Ảnh minh họa: News.
2. Trong chuyện chăn gối vợ chồng
Không một chuyên gia tâm lý nào khuyên phụ nữ nên điều khiển chuyện quan hệ tình dục trong đời sống vợ chồng. Song, bà Casey giải thích, để thỏa mãn với đời sống tình dục, người vợ phải "chia sẻ những gì cả hai cùng mong muốn". Bởi phụ nữ thường thoải mái hơn trong việc giải quyết các vấn đề nhạy cảm và dễ bắt đầu cuộc nói chuyện hơn.
Do đó, nếu bạn không quá bận rộn, hãy lên kế hoạch bất ngờ cho "chuyện ấy". Bà Casey gợi ý, để cảm thấy ham muốn hơn và bản thân được tận hưởng nhiều hơn, hãy chuẩn bị cho “cuộc mây mưa” với việc tắm rửa sạch sẽ, diện đồ gợi cảm, cắt tỉa móng tay, massage hoặc tập yoga. Hãy làm bất cứ điều gì khiến tâm trí bạn tách rời khỏi các công việc hàng ngày.
3. Lập kế hoạch du lịch
Phụ nữ thiên bẩm đã là những "nhà lập kế hoạch thông minh" - đó chính là đặc điểm tâm lý thu thập từ thời tiền sử phụ nữ phải đảm đương công việc hái lượm để đàn ông đi săn bắt. Còn lúc này, bạn hãy nhớ lại xem phải chăng tuần trăng mật xa xưa là kỳ nghỉ lãng mạn cuối cùng của riêng vợ chồng bạn? Nếu đúng thế thì bạn nên cân nhắc việc đi du lịch xa thêm nhiều lần nữa để hâm nóng tình cảm với chồng.
Goldstein cho biết đi du lịch là cách đơn giản nhất giúp củng cố mối quan hệ, nhưng lại dễ bị bỏ qua nhất. Bà nói: "Phụ nữ không đi du lịch vì ngại rời xa những đứa trẻ hay sợ sẽ không thể vui vẻ với chồng”. Bà chắc chắn rằng những nỗi sợ này luôn là một trở ngại lớn. Đôi khi, bạn cần những khoảng thời gian đặc biệt để hai người kết nối như một cặp đang hẹn hò, thậm chí 2 bạn có thể “hẹn hò” bên ngoài chỉ một hoặc 2 đêm.
4. Trong các cuộc đối thoại
Trong khi phụ nữ là chuyên gia tán dóc với bạn bè thì ngược lại đàn ông thường không chia sẻ cảm xúc của mình. Cánh mày râu xem đây là cách giải tỏa cảm xúc tốt cho mình. Anh ấy chỉ mở lòng ra khi cảm thấy bầu không khí thích hợp. Thế tại sao bạn không tự tạo ra bầu không khí đó?
Tiến sĩ Andra Brosh, chuyên gia điều trị tâm lý cho biết: "Đàn ông thường tiếp nhận từng thông tin nhỏ, khi thông tin quá tải họ sẽ không tiếp nhận nữa. Do đó quan trọng nhất là việc sắp xếp thời gian phải hợp lý". Ngay sau khi chàng đối diện với bất kỳ tình huống căng thẳng nào, như trong công việc, thì đó không phải là lúc thích hợp để trò chuyện. "Hãy đề nghị khi có thời gian thích hợp để vợ chồng tâm sự. Hãy đảm bảo với chồng rằng bạn không có bất cứ chuyện gì nghiêm trọng để tránh cho anh ấy cảm thấy lo lắng hơn", tiến sĩ Brosh nói.
5. Việc nhà
Có một thực tế ít được biết đến, hầu hết đàn ông muốn trở nên hữu ích với vợ của họ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy phụ nữ quán xuyến việc nhà thường xuyên hơn đàn ông. Chuyên gia tư vấn hôn nhân và trị liệu gia đình Erin Foster, EdD khuyên, nếu bạn không nhận được sự trợ giúp mong muốn từ chồng, hãy bình tĩnh và khéo léo nói với anh ấy khi nào bạn cần giúp đỡ, lý do tại sao. Những người chồng thường không biết phải giúp đỡ thế nào, và do đó thà không làm gì còn hơn là làm sai. Anh ấy sẽ đánh giá cao những gợi ý của bạn và bắt đầu ra tay giúp đỡ.
6. Thời gian xa cách
Để có thể hòa hợp với nhau lâu dài, bạn phải giải quyết các nhu cầu cá nhân khác như với gia đình mình, bạn bè riêng của mình. So với chồng, bạn dễ dàng hơn trong việc sắp xếp thời gian hai người tạm xa cách nhau. Do đó bạn hãy chủ động đề nghị một khoảng thời gian tạm xa cách vài ngày.
Tiến sĩ Brosh nói: "Thời gian cách xa tạo ra không gian tốt cho cả hai, để rốt cục hai người lại thấy nhớ nhau nhiều hơn". Điều đó giúp làm trẻ hóa mối quan hệ của bạn. Vì vậy, hãy lên kế hoạch cho những chuyến đi nghỉ dưỡng ngắn hạn và đề nghị anh ấy ở nhà trông con giùm. Khi về nhà, hãy cho anh ấy thấy bạn vui mừng như thế nào khi trở lại.
7. Khuyến khích chồng quan tâm đến con
Nghiên cứu khoa học cho thấy phụ nữ thể hiện bản năng làm mẹ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, những người đàn ông có thể cần động lực cho việc làm cha vì họ thường ỷ lại khi thấy sự gắn bó mẹ con quá khăng khít ngay từ lúc mang thai. Hãy khuyến khích chồng bạn thiết lập chuẩn mực yêu thương với các con, từ những quy tắc nho nhỏ trong bữa tối của bố với con trai hay con gái. Tình cha con khăng khít cũng giúp giảm xung đột giữa vợ chồng.
8. Làm mới mọi thứ
Sự mới lạ là chìa khóa cho một mối quan hệ hạnh phúc, và đàn ông đặc biệt thích điều đó. Tiến sĩ Brosh nói: "Những thói quen là tốt, và là lý do tại sao nhiều người muốn thiết lập mối quan hệ bền vững, nhưng họ cũng có thể bị ràng buộc và dẫn đến tự mãn". Hãy nghĩ ra cách kết nối mới mẻ mà cả hai đều thích như đi du lịch một ngày, tham gia một buổi hòa nhạc hoặc chỉ đơn giản là núp sau lưng chồng một lúc lâu rồi choàng tay ôm anh ấy. Điểm mấu chốt để nuôi dưỡng cảm xúc trong hôn nhân là "Đôi khi, chỉ cần làm điều gì đó bất ngờ".

Những thói quen có hại cho sức khỏe

Những biểu hiện mỗi khi chúng ta căng thẳng thường gây khó chịu cho người xung quanh. Nhưng lại có một số thói quen thực sự gây tổn hại cho sức khỏe của chính mình.

Không nên biến hàm răng thành cái bấm móng tay - Ảnh: Shutterstock
Không nên biến hàm răng thành cái bấm móng tay - Ảnh: Shutterstock 
Cắn móng tay
Sẽ không phải là chuyện lớn khi bạn cắn móng tay khi xem phim kinh dị, nhưng nếu nó trở thành thói quen thường xuyên, nó có thể gây tổn hại cả móng tay lẫn vùng da xung quanh chúng. Vi trùng từ miệng bạn được chuyển sang da tay và ngược lại. Vi khuẩn dưới móng có thể “di cư” sang miệng, gây nhiễm trùng nướu và cổ họng.
Xoắn và bứt tóc
Dùng ngón tay xoắn và bứt hết một mảng tóc sẽ gây tổn thương đến gốc tóc qua thời gian. Điều này tạo ra những khu vực rụng tóc tạm thời hoặc lâu dài cũng như nhiễm trùng. Hành động bứt tóc liên tục có thể là dấu hiệu của chứng nghiện bứt tóc - vốn cần được điều trị bằng liệu pháp tâm lý và thuốc men.
Bẻ cổ
Bẻ cổ kêu cái “rắc” có thể tạo cảm giác tốt cho bạn, nhưng việc lặp đi lặp lại hành động này sẽ khiến những dây chằng xung quanh cổ trở nên cơ động quá mức và dễ bị thương hơn. Ngoài ra, hành động bẻ cổ gây hao mòn khớp xương và dẫn đến bệnh viêm khớp qua thời gian. Trong những trường hợp hiếm hoi, bẻ cổ có thể kích hoạt một cơn đột quỵ.
Nghiến răng
Cứ luôn nghiến răng khi căng thẳng sẽ gây thảm họa cho sức khỏe răng miệng. Nghiến răng khiến răng nứt và gãy, thậm chí có thể gây tổn thương khớp hàm dưới dạng rối loạn khớp thái dương - hàm.
Mút và nhai kẹo
Mút kẹo cứng khiến răng bạn “ngập” đường, dẫn đến sâu răng. Vi khuẩn sống khỏe bằng đường từ kẹo, qua đó tăng cường khả năng phá hoại răng. Ngoài ra, việc nhai kẹo cứng có thể gây hỏng răng hoặc khiến bạn phải tìm đến nha sĩ để chỉnh sửa “cái gốc con người” của mình.
Liếm hoặc cắn môi
Việc liếm môi lúc căng thẳng khiến chúng bị “phơi nhiễm” các enzyme tiêu hóa. Những enzyme này gặm mòn da, gây viêm da và viêm môi, khiến chúng khô và nứt nẻ. Cắn môi khi căng thẳng có thể dẫn đến sự hình thành các bướu thịt cần phải tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ.
Gặm phần trong của má
Giống như cắn móng tay, gặm má trở thành một thói quen khi căng thẳng. Phần trong của má thường phồng lên nên dễ bị gặm. Lặp đi lặp lại hành động này sẽ gây viêm mãn tính, thậm chí xuất huyết.
Cắn bút
Tương tự như cắn móng tay, việc cắn bút khi căng thẳng sẽ tạo điều kiện để vi trùng và vi rút xâm nhập cơ thể và gây bệnh, chẳng hạn như cảm lạnh. Ngoài ra, hành động cắn bút còn gây tổn hại cho răng cũng như đe dọa phần mô mềm và nướu răng.

Cây cảnh trong nhà dễ 'lấy mạng' con

Nhiều trường hợp trẻ nhập viện trong tình trạng nguy hiểm tính mạng vì ăn phải hoa, lá cây cảnh.
Người lớn thường thích mua cây cảnh vì chúng có màu sắc đẹp, hình dáng bắt mắt, nhất là ở phần lá và hoa. Không ít người thậm chí không biết tên loại cây cảnh mình đã mua và rõ ràng, họ không thể biết những nguy hiểm từ cây cảnh có thể gây ra với các bé trong nhà.
Nếu bé hái hoa, hái lá rồi sau đó, đưa tay vào miệng thì những chất độc trên tán lá hoặc thân cây có thể phát sinh những vấn đề nghiêm trọng. Ngộ độc sẽ biểu hiện ngay lập tức hoặc mất vài tiếng đồng hồ sau đó.
Phòng ngộ độc từ cây cảnh cho con
Tốt nhất không trồng các loại cây cảnh trong nhà cho đến khi bé lớn hơn. Ngay cả khi mẹ đã biết đó là loại cây cảnh an toàn, mẹ cũng nên đặt chúng ở bệ cao, ngoài tầm tay của các bé. Không để hạt giống, cây giống, chậu cảnh dự định sẽ trồng cây trong nhà vì các thứ này có thể “cám dỗ” trí tò mò của bé và khiến bé muốn nếm chúng.
Bất kỳ loại cây cảnh nào mẹ mua, nên biết tên của nó. Sau đó, mẹ hỏi người bán về tính độc hại của cây cảnh cũng như tham khảo thêm về loại cây này trên internet hay thư viện. Chỉ nên mua cây cảnh khi mẹ biết nó thực sự an toàn cho các bé.
Hãy cho bé đi khám nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh đột ngột nào hoặc những triệu chứng không giải thích được. Nếu nghi ngờ bé ăn phải cây có độc, nên đưa bé đi khám ở khoa chống độc. Cho bác sĩ biết tên loại cây cũng như thứ gì trên cây mà bé ăn phải để việc điều trị sớm hiệu quả.
Những loại cây cảnh có thể gây độc nên tránh
Trúc đào: Tên khoa học là Nerium oleander. Toàn thân Trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin. Người ta có thể bị ngộ độc do chạm vào cây hoặc nuốt phải. Nhẹ thì gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, nặng thì có thể mất kiểm soát cơ thể, hôn mê. Nếu không xử lý kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Cây cảnh trong nhà dễ 'lấy mạng' con
Toàn thân Trúc đào đều có chất cực độc Oleandrin, Neriin.
Huệ Lili: Tên khoa học là Hippeastrum puniceum. Củ cây có chất độc Lycorine gây tiêu chảy, buồn nôn, khi ăn phải. Nhựa cây có thể gây nôn, gây bỏng, ngứa…
Cây cảnh trong nhà dễ 'lấy mạng' con
Nhựa cây Huệ Lili sẽ khiến bé bị bỏng rát, khó chịu
Cây ngô đồng: Tên khoa học là Jatropha podagrica. Toàn thân cây, đặc biệt là củ và hạt có chứa chất độc Curcin gây chóng mặt và buồn nôn nếu ăn phải.
Cây cảnh trong nhà dễ 'lấy mạng' con
Ngô đồng gây chóng mặt, buồn nôn
Đỗ quyên: Tên khoa học là Rhododendron occidentale. Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Triệu chứng ngộ độc gồm buồn nôn, chảy nước dãi, nôn, uể oải, chóng mặt, khó thở. Một lượng 100g đến 225g lá Đỗ quyên đủ để gây ngộ độc nặng cho một bé nặng 25kg.
Cây cảnh trong nhà dễ 'lấy mạng' con
Đỗ Quyên đẹp nhưng cực độc
Xương rồng bát tiên: Tên khoa học là Euphorbia milii splendens. Nhựa cây gây bỏng rát da khi tiếp xúc.
Cây cảnh trong nhà dễ 'lấy mạng' con
Nhựa cây xương rồng bát tiên gây bỏng rát da khi tiếp xúc
Hoa loa kèn Arum (Ý lan): Tên khoa học là Zantedeschia aethiopica. Lá và củ cây đều có chất độc đường ruột Calcium oxalate. Khi ăn phải loại thực vật này có thể bị nôn, bỏng rát.
Cây cảnh trong nhà dễ 'lấy mạng' con
Lá và củ cây Loa kèn đều có chất độc
Một số loại cây thông thường như hoa loa kèn, dương xỉ, vạn niên thanh cũng không an toàn cho bé. Tất cả các bộ phận của cây vạn niên thanh đều có độc. Nếu bé ăn phải nhựa cây sẽ ngứa miệng, khó nói, tê môi…
Cây tầm gửi (dùng để trang trí nhà cửa trong Giáng sinh) có thể độc hại cho bé. Dây thường xuân (leo trên các bức tường) và cây tú cầu cũng độc.
Triệu chứng ngộ độc cây cảnh ở bé
Bài liên quan: 
5 sự thật 'giật mình' khi trẻ bị sốt
Làm con mẹ Việt... thật khó!
Bệnh 'quen' nguy hiểm cho trẻ em
Bệnh"ăn vào là chết" ở trẻ em
Các triệu chứng đầu tiên khi bé bị ngộ độc cây cảnh là nôn mửa, tiêu chảy kèm đau bụng. Nếu bé ăn phải phần có độc, các triệu chứng càng nghiêm trọng hơn và đòi hỏi được chăm sóc y tế ngay lập tức. Đôi khi, cha mẹ không biết nguyên nhân bé ngộ độc là do cây cảnh nên có thể trì hoãn đưa bé đi khám.
Nhiều cây cảnh gây ra các phản ứng nhẹ như nổi mụn. Phản ứng nặng hơn có thể gồm sưng họng hoặc lưỡi, khó khăn khi thở, nói và nuốt. Còn một số trường hợp ngộ độc cây cảnh có triệu chứng giống cúm. Do đó, có thể khó khăn để xác định nguồn gốc gây bệnh cho bé từ chính cây cảnh trong nhà.
Phấn hoa của một số loại cây cảnh gây khó thở cho bé mắc hen suyễn và có thể gây dị ứng. Bụi từ các loại cây cảnh có thể gây vấn đề về dạ dày cho bé.