Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Cửa hàng bánh tráng trộn lãi tiền triệu mỗi ngày

Nhờ khéo léo trong cách chế biến, sản phẩm sạch sẽ, một ngày anh Viên bán được hơn 600 gói bánh tráng trộn, thu về hơn triệu đồng tiền lãi mỗi ngày.
 
Với mức lương 3 triệu đồng một tháng khi làm nhân viên in vé số cho công ty sổ xố kiến thiết, anh Viên ở quận 3 (TP HCM) không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Sau nhiều trăn trở về hướng mưu sinh, cùng những gợi ý về sở thích ăn vặt của 2 cô con gái, năm 2010 vợ chồng anh nảy ra ý tưởng mở cửa hàng bánh tráng trộn.
banh-7730-1397236860.jpg
Nhân của bánh tráng trộn. Ảnh: Hồng Châu.
Với số tiền dành dụm ít ỏi chỉ vài triệu đồng, 2 vợ chồng quyết định mở quán với vài bộ bàn ghế nhựa, một số dụng cụ và nguyên liệu chế biến. Vì ít vốn, anh Viên tận dụng luôn căn nhà nhỏ 16m2 của mình đề mở cửa hàng. Nơi đặt hàng hóa cũng chỉ chiếm vài m2 mặt tiền, bên trong vẫn đủ để cho gia đình và con cái sinh hoạt hằng ngày.
“Thời gian đầu mở tiệm bánh tráng trộn tôi cũng lo lắng, không biết khách có hưởng ứng không, nhưng chỉ qua vài ngày đã có cả trăm lượt  khách, có người mua tới 2-3 gói. Cách đây 4 năm, chi phí thực phẩm rẻ nên số tiền kiếm được cũng giúp gia đình trang trải cuộc sống tốt hơn so với trước đó”, anh Viên nói.
kh-4456-1397236861.jpg
Khách bốc số, xếp hàng để chờ mua bánh tráng trộn. Ảnh: Hồng Châu.
Phong cách phục vụ niềm nở, chế biến hợp khẩu vị của số đông thực khách nên dù nép mình trong căn nhà nhỏ, quầy bánh tráng trộn của gia đình anh Viên từ 15h chiều tới 22h tối vẫn nườm nượp khách đến mua. Buổi chiều, nắng gắt oi ả, mọi người vẫn lấy số thứ tự và xếp hàng chờ đợi. Một số khách đến sau, không còn chỗ để xe, chủ quán gợi ý lấy số thứ tự nhưng có thể đi đâu đó cần thiết rồi quay lại lấy để tránh tình trạng tắc đường chờ mua bánh tráng.
Lượng khách "ruột" của quán giờ không chỉ là các bạn trẻ, sinh viên, dân văn phòng, các bà nội trợ mà ngay cả những đấng mày râu cũng toát mồ hôi xếp hàng chờ đợi.
Thấy lượng khách đến quán đông, nhiều người cũng chen chân mở 4-5 cửa hàng dọc con đường này để cạnh tranh, nhưng vẫn không làm cho sức hút của quầy bánh tráng trộn của anh Viên thuyên giảm.
Sau 4 năm mở quán, hiện một ngày số lượng khách đặt mua lên tới 600, có người đặt 20-30 gói. Giá mỗi gói 15.000 đồng, sau khi trừ tất cả chi phí 2 vợ chồng anh cũng lời được trên  một triệu đồng một ngày.
"Nghe thì có vẻ dễ dàng vậy, nhưng để kiếm được số tiền đó 2 vợ chồng tôi cũng phải làm việc miệt mài từ sáng sớm cho đến tận khuya", anh Viên chia sẻ.
Người đàn ông này bộc bạch thêm, hàng ngày cứ 5h sáng 2 vợ chồng đã có mặt ở chợ để chọn nguyên liệu chủ đạo như hành tươi, đậu phộng rang, tép, gan bò, khô mực, xoài, rau thơm đem về hì hục chế biến tới 14h chiều. Sau khi chế biến tươm tất, đúng 15h sản phẩm được bày bán. Khoảng thời gian 15h-22h là "thời điểm vàng” mà 2 vợ chồng tất bật với khách hàng.
“Thời gian trước, khi chưa biết đến dụng cụ trộn hiện đại, 2 vợ chồng tôi phải trộn bằng đũa khiến cho 2 tay nhức mỏi và ê ẩm, sức khỏe yếu dần đi. Nhưng từ khi có một dụng cụ mới trộn bằng máy, chúng tôi đã đỡ mệt hơn nhiều”, anh Viên nói.
chu-vien-6368-1397236862.jpg
anh Viên tất bật đi giao hàng cho khách. Ảnh: Hồng Châu.
Chia sẻ về bí quyết kinh doanh và giữ chân khách, anh Viên cho biết, yếu tố quan trọng nhất là phải cẩn thận trong khâu chọn bánh và các nguyên liệu làm nhân sao cho vừa ngon vừa đảm bảo vệ sinh. Anh bật mí, đa phần nhân trộn do chính tay anh làm. Chẳng hạn như con ruốc (tép nhỏ), gan, khô bò anh thường ra chợ tự tay chọn lựa, mang về rửa sạch sẽ và chế biến theo hương vị riêng. Ngoài ra món bánh này cũng không thể thiếu hương vị đặc trưng của xoài xanh, mỡ hành có độ béo vừa phải...
“Con ruốc mua ở ngoài thường rất nhiều sạn nên để đảm bảo vệ sinh tôi phải tự tay làm chứ không dám mua ngoài, mất công sức một chút nhưng người dùng cảm thấy ngon miệng và an toàn”, anh Viên chia sẻ.
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, anh Viên cho biết sẽ mở cửa hàng rộng hơn, tuy nhiên vẫn chưa xác định thời điểm rõ ràng vì còn phải xem xét lại sức khỏe và lượng khách.

Bánh tráng trộn là món ăn nhẹ có xuất xứ từ Tây Ninh, được ưa chuộng rộng rãi ở Sài Gòn khoảng chục năm trở lại đây. Món này có vị lạ miệng, nguyên liệu  gồm bánh tráng, trứng cút luộc, thịt bò khô, tép khô, mực khô, xoài xanh xắt nhỏ, đậu phộng (lạc) rang, hành củ và hành lá phi thơm, cho thêm nước tắc vào trộn đều với nhau. Giá mỗi gói bánh dao động 10.000-20.000 đồng.


 

Kiếm tiền triệu mỗi ngày từ quán bánh canh 10.000 đồng

Với số lượng bán ra 5.000-7.000 tô, tiền lời thu về của quán vài triệu đồng một ngày.
 
Từng là bà chủ của chuỗi nhà hàng chuyên Buffet có tiếng, bà Ngọc Thủy ở quận 1 TP HCM rẽ sang mở công ty nước đóng chai với số vốn 10 tỷ đồng. Đây là số tiền mà bà kiếm được sau khi bán chuỗi nhà hàng.
Cứ ngỡ khi mở ra công ty nước giải khát đóng chai, con đường kinh doanh của bà sẽ có nhiều đột phá và mới mẻ hơn, nhưng kết quả đi ngược với suy tính ban đầu.
banh-canh-2-4773-1396664287.jpg
Mỗi tô bánh canh giá 10.000 đồng chỉ lời được 500 đồng. Ảnh: Hồng Châu.
Với số vốn khiêm tốn so với các thương hiệu nước giải khát khác trên thị trường,  sức cạnh tranh của công ty bà Thủy ngày càng cạn kiệt. Cầm cự được vài năm, công ty bà lỗ hơn 10 tỷ đồng. Vì đam mê bà quyết không từ bỏ, tiếp tục thế chấp thêm căn nhà đang ở để vay vốn, nhưng mọi cố gắng đều vô nghĩa.
“Đối thủ cạnh tranh trên thị trường của tôi quá mạnh, vốn đầu tư lớn, họ có thể bán chịu cho cửa hàng, đại lý. Còn tôi mà bán bằng cách thức ấy sẽ không còn vốn để sản xuất. Do vậy, sản phẩm của tôi không được đón nhận từ thị trường", bà Thủy chia sẻ.
Tuy nhiên, thất bại trên dường như là cái cớ để bà quay lại kết duyên với kinh doanh ăn uống... Theo bà, cơ duyên dẫn dắt bà quay lại kinh doanh nhóm hàng ăn uống cũng là vì cái tâm. Bà kể, trước đây khi kinh doanh nhà hàng bà có gần 100 nhân viên thân thiết, họ sống và làm việc hết mình. Khi bà bán nhà hàng chuyển sang kinh doanh nước giải khát, những con người ấy cũng luôn gắn bó bên bà. “Khi tôi kinh doanh thất bại họ chẳng bỏ tôi mà đi, nên tôi phải có trách nhiệm với họ. Nhiều người nói tôi rằng sắp chết còn tỏ ra anh hùng, nhưng thực tình họ đâu biết rằng chúng tôi đã gắn bó với nhau như thế nào”, bà Thủy bộc bạch.
Chính từ những khó khăn ấy bà Thủy bắt đầu nghĩ ra ý tưởng kinh doanh bánh canh giá rẻ. Một phần để giúp những người có thu nhập thấp có được món ăn phù hợp với túi tiền lại có chỗ ngồi thoáng mát, một phần để tạo công ăn việc làm cho nhân viên.
banh-canh-13-8232-1396664287.jpg
Một ngày quán bà Thủy bán được 5.000-7.000 tô. Ảnh: Hồng Châu.
Chọn địa điểm ở gần khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) TP HCM, bà chủ định nhắm đúng khách hàng mục tiêu của mình nhất là khách hàng công nhân. Giá một tô bánh canh ở đây thấp nhất là 10.000 đồng, riêng tô đặc biệt có giá 30.000 đồng. Ngoài bánh canh, bà còn bán cả cơm gà 10.000 đồng.
Nhờ giá rẻ, vị trí thuận lợi nên một ngày quán bánh canh tại quận 7 của bà Thủy bán được 5.000-6.000 tô, cao điểm như thứ 7, chủ nhật lên đến 7.000-8.000 tô một ngày. Mỗi tô bán ra lời 500 đồng, tính chung cả ngày quán bánh canh của bà lời vài triệu.
“Nếu tôi bán với giá đắt, một ngày tôi chỉ cần bán trên trăm tô cũng đủ sống, nhưng vì cái tình với nhân viên cũng như muốn chia sẻ khó khăn với công nhân nên tôi nghĩ lấy số lượng làm lời. Mình cực một chút nhưng có được niềm vui” bà Thủy bộc bạch.
Diện tích mặt bằng chính tại quận 7 hơn 80m2, để đáp ứng được lượng khách lớn, quán ăn này buộc phải cho khách ngồi nối dài trên con đường đi vào bãi xe. Sáng sớm là thời điểm đông khách nhất trong ngày.
Theo kinh nghiệm của bà Thủy, để có một tô bánh canh 10.000 đồng ngon và hấp dẫn, yếu tố quan trọng là chế biến nước lèo. Công thức chế biến nước lèo của  người phụ nữ này rất đơn giản. Ngày nào bà cũng đặt hàng trăm kg xương ống, xương sườn heo ở chợ Hòa Bình. Sau đó rửa sạch, ninh nhỏ lửa, hớt bọt để lấy nước dùng trong. Ngoài ra, bà còn ninh thêm củ cải trắng và đỏ để nước lèo có độ ngọt thanh.
Bí quyết để các nồi nước dùng có độ đồng đều cao, vị phù hợp không quá nhạt hay quá mặn, bà thường cân sẵn gia vị với số lượng nhất định.
“Làm nước lèo không có gì khó, tôi quy định một nồi bao nhiêu kg xương, kg đường, bột ngọt, muối theo số lượng cụ thể nên vị của các nồi nước lèo luôn ổn định và thống nhất", bà chia sẻ.
Còn đối với bánh canh, bà tới tận xưởng chế biến đặt hàng và mỗi lần giao hàng họ đều phải trình giấy kiểm dịch của cơ quan vệ sinh an toàn thực phẩm. Riêng gà bà lấy từ Công ty Ba Huân.
Ngoài giá rẻ, thức ăn ngon, yếu tố khiến cửa hàng của bà luôn đông nghẹt là cung cách phục vụ và không gian. Để khách hàng không phải chờ đợi lâu, nhân viên phục vụ phải nhiệt tình và nhanh nhẹn. Chính sự niềm nở và ân cần của nhân viên góp phần tạo nên sự thoải mái cho khách hàng.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, bà thủy cho hay sẽ mở thêm 2 cửa hàng bánh canh giá 10.000 đồng nữa và cửa hàng buffet 10.000 đồng.
Đối với cửa hàng buffet 10.000 đồng, thực đơn sẽ có 100 món. Cách thức kinh doanh sẽ khác biệt so với các cửa hàng trước đây. Thay vì khách hàng phải mua vé giá 300.000 đồng để được ăn buffet, nay bà sẽ chế biến 100 món ăn nhưng mỗi món sẽ có một mức giá khác nhau từ 10.000 đồng đến hơn 100.000 đồng. Khách sẽ tự bưng khay lựa chọn món ăn ưa thích và họ chỉ phải trả với giá phải chăng. “Tôi nghĩ với giá 10.000 đồng người công nhân có thể dễ dàng ăn buffet,  họ ăn món nào họ trả tiền món đó. Lúc ấy họ sẽ không cảm thấy bị lỗ mà mình lại bán được hàng”, bà chia sẻ thêm.

Quán ốc trong hẻm, vốn nhỏ vẫn lãi cao

Một quán ốc trong hẻm thường khó tìm và ít khách lui tới, tuy nhiên nếu tạo khác biệt thì việc hút khách không quá khó khăn.
 
Chị Hoa, chủ quán ốc trong hẻm trên đường Bạch Đằng (quận Bình Thạnh) cho biết, đối với quán ốc trong hẻm vốn đầu tư không nhiều, chỉ cần có khoảng 40 triệu đồng trở lên là có thể mở được quán. Trong đó, chị trích khoảng 7-10 triệu đồng mua bàn ghế, chén, bát. Bàn ghế ở đây nên chọn bàn ghế nhựa để dễ thu dọn và chi phí cũng phải chăng.
5-7 triệu đồng tiếp theo dùng cho thuê mặt bằng. Để có mặt bằng phù hợp, nên chọn những con hẻm rộng, dễ tìm. Nếu tự tay chế biến được món ăn ngon, chủ quán sẽ không mất chi phí thuê đầu bếp, nên hơn 20 triệu đồng còn lại có thể dùng để trả tiền thuê nhân viên phục vụ và nguyên liệu.
Đặc thù của quán ốc là dòng tiền xoay vòng nhanh, chỉ sau một đêm chủ quán có thể thu lại được một phần vốn để bù đắp vào việc trả tiền nguyên liệu. Nếu lượng khách đến quán đều đặn 15-25 bàn một tối, mỗi bàn bán được 200.000-300.000 đồng, doanh thu một buổi khoảng 4-7 triệu đồng, trừ đi chi phí chị Hoa kiếm được 1-2 triệu đồng tiền lãi. Đối với quán ốc trong hẻm, chỉ 3 tháng có thể lấy lại được vốn.
Sau khi đã chuẩn bị kỹ càng về vốn và địa điểm, yếu tố để khách hàng không quên ghé quán mỗi buổi chiều chính là nguyên liệu tươi ngon.
“Khách hàng họ rất tinh tế, nếu bạn chọn những loại ốc đã để vài ngày, mùi vị sẽ rất khác, thịt ốc không còn mọng và giòn. Khi ấy, dù nêm gia vị có ngon đến mấy, khách cũng không còn cảm nhận được độ ngọt và béo của thịt ốc. Sản phẩm của bạn sẽ không có gì khác biệt và chẳng khác các quán ốc thông thường”, chị Hoa nói.
occ-9288-1395104268.jpg
Ốc tươi có thịt mọng và giòn. Ảnh: NM
Để chọn được nguyên liệu tươi ngon, chị Hoa không lấy hàng đổ đống từ các thương lái chợ Bình Điền mà ra đại lý ốc ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) chọn lựa.
“Cứ 6-7 giờ sáng là tôi có mặt ở chợ, nhiều vựa ốc quen muốn chủ động chở hàng đến nhưng tôi không đồng ý vì tôi thích tự tay chọn lựa cho khách. Mỗi loại tôi chỉ lấy vài kg chứ không lấy nhiều”, chị Hoa bộc bạch. Bởi lẽ, khi lấy hàng chỉ nên lấy với số lượng vừa đủ, nếu dư nhiều, ốc để qua ngày sẽ gầy và mất độ tươi ngon.
Ngoài việc chọn ốc, theo chị Hoa yếu tố giúp ốc trở nên đậm đà và khác lạ là nhờ cách chế biến nước chấm. Để khách hàng có nhiều sự lựa chọn, nên chế biến nước mắm theo 2 vị khác nhau. Một hũ dành cho người miền Nam, hũ còn lại chế biến với khẩu vị miền Bắc. Tuy nhiên, một số loại thức chấm đặc trưng khác như muối ớt xanh, muối tiêu chanh… nên chế biến theo khẩu vị của đa số thực khách.
Còn đối với chị Thanh, chủ quán ốc trong hẻm Ngô Tất Tố tiết lộ, ngoài việc lựa chọn nguyên liệu tươi ngon, bán giá thấp hơn cũng là chiêu hút khách.
Đối tượng khách hàng trong hẻm chủ yếu là những người có thu nhập trung bình, họ thích ăn với giá phải chăng nên nếu bán giá đắt, dù có ngon đến mấy khách hàng cũng không dám ghé thường xuyên. Do vậy, thay vì bán đĩa ốc giá 60.000-90.000 đồng, chị chọn cách bán đĩa nhỏ hơn với đồng giá 30.000 đồng.
“Vì quán trong hẻm nên chi phí cho mặt bằng không cao. Mặt khác, có những đợt ốc tăng giá mạnh, thay vì tăng tiền đĩa ốc, mình có thể bớt một vài con và nói rõ với khách hàng. Món sò lông nướng mỡ hành, thông thường một đĩa 12 con thì nay còn 10 con, dù biết số lượng ít đi nhưng khách hàng vẫn thông cảm và tin tưởng”, chị Thanh chia sẻ.
Để đảm bảo khách hàng luôn muốn quay trở lại quán mỗi khi thèm ăn ốc, người bán cũng nên biết cách chế biến món ăn nhanh và phục vụ linh hoạt. Bởi lẽ, khách hàng không thích phải chờ đợi, mặt khác nếu chế biến món ăn nhanh bạn sẽ bán được cho khách nhiều hơn dù diện tích quán ốc của bạn nhỏ.
Yếu tố cuối cùng giúp khách thoải mái và đặt niềm tin vào quán của bạn là có địa điểm giữ xe rộng rãi. Nếu đi ăn mà khách hàng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ mất xe thì việc kinh doanh của bạn sẽ bị thất bại. Thêm vào đó, bạn nên thuê người  trông xe riêng và giữ miễn phí cho khách hàng tốt hơn là thu phí. Đối với trường hợp khách quá đông, bạn có thể mở rộng địa điểm, tuy nhiên các yếu tố về nguyên liệu, chế biến, cung cách phục vụ vẫn phải đồng đều.

Ngôi làng ai cũng sợ trúng xổ số

Rất nhiều người trúng xổ số ở khu chợ này gặp phải các tai ương như làm ăn thất bát, gia đình ly tán, thậm chí là chết chóc.

Khu chợ Nhựt Tảo (thuộc ấp 1, xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, Long An) dài chưa đầy 500 m, nhưng 15 năm trở lại đây có gần 20 người có trúng xổ số. Trong đó, nhiều người trúng luôn số độc đắc. Thế nhưng, càng kỳ lạ hơn khi rất nhiều người bỗng “đổi đời” sau một đêm, đã nhanh chóng gặp vận hạn. Kẻ thì kinh doanh thất bại, vỡ nợ; người thì gia đình, vợ con ly tán. Từ đây, những lời đồn thổi tam sao thất bản càng được nhân rộng, khiến cả một miền quê bỗng nhiên… sợ được “lộc trời”.
Về chợ Nhựt Tảo, nhiều câu chuyện ly kỳ về việc người dân ở đây liên tục trúng số khiến người từ xa đến không khỏi bất ngờ. Theo đó, những gia đình liên tục được thần tài gõ cửa, cứ tiêu hết tiền thì lại trúng số. Có trường hợp, mấy lần trúng độc đắc, năm trước chồng trúng, năm sau lại đến phiên của vợ. Những người dân ở khu chợ cho biết, trung bình cứ cách một nhà lại có một hộ trúng số. Vì thế, người ta cho rằng khu chợ quê này giàu có nhất đất Long An cũng là nhờ vé số.
Mới đây nhất, ngày 15/3, ở ấp 1, xã Nhựt Tân, hai người vừa may mắn được thần tài gõ cửa. Đó là gia đình ông Tấn Lộc và Nguyễn Văn Lâm. Trong vòng một năm trở lại đây, xã An Nhựt Tân đã có 6 người trúng số, trong đó, 3 người trúng độc đắc.
Bà Bé, người gốc Bến Tre, có thâm niên bán xổ số ở ngã 3 chợ Nhựt Tảo được hơn 10 năm. Hôm ấy, còn gần 30 phút nữa là đến giờ đài quay số trúng thưởng, bà vẫn bị ế 6 vé. Trời xế chiều nhưng vẫn nắng như đổ lửa, mồ hôi túa ra thấm ướt đẫm áo người phụ nữ già. Đứng mãi ở ngã ba cũng không ai mua, bà Bé bèn xuôi về bến Vàm Cỏ Đông để chào khách qua sông.
Hôm đó, tình cờ thế nào, ông Tấn Lộc và anh Lâm đi đến đầu đường rẽ thì cả hai bị ngã xuống đường. Đúng lúc ấy, bà Bé đi ra mời hai người khách mặt nhăn nhó vì đau. Ông Tấn Lộc thương tình bèn mua hai vé, còn anh Lâm lấy 4 vé còn lại. Mua xong, anh Lâm còn bảo: “Tôi hôm nay đen cả ngày, mua thử tờ vé số xem đời mình có hên không”. Không ngờ, hôm ấy ông Lộc, trúng một giải độc đắc và một tờ an ủi được 1,6 tỷ đồng. Còn anh Lâm trúng 4 vé an ủi được 400 triệu đồng.
Những người dân
Những người dân ở chợ Nhựt Tảo dường như e ngại việc trúng xổ số.
So với những người từng trúng số trước đây, thì số tiền thưởng trên chẳng đáng để kể, vì ở chợ Nhựt Tảo có người từng trúng 3-4 tỷ đồng. Người đầu tiên đổi vận ở bến chợ là ông Thạch Cảnh Tâm (sinh năm 1967). Ông Tâm người gốc Long Xuyên, ông nghèo đến nỗi tiền cưới vợ cũng không có. Như một “giấc mơ trưa”, vào năm 1991, ông bỗng biến thành tỷ phú vì trúng một lúc 42 tờ vé số độc đắc.
Hôm ấy, Thạch Cảnh Tâm đã mua 42 tờ vé số, và chính những tờ vé số đó đã thay đổi vận mệnh cuộc đời người đàn ông nghèo khổ ấy. Ngày ông Tâm với 3 người thân lên ngân hàng lĩnh giải, 4 người họ đã phải đếm tiền trong 2 ngày mới xong .Với 2,2 tỷ đồng tiền thưởng vào thời điểm ấy, nhiều người cho rằng Tâm là người giàu nhất tỉnh Long An. Có tiền ông Tâm đã mua đất xây nhà, mở quán cà phê kinh doanh, thành lập hợp tác xã vận tải đầu tiên ở huyện Bến Lức.
Một gia đình khác cũng được thần tài gõ cửa là ông Trần Văn Mười (50 tuổi), dân địa phương hay gọi ông là Mười “Bia”. Hoàn cảnh của ông Mười cũng chỉ hơn Tâm ở chỗ là có mảnh đất để cắm dùi. Nếu Tâm trúng một lần duy nhất trong đời, thì ông Mười lại trúng đến 3 lần, mỗi lần 500 triệu đồng. Một buổi sáng bà Thắm, vợ ông, đi thể dục ở trong khu di tích thì có người bán vé số vào mời mua, bà mua giúp cho người ta một tờ của đài Sóc Trăng. Không ngờ, tấm vé độc đắc 1,5 tỷ đồng.
Người dân ở chợ Nhựt Tảo cho biết, mỗi ngày người dân nơi đây, ít nhất cũng phải mua 100.000 đồng tiền vé số, cũng có người mua tới từ 400.000 đến 500.000 đồng. Nhưng một nghịch lý khó giải thích, đó là người dân khu chợ Nhựt Tảo vừa mong trúng số nhưng cũng rất…sợ “lộc trời”.
Cả ba người đầu tiên ở khu chợ được thần tài gõ cửa là Thạch Cảnh Tâm, Mười "Bia", Phạm Văn Thái đều có kết cục quá bi ai. Thảm thương nhất có lẽ là ông Phạm Văn Thái, sau khi trúng số, ông đã bị tai nạn giao thông chết bất đắc kỳ tử.
Lần đó, ông Thái đi về Vĩnh Hưng (huyện Mộc Hóa, Long An) ăn cưới người họ hàng, khi đến ngã 3 Vĩnh Hưng ông mua 5 vé của người bán số ven đường. Lấy vốn từ 5 vé số ấy, ông Thái mua thuyền đi thu mua thóc khắp các tỉnh miền Tây. Khi công việc đang thuận buồm xuôi gió thì đúng 3 năm sau ngày trúng số, ông chết vì tai nạn giao thông. Điều kỳ lạ, nơi ông gặp nạn chính là nơi ông mua 5 tờ vé số ngày trước. Người nhà của ông cho biết, hôm ấy ông Thái cũng đi lên Vĩnh Hưng ăn để ăn cưới.
Khi cái chết bí ẩn của ông Thái chưa hết ám ảnh thì người ta nghe tin ông Thạch Cảnh Tâm vỡ nợ. Lúc lĩnh 2,2 tỷ tiền giải thưởng năm 1991, ông Tâm kinh doanh cà phê. Sau đó, ông thành lập hợp tác xã vận tải Bến Lức. Việc làm ăn của Tâm khá thuận buồm xuôi gió, nhiều người tưởng rằng với cái đà này chẳng mấy đất Long An lại có “công tử Bạc Liêu”. Ai ngờ, khi nấm mồ ông Thái vừa xanh cỏ thì ông Tâm  tuyên bố vỡ nợ với số tiền lên tới 17 tỷ đồng. Bi đát hơn, ông Tâm và vợ phải đưa nhau ra tòa, đường ai lấy đi.
Ông Mười "Bia" thì có phần may mắn hơn vì không đến nỗi mất mạng hay tan nát gia đình. Ông Mười 3 lần trúng số 1,5 tỷ đồng và một lần vợ ông trúng giải độc đắc. Sau khi lĩnh tiền, ông mở đại lý bia và nước giải khát đầu tiên ở đất Tân Trụ. Nhưng sau 3 năm, ông phá sản, phải cầm cố nhà cửa để trả nợ.
Ông Trần Văn Trai, anh trai ông Mười “Bia” nói về đoạn kết của người em ruột: “Hai vợ chồng chú ấy cũng xảy ra mâu thuẫn, tình cảm không còn mặn nồng như trước. Đã mấy lần, hai người đâm đơn ra tòa để ly hôn, nhưng vì con cái can ngăn, tuổi đã già mà còn như vậy thì hàng xóm chê cười nên đành thôi. Cũng từ ngày sa cơ lỡ vận, Mười “Bia” trở nên bê tha, nát rượu”.
Ngoài các trường hợp trên, người dân ở đây còn cho biết, cũng có trường hợp người trúng số bị một số tai ương xảy ra với gia đình họ, như bị tai nạn, vợ chồng mâu thuẫn con cái hư hỏng, hay vỡ nợ đến tán gia bại sản.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh Phương, Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng uỷ xã An Nhựt Tân cho biết: “Những trường hợp trúng độc đắc của người dân khu chợ Nhựt Tảo chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Từ nhiều năm nay, người dân khu chợ Nhựt Tảo họ mua vé số như một thói quen, một nét văn hóa riêng. Người mua số cũng không hẳn vì cầu may, mà vì ủng hộ người bán số, đóng góp cho phúc lợi xã hội, và lộc “trời” có duyên tìm đến với họ. Những ai không giữ được 'lộc trời' thì đều do tự thân họ gây ra mà thôi”.

7 điều ít biết về detox

Nước cốt chanh, muối epsom, hoa quả tươi... là những nguyên liệu hỗ trợ bạn giải độc hiệu quả và an toàn.

Detox (giải độc) là phương pháp giúp cơ thể thanh lọc chất độc từ thức ăn, ô nhiễm, và tạo sự thanh tịnh, nhẹ nhàng cho trí óc. Detox kết hợp ngồi thiền, massage và tập yoga sẽ đem lại hiệu quả cao, đem đến cho bạn sức khỏe tốt. Tuy nhiên, không nhiều người biết về những công dụng và các nguyên liệu dùng cho quá trình detox.
1. Giúp giữ dáng
h_1397206714.jpg
Detox là một trong những cách tốt nhất để duy trì vóc dáng chuẩn mực. Nó giúp bạn bớt mệt mỏi, căng thẳng, cảm thấy tràn đầy năng lượng cho công việc. Ngoài ra, cơ thể cũng được cung cấp lượng calo vừa đủ để duy trì hoạt động cả ngày, tránh tình trạng gây lượng mỡ thừa.
2. Giảm dị ứng
Khi độc tố được thải ra, bạn sẽ ít mắc các hiện tượng dị ứng. Đặc biệt, nếu thực hiện detox dài hạn, cơ thể sẽ càng ít bị dị ứng với các loại thức ăn, mỹ phẩm.
3. Detox khi bạn thấy mệt mỏi
2_1397206623.jpg
Nếu cảm thấy thường xuyên đau nhức đầu và cơ thể không rõ nguyên nhân, móng tay giòn, tóc rụng nhiều, thậm chí trí nhớ giảm rõ rệt, bạn nên điều chỉnh chế độ ăn uống và bắt đầu detox để giữ gìn sức khỏe, giảm lượng độc tố tích tụ trong người.
4. Chanh
Nước cốt chanh là một trong những nguyên liệu thanh lọc cơ thể đơn giản và hữu hiệu. Chúng giàu vitamin C, cung cấp năng lượng dồi dào, giúp bạn nhanh chóng hồi phục khi bị mắc bệnh. Ngoài ra, axit citric trong loại quả này là "khắc tinh" của chất béo, có lợi cho việc giữ dáng, giảm cân của phái đẹp.
5. Nước ấm
1_1397206651.jpg
Nước ấm hỗ trợ loại bỏ các chất không có lợi qua bề mặt da rất tốt. Bạn có thể thêm muối epsom (khoáng chất tự nhiên có vị đắng) vào nước ấm nhằm giúp người đổ mổ hôi, do đó chất độc sẽ bị thải ra qua lỗ chân lông, đồng thời làn da sẽ thêm tươi trẻ, căng mịn.
6. Trái cây tươi
Trái cây tươi là một trong những loại thực phẩm chống lại các chất độc trong cơ thể rất tốt. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có khẩu phần ăn phù hợp nhằm detox hiệu quả nhất.
7. Dùng thuốc giải độc cơ thể
Nếu không muốn thực hiện các phương pháp thanh lọc bằng nguyên liệu thiên nhiên, bạn có thể sử dụng thuốc detox với tần suất mỗi ngày một lần. Thêm vào đó, tham khảo ý kiến chuyên gia khi uống thuốc là cách giúp bạn chăm sóc sức khỏe tốt và an toàn hơn.