Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh?

TS Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm) cho biết, đến nay chưa có nghiên cứu nào nói việc nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh cho con người.
Nêm gia vị làm sao để làm cho món ăn được ngon hơn là mối quan tâm của nhiều bà nội trợ. Bởi vì, nêm gia vị không chỉ cần vừa tay mà còn phải đúng thời điểm để hòa quyện vào thực phẩm. Vậy có hay không chuyện nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh?
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Phan Thị Sửu (Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật An toàn Vệ sinh thực phẩm) cho biết: "Gia vị có nhiều loại như muối, nước mắm, mỳ chính, hạt tiêu, hành tỏi… Tuy nhiên, đến nay chưa có nghiên cứu nào nói việc nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh cho con người. Việc nêm gia vị sớm hay muộn là tùy vào món ăn, cách nấu của bà nội trợ. Tuy nhiên, việc cho gia vị đúng thời điểm cũng có thể góp phần giúp cho món ăn được ngon hơn”.
Muối, bột canh: Cho vào ướp hoặc nêm khi nấu canh
Có một số thông tin cho rằng, với các món xào, thì nên cho muối vào cùng với dầu ăn, rồi mới cho thực phẩm vào sau một phút để xào. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ đến 95% độc tố aflatoxin có trong muối.
Trước thông tin đó, PGS. TS Phan Thị Sửu, cho rằng điều này không đúng và không có cơ sở khoa học. "Bởi vì, alflatoxin chỉ tạo thành ở các hạt có dầu bị mốc như lạc, hạt điều chứ không thể có alflatoxin trong muối. Muối có thể cho vào khi ướp thực phẩm, nêm nếm trong khi đun nấu hoặc khi đã xào, nấu xong".
Nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh?
Theo PGS. TS, ngày nay người nội trợ thường dùng bột canh thay muối trắng. Bột canh cho vào các thực phẩm để kho, rán, thường cho vào ướp cùng thịt, cá để ngấm vào thực phẩm làm tăng vị đậm đà. Khi luộc rau cho một chút bột canh vào nước đun sôi (vì nhiệt độ sôi của nước muối cao hơn) sẽ làm cho rau luộc được xanh hơn. Tương tự khi nấu canh cũng nên cho muối trước khi cho rau vào nấu để cho rau đậm đà và xanh hơn.
Nước mắm: Không nên nấu hoặc ninh kỹ quá
Nước mắm có vị ngọt của các các axit amin tạo ra trong quá trình muối chượp (nguyên liệu thuỷ sản - thường là cá ướp muối - đang phân huỷ dùng để làm nước mắm). Nếu nấu hoặc ninh kỹ quá có thể làm mất đi các axit amin nên chỉ nấu ở một thời gian thích hợp đảm bảo đủ chín thực phẩm. Nước mắm có thể cho vào thực phẩm khi ướp hoặc trước khi nấu.
Đường: Nên để lửa ở nhiệt độ vừa phải
Đường vừa tạo vị ngọt vừa tạo màu cho thức ăn. Đối với món kho hoặc chiên, rán thường ướp thực phẩm với đường. Nếu chiên rán thì chỉ để lửa 170 độ C - 200 độ C, thực phẩm sẽ có màu nâu cánh gián vừa phải rất hấp dẫn. Song, nếu để nhiệt độ cao hơn, đường sẽ bị caramen hóa làm cho thực phẩm có màu  nâu đen, làm mất đi vẻ đẹp của món ăn.
Nêm gia vị không đúng lúc sẽ gây bệnh?
Hành, Tỏi: Ướp thực phẩm hoặc phi thơm đều được
Hành có thể cho vào khi ướp thực phẩm, hoặc cho vào mỡ để phi lên trước khi xào. Khi xào rau muống hay ngọn bí, nên lấy một ít tỏi phi với dầu mỡ cho thơm rồi cho rau vào xào, gần chín cho thêm một ít tỏi, giã nhỏ vào sẽ có một món rau xào thơm ngon dậy mùi tỏi.
Hạt tiêu: Cho vào sau khi xào xong
Hạt tiêu có chất tạo vị cay và tinh dầu, khi đun lâu thì tinh dầu bay hơi, chất cay vẫn còn. Khi kho thịt cá thì nên cho hạt tiêu xay không mịn (còn từng mảnh), có thể dùng hạt tiêu đã rang chín hoặc hạt tiêu sống đều được. Với các món xào, dùng hạt tiêu rang chín và xay mịn để cho vào sau khi đã xào xong.
Ngoài ra, TS Phan Thị Sửu lưu ý người nội trợ không nên dùng các phẩm màu tổng hợp. Nên tận dụng cách tạo màu tự nhiên như màu xanh từ lá riềng, màu đỏ từ quả gấc, hạt điều nhuộm, từ quả cà chua, màu vàng từ quả dành dành, củ nghệ.
Dầu ăn: Tuyệt đối không dùng dầu chiên đi chiên lại
TS Phan Thị Sửu còn chia sẻ, “Trong khi đun nấu, đáng lo ngại nhất là việc dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần. Vì, nếu dùng dầu chiên đi chiên lại sẽ tạo ra chất trans fat có thể gây ung thư. Vì vậy, tuyệt đối không dùng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần”.
Với mì chính, một điều cần lưu ý nữa là đối với một số người có cơ địa dị ứng với mì chính (bột ngọt) thì không nên dùng thức ăn có nêm nhiều mì chính.

9 tháng mang bầu, nguy hiểm rình rập

Những biến chứng cực nguy hiểm trong 9 tháng mang thai có thể cướp mất thai nhi của mẹ.
Mẹ đừng nghĩ rằng sau khi que thử thai hiện lên hai vạch là chắc chắn sẽ có được con yêu nhé. Trong khoảng 280 ngày mang thai, mẹ bầu và thai nhi có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều biến chứng mà không ai lường trước được. Thông thường, hầu hết thai phụ đều trải qua quá trình mang thai, sinh nở bình thường, suôn sẻ, tuy vậy vẫn có khoảng 1/500 chị em sẽ gặp 1 số biến chứng ảnh hưởng đến mẹ hoặc bé trong suốt kỳ thai nghén.
Những biến cố này chẳng ai mong muốn tuy nhiên mẹ bầu cần biết để kịp thời phát hiện, điều trị nếu chẳng may gặp phải. Các dấu hiệu cảnh báo, mức độ rủi ro của những biến chứng này sẽ giúp chị em nhanh nhạy phản ứng, nhờ đó giữ gìn sức khỏe và thậm chí là an toàn tính mạng cho cả 2 mẹ con.
Dưới đây là 12 biến chứng nguy hiểm mẹ thường gặp phải nhất trong từng quý thai kỳ.
3 tháng đầu
Nghén nặng
Cứ khoảng 100 thai phụ sẽ có 2 người bị nghén nặng vào những tháng đầu hoặc cả thai kỳ với các triệu chứng như buồn nôn liên tục, đau đầu, mệt mỏi, huyết áp thấp, nhịp tim nhanh, có thể dẫn đến hôn mê.
Nguyên nhân là do trong cơ thể những mẹ bầu này có chứa lượng hormone nhạy cảm cao hơn so với các thai phụ khác. Nghén nặng cũng thường xảy ra với những mẹ bầu béo phì, mang thai lần đầu, đa thai v.v… Một nghiên cứu gần đây cho thấy mẹ bầu nghén nặng còn có nguy cơ cao mắc chứng tiền sản giật và thường phải nhập viện trước tuần 12 của thai kỳ do nôn mửa quá nhiều làm tăng khả năng tắc ruột, nhiễm trùng đường tiết niệu, suy yếu chức năng gan v.v… Do đó, nếu bị nghén nặng dẫn đến mất nước, mẹ bầu phải nhanh chóng nhập viện để được truyền dịch kịp thời.
Hở cổ tử cung
Dấu hiệu nhận biết rõ ràng nhất của hở cổ tử cung là vào những tháng cuối của quý 1, đầu quý 2 thai kỳ, khi ống cổ tử cung không khép chặt và bắt đầu mở trước thời điểm sinh làm túi nước ối chứa thai nhi tụt xuống đường âm đạo, vỡ ra. Thai phụ đang sinh hoạt bình thường đột nhiên cảm thấy nước ối chảy ra. Sau vài cơn gò mạnh, thai được sinh ra rất nhanh. Do chỉ khoảng từ 3 – 4 tháng nên thai rất non và thường chết ngay sau khi sinh.
Một điều không may là hở cổ tử cung thường chỉ được chẩn đoán sau khi đã sẩy thai lần đầu tiên, lần mang thai sau lại có nguy cơ bị sẩy sớm hơn lần trước.
Thai ngoài tử cung
Là 1 biến chứng khá phổ biến trong 3 tháng đầu thai kỳ, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng người mẹ nếu không phát hiện và can thiệp kịp thời. Thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ 4,5 – 10,5/1000, tức cứ 1000 người mang thai sẽ có từ 4 – 10 thai phụ có thể bị thai ngoài tử cung. Đây là trường hợp thai không nằm trong lòng tử cung mà nằm ở những nơi khác ngoài tử cung, 99% là noãn làm tổ trong ống dẫn trứng, hiếm hơn là trứng thụ tinh nằm trong khoang bụng, trong cổ tử cung hoặc trên 1 trong 2 buồng trứng.
9 tháng mang bầu, nguy hiểm rình rập
Các trường hợp phổ biến của thai ngoài tử cung. (hình minh họa)
Chửa trứng
Là một hiện tượng thai nghén bất thường, thai phụ bị chửa trứng có 1 phần hay toàn bộ tổ chức gai nhau bị thoái hóa tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau thành từng chùm như trứng ếch. Những chùm nang này thường chiếm toàn bộ diện tích buồng tử cung và tiếp tục phát triển nhờ máu mẹ, dù trứng đã hỏng.
Chửa trứng đặc biệt gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng của người mẹ, nếu không kịp cấp cứu kịp thời có thể gây băng huyết, hoặc trứng ăn sâu vào cơ tử cung, làm thủng lớp cơ tử cung gây chảy máu ổ bụng. Nguy hiểm hơn là chửa trứng có thể gây ung thư mô trung sản, chiếm đến gần 30% ca chửa trứng, do tế bào nuôi phần nhau bị ung thư và lây sang mẹ, thường xảy ra ở những mẹ có kích thước tử cung trước khi nạo to hơn tuổi thai 20 tuần, hoặc có 2 nang hoàng tuyến to 2 bên buồng trứng, nồng độ HCG tăng rất cao, có biến chứng của chửa trứng như nhiễm độc thai nghén hay cường tuyến giáp, cũng có thể do chữa trứng tái phát.
Sẩy thai
Có đến 1/3 thai phụ sẽ bị sẩy thai trong khoảng 20 tuần đầu thai kỳ. Các triệu chứng báo hiệu sẩy thai gồm: ra máu âm đạo bất thường kèm đau bụng, đau lưng, chuột rút; xuất hiện các cơn co thắt từ 5 – 20 phút/ lần hoặc giảm đến mất hẳn các triệu chứng thai kỳ, kèm giảm cân nhanh chóng.
3 tháng giữa
Bài liên quan:
Cẩn thận sảy thai vì bệnh trầm cảm
Cảnh báo 8 bệnh dễ lây từ mẹ sang con
Làm “chuyện ấy” sẽ có hại cho em bé?
10 điều mẹ chưa biết về sẩy thai
Nhau thai bất thường
Nhau tiền đạo và nhau bong non là 2 biến chứng về nhau thai cực kỳ nguy hiểm trong thai kỳ. Nhau tiền đạo chiếm tỷ lệ 1/200 trường hợp mang thai, cũng hay gặp ở những mẹ bầu có tử cung phát triển bất thường, sinh đẻ nhiều lần, từng sinh đôi, sinh ba, hút thuốc lá, có con khi tuổi đã cao v.v… hoặc có vết sẹo cũ ở tử cung do đẻ mổ, phẫu thuật tử cung, nạo hút thai, nhau tiền đạo là tình trạng bánh nhau bám vào đoạn dưới hoặc ở cổ tử cung thay vì ở vùng đáy, thân tử cung như bình thường.
Nhau bong non là trường hợp cấp cứu sản khoa rất nguy hiểm và hay xảy ra vào 3 tháng cuối thai kỳ,  tuy nhiên cũng có một số thai phụ gặp phải biến chứng này vào những tháng giữa thời kỳ thai nghén.
Tiền sản giật
Dù tiền sản giật chủ yếu xảy ra ở 3 tháng cuối thai kỳ, nhưng cũng có 1 số thai phụ mắc phải biến chứng nguy hiểm này ngay trong quý 2 của kỳ thai nghén. Các dấu hiệu báo hiệu tiền sản giật gồm huyết áp cao rõ rệt, mẹ bị phù hoặc sưng quá nhiều và có đạm trong nước tiểu. Tiền sản giật ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể mẹ, bao gồm cả nhau thai, do đó đây cũng là nguyên nhân khiến thai chậm phát triển, suy thai, thậm chí làm thai chết trong tử cung. Biến chứng này có thể khiến mẹ bị tổn thương gan, thận, xuất huyết, nếu không điều trị kịp dẫn đến co giật, hôn mê, phù phổi cấp, suy tim cấp hoặc xuất huyết não gây tử vong.
Vỡ ối non
Vỡ ối non là tình trạng màng ối bị vỡ quá sớm trước giai đoạn chuyển dạ. Nếu vỡ ối non trong quý 2, người mẹ có nguy cơ phải đối diện với việc sinh non, thai nhi khó sống sót sau khi lọt lòng mẹ. Đây là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 75% trẻ sơ sinh mà không do những bất thường thai nhi.
9 tháng mang bầu, nguy hiểm rình rập
Có rất nhiều nguy hiểm 'rình rập' mẹ bầu suốt thai kỳ. (ảnh minh họa)
3 tháng cuối
Huyết khối tĩnh mạch sâu
Càng về cuối thai kỳ, mẹ bầu càng có nguy cơ mắc phải chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, nhất là với những chị em ít vận động, bị thừa cân, suy tim ứ huyết, chấn thương trực tiếp ở chi dưới hay thụ tinh trong ống nghiệm, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người thân bị huyết khối v.v…
Đây là tình trạng tắc nghẽn 1 tĩnh mạch do cục máu đông được vận chuyển trong dòng máu từ một nơi khác đến làm tắc tĩnh mạch chi dưới, hoặc tĩnh mạch chậu. Khi cục máu đông bị bóc tách khỏi thành mạch có thể đi đến các mạch máu lớn ở tim, phổi làm thuyên tắc tim, phổi, gây tử vong cho thai phụ.
Tiểu đường thai kỳ
Vào đầu quý ba, hầu hết bà bầu đều sẽ được làm xét nghiệm để xem có bị mắc phải bệnh tiểu đường thai kỳ hay không. Đây là tình trạng rối loạn dung nạp đường huyết dẫn đến tăng lượng đường huyết trong thời kỳ bầu bí, gồm 2 thể là tiểu đường rõ, có trước khi mang thai, chỉ phát triển trong thai kỳ và kéo dài sau sinh; thể 2 là bất thường dung nạp đường huyết thật sự, xuất hiện trong lúc mang thai, biến mất tạm thời sau sinh. Đáng báo động là tỷ lệ thai phụ bị tiểu đường ở nước ta đang gia tăng. Theo 1 khảo sát của Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) dựa trên số liệu tổng hợp từ các bệnh viện phụ sản trong nước cho thấy tỷ lệ thai phụ mắc tiểu đường đã tăng từ 2,1% vào năm 1997 lên 4% vào năm 2007, năm 2008 đã lên đến 11%... Trong vòng 7 năm trở lại đây, số lượng bà bầu bị biến chứng này đã tăng gấp đôi so với trước đó.
Ứ mật thai kỳ
Khoảng 1/1000 thai phụ sẽ mắc chứng bệnh này, gây ra cảm giác đặc biệt khó chịu cho bà bầu, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do axit mật được tạo thành trong gan rồi theo các ống gan đi vào túi mật, túi mật giúp dự trữ axit mật và bẻ gãy các chất béo cần thiết trong quá trình tiêu hóa.
Đa ối – Thiểu ối
Lượng nước ối của mỗi thai phụ có thể khác nhau và nó cũng tăng giảm tùy thuộc vào thời gian mang thai. Ở tuần thứ 37 lượng nước ối đạt cao nhất xấp xỉ bằng 1000ml. Nhưng cũng có trường hợp nước ối trong bụng mẹ quá ít hay quá nhiều, một trạng thái như vậy được gọi là thiểu ối và đa ối. Cho dù là thiểu ối hay đa ối thì đều tiềm ẩn những nguy cơ đối với thai kỳ. Trong khi thiểu ối dễ khiến trẻ bị ngạt thì đa ối lại dễ khiến trẻ bị suy thận. Vì vậy, thai phụ cần hiểu rõ để có những cách phòng ngừa và điều trị kịp thời.
Để hiểu hơn về các biến chứng nguy hiểm thường gặp trong thai kỳ, mời các mẹ đón đọc các kỳ dưới đây vào 0h00 thứ 4 hàng tuần trên chuyên mục Bà bầu của Eva.vn - website hàng đầu dành cho phụ nữ:
Kỳ 1. Nghén nặng
Kỳ 2: Hở cổ tử cung
Kỳ 3: Thai ngoài tử cung
Kỳ 4: Chửa trứng
Kỳ 5: Sảy thai
Kỳ 6: Các bất thường về nhau thai
Kỳ 7: Tiền sản giật
Kỳ 8: Vỡ ối non
Kỳ 9: Huyết khối tĩnh mạch sâu
Kỳ 10: Tiểu đường thai kỳ
Kỳ 11: Ứ mật thai kỳ
Kỳ 12: Đa ối - Thiểu ối

Công dụng thần kỳ của dầu dừa cho nhan sắc

Được khá nhiều chị em phụ nữ biết đến và sử dụng, dầu dừa là một trong những nguyên liệu làm đẹp được phái nữ ưa chuộng nhất. Các chị em sử dụng dầu dừa để dưỡng da và làm đẹp da. Và cách dưỡng da với dầu dừa hiệu quả tại nhà mà chúng tôi chia sẻ  đến bạn dưới đây sẽ hỗ trợ bạn làm đẹp da bằng dầu dừa hiệu quả hơn.
Trị mụn với dầu dừa
Sử dụng dầu dừa để trị mụn là một trong những cách dưỡng da với dầu dừa phổ biến nhất mà chị em phụ nữ thường áp dụng. Chỉ cần bạn làm sạch da, thoa lên vùng da đó một lớp mỏng dầu dừa nguyên chất và massage nhẹ nhàng khoảng 15 – 20 phút, sau đó rửa mặt thật sạch thì bạn đã có thể đánh tan những vết mụn “khó ưa” rồi nhé!

Không chỉ giúp bạn trị mụn hiệu quả mà dưỡng da với dầu dừa hiệu quả còn mang lại cho các chị em một làn da mềm mại, mịn màng và còn giúp làm giảm các vết sẹo do mụn gây ra.

Giảm nếp nhăn, chống lão hóa da với dầu dừa

Một trong những công dụng làm đẹp vượt trội của dầu dừa chính là giúp làm giảm nếp nhăn và chống lão hóa da hiệu quả. Cách dưỡng da với dầu dừa này nhận được khá nhiều sự quan tâm của hầu hết những chị em phụ nữ đang muốn làm đẹp. Sử dụng dầu dừa sẽ giúp giữ cho các mô liên kết của da khỏe mạnh, đồng thời giúp bạn ngăn chặn sự xuất hiện của nếp nhăn.
Chỉ cần rửa da thật sạch và xoa dầu dừa nguyên chất trực tiếp lân làn da thì chẳng mấy chốc, bạn sẽ  cảm nhận được sự thay đổi khác biệt. Một làn da mềm mại, mịn màng, săn chắc, tươi trẻ, trắng hồng tự nhiên sẽ không còn là xa vời đối với các chị em nữa nhé!
Làm mềm dịu đôi tay khô ráp
Công dụng thần kỳ của dầu dừa cho nhan sắc
Hàng ngày khi phải tiếp xúc đôi tay trần với nhiều hóa chất như nước rửa chén, xà bông giặt đồ … sẽ làm cho đôi tay bạn trở nên khô ráp, thậm chí xỉn màu. Lúc này, không cần đắn đo nhiều, hãy sử dụng dầu dừa để dưỡng ẩm cho đôi tay ngay nhé. Ngoài việc dưỡng da bên ngoài, bạn có thể nấu ăn với dầu dừa để bổ sung vitamin E cho cơ thể, cũng có tác dụng cung cấp độ ẩm và tăng độ đàn hồi cho da từ bên trong.
Để tăng tính hiệu quả, bạn hãy cho thêm vào món ăn một chút bơ. Katrine Van Wyk, huấn luyện viên dinh dưỡng tại New York cho biết: “Bất cứ khi nào nấu ăn với dầu dừa, mục đích đầu tiên của tôi luôn là dành một ít dầu dừa để dưỡng ẩm cho đôi tay sau khi mọi công đoạn nấu nướng hoàn thành. Thật là một công đôi việc, vừa được ăn ngon lại vừa đẹp."

Tạo khối xương gò má khi trang điểm

Trong kỹ thuật trang điểm, cách khắc phục một khuôn mặt mệt mỏi, không có thần sắc và mờ nhạt chính là thủ thuật tạo khối tại vị trí xương gò má, để tạo điểm nhấn và sự sắc nét hơn. Và nếu chẳng may bạn không có những loại mỹ phẩm chuyên dụng cho vấn đề này, thì dầu dừa sẽ trở thành vị cứu tinh của bạn. Thao tác rất đơn giản, chỉ cần quét một lượng dầu dừa nhỏ lên phần cao nhất của gò má và không phủ thêm bất cứ loại phấn nền nào.
Khi dầu dừa thẩm thấu vào da, nó trông rất tự nhiên, như làn da thật vậy nhưng sẽ tạo sự bừng sáng cho cả khuôn mặt của bạn. Đó là lý do tại sao các thương hiệu mỹ phẩm đều sử dụng dầu dừa như một thành phần cơ bản trong công thức. Vì vậy, khi chọn mua phấn tạo khối cho khuôn mặt, hãy để ý đến thành phần cấu tạo của nó, tốt nhất nên chọn loại có tinh dầu này vì độ phản chiếu ánh sáng rất tuyệt.

Hỗ trợ việc cạo lông chân

Thông thường, khi cạo lông chân hay lông nách, cũng như nam giới cạo râu vậy, các bạn nữ thường chọn mua những sản phẩm hỗ trợ giúp việc dọn dẹp “rừng rậm” được dễ dàng hơn. Tuy nhiên, kem cạo râu như là một món cocktail đắt tiền nhưng chứa đầy những hóa chất gây khô rát, ửng đỏ cho làn da sau khi cạo lông. Nhưng dầu dừa thì khác, không tốn kém, tự nhiên kháng khuẩn và có mùi nhẹ nhàng. Thêm vào đó, nó còn giúp giữ lại độ ẩm cần thiết cho đôi chân thon thả của bạn, chứ không bóng nhẫy dầu mỡ.
Tẩy trang vùng mắt

Đối với các loại phấn mắt, chì kẻ mắt hay thậm chí là mascara không trôi, không thấm nước cũng không phải là đối thủ đáng gờm của dầu dừa. Chỉ cần nhỏ vài giọt dầu dừa lên miếng bông trang điểm, nhẹ nhàng lau quanh vùng mắt, lúc này mọi thứ mỹ phẩm dù cứng đầu đến mấy cũng phải đầu hàng mà rời khỏi khuôn mặt của bạn. Sau đó nhớ rửa mặt lại bằng sữa rửa mặt như bình thường nhé.

Đặc biệt, trong quá trình trang điểm, nếu chẳng may, bạn mắc phải vài lỗi như kẻ mắt nước bị lem chẳng hạn, đừng cuống lên mà hãy bình tĩnh dùng dầu dừa để tẩy trang hay chỉnh sửa theo ý muốn.

Dưỡng ẩm cơ thể
Công dụng thần kỳ của dầu dừa cho nhan sắc
Một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng khi bôi tại chỗ, dầu dừa có thể tăng tốc độ chữa lành vết thương, và một nghiên cứu khác lại nhận ra nó có hiệu quả trong việc tăng hydrat hóa và làm giảm sự mất nước đối với những trường hợp da khô nghiêm trọng. Vì vậy, hãy sử dụng dầu dừa như lotion dưỡng da cho cơ thể được mịn màng và tươi trẻ, mà giá thành lại rất bình dân.

Làm sạch và kháng viêm cho da mặt

Bởi vì dầu dừa có đặc tính tự nhiên kháng khuẩn, kháng nấm, giữ ẩm, và nhiều nghiên cứu đã chứng minh, dầu dừa rất tốt cho bệnh viêm da dị ứng. Vì vậy, nhiều phụ nữ sử dụng nó như một loại kem dưỡng ẩm ban đêm cho da mặt để tránh bị dị ứng.
Dầu dừa còn có khả năng làm sạch da rất hữu hiệu, hãy thử các phương pháp làm sạch sau: Đơn giản chỉ cần chà xát dầu theo chuyển động tròn trên mặt và cổ của bạn, sau đó cứ mát xa nhẹ nhàng trong vòng 10 – 15 phút. Khi thực hiện xong, rửa sạch phần còn sót lại với sữa rửa mặt yêu thích của bạn. Nhưng nếu bạn bị mụn trứng cá nặng nên tránh lạm dụng phương pháp này, vì việc bổ sung quá nhiều chất dưỡng ẩm sẽ khiến tình trạng mụn ngày càng nghiêm trọng.
Ngăn ngừa nám da, tàn nhang

Tia tử ngoại trong ánh nắng là một nguyên nhân gây nám da và các vết tàn nhang. Khả năng kháng khuẩn và chống ôxi hóa của dầu dừa giúp ngăn ngừa những tổn hại của da do ánh nắng mặt trời.

Làm dịu da cháy nắng

Nếu da bị cháy nắng do tắm biển, các bạn có thể thoa một lớp mỏng dầu dừa lên da. Dầu dừa giúp giảm cảm giác bỏng rát và ngăn vi khuẩn thâm nhập vào da.
Dưỡng môi, trị khô nứt

Dầu dừa là một loại son dưỡng tự nhiên vô cùng tốt. Các axit béo trong dầu dừa giúp giữ ẩm và làm mềm môi, còn vitamin E giúp trẻ hóa làn môi. Đặc biệt vào mùa đông ở miền bắc, các bạn sẽ thấy công dụng của dầu dừa đối với đôi môi của mình.