Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Làm giàu nhờ nuôi con đặc sản

(VEN) - Với một mảnh đất vẻn vẹn 300m2 , ông Vũ Đình Cừ - thôn Đồng Tu 1 - huyện Đông Hưng - tỉnh Thái Bình đã xây dựng một mô hình kinh tế hộ gia đình nhỏ gọn và cho lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đây cũng là mô hình kinh tế điển hình và được huyện Đông Hưng khuyến khích phát triển trên phạm vi toàn huyện trong thời gian tới.

Ba ba giống

Năm 1985, người chiến sĩ Vũ Đình Cừ tại ngũ về quê với đồng lương hưu còm cõi và gánh nặng hai con học đại học. Vẫn muốn bám trụ và làm giàu trên mảnh đất của quê hương, ông đã tự mình nghiên cứu và xác định con đường duy nhất là làm kinh tế hộ gia đình. Ông nói: “Do không có lợi thế về diện tích, tôi đã chọn nuôi những con đặc sản, có giá trị cao về kinh tế nhưng lại không tốn diện tích nuôi ”. Và hiện tại, ông đã thành công với hai loại con nuôi đặc sản là ba ba gai và rắn.
Với diện tích toàn vườn là 300m2, ông Cừ dành 240m2 để nuôi ba ba gai. Ba ba gai có một đặc tính khác với ba ba thường là lớn rất nhanh, lại không tốn diện tích sống. Một ô ao rộng khoảng 30-40m2 có thể thả được 100 con giống; cứ 1m2 ao là nuôi được 1 con ba ba thịt nặng khoảng 5kg... Thức ăn của ba ba gai dễ kiếm, chỉ là ốc nhái, cá nhỏ... Tuy nhiên, môi trường sống của ba ba gai lại đòi hỏi phải sạch: thành ao xây cao, vớt tảo hàng ngày, rải cát ở mép bờ để cho ba ba đẻ. Một con ba ba gai từ 2-3 lạng, nuôi khoảng hơn 1 năm sẽ có cân nặng là 5kg, với giá bán từ 700.000-800.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, để mua được giống ba ba gai, ông phải lặn lội lên miền núi vì dưới đồng bằng chưa có nơi nào cung cấp dồi dào mặt hàng này. Giá bán một con ba ba giống (từ nhỏ bằng đồng xu đến 2-3 lạng) là từ 300.000-500.000 đồng/con. Vì vậy, ông đã nảy sinh ra ý định nuôi ba ba giống để vừa cung cấp giống cho gia đình, vừa cung cấp giống cho người có nhu cầu. Hiện nay, trong vườn nhà ông có 5 ô ao nuôi ba ba, trong đó có 1 ô nuôi ba ba bố mẹ, 1 ô nuôi ba ba giống và 3 ô nuôi ba ba thịt. Với cách nuôi xoay vòng – bé thì bán giống, lớn hơn thì chuyển sang nuôi để bán thịt, trong vườn nhà ông không những không thiếu ba ba để nuôi mà còn đủ để cung cấp cho nhiều người có nhu cầu về giống ba ba trong vùng và các vùng lân cận.
Để tận dụng trọn vẹn diện tích vườn ít ỏi của mình, ông Cừ còn nuôi thêm rắn. Theo ông Đặng Văn Sinh – Phó Chủ nhiệm hợp tác xã thị trấn Đông Hưng: “Ông Cừ là “vua” nuôi rắn ở vùng này”. Rắn là loại con nuôi siêu lợi nhuận và tốn ít diện tích hơn ba ba nhưng lại đòi hỏi kỹ thuật cao hơn nhiều. Hiện tại, trong vườn nhà ông có các loại rắn như: măng hoa, hổ trâu, phì... Một 1m2 chuồng tập thể thường có khoảng 25-30 con từ 3 lạng trở xuống. Lớn hơn, ông chồng tầng chuồng rắn lên nhau, mỗi chuồng rộng 30cm2/con khoảng từ 9 lạng trở lên. Vẫn dùng cách nuôi quay vòng như nuôi ba ba, hiện tại trong vườn nhà ông có 4 hầm rắn đủ loại, nuôi từ rắn mới đẻ ra đến khi rắn được 1,5kg thì bán với giá 500.000 đồng/kg.
Rắn trong vườn nhà ông Cừ
Để xây dựng thành công mô hình kinh tế như ngày hôm nay, ông Cừ cũng đã trải qua nhiều lần thử nghiệm thất bại. Vào những năm 1992, khi bắt đầu bỏ vốn làm kinh tế, ông đã từng mất trắng hàng trăm triệu đồng do chưa nắm được kỹ thuật nuôi. Nhưng rồi sau quá trình tự mày mò tìm hiểu, áp dụng đúng khoa học kỹ thuật, hiện tại, ông đã thành công trong việc nuôi các loại con đặc sản cho giá trị kinh tế cao. Hàng năm, trừ toàn bộ chi phí, ông thu lãi trên dưới 200 triệu đồng. Ông nói: “Cái quan trọng là phải có kỹ thuật. Cứ nắm vững kỹ thuật thì nhất định sẽ thành công”. Hiện nay, ông còn thuê nhân công, tạo công ăn việc làm cho một số người dân trong huyện với mức lương 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Nhận xét về mô hình kinh tế của ông Cừ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đông Hưng Nguyễn Văn Thừa cho biết: “Đây là mô hình nhân dân làm kinh tế điển hình của huyện. Huyện đã đề nghị ông Cừ viết một cuốn sách ghi lại những kinh nghiệm nuôi con đặc sản của mình để chia sẻ với bà con. Thu lãi hàng trăm triệu đồng trên một diện tích không lớn, đây thực sự là một mô hình cần được nhân rộng trên toàn huyện trong thời gian tới”./.
Phương Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét