Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

1001 cách làm ăn: Trồng rau ngót

Rau ngót không kén đất, chỗ nào cũng trồng được. Ta trồng rau ngót bằng thân, chọn những đoạn thân ở cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và chặt thành từng đoạn 20-25cm. Cắm các đoạn thân đó vào các rãnh đã chuẩn bị sẵn - rộng 20-25cm và sâu 10-15cm...
Tôi đến thăm một đồn biên phòng, 2 bên vệ đường dẫn vào đơn vị được trồng kín rau ngót. Đồn trưởng vui vẻ giới thiệu: Đây là loại rau xanh chủ lực của đồn...
Tôi nhớ có lần lên Hương Sơn (Hòa Bình), thấy có nhà trồng cả một quả đồi toàn rau ngót. Trông xa, tưởng họ trồng chè, tới nơi mới biết đấy là rau ngót. Ông chủ cho biết, rau ngót bán rất chạy mà chăm sóc lại dễ, ít sâu bệnh. Hàng ngày ông chỉ để khoảng 2 tiếng lo bơm nước, tưới cây; mỗi tuần bón thêm phân 1 lần. Trồng tới 4 năm mới phải thay cây…
Rau ngót đâu có lạ với bà con ta, ở đâu cũng có thể trồng rau ngót. Đặc biệt, nó chịu được cớm nên ta có thể trồng rau ngót ngay cả dưới các tán cây. Nhiều nhà vườn kết hợp trồng cây ăn quả với rau ngót. Đa số bà con thường trồng nó quanh các giếng nước, quanh bờ ao, dọc theo bờ rào, theo các lối đi… chủ yếu là để tận dụng đất. Điều đó cũng chứng tỏ, rau ngót rất dễ trồng và dễ sống. Tuy nhiên, nếu bố trí trồng ra vườn, ra ruộng và đảm bảo chăm sóc tốt thì đó là một loại rau cho ta thu nhập khá.
Có nơi, bà con còn gọi cây rau ngót là cây bồ ngót. Nó là cây cho ta lá để nấu canh, canh rau ngót rất ngon. Bình thường, ta chỉ cho thêm một ít bột ngọt vào là đã được bát canh hoàn hảo. Trong rau ngót có nhiều chất dinh dưỡng quý, nhất là chất đạm với các amino axit quan trọng mà cơ thể chúng ta rất cần. Ngoài ra, nó còn chứa nhiều chất khoáng và vitamin.
Mùa này là mùa trồng rau ngót. Nhà nào chưa trồng thì nên tính việc trồng thêm rau ngót, nó không kén đất, chỗ nào cũng trồng được. Tuy nhiên, nhưng nơi đất có nhiều mùn và hơi nặng thì cây mọc tốt hơn. Ta trồng rau ngót bằng thân, chọn những đoạn thân ở cây khỏe mạnh, không bị sâu bệnh và chặt thành từng đoạn 20-25cm. Cắm các đoạn thân đó vào các rãnh đã chuẩn bị sẵn - rộng 20-25cm và sâu 10-15cm. Mỗi rãnh nên cách nhau khoảng 40-50cm để có lối đi vào khi hái lá. Nó là cây ăn lá nên cần nhiều đạm và lân, lượng kali có thể ít hơn.
Sau khi cắm cành, ta phải giữ ẩm cho đất. Khoảng 10-15 ngày sau là hom sẽ mọc rễ và nảy chồi. Khi cây được 40-50cm thì bắt đầu thu hoạch, ta cắt cách gốc 10-15cm. Cây sẽ lại đâm chồi tiếp, lúc này cần bón thêm nước tiểu pha loãng hoặc dung dịch urê 1%. Ta phải luôn tưới ẩm cho đất nhưng cũng cần xới xáo để cho đất được thông thoáng. Cứ 20-25 ngày là ta lại được thu. Ruộng rau ngót có thể giữ được vài năm. Khi nào thấy cây già và cằn cỗi thì mới phải thay bằng cách trồng lại.
Nếu không trồng để kinh doanh thì mọi nhà cũng nên trồng một ít rau ngót để làm rau ăn hàng ngày.
Rau ngót còn được dùng làm thuốc để chữa sót nhau, tưa lưỡi ở trẻ em, chữa ho, viêm phổi, ban sởi, sốt cao, bí tiểu, tiêu độc... Vì vậy, nó là cây rất nên trồng trong gia đình. 

Trồng rau ngót thu 300 triệu đồng/năm

Nông dân Nguyễn Xuân Thủy (SN 1981) quê ở xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, Hà Nội mỗi năm thu tới 300 triệu đồng từ rau ngót, chưa kể nguồn thu từ các loại rau và cây ăn quả khác.
Nguyễn Xuân Thủy sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nên học hết cấp 3, anh vào Nam lập nghiệp. Do sống xa gia đình nên làm tới đâu tiêu hết tới đó, chán nản, Thủy quyết định về quê.


Trong vườn rau, anh Thủy trồng xen canh thêm các loại cây ăn quả.        T.L
Được sự động viên của bố mẹ, cuối năm 2005, anh vay mượn tiền đứng ra thầu 20.000m2 đất để trồng 3.000 cây cam canh và 2.000 cây bưởi Diễn. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật trồng trọt, anh thiệt hại cả trăm triệu đồng. Thủy chuyển sang chăn nuôi, lúc cao điểm anh nuôi tới 1.500 con gà, 2.000 con vịt đẻ, 500 con ngan. Tuy vậy, lần thứ hai này anh cũng thất bại, khi dịch cúm khiến gà vịt chết hàng loạt. Sau những thất bại liên tiếp Thủy không dừng lại mà đi nhiều nơi, cộng với việc nghiên cứu tài liệu về dinh dưỡng các loại rau, anh nhận thấy giá trị kinh tế từ cây rau ngót. Thủy chia sẻ: “Rau ngót là giống cây hoang dã, dễ trồng, có thể tận thu tới cả chục năm, nên tôi quyết chuyển sang trồng rau ngót luôn”.
Vì không mua được giống, Thủy tự nhân giống rau ngót từ những cây nhỏ trong vườn nhà, đến nay diện tích đất trống đã được phủ xanh. Trong vườn rau, anh trồng xen canh bưởi, mít, na và các loại rau như cà chua, đậu, rau muống… Nhờ sự mạnh dạn ấy, đến nay Thủy đã gặt hái được thành quả của mình. Mỗi ngày anh xuất ra thị trường 400 – 500 mớ rau ngót và các loại hoa quả khác, doanh thu lên tới 500 triệu đồng/năm và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân xung quanh.
Dù mới hơn 30 tuổi, Nguyễn Xuân Thủy vẫn được người dân tín nhiệm bầu giữ chức trưởng thôn. Với thành quả ban đầu của mình, anh mong muốn có thể giúp đỡ mọi người phát triển kinh tế bằng nghề nông như anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét