Chủ Nhật, 8 tháng 3, 2015

Trồng ớt thu bạc tỷ

Khi nghe tin ở Yên Định (Thanh Hóa) người ta trồng ớt thu 300 triệu/ha/vụ, nhiều người đã thán phục. Nhưng khi báo đưa tin ở Đà Lạt, người ta thu 1 tỷ đồng/5.000m2/vụ nhờ trồng ớt thì mọi người ngạc nhiên. Như vậy, 1ha có thể thu được 2 tỷ!
Tôi điện cho anh Lê Văn Cường - người chủ trại nổi tiếng ở Đà Lạt thì mới biết, đó là các cơ sở đang cộng tác với anh để trồng ớt, bán cho Nhật Bản. Người Nhật cấp giống cho cơ sở anh Cường và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Anh Cường giao thêm cho một số trại trong vùng để cùng làm. Công việc vào nền nếp. Người sản xuất đảm bảo đúng quy trình, đúng tiến bộ. Sản phẩm làm ra đạt yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Người mua giữ đúng hợp đồng. Tất cả đều có lợi. 
Tôi nghĩ, đây là cách làm ăn của thời đại. Chúng ta phải đảm bảo chữ tín để duy trì mối quan hệ giữa người sản xuất và người tiêu thụ. Bà con mình không thể phó mặc cho thị trường khi không chịu gắn tránh nhiệm của mình vào với sản phẩm. Niềm tin mà không có thì sản phẩm dễ bị dìm giá. Mấy hôm nay ở Hà Nội, giá củ cải quá rẻ: 10.000 đồng có thể mua được 4-5kg! (trong lúc chỉ bơm 1 lốp xe người ta đã thu từ 5.000-10.000 đồng). Vì vậy, nông dân phải liên kết lại và hợp tác với các đối tác chắc chắn. Cả 2 phía phải cùng giữ chữ tín thì việc làm ăn mới thành công. Bà con nên tới thăm hoặc trao đổi trực tiếp với anh Cường (ĐT: 0913.181.419) để hiểu thêm về cách làm ăn của họ.
Ớt đâu chỉ để xuất khẩu. Ở trong nước, lượng ớt tiêu thụ cũng rất lớn. Ta có cả ớt cay và ớt ngọt. Ớt cay có rất nhiều giống như ớt chỉ thiên, ớt tím, ớt cà, ớt sừng trâu... Người ta dùng nó làm gia vị hàng ngày. 
Ớt không khó trồng và cũng không kén đất. Tuy nhiên, vùng trồng ớt nên chọn nơi cao ráo và thoát nước tốt. Ở đồng bằng, nếu trồng ớt bà con phải lên luống cao và rãnh thoát nước phải đủ sâu và đủ rộng. Nếu để đất quá ẩm thì cây rất dễ bị bệnh thối cổ rễ và bệnh héo cây. Ta nên rắc vôi bột lên luống kết hợp với việc phun các loại thuốc trừ nấm gốc đồng để hạn chế nấm hại. Phải bón lót phân chuồng hoai mục và một lượng lân lớn (khoảng 500kg/ha). Nếu đất chua thì phải bón thêm vôi.
Ớt có thể trồng mật độ 25-30.000 cây/ha. Ta ươm hạt khoảng 1 tháng, cho tới khi cây được 5-6 lá thật và cao khoảng 10-15cm thì nhổ đi trồng. Sau khi trồng 15 ngày, ta bón thúc lần thứ nhất. Sau đó, tiếp tục bón thúc thêm 2 lần nữa khi cây bắt đầu ra hoa và thu hái quả lần đầu. Tuy ớt không chịu được úng nhưng đòi hỏi đất phải luôn luôn đủ ẩm. Phải chú ý nhổ cỏ, xới xáo đất và vun gốc thường xuyên. Sâu hại đối với ớt chủ yếu là sâu khoang, sâu xanh, rầy xanh, bọ phấn và nhện trắng. Ngoài ra, các bệnh héo xanh, bệnh thán thư, bệnh xoăn lá, bệnh khô héo nhánh cũng phải đề phòng.
Điều quyết định thành bại của các vùng trồng ớt lại chính là thị trường. Đầu ra mà ổn định thì bà con ta trồng ớt sẽ thắng to.

Trồng ớt sừng trâu lời gấp 10 lần trồng lúa

 

(Dân Việt) - Thực hiện cơ cấu chuyển đổi cây trồng, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã đầu tư trồng ớt thay cây lúa, mía mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh Châu Văn Phương ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre có truyền thống trồng mía, nhưng mấy năm nay giá cả bấp bênh, đời sống gia đình khó khăn. Được sự tư vấn của trạm khuyến nông huyện, anh đã mạnh dạn chuyển sang trồng loại giống ớt sừng vàng châu Phi ngắn ngày cho thu nhập nhanh, giá bán cao.
Mô hình trồng ớt sừng trâu đem lại thu nhập cao gấp 10 lần trồng lúa ở tỉnh Trà Vinh.
Hiện tại với 1 công đất trồng (1.000m2), cứ cách khoảng 2 ngày anh thu hái một lần được 30kg ớt sừng vàng châu Phi, bán với giá 10.000 - 12.000 đồng/kg. Sau khi trừ hết các loại chi phí, anh còn lãi hơn 50 triệu đồng/2 vụ/năm. Có lúc cao điểm như dịp tết, ớt sừng vàng bán được giá đến 35.000 đồng/kg, làm gia đình anh rất phấn khởi, cuộc sống từ đó ổn định hơn.
Nông dân ấp Giồng Nổi, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh cũng nổi tiếng với mô hình trồng ớt làm giàu khá bài bản, thành lập hẳn một tổ hợp tác trồng ớt với hơn 25 thành viên. Ban đầu, gia đình anh Phạm Văn Hơn có 3 công đất trồng lúa không hiệu quả. Anh đã tham gia vào tổ hợp tác và chuyển đổi sang trồng giống ớt sừng trâu F1 châu Phi. Thời gian từ lúc trồng đến lúc thu hoạch là 2,5 tháng, gia đình anh thu hoạch hơn 2 tấn quả/công, thu gần 60 triệu đồng tiền lãi.
Gần đó có gia đình anh Phạm Phú Yên cũng tham gia vào tổ hợp tác trồng ớt với 1 công đất. Vụ này anh thu hoạch hơn 2,1 tấn quả/công, sau khi trừ chi phí, gia đình anh lãi khoảng 20 triệu đồng/vụ (3 tháng), cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Anh cho biết: “Khi trồng ớt, gia đình tôi có sử dụng màng phủ đem lại nhiều lợi ích như tránh được sâu bệnh, ít hao phân, thuốc trừ sâu...”.
Để đảm bảo cho các thành viên trong tổ hợp tác trồng ớt đạt hiệu quả kinh tế cao, tổ thường xuyên duy trì họp mặt các thành viên để đưa ra lịch thời vụ trồng bằng hình thức xoay vòng giữa các hộ trong tổ, tránh tình trạng dội chợ và liên kết với doanh nghiệp ở Cần Thơ thu mua toàn bộ sản phẩm.
Anh Huỳnh Văn Giàu - Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè cho biết: “Để tạo điều kiện cho bà con phát triển kinh tế gia đình, xã đã vận động thành lập tổ hợp tác trồng ớt, nhằm giúp cho các hộ nông dân có điều kiện tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đưa vào sản xuất. Mô hình này hiện đang đạt hiệu quả khá cao, cho thu nhập gấp 8 - 10 lần trồng lúa. Xã sẽ tạo điều kiện cho tổ hợp tác trồng ớt tiếp cận được nguồn vốn của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng NNPTNT để nhân rộng mô hình”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét